“Hạt bụi nhân gian”, tên triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, người con Bình Định nhưng 60 năm sống ở Cố đô Huế. Ông mang 20 tác phẩm mới sáng tác trong hai năm qua tới công chúng Hà Nội, mang những nét mới của mình đến với mùa thu Thủ đô. Sự kiện được tổ chức tại Nhà Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền - Tràng Tiền - Hoàn Kiếm - Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 02/11/2023.
Công chúng biết đến họa sĩ Đặng Mậu Tựu từ rất lâu, ông học trường Mỹ thuật Huế, lấy vợ ở Huế, thành thầy giáo dạy vẽ ở Huế. Ông dạy vẽ cho thiếu nhi từ khi phụ trách Nhà văn hóa thiếu nhi ngay sau giải phòng, rất nhiều thế hệ họa sĩ Huế hiện nay từng học với ông. Trước khi nghỉ hưu, ông là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế. Lớn lên trong thời gian đất nước còn chia cắt, trải qua nhiều thăng trầm cả trước và sau giải phóng, chứng kiến, gặp gỡ nhiều sự kiện, nhân vật trong xã hội, những trải nghiệm cá nhân, có lẽ chính là những điều ẩn chứa trong các tác phẩm của họa sĩ dù là sơn mài, lụa, sơn dầu... với đa dạng nội dung từ chân dung, con giáp, trừu tượng, hay các đề tài thiếu nhi trên lụa...
Các tác phẩm trong triển lãm lần này là 20 bức tranh trừu tượng, sơn dầu trên toan, được vẽ khác với những tranh đã sáng tác trước đây chúng tôi đã xem. “Các tác phẩm trừu tượng lần này rất khác.” Họa sĩ Trịnh Sinh Nha nhận xét ngay khi mới bước chân vào phòng trưng bày. Anh cũng đã từng thăm và xem nhiều tác phẩm được sáng tác trong nhiều năm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nên nhận ra ngay những nét mới.
Toàn bộ 20 tác phẩm là các tranh trừu tượng, bán trừu tượng và trừu tượng biểu hiện. Với cách vẽ và dùng màu khá riêng của họa sĩ, màu xanh đặc trưng ấn tượng. Các tác phẩm với từng câu chuyện có chủ ý. “Bức này người xem sẽ nhận ra ngay nét về Huế, thiếu nữ Huế, những sắc tím Huế phảng phất, gợi nhớ cho người đi xa.” Họa sĩ Trịnh Sinh Nha giới thiệu trước tác phẩm “Nàng vẫn còn trên đồi gió”.
Với cách dùng mạnh bạo màu sắc, sắc xanh các cấp độ, các tác phẩm trừu tượng biểu hiện vẫn rất mạch lạc, dẫn dắt áp đặt khán giả. Hình khối và nét vẽ trẻ trung nhưng rất sâu lắng. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một ký ức, một cách kể chuyện của họa sĩ về Huế. “Phố trong ký ức” hay “ký ức của bức tường cũ”. Họa sĩ kể những chuyện đã qua, có thể chỉ là một thoáng xa xưa vọng về trong mơ hồ, “Ký ức màu xanh”. Không chỉ kể về không gian kỷ niệm, họa sĩ còn kể cả âm thanh khi “Độc hành” trên “Đêm phố nhỏ” cùng với biết bao điều trầm mặc của thời gian, sâu lắng như những bức tường của Cố Đô Huế.
Thế nhưng, trong tranh không chỉ là quá khứ, những mầm sống, những ước vọng tươi sáng, nhưng ước mơ của tương lai cũng được thể hiện “Khi đã yêu” và “Khát vọng đồng xanh”, những đường nét ẩn dụ, ý nhị khéo léo như cuộc sống người Huế, vẫn mạnh mẽ toát lên trên những mảng màu để người xem phải suy nghĩ và lắng nghe...
Có lẽ cũng như con người họa sĩ, nhẹ nhàng kể chuyện, cả cuộc đời ở Huế, từng góc của Huế thấm đãm trong cơ thể, khi ngồi tiếp xúc và nói chuyện với họa sĩ, gợi dần từng câu chuyện sẽ được kể dần từng chuyện. Với tranh cũng vậy, cứ ngồi ngắm, mỗi lúc là nhận ra một điều của Huế hay của cuộc đời gắn trong hình khối và nét họa.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẽ rất nhiều, triển lãm cũng rất nhiều, từ khi 20 tuổi, năm 1973 đến nay hàng chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước, tranh được rất nhiều nhà sưu tập đón nhận. Họa sĩ cũng đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo hội họa, cũng như đau đáu phát triển mỹ thuật cho Huế, làm trẻ hóa hội họa Huế, trẻ hóa cả nội dung, phong cách và các họa sĩ. Thế nhưng, qua cuộc triển lãm lần này, xem các tác phẩm mới trưng bày, cũng như tên của triển lãm “Hạt bụi nhân gian”, tôi chợt nhận ra sự khiêm tốn, sự trầm lắng trong chính họa sĩ, dù ràng tôi cũng đọc phần tự bạch về hạt bụi của họa sĩ. Giống như rất nhiều tranh ông vẽ về ngựa, luôn ẩn mình nhưng rất mạnh mẽ. Luôn sẵn sàng tung vó đi xa...