Trên xa lộ thời gian vô tận, qua 700 năm hình thành phát triển, Lễ hội Đền Nguyễn Xí diễn ra cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch Quý Mão 2023, sẽ đồng hành cùng niềm vui lớn của dòng họ Nguyễn Đình - Thượng Xá: Năm đầu tiên nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Đền thờ - Khu mộ Nguyễn Xí (nói gọn là di tích Nguyễn Xí).
Trên đất Nghệ An hiện có 6 Di tích quốc gia đặc biệt (tính đến đầu năm 2023), trong đó bốn Di tích gồm Đền thờ Mai Hắc Đế, Khu tưởng niệm Bác Hồ, Nhà tưởng niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn đều thuộc huyện Nam Đàn; Di tích Km 0 đường mòn Hồ Chí Minh thuộc huyện Tân Kỳ; Di tích Nguyễn Xí ở huyện Nghi Lộc.
Khu mộ tại cánh Đồng Lầm. Ngày 23/3 âm lịch năm Ất Dậu - 1405, cụ Nguyễn Hội (thân Phụ) thình lình bị hổ vồ chết. Ngày 7/5 âm lịch (sau 44 ngày) cụ bà Vũ Thị Hạch (thân Mẫu) tột cùng đau buồn cũng lặng lẽ theo chồng. Thể phách hai cụ an táng tại cánh Đồng Lầm, tổng Thượng Xá (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), bấy giờ Nguyễn Xí 9 tuổi, anh trai là Nguyễn Biện 12 tuổi. Năm 1405 được coi là mốc hình thành khu mộ Tổ họ Nguyễn Đình, hiện gồm 8 phần mộ: Cụ Nguyễn Hội. Cụ bà Vũ Thị Hạch. Đức Tổ tướng Nguyễn Xí. Nguyễn Sư Hồi-con trai trưởng. Nguyễn Bá Sương - con trai thứ hai. Nguyễn Kế Sài - con trai thứ năm. Nguyễn Phùng Thời - con trai thứ sáu. Nguyễn Nhân Thực - con trai thứ 14. Riêng anh trai là Nguyễn Biện (bá Tổ) bị giặc Minh bắt hành quyết ngày 27 - 8 âm lịch năm 1419, tìm chưa thấy mộ, năm 2014 dựng bia đá tưởng niệm. Suốt 618 năm qua khu mộ được các thế hệ con cháu Nguyễn Đình bảo quản, tôn đắp, hương khói theo định ước của dòng họ và linh nghiệm của các tiền nhân nội tộc truyền lại.
Đền thờ Nguyễn Xí thường gọi Nhà thờ họ Nguyễn Đình, do các con cùng vương triều Lê Thánh Tông khởi lập tháng 10 năm 1467 dịp mãn tang Ngài. Đền tọa trên cuộc đất tách riêng với khu dân cư, thuộc tổng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đền trở hướng nam, lưng quay phía Bắc - nơi từ xa những ngọn núi sừng sững với các tên gọi: núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi... mỗi núi Cờ ở phía đông. Người xưa đặt tên núi nghe rất “trận mạc” là để hóa thạch cuộc đời-sự nghiệp của danh Tướng danh Thần Nguyễn Xí giữa quê hương.
Ngôi Đền thiêng đã 556 tuổi, qua nhiều lần trùng tu hiện có 4 phân khu: 1 - Khu chính điện gồm: Nhà bái đường, Nhà Trung điện, Sân trung điện, Gác chuông -Khánh, Nhà tả vu, Nhà hữu vu, Nhà Thượng điện. 2 - Khu “Hoa biểu” gồm Bảng hổ, Tứ trụ. 3 - Khu Cầu ao. 4 - Khu Tam quan gồm Cột đèn, Tả môn - hữu môn, Chính môn, trên lầu Chính môn khắc đại tự Hán ngữ: THIÊN KHAI CẤM SẮC (trời mở sắc đẹp).
Các Di tích lịch sử (DTLS) trên đất Việt Nam đều là nguồn tài nguyên nhân văn hàm chứa giá trị văn hóa - lịch sử - nghệ thuật - kiến trúc hấp dẫn, có sức lan tỏa mạnh liệt, là tài sản quý giá của quốc gia, dân tộc. Bảo vệ phát huy tốt giá trị DTLS là góp phần vào sự nghiệp giữ nước, góp phần đưa văn hóa Việt hòa nhập văn hoá nhân loại, đưa nước Việt sánh vai bạn bè trên thế giới.
Năm 938 Ngô Quyền giành độc lập tự chủ cho dân tộc, từ ấy các hậu Đế hậu Vương nước Việt đều coi nhà nước là phương tiện phục vụ nhân dân, sinh ra nhà nước là để phục vụ nhân dân. Điều đó lý giải vì sao dưới các triều đại khác nhau, các nhà nước Việt Nam đều tạo thuận lợi để nhân dân tham gia văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, đều khẳng định và luật hóa vai trò của nhân dân trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị DTLS. Gần đây nhất là nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau hai tháng giành độc lập, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Theo đó (trích): “Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.... “Những luật lệ về việc bảo tồn cổ tích vẫn để nguyên như cũ”... “Cấm phá hủy những đền, chùa, đình, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”. Kế thừa Sắc lệnh số 65/SL, thấm nhuần lời dạy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ năm 1976 là CHXHCN Việt Nam) tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân vào việc bảo vệ phát huy giá trị DTLS.
Từ nhiều thế kỷ trước dân gian xứ Nghệ đã nói về họ Nguyễn Đình - Thượng Xá: “Công lao vốn tự tổ tiên. An trạch dành cho con cháu. Tiếng tăm lừng lẫy Hoan Châu”. Danh tướng Nguyễn Xí có 15 người con trai nối dõi, đều là võ tướng Hậu Lê, 7 người nắm giữ các đơn vị chủ lực bảo vệ triều đình, 8 người chỉ huy 8 đạo quân trấn thủ các vùng xung yếu quốc gia Đại Việt. Các thế hệ con, cháu, chắt, chiu...của Nguyễn Xí lưu lại tiếng thơm tiết tháo thanh cao, “trung quân ái quốc”, cống hiến hy sinh vì dân vì nước, nhiều vị được dân bản địa truy tôn Thành hoàng làng lập thờ khắp ba miền. Từ thượng nguồn 15 vị tướng phát triển thành 15 Đại chi Nguyễn Đình, đến nay là đại ngàn nhân sinh với hàng triệu hậu duệ sinh sống làm ăn trong ngoài lãnh thổ nước Việt.
Tâm thành thờ phụng tiên Tổ, coi nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Đền thờ-Khu mổ Tổ dòng họ là vinh dự tự hào, cao cả thiêng liêng, trở thành nét đẹp truyền thống của họ Nguyễn Đình. Vượt lên khắc nghiệt của thời tiết thời gian, của bão táp xã hội và binh lửa cuồng phong, quần thể DTLS Nguyễn Xí vài chục năm nay được họ Nguyễn Đình và chính quyền địa phương trùng tu tôn tạo, nâng cấp mở rộng nhiều hạng mục. Tháng Giêng - Nhâm Thìn (2012) Hội đồng gia tộc khánh thành tôn tạo khu mộ. Giữa thắng cảnh “sơn kỳ thủy tú”, mộ cụ Nguyễn Hội “thiên táng”, mộ đức Tổ Nguyễn Xí quốc táng, vẫn nguyên trạng mộ đất hình tròn cỡ lớn tọa ở vị trí trung tâm, mỗi ngôi bao tròn bằng 24 phiến đá xanh Thanh Hóa chạm khắc tinh xảo (số 24 tượng trưng 16 con trai 8 con gái của đức Tổ Nguyễn Xí). Dịp tôn tạo này dòng họ tậu thêm ruộng liền kề của cư dân, đưa diện tích khuôn viên lên tới 6808,6m2 (gấp 10 lần so với trước), từ ấy tới nay tròn 10 năm, con cháu ở khắp nơi mang hàng trăm cây quý về trồng cung tiến, nay mai vạt rừng cổ thụ sẽ rợp bóng khuôn viên Khu mộ Tổ.
Trong lòng đất “thiên trụ” Thượng Xá còn có mộ phần những Danh nhân lịch sử thuộc hàng cháu, chắt, chiu, chút, chít... họ Nguyễn Đình, nhiều vị có chức không có tước như Nguyễn Đình Đắc (đời 12) Phó tướng của Nguyễn Ánh - Gia Long. Các tiền bối cách mạng Phùng Chí Kiên-Nguyễn Vỹ (1901 - 1941) Tướng truy phong; Nguyễn Phong Sắc (1902 - 1931) Bí thư xứ ủy Trung kỳ; Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng... là những “trống đặc không kêu”, ít người biết các vị là hậu duệ họ Nguyễn Đình. Sáu thế kỷ qua dòng họ “trâm anh thế phiệt” cùng cư dân - chính quyền sở tại, chăm lo quản lý, giữ gìn, phát huy DTLS kết quả mỹ mãn.
Nay quần thể di tích được Nhà nước tôn vinh cấp độ cao hơn, đã mở ra cơ hội phát triển du lịch trên vùng “địa linh” Thượng Xá. Để phát huy bền vững giá trị di tích Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An và họ Nguyễn Đình cần lập Quy hoạch phát triển hạ tầng theo hướng giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, không phát triển công trình cao tầng, khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt phạm vi “đất thiên trụ” và các kiến trúc lăng mộ danh nhân lịch sử, các di tích đình, đền, chùa, miếu, mão... có giá trị gắn với lịch sử hình thành phát triển quê hương. Giám sát chặt chẽ việc hoạt động bảo tồn, tu tạo, xây dựng... vốn nhạy cảm với môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Cần sự phối hợp có hiệu quả của liên ngành về đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch di sản.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch di sản mang giá trị văn hóa sâu sắc. Nằm giữa “sơn kỳ thủy tú”, “đất thiên trụ” Thượng Xá ôm trong lòng lăng mộ các danh nhân là cháu, chắt, chiu, chít... của Tướng Nguyễn Xí. Trên cuộc đất này từng hiện hữu các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, với các lễ hội dân gian truyền thống, các nghi thức tín ngưỡng tâm linh. Tìm hiểu giá trị văn hóa có ở quần thể di tích Nguyễn Xí, sẽ cảm nhận loạt giá trị phi vật thể như: Nghi thức đại tế tiến hành tại Đền thờ vào dịp 30/10 âm lịch giỗ kỵ Ngài, và ngày cuối của tháng Giêng vắt sang tháng Hai âm lịch dịp Lễ hội mừng công (còn gọi là Lễ hội Đền Nguyễn Xí); Du khách vẫy vùng trong “kho” truyền thuyết, huyền thoại, ca dao, hò vè (thể truyền ngôn); trong thơ ca, văn xuôi và tranh dân gian... cổ kim có tuổi đời trên 5 thế kỷ. Tất cả đều “ngợi ca không dứt” về Con người-cuộc đời-sự nghiệp lẫy lừngcủa danh Tướng danh Thần Nguyễn Xí. Trữ lượng giá trị nhân văn từ “ngọn núi” di sản phi vật thể này có sức lay động lan tỏa mãnh liệt, vượt ra ngoài khuôn khổ một dòng họ. Và du khách cảm thấy thú vị từ những mảnh ghép mà nắm bắt được thông tin về lịch sử hình thành phát triển của quê hương, đất nước, với ngổn ngang biến cố thăng trầm. Những nội dung có ở DTQGĐB Nguyễn Xí, chính quyền địa phương-dòng họ Nguyễn Đình cùng ngành du lịch xây dựng nội dung tua tuyến du lịch.
Để du lịch khai thác DTQGĐB Nguyễn Xí hiệu quả, bền vững, về lâu dài tỉnh Nghệ An cần lập Quy hoạch hạ tầng, sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực và trình độ chuyên ngành. Để du khách trong ngoài nước đến với “núi” giá trị nhân văn Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An và họ Nguyễn Đình nên tổ chức Hội thảo chuyên sâu để tiếp thu có chọn lọc ý kiến của giới chuyên môn về các phần việc quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích vốn có. Trước mắt cần tham khảo cách làm của Ban quản lý các Di tích Đền thờ vua Hùng, vua Lý, vua Trần, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vẫn là vùng đất “sơn kỳ thủy tú” nhưng trên văn bản nhà nước không còn tên Thượng Xá nữa, ngày nay chủ nhân vùng đất này là các thế hệ thời đại 4.0, họ năng động, sáng tạo, hễ ngành du lịch phát triển tua tuyến tới đâu, người dân sở tại “xã hội hóa du lịch” mở các cơ sở dịch vụ kèm theo, đáp ứng nhu cầu tiêu tiền của du khách có mặt tại đó. Được biết, những năm gần đây doanh thu từ du lịch tham quan các DTLS vừa nêu đều được trích một phần để dùng vào việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng di tích, kết quả này chứng tỏ du lịch tham quan DTLS đã đóng góp tích cực, bền vững vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Việc khai thác di tích Nguyễn Xí phục vụ tham quan cần được duy trì ở mức phù hợp, vừa phải. Với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Nghệ An cũng vận hành theo quy luật thị trường, nghĩa là có trồng có chăm mới có cái thu hoạch. Phải nhìn nhận rằng du lịch tạo ra nhiều lợi ích, nhưng nếu phát triển kinh tế mà không tuân thủ quy hoạch có hệ thống, nếu phát triển kinh tế mà không hướng tới sự bền vững, ổn định, lâu dài thì sớm muộn cũng bị “gậy ông đập lưng ông”.
Bổng nhớ ngụ ngôn “Gà đẻ trứng vàng” từ 26 thế kỷ trước của Nhà văn Ê-dốp thời Hy Lạp cổ đại. Vợ chồng nọ nuôi đàn gà mái, ngày nào chúng cũng đẻ trứng. Thình lình một ả gà đẻ quả trứng vàng, vợ chồng phấn khởi nghĩ trong bụng ả gà này chứa toàn trứng vàng. Lòng tham không đáy muốn giấc mơ đổi đời sớm hiện thực, vợ chồng bèn mổ thịt ả mái để lấy số trứng vàng trong bụng nó. Ngu hết phần thiên hạ khiến vợ chồng nọ nghèo vẫn hoàn nghèo. "Phú” “quý” ma mị chỉ lôi kéo được những kẻ “người ít con nhiều”. Với những người nặng trách nhiệm vì nước vì dân thì chẳng tiền núi bạc bể nào trói buộc nổi họ tham bát bỏ mâm./.