Đâu phải "Chuyện trên trời"

Hải Đường

27/11/2021 15:49

Theo dõi trên

Nhân sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm 24-11, mấy vị doanh nhân bàn bạc rôm rả lắm. Rằng, dân tộc mình là dân tộc văn hiến, có mấy nghìn năm lịch sử.

chuy-vhdn1-1638002916.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cách đây đã hơn 200 năm khi quyết chí diệt giặc phương Bắc, Vua Quang Trung đã tuyên bố phải “đánh cho răng đen, đánh cho dài tóc”, nghĩa là đánh tan giặc thù không chỉ để giữ yên bờ cõi mà còn là để giữ được gốc gác, giống nòi, không bị đồng hóa, không bị pha tạp.

Văn hóa, một khái niệm đủ rộng dài. Người thì nói có hơn 200, người khác bảo có tới hơn 500 định nghĩa về văn hóa. Có giám đốc một công ty văn hóa, tức là ông có đủ hai vai: doanh nhân và văn hóa, nói chắc như dao chém đá: “Tôi thích cái định nghĩa này: Văn hóa là cái hóa thành văn”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tầm vóc tại Hội nghị đã nói rất tỉ mỉ, gắn với những nhiệm vụ mà chúng ta đang nghĩ, đang nói, đang làm hôm nay. Đồng chí còn đọc cả bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, viết từ năm 1936. Thì vẫn theo ông giám đốc “hai vai” hai gánh: Ý “Cụ” là hội nhập, mở cửa đương nhiên rồi, nhưng phải giữ lấy cái chân mộc, cái tinh túy của mình, đừng làm nhòe, đừng đánh mất, thậm chí phỉ báng lại chính mình.

Nhưng đấy là nói về văn hóa chung. Cái điều mà mấy ông giám đốc, chuyên gia trong doanh nghiệp bàn tới hôm nay là, vậy văn hóa doanh nhân trong lúc này, thời kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, hình thù nó ra sao. Văn hóa doanh nhân có đến… vài trăm định nghĩa không? Với tinh thần không làm phức tạp những vấn đề đơn giản, không làm rối tinh rối mù “cuốn chỉ tư duy”, một ông giảng dạy ở học viện: Tôi thích cái lối nói của bác nhà văn Lê Lựu viết Thời xa vắng ấy. Bác ấy kể, Trung tâm văn hóa doanh nhân đã từng trao 30 biểu tượng vàng cho các doanh nhân đạt tiêu chuẩn văn hóa. Người được trao phải đạt sáu tiêu chí: một, người lao động có đời sống cao; hai, làm ra được nhiều của cải cho xã hội; ba, đóng góp cho Nhà nước được nhiều, không trốn, lậu thuế; bốn, không có những hành động vô văn hóa với công nhân; năm, nhãn hiệu và thương hiệu được công nhận là đơn vị mạnh; sáu, không làm ăn gian dối, vi phạm luật pháp.

Đấy, hãy khoan sa vào cái món định danh, định nghĩa. “Cái hóa thành văn” đâu có dễ cân đo đong đếm. Cũng như ta nói “văn hóa trong Đảng”, cụ thể hóa ra thì có khi phải viết cả cuốn sách. Nước ta là nước nông nghiệp, mới đi vào công nghiệp được bốn, năm thập niên, mà thật sự đẩy mạnh công nghiệp hóa, thì mới tính từ Đại hội VI của Đảng, hơn 35 năm nay. Cho nên nói văn hóa doanh nhân cũng là bàn đến vấn đề cần thiết lắm và cũng không phải bàn là xong ngay. Sáu tiêu chí Trung tâm văn hóa doanh nhân xây dựng kể cũng đã là cốt lõi.

Cà phê sáng nay mấy doanh nhân nghiêng nhiều về khía cạnh đạo đức của nhà doanh nghiệp. Rằng, nói đạo đức người sản xuất, kinh doanh là cần kíp nhất. Giống như thầy thuốc phải có y đức, nhà báo, nhà giáo cũng đã có quy định về đạo đức nghề nghiệp. Người có đạo đức kinh doanh là người có tâm, có tầm, có tài và có trí. Không hội đủ “bốn T” này, khó mà giữ được đạo đức trọn vẹn. Làm ăn trong cơ chế thị trường, mở cửa, ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản thân hữu, của lợi ích nhóm, của tư tưởng, tác phong tiểu nông phong kiến chi phối ghê gớm lắm. Cứng nhắc, nguyên tắc quá, đừng có hi vọng kiếm được dự án béo bở. Linh hoạt quá, cơ chế thoáng quá thì dễ vi phạm pháp luật. Chả hiếm người tỉnh rụi, kinh doanh mà cứ như đi trên dây cố giữ thăng bằng, vậy mà cuối cùng vẫn cứ rơi. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tặc lưỡi, vận may chưa đến (!)

Kinh nghiệm từ những tỉ phú đô-la cả Ta và Tây thì họ nói giống nhau cả. Nào là: Hãy đầu tư vào chính mình; hãy thay đổi bản thân; nào là, hãy cố gắng hết sức, làm ngay từ bây giờ và ở đây; thường xuyên thay đổi suy nghĩ, nếu bạn nghĩ về những điều mọi người đều nghĩ, thì không có cơ hội, v.v và v.v.. Điều này thì cha ông ta cũng đã nói, đừng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào; buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện; đặt người đúng chỗ, “hảo thiết bất đả đinh” (thép tốt không dùng làm đinh). Đặc biệt, nói về đạo làm người, về đạo đức kinh doanh, người xưa dặn: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà.

Suy thế mà lấy làm tiếc cho không ít ông chủ đã đi sai đường, doanh nghiệp lao đao, phá sản, bao người vào vòng lao lý. Chuyện nóng nhất là hôm 25-11, giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng , 45 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, bị bắt do có liên quan đến nhóm bị can buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 53 triệu USD ra nước ngoài và chiếm đoạt hàng trăm tỷ tiền thuế. Hoàng từng có thời gian tiếng tăm nổi như cồn, là hình mẫu doanh nghiệp trẻ năng động.

Nguyên nhân phạm tội là do anh ta cùng đồng phạm làm ăn gian dối. Và suy cho cùng, văn hóa doanh nhân đã chưa được coi trọng, chưa thấm sâu vào trong mọi hoạt động của doanh nghiệp này. Chưa coi trọng nên sa vào lối làm ăn gian dối, làm liều, làm ẩu và nhờ có chút ít “quan hệ”, đã có “bôi trơn”, cứ nghĩ sẽ qua mặt nhà chức trách, sẽ trót lọt – điều mà có người gọi là “hội chứng mộng du”.

Thế nên, bàn về văn hóa doanh nhân lúc này đâu phải “chuyện trên trời”, mà đang là chuyện dưới đất, chuyện căn cơ trong từng doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Đâu phải "Chuyện trên trời"" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn