Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan di tích Hải Vân Quan vào một ngày đầu xuân Giáp Thìn. Đây được xem là một công trình quân sự, nhất là biên phòng do triều đình nhà Nguyễn xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân vào năm 1826 để bảo vệ kinh thành Huế và giám sát các hoạt động ở vùng cửa biển Đà Nẵng. Mặc dầu hiện nay, di tích đang đại trùng tu và chưa mở cửa nhưng đã có đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, check-in.
Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2017, di tích Hải Vân Quan đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước trên con đường thiên lý Bắc Nam. Thật là: “Xa mờ trên Hải Vân Quan / Thành xây khói biếc chiều vàng non phơi”.
Lần theo trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”. Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô và Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chăm Pa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời nhà Trần. Hiện nay, đèo Hải Vân là con đường đèo đẹp nhất nước ta, nằm giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Với độ cao ở đỉnh đèo là 496m so với mực nước biển, đèo Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) dài 21km vắt ngang qua những nhánh của những ngọn núi của dãy Trường Sơn nơi đâm ra biển Đông. Đèo Hải Vân nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất VN trên con đường thiên lý Bắc- Nam hơn 700 năm qua.
Theo sử liệu, Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826). Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan, ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hải Vân Quan tọa lạc giữa 2 địa phương (thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử và biên phòng, Hải Vân Quan còn được biết đến là một danh thắng nổi tiếng được xem là “quan ải hoành tráng nhất dưới bầu trời”. Hải Vân Quan được các nhà quân sự đánh giá là vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự hiện diện của Hải Vân Quan dưới triều Nguyễn đã phản ánh phần nào tinh thần giữ nước của người xưa.
Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 198 năm lịch sử (1826 - 2024) với nhiều biến động. Đặc biệt, di tích này đã chịu tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ nên diện mạo thay đổi nhiều. Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm một cách đúng mức trong thời gian dài...
Tôi đã có nhiều lần tham gia chương trình hoạt động văn hoá, văn nghệ như ca nhạc, ngâm thơ, triển lãm ảnh, thư pháp, ẩm thực rất sôi nổi của hàng trăm văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế sáng tác, biểu diễn tại di tích Hải Vân Quan. Theo đó, chương trình gồm có các tiết mục như: Tổ chức dâng hương tưởng nhớ Tổ tiên, anh hùng liệt sĩ, nghĩa sĩ với đông đảo các bô lão và hội viên Cựu Chiến binh thuộc hội Người Cao tuổi và hội CCB của phường Hoà Hiệp Bắc (Liên Chiểu) với nghi thức tế lễ cổ truyền dân tộc. Trong chương trình giao lưu, về phía tỉnh bạn có các văn nghệ sĩ của tạp chí Sông Hương và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sát với QL1, khu vực Hải Vân Quan có dựng bia tưởng niệm: “Di tích chiến thắng đồn Nhất”, trên mặt bia còn khắc nội dung như sau: “Đồn Nhất vốn là một vị trí quân sự quan trọng được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Cuối năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta đã cải tạo, củng cố đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc có tường dày 1 thước, cao 3 thước bao quanh. Án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở do 2 trung đội lính Âu Phi chiếm giữ. Trong chiến dịch Hè thu 1952, vào lúc rạng sáng ngày 25 / 9, Đồn Nhất đã bị đại đội 6 tăng cường của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5 tấn công tiêu diệt và bắt sống một số tên, trong đó có tên quan hai Pháp đồn trưởng, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng…”.
Theo thông tin của các ngành chức năng, năm 2021, đại dự án tôn tạo, trùng tu di tích này được triển khai, và đến nay sau hơn 2 năm trùng tu, Di tích Quốc gia Hải Vân Quan đang dần hoàn thiện, kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân thu hút đông đảo người dân, du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, con người, cảnh sắc Việt Nam. Trong đó, riêng với ngành du lịch, kỳ vọng Hải Vân Quan sẽ là điểm đến, dừng chân của người dân, du khách, góp phần quảng bá nhiều hơn hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Và với du khách bốn phương trên hành trình dọc dài đất nước, khám phá vẻ đẹp cảnh sắc và con người Việt Nam - khi dừng chân tại Hải Vân Quan, sẻ cảm nhận thêm cảnh sắc nơi đây. Di tích hồi sinh và hơn thế, niềm tự hào về lịch sử dân tộc sẽ được nhân lên, khi các địa phương cùng bắt tay tôn tạo, gìn giữ và phát huy một cách có hiệu quả.
Từ lâu, hầm đường bộ Hải Vân đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn thích “đi phượt” lên đèo để chiêm ngưỡng, khám phá, trải nghiệm và chụp những cảnh đẹp hùng vĩ, ngoạn mục trên đèo.
Trong những ngày nắng đầu xuân Giáp Thìn-2024 nắng đẹp, từ đèo Hải Vân, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cầu Thuận Phước, cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những “viền” cát vàng ôm lấy mặt nước trong xanh của biển khơi./.
Một số hình ảnh khác: