Đền Ông Hoàng Mười: Bảo lưu phong tục, tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống

Trong hệ thống Đạo Mẫu, Quan Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên.
z5983611424510-e4b4ff1dad34453f18c501a21c09894d-1730300265.jpg
Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu 

Quan Hoàng Mười 

Trong hệ thống Đạo Mẫu, Quan Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh của Vua cha, Ông giáng trần để giúp dân, phù đời, được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm soát khâm sai ở xứ Nghệ. 

Theo hồ sơ di sản, Cục Di sản văn hóa, tương truyền, Ngài là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Nguyễn Duy Lạc - là những nhân vật lịch sử gắn bó với Xứ Nghệ, có nhiều công trạng với nước, với dân, có thân thế gần giống như Quan Hoàng Mười.

Trong bài viết “Ông Hoàng Mười trong hệ thống truyền thuyết dân gian và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở xứ Nghệ” của tác giả Bùi Quang Thanh (Văn hóa Nghệ An), nhân vật ông Hoàng Mười được truyền tụng trong dân gian và thờ phụng trong không gian tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nghi Xuân và Hưng Nguyên chính là Nguyễn Xí. 

Và theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa, giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí có sức nặng hơn cả. Trong số đó, có người lại cho rằng, xét về lịch sử, ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời với Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc khai quốc công thần dưới thời Lê, có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược, khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải, vươn đến phú quý, hưng thịnh. 

z5983611405329-88ccdf85a6468a607e1c82a096519afb-1730300378.jpg
Lễ hội đền Ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại với lịch sử của đền Ông Hoàng Mười từ thế kỷ thứ XVII... Ảnh: Nguyễn Diệu

Tuy nhiên, truyền thuyết dân gian cũng như thực hành tín ngưỡng phụng thờ ông Hoàng Mười thì sinh thời Ông vốn là quan trấn thủ Nghệ An xứ, có công với dân với nước, sau khi mất, ông hiển linh và được lập đền thờ. Một, chính sử cho biết, mặc dù là danh tướng khai quốc công thần triều Hậu Lê, nhưng Nguyễn Xí chưa bao giờ được triều đình cắt cử làm Trấn thủ Nghệ An xứ, trong khi đó, trên thực tế, chức này lại thuộc về danh tướng Lê Khôi. 

Hai, nếu cho rằng ngôi đền Củi “được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời với Nguyễn Xí” là không hợp lý, bởi lẽ, Nguyễn Xí mất năm 1465, cách thời điểm dựng đền gần hai trăm năm, thì sao lại cho là “cùng thời” được? Ba là, tại không gian phụng thờ Ông Hoàng Mười, hiện không có bài văn cúng tế nào liên quan đến danh xưng, tước hiệu của danh tướng Nguyễn Xí.

Và không ít người lại cho rằng, ông Hoàng Mười thực chất là hóa thân của danh tướng Lê Khôi, bởi những tương đồng trên thực tế lịch sử với thực hành văn hóa dân gian trong không gian tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phủ. Chính sử còn ghi rõ: Lê Khôi là nhân vật lịch sử có công tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. 

Ông làm quan trải 3 đời vua (Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông) với nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ vương triều nhà Lê. Năm 1443, sách Bách thần sự tích đã chép: Vào đời vua Nhân Tông, Lê Khôi được phong thần hiệu Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đẳng xứ, giữ chức Nhập nội thiếu úy, làm Đốc trấn Nghệ An. Trực tiếp làm quan cai trị trấn Nghệ An, danh tướng Lê Khôi đã tập trung công sức chăm lo đời sống dân sinh, chống đỡ mưa lũ, làm cho mùa màng tươi tốt, dân tình ấm no. 

z5983611403673-3e6b08b08988601893903ac81fd9591f-1730300612.jpg
Nét đặc sắc của lễ hội đền ông Hoàng Mười là các hoạt động gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Năm 1446, niên hiệu Thái Hòa thứ 4, Lê Khôi được lệnh đem quân bản bộ (từ trấn Nghệ An) cùng tướng Lê Khải tiến đánh phương Nam. Quân địch thua to, quân triều đình thừa thắng tiến vào đất Chiêm Thành (vùng Bình Định). Trên đường chiến thắng trở về kinh đô, ông lâm bệnh nặng và mất ngày mồng 3 tháng 5 tại núi Nam Giới, thuộc vùng biển Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bây giờ. Đối chiếu với truyền thuyết dân gian về ngôi vị Trấn thủ Nghệ An của danh tướng được hóa thân thành ông Hoàng Mười và nội dung bài văn tế tại đền Củi (xã Xuân Am) hiện nay (vốn được các bậc cao niên soạn theo bài văn tế bằng chữ Hán, do tiền nhân truyền lại) thì thấy có sự trùng hợp: “Kính thỉnh Đức Thái úy quan Hoàng Mười tôn chủ, sắc hiệu Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đẳng xứ, kiêm Thủy bộ chư doanh, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái úy Vị Quốc công... Kính thỉnh… Tam tòa Thánh Mẫu, Kính thỉnh… Song Đồng Ngọc Nữ…”. Như vậy, có thể thấy rõ, những danh xưng trong lời thỉnh cúng này tương đồng với thần hiệu và chức sắc của danh tướng Lê Khôi. (Ông Hoàng Mười trong hệ thống truyền thuyết dân gian và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở xứ Nghệ - Bùi Quang Thanh, Văn hóa Nghệ An). 

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại với lịch sử của đền Ông Hoàng Mười từ thế kỷ thứ XVII, thời Lê Trung Hưng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười. Theo bản “Xuân Am thôn tục lệ” hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các triều đại Phong kiến đều ban sắc phong thần cho các vị thần được thờ phụng tại đây. Triều đình giao cho làng Xuân Am phải có trách nhiệm “tòng tiền phụng sự” các vị thần, được quy định nghiêm ngặt trong bản hương ước của làng. 

Ngoài các ngày lễ, Tết, ngày rằm hàng tháng phải cúng bái chu đáo, thì có lễ Tự điển (Tế điển) vào ngày 15 tháng Ba Âm lịch được tổ chức có quy mô lớn đầy đủ các nghi lễ: lễ rước, lễ yết cáo, lễ đại tế, được nhân dân trong làng Xuân Am duy trì thực hành đều đặn hàng năm, coi như ngày hội lớn của làng.

z5983611429706-862d3f64c82c1664f8569de9828cc201-1730301525.jpg

Từ năm 1995, sau khi ngôi đền được phục dựng lại, Lễ hội đền Ông Hoàng Mười có sự thay đổi. Nhân dân làng Xuân Am đã tập trung tổ chức lễ hội chính vào dịp 10 tháng Mười Âm lịch (ngày hóa của quan Hoàng Mười, dịp tết cơm mới/tết Trùng thập/tết Hạ nguyên, ngày lễ của những người thực hành nghi lễ hầu đồng), người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp; ngày 15 tháng Ba chỉ thắp hương, dâng lễ.

Lễ hội diễn ra tại đền Ông Hoàng Mười, nhà thờ họ Nguyễn ở làng Xuân Am, nơi lưu giữ sắc phong. Các nghi lễ chính của hội gồm: Lễ khai quang/mộc dục (ngày 8 tháng Mười), Lễ rước sắc (ngày 9 tháng Mười), Lễ yết cáo, Lễ đại tế, Lễ tạ.

Lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn về đền Hoàng Mười, diễn ra vào chiều ngày 9, do từ thời Phong kiến, sắc phong thần của đền được giao cho dòng họ Nguyễn trông coi, lưu giữ. Khi làng tổ chức hội thì rước sắc ra đền, xong hội lại rước về nhà thờ. 

Hiện nhà thờ họ Nguyễn lưu giữ 18 sắc phong gốc, trong đó 15 sắc phong còn nguyên bản. Trước năm 1975, khi chưa có đường lớn, lễ rước sắc di chuyển bằng thuyền trên sông Cồn Mộc. Ngày nay, đường thuận tiện nên đoàn rước đi bằng đường bộ. 

z5983619829540-17d0c0d0090654392d62c9c28ac4f0e2-1730301657.jpg
Lễ hội đền Ông Hoàng Mười năm 2023

Nét đặc sắc của lễ hội đền ông Hoàng Mười là các hoạt động gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng. Ông Hoàng Mười là vị linh thần ở hàng thứ 3 trong hệ thống thần linh của điện thần Tứ phủ, được coi là vị thánh chuyên ban lộc về công danh. Ông Hoàng Mười thường xuyên giáng đồng, ngự trong thời gian lâu, xuất hiện sau các giá Quan và giá Chầu. 

Từ tháng 8 đến tháng 10 (Âm lịch), nghi lễ hầu đồng được thực hành thường xuyên tại đền, giúp con người giao tiếp, biểu đạt những ước muốn, khát vọng của mình với thần linh. Hầu đồng Quan Hoàng Mười tại Nghệ An có những nét đặc sắc khác biệt với các bài hát chầu văn ca ngợi công danh hiển hách của Quan Hoàng Mười, được cung văn tấu theo lối hát dân ca Nghệ Tĩnh. Ngài xuất hiện với phong cách đặc trưng của người con xứ Nghệ, đại diện cho cốt cách, khí phách con người xứ Nghệ: oai hùng, xông pha trận mạc, hào hoa, phong nhã, lãng mạn, yêu văn chương, thơ phú.

Bên cạnh các nghi lễ, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đánh cờ người, thả đèn hoa đăng…; trưng bày sản phẩm các làng nghề truyền thống; các hoạt động thể thao.

z4940881393440-a368e3aaced209832e084d2bf6ded6dd-1701661314-1701686244-1730301905.jpg
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên trình diễn xướng tại đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Việc lịch sử hóa, địa phương hóa Ông Hoàng Mười thành các nhân vật lịch sử như: Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí hay Nguyễn Duy Lạc cho thấy sự linh hoạt trong việc thể hiện truyền thống tôn vinh những người có công với quê hương đất nước của cư dân xứ Nghệ, nhắc nhở người đời sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Và nghi lễ hầu đồng bảo lưu, nuôi dưỡng hình thức nghệ thuật hát văn, giáo dục thế hệ trẻ về công lao của các anh hùng dân tộc.

Đền Ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634, từ thời Hậu Lê. Sau này trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã trở thành phế tích.

Đến năm 1995 đền mới được dựng lại và tôn tạo như ngày nay.

Ngày 12/11/2002, đền được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng “Di tích lịch sử - Văn hóa”.

Lễ hội Đền ông Hoàng Mười được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.

Các công trình của đền đều mang kiến trúc đền chùa thời Nhà Nguyễn. Các tòa Thượng Điện, Trung Điện, Hạ Điện được bố trí theo hình chữ Tam. Phía sau Thượng Điện có cung Cấm, nơi đặt tượng, lư hương thờ Ông Hoàng Mười. Ở gian giữa đặt bài vị lư hương thờ Ông Hoàng Mười để du khách các nơi về được chiêm bái, thắp hương. Phía bên phải thờ Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Nguyễn Duy Lạc. Phía bên trái thờ Song Đồng Ngọc Nữ được nhân dân tôn làm Đương Cảnh Thành Hoàng, làm Bà chúa Bản đền. Trong khuôn viên đền còn có lăng Mộ Đức Thánh Hoàng Mười nằm bên sông Cồn Mộc.