Dù trời có mưa nhưng tất cả đều có quân phục chỉnh tề, huân huy chương lấp lánh, tập hợp thẳng hàng báo cáo với anh linh Bác Hồ. Trước lúc xuất phát hành hương về dự lễ kỷ niệm 50 năm (ngày giổ các liệt sĩ tại Thành Cổ). Đoàn hành trình theo trục đường 1, có cảnh sát của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dẫn đường. Đến mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị của Quảng Trị chúng tôi thấy CCB của cả nước đã về rất đông đủ, nhất là các tỉnh phía Bắc. Tất cả tập trung về Thị xã Quảng Trị. Được chính quyền các đoàn thể Thị xã tiếp đón, phục vụ niềm nở. Chúng tôi dự mít tinh tưởng niệm, tri ân thắp hương, cầu siêu, dự lễ thả hoa đăng cả hai bờ Nam Bắc sông Thạch Hãn. Sau đó các đoàn lại dâng hương, hoa các nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, thăm hỏi đồng bào và tổ chức giao lưu văn hóa với địa phương.
Công việc gợi nhớ chúng tôi một thời “vì nhân dân quên mình” hành quân ngày đêm không nghỉ “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc – Quyết tâm “Ta chưa về khi Tổ Quốc chưa yên”. Thực hiện bằng được lời Bác Hồ dạy “Hễ còn một tên xâm lược, thì ta còn chiến đấu quyết sạch nó đi”. Cùng toàn dân đưa non sông về một mối.
Tại chuyến đi này đồng chí nào cũng mang thương bệnh tật trong mình. Rất ít đồng chí còn nguyên vẹn. Tôi là thương binh nặng nhất (mất sức 81%) . Nhưng thấy ai cũng vui bởi may mắn sống sót, cùng với thời gian luôn đau đáo nghĩ đến biết bao đồng đội ngã xuống bên mình nơi Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Luôn nhớ về đồng bào ở đấy đã đồng cam cộng khổ, hi sinh để quyết tâm bền gan chiến đấu giành thắng lợi. Nay gặp lại nhân dân có gì vui hơn. Tôi được Anh Sơn (phòng kế toán) và anh Hoàng Đức Nhân (phòng thương binh xã hội) cùng vài người dân của xã Triệu Ái, Triệu Phong cho xe đón tôi về ủy ban nhân dân rồi cùng đến thắp hương ở nghĩa trang xã nhà. Tại đây theo anh Nhân báo cáo vẫn còn 100 ngôi mộ được quy tập về nhưng chưa có tên cho liệt sĩ.
Cũng tại nghĩa trang này trong nhiều năm qua, tôi đã tìm được ba ngôi mộ liệt sĩ thuộc đơn vị tôi chính xác. Rồi tôi báo cho địa phương, thân nhân liệt sỹ và đã đưa về quê. Đó là liệt sĩ Đặng Văn Nga (quê Bắc Giang) và liệt sĩ Trần Tất Ngọ (quê Mỹ Trung ngoại thành Nam Định) nhưng không hiểu sao liệt sĩ Ngọ vẫn còn nguyên ở ngôi mộ số 10 khu B. Như vậy liệt sĩ Ngọ có hai ngôi mộ một ở quê và một còn ở chiến trường. Còn một ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Minh quê Hà Nam đơn vị C10D15E284 có vợ con đến nhận nhưng các danh mục vẫn chưa cụ thể trên bia mộ. Rất mong các cơ quan hữu quan sớm ổn định cho các liệt sĩ bởi chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ rồi.
Trái Tim Người Lính