Chuyến đi Cầu ngói Thanh Toàn để lại trong tôi cảm nhận thú vị về đất nước và con người Việt Nam. Vượt qua đói nghèo trong các thế kỷ trước, đất nước ngày đang tiến về tương lai nhưng sâu thẳm trong tinh thần vẫn hướng về tổ tiên nguồn cội.
Cầu Ngói Thanh Toàn là trọng điểm khu vui xuân “Chợ quê ngày hội” ở xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, Huế. Chiếc cầu cổ xưa có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, được công nhận là Di tích Quốc gia năm 1990. Cầu được xây dựng vào năm 1776 từ số tiền ủng hộ của bà Trần Thị Ðạo, vợ một vị quan lớn dưới triều vua Lê Hiển Tông. Hai ông bà không có con nên xây dựng chiếc cầu này để làm phúc. Bà được vua Lê Hiển Tông ban sắc khen ngợi, vào năm 1925 vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong cho bà là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò” và cho phép lập bàn thờ bà ngay trên căn giữa chiếc cầu. Mỗi lần xuân về hai bên cầu, có tổ chức “Chợ quê ngày hội” bán đầy đủ các món ăn đặc sản địa phương, tổ chức chơi bài chòi, đua ghe trên sông Như Ý, hò giã gạo…
Chiếc cầu độc đáo xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian. Hai bên thân cầu có hai dãy ghế gỗ và lan can để khách ngồi tựa lưng nghỉ ngơi, trò chuyện hay ngắm cảnh. Mái cầu lợp ngói lưu ly rất thoáng mát. Từ trên cầu khách có thể ngắm cảnh chợ quê nhộn nhịp, những cánh đồng trù phú lúa xuân xanh mơn mởn, giòng sông Như Ý uốn lượn bên luỹ tre xanh. Xa xa thấp thoáng các mái ngói đỏ au của Ủy ban xã, trường THCS, nhà Trưng bày Nông cụ..Phong cảnh đẹp tự nhiên, hài hòa, soi bóng lên con nước lửng lờ trôi êm đềm về biển.
Trên cầu, tôi ngạc nhiên vì xung quanh có rất nhiều nông dân đang ngồi nghỉ trưa thoải mái, thụ hưởng ngọn gió trời lồng lộng. Du khách nước ngoài đi lại nhẹ nhàng, trò chuyện líu lo, nhưng chỉ vừa đủ nghe. Du khách Việt từng cặp đôi thân mật chụp ảnh cho nhau. Bà Trần Thị Dìu - một cụ già trong làng nói tiếng Anh “làu làu” ngồi xem bói cho một đôi tình nhân từ Đà Nẵng đến. Trong lúc đó, trên bàn thờ bà Trần Thị Đạo (chính giữa cầu) trên bát nhang có rất nhiều nén hương của du khách mới thắp, nghi ngút khói thơm.
Cầu ngói Thanh Toàn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá - lịch sử trên đất Hương Thuỷ. Người dân vùng chiêm trũng này tự hào có nhiều di tích văn hóa - lịch sử - cách mạng, là những đình làng, miếu mạo, nhà thờ - nơi thờ các vị khai canh, khai khẩn và thờ Thành Hoàng. Khi du khách về xã Thuỷ Thanh, ngoài Cầu ngói Thanh Toàn, người dân địa phương còn muốn giới thiệu thêm các di tích văn hoá - lịch sử như đình làng Vân Thê, Phủ thờ Tôn Thất Thuyết và một số nhà thờ họ, phái.
Trong ngôi nhà Trưng bày Nông cụ, sắp xếp khá đầy đủ các nông cụ mà tổ tiên đã sử dụng để “cày sâu cuốc bẫm” làm ra hạt lúa. Thật xúc động khi thấy chiếc nôi tre, có bốn tao bằng dây thừng. Chiếc xe đạp nước bằng gỗ mà các đôi vợ chồng nông dân vừa đạp nước vào ruộng, vừa cất tiếng hò giữa đêm trăng thanh gió mát. Rồi đến chiếc áo đi mưa chằm bằng lá tơi vừa để tránh mưa vừa để chống rét của cha ông. Khách tha hồ nhìn ngắm chiếc xe quạt lúa, máy xay lúa bằng tay, cối chày giã gạo, cối đá xay bột, nồi đất, nồi đồng, mâm đồng v.v …