Di tích và gánh nặng danh hiệu

VOV.VN - Các địa phương chạy đua để di tích được công nhận danh hiệu, còn người dân nhiều nơi lại chịu cảnh “sống mòn” trong lòng di tích. Làm gì để việc xếp hạng di tích không trở thành hình thức cũng như gánh nặng cho người dân?
Di tích là trang sử sống, là dấu ấn về những biến động của nhiều thời kỳ lịch sử. Việc xếp hạng di tích có ý nghĩa quan trọng bởi từ đây di tích sẽ được bảo hộ bởi luật pháp về di sản văn hóa. Thế nhưng nếu chúng ta cứ lo xếp hạng, công nhận di tích mà không có biện pháp bảo vệ, trùng tu, tôn tạo theo đúng trình tự, tính chất của từng di tích thì hệ lụy mang lại cũng không hề nhỏ. 

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hiện cả nước có khoảng 40 nghìn di tích, trong số đó có gần 200 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích quốc gia và gần 10.000 di tích cấp tỉnh. Kể từ năm 2009 đến nay, đều đặn mỗi năm một lần Chính phủ công nhận thêm các di tích quốc gia đặc biệt khiến cho việc đón nhận danh hiệu này có xu hướng nhạt dần bởi sự “đại trà hóa”.

 

Thực tế là trong những năm vừa qua đã xuất hiện cuộc đua ngầm giữa các địa phương để có danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt. Với tâm lý thích danh hiệu để khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa vì "làng tôi cũng oanh liệt thế mà đình làng tôi không được xếp hạng trong khi đình làng bên lại được, cho nên nảy ra nhu cầu đôn đốc các cấp ủy, lãnh đạo địa phương làm thế nào trong nhiệm kỳ này phải xếp hạng bằng được di tích của địa phương mình". 

"Thực tế là nhiều trường hợp di tích chưa phải đã là tiêu biểu nhất, chưa đủ tiêu chí nhưng cũng buộc phải xem xét để công nhận thành di tích quốc gia đặc biệt theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Nhưng điểm mấu chốt tôi quan tâm đó là chuyện xếp hạng di tích nó không tương xứng với trách nhiệm bảo vệ cũng như phát huy giá trị của di tích như thế nào... Thì chúng ta lại chưa coi trọng vấn đề này. Và rõ ràng là cái gì hiếm nó mới quý, chứ như hiện giờ di tích quốc gia đặc biệt mà mỗi năm công nhận khoảng 20 di tích thì khoảng 3-4 năm nữa nó sẽ không còn là đặc biệt nữa". GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh.     

GS.TS Trương Quốc Bình nêu ví dụ: Có rất nhiều gia đình ở những địa phương có di tích được xếp hạng rồi (như làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhưng lại vướng vào những quy định pháp lý nên dẫn đến tình trạng người dân ngao ngán không muốn được xếp hạng di tích nữa, thậm chí là xin trả lại danh hiệu. Bên cạnh đó cũng có một thực trạng khác là các di tích được hưởng nguồn ngân sách tu sửa, bảo quản thì do làm không chuẩn nên việc tu sửa không được như mong muốn, việc trùng tu, tôn tạo di tích không tương xứng với giá trị mà các di tích hàm chứa.

Theo Luật Di sản thì di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đều được gọi chung là di tích và đều được quản lý dưới những quy định của Luật. Và như vậy thì việc áp dụng Luật trên từng di tích sẽ ít nhiều có sự khập khiễng bởi không phải di tích nào cũng mang giá trị giống nhau. Chẳng hạn, các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được chia làm 4 loại khác nhau: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, mỗi loại lại có những đặc trưng, đặc thù của nó. Vì vậy việc quản lý, bảo vệ và trùng tu, sửa chữa cũng cần phải căn cứ theo đặc tính của từng loại, chứ không thể cứ áp theo một tiêu chí, quy chuẩn chung.

Căn cứ theo Luật Di sản, tại chương 5 về phần quản lý nhà nước cũng đã xác định các cơ quan quản lý, bảo vệ di tích ở Việt Nam: ở Trung ương là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở địa phương là UBND các tỉnh có trách nhiệm và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao địa phương chịu trách nhiệm về những hoạt động này.

 

Tuy nhiên, trên thực tế các tỉnh sẽ phân cấp quản lý cho các huyện, rồi các huyện, thị xã lại phân cho phường, xã trông nom, quản lý di tích. Đây đều là những cơ quan không có chuyên môn cho nên họ chỉ quản lý theo chức năng hành chính. Mà cũng vì không có chuyên môn nên họ không theo dõi, không kịp thời uốn nắn với những hành vi tu bổ di tích không chuẩn mực, dẫn đến việc các cơ quan làm công tác tu bổ di tích thường là các công ty chỉ mang tính chất về xây dựng chứ không có chuyên môn về bảo tồn di tích. Vậy nên việc tu bổ di tích sai, làm hỏng giá trị gốc của di tích... là điều khó tránh khỏi. Đó là thực tế đáng buồn ở nước ta hiện nay. 

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản nói chung, di tích nói riêng, cần phải giải quyết hài hòa giữa vai trò quản lý của nhà nước với lợi ích của nhân dân, tránh tình trạng người dân sống trong di tích nhưng lại “khổ” vì danh hiệu di tích. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng xếp hạng “đại trà hóa”, vô hình chung chúng ta đang hạ thấp giá trị của di tích đó.