Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - Tập  (Kỳ 13)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 13.

  Đào Văn Trường nói:

-Tôi sẽ ra lệnh bắn, nhưng không phân biệt được đâu là quân ta, đâu là quân Pháp. Các đồng chí lấy mảnh dù trắng buộc lên đầu súng và rời xa mõm Cột Cờ đi.

-Rõ.

  Nguyễn Hùng Sinh ra lệnh:

-Tất cả lấy mảnh dù trắng buộc lên đầu súng và đi xa khỏi mõm Cột Cờ để pháo binh phân biệt mà bắn vào quân Pháp.

-Tuân lệnh.

dbp1ab-1661603262.jpg

Chiếc xe tăng của quân Pháp bị quân ta bắn cháy trên đồi A1. Ngày nay, chiếc xe này vẫn còn và trở thành một chứng tích chiến tranh trên đồi A1. (Ảnh: tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam)

 

  Đại đội 273, Trung đoàn 102, Đại đội 35 Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 buộc những mảnh dù trắng lên súng và cụm về một nơi. Pháo binh Việt Nam nhã đạn tới tấp dữ dội, xác quân Pháp tung lên theo khói lửa. Trong khi pháo  còn nổ, Nguyễn Hùng Sinh gọi cho Tiểu đoàn 18 đang ở C1:

-A lô, tôi Nguyễn Hùng Sinh đây, đồng chí cho ngay Tiểu đoàn theo giao thông hào sang chi viện cho A1.

-Tuân lệnh Trung đoàn trưởng.

 Nhờ pháo binh, nhờ tăng viện, bộ đội đã đánh bật quân Pháp khỏi mõm Cột Cờ, giữ vững một nửa A1 đã chiếm từ trước. Lính Pháp bỏ lại 100 xác chết. Quân Pháp lùi về giữ nửa đồi A1 còn lại. 22 giờ, Chỉ huy trưởng Phân khu Trung tâm gọi điện cho Bigeard:

-Ngài Thiếu tá có thể giữ được gì còn lại qua đêm nay không?

-Thưa Trung tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ một nửa đồi A1 này.

  A1 trở thành điểm mấu chốt của cuộc tranh chấp sinh tử giữa Pháp và Việt Nam trong những ngày tới vì nó là điểm sinh tử của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

      X                                     

   Tại Tổng hành dinh ở Mường Phăng, trong đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp với 5 Đại đoàn trưởng. Sau một lượt trà, Đại tướng nói:

-Sau 4 lần tấn công, quân ta không chiếm được nửa còn lại phía nam của đồi A1, lý do là trong lòng đất, Pháp đã cho xây hầm ngầm vốn ngày xưa là của Nhật Bản nhưng nay Pháp củng cố lại rất kiên cố, quân ta dùng bộc phá nhưng không rõ vị trí, cả hai lần đều đánh nhầm nơi khác, đạn pháo cũng không tiêu diệt được. Các đồng chí có sáng kiến gì không?

  Đại đoàn trưởng công- pháo binh Đào Văn Trường nói:

-Thưa Đại tướng, để diệt chiếc lô cốt hầm ngầm kiên cố này, xin giao cho Đại đoàn công pháo binh. Chúng tôi sẽ đào hầm ngầm và đặt 1.000kg bộc phá dưới đáy của hầm ngầm kiên cố của Pháp,  cho nổ tung lên trời.

  Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba nói:

-Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Đào Văn Trường, phương án này rất có khả thi.

  Đại tướng hỏi:

-Đào dài bao nhiêu mét và mất thời gian bao lâu?

  Đào Văn Trường đáp:

-Thưa Đại tướng, đào khoảng 2 tuần thì xong vì đất đồi A1 rất cứng, độ dài phải đào khoảng 20m.

  Đại tướng nói:

-Vậy giao cho Đại đội công binh của Đại Đoàn công-pháo binh của đồng chí Đào Văn Trường đào hầm ngầm để phá lô cốt ngầm.

  Ngừng một lát để uống nước, Đại tướng nói tiếp:

-Cho đến nay chúng ta coi như kết thúc đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm mà nhiệm vụ là tiêu diệt các cụm cứ điểm phía đông. Đợt tấn công thứ ba của chiến dịch là tiêu diệt Phân khu Trung tâm Mường Thanh, Sở chỉ huy De Castories và Phân khu Hồng Cúm, tín hiệu để báo hiệu đợt tấn công thứ ba là tiếng nổ của 1.000kg thuốc nổ dưới lòng đồi A1.

-Còn nữa, trong khi chờ đợi công binh đào xong hầm ngầm ở đồi A1 thì các Đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào: Đào hào trục chính bao vây Trung  tâm, đồng thời đào các con hào phụ vào gần chân các lô cốt, đào dưới dây thép gai của địch cắt rời sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, cắt đứt sự tiếp tế của Hà Nội cho Điện Biên Phủ, thiếu thốn đạn dược và đói khát sẽ làm cho quân Pháp phải sụp đổ. Chiến hào làm quân ta khi tấn công đỡ tốn xương máu, chiến hào cũng là những chiếc dây thòng lọng thắt vào cổ quân Pháp, bị bó buộc toàn thân, bất lực và thất bại không thể cứu vãn.

-Còn nữa, các Đại đoàn phát động phong trào bộ đội bắn tỉa ban đêm và ban ngày, mọi lúc mọi nơi để tiêu hao quân Pháp, làm cho chúng khiếp sợ không dám ló khỏi chiến hào, nhất là không cho chúng lấy nước ở sông Nậm Rốm. Chúng không chỉ chết đói, chết đạn mà còn chết khát. Quân Pháp sẽ bị đẩy vào cảnh khốn cùng.

-Khi đã bao vây không chế được sân bay, địa bàn quân Pháp bị thu hẹp thì dù do máy bay từ Hà Nội, Cát Bi thả xuống sẽ lọt phần lớn vào tay quân ta. Lương thực, thuốc men, súng đạn của quân Pháp sẽ bổ sung lương thực, súng đạn cho quân ta.

  Tất cả đều đáp:

-Tuân lệnh Đại Tướng.

-Chúc các đồng chí thắng lợi.

-Cảm ơn Đại tướng.

  Các tướng lĩnh ra về trong màn đêm se lạnh nhưng nóng bỏng bởi không khí của chiến trường. Đâu đó có tiếng hổ gầm, tiếng nai mang tác vọng xa trong gió núi sương ngàn.

  Hôm sau, Đại đoàn trưởng Đào Văn Trường giao nhiệm vụ cho Nguyễn Phú Xuyên Khung và các chiến sĩ Đại đội công binh M83:

-Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung:

-Có tôi, thưa Đại đoàn trưởng.

-Đồng chí đem một trung đội đào hầm ngầm xuyên dưới đáy lô cốt ngầm của Pháp ở A1, đặt thuốc nổ hất tung nó đi để quân ta đánh chiếm nửa đồi còn lại.

-Tuân lệnh Đại tá.

-Đồng chí định dùng bao nhiêu chiến sĩ?

-Thưa Đại tá, khoảng 25 người khỏe mạnh.

-Đào bao lâu thì xong.

-Dạ, khoảng 14 ngày.

-Mai bắt đầu tiến hành đi. Thuốc nổ đã đủ 1.000kg chưa?

-Dạ, mới có 500kg, còn thiếu 500kg nữa.

-Lấy ở đâu ra 500kg nữa, đồng chí có nguồn chưa?

-Thưa Đại tá, phòng không của ta vừa bắn rơi chiếc B24 trên đồi Độc Lập, máy bay không nổ. Tôi đã cho Nguyễn Văn Bạch và bốn chiến sĩ đến xem. Không rõ có còn bom hay không.

  Vừa khi đó Phạm Văn Bạch về. Nguyễn Phú Xuyên Khung hỏi:

-Đồng chí Bạch, trên máy bay còn bom không?

-Báo cáo anh trên máy bay còn 5 quả bom, tháo gỡ đem về được 600kg thuốc để làm bộc phá.

  Đào Văn Trường và mọi người cùng cười:

-Sao lại may mắn thế không biết.

  Đào Văn Trường nói tiếp:

-Việc thiếu 500kg thuốc nổ đã được khắc phục. Các đồng chí cố gắng đào càng nhanh càng tốt, vì tiếng nổ của 1.000kg bộc phá sẽ là tín hiệu mở đầu đợt tấn công thứ ba của chiến dịch. Tôi sẽ cho một tổ bảo vệ ở ngoài cửa hầm, phải an toàn và hết sức bí mật. Chúc các đồng chí thành công.

-Cảm ơn Đại tá.

  Tại Sở chỉ huy của De Castories sĩ quan tham mưu vào báo:

-Báo cáo Đại tá, nguy to rồi.

-Có việc gì?

-Việt Minh đã cho quân đào hào vây quanh Phân khu Trung tâm, loại thứ nhất là đường hào trục rộng có thể di chuyển pháo hạng nhẹ, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội. Loại đường hào thứ hai chạy từ những vị trí trú quân trong rừng chạy ra cánh đồng Mường Thanh, cắt đường hào trục tiến tới những cứ điểm, những lô cốt của ta mà tiêu diệt, Việt Nam lại ít bị thương vong. Đường hào của bộ binh chỉ rộng 0,5m, có hầm trú ẩn, hố tránh đạn pháo, có ụ súng.

  De Castories nói:

-Ra lệnh cho pháo binh bắn phá các đường hầm đó đi.

-Dạ, đường hào lan khắp mặt trận nên không bắn phá nổi.

-Cho máy bay ném bom được không?

-Các đường hào tới chân lô cốt và các cứ điểm của ta, ném bom thì ném cả vào quân ta, vả lại nếu bay thấp máy bay sẽ bị pháo cao xạ Việt Minh bắn rơi.

-Cho quân ta trong các lô cốt, trong các cứ điểm phản kích ra phá hào và ngăn chặn?

-Chiến hào của Việt Minh chui qua cả các bãi dây thép gai và bãi mìn của ta. Quan ta tấn công thì vướng vào dây thép gai và mìn của chính chúng ta.

-Nguy cơ lớn nhất các là đường hào đã cắt rời thành nhiều mảnh mặt sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, chúng ta mất sân bay sẽ mất nguồn tiếp tế duy nhất ạ.

  De Castories thở dài:

-Vậy thì Điện Biên Phủ nguy to rồi.

 Lại một sĩ quan phụ trách tác chiến vào báo:

-Báo cáo Đại tá, Quân việt Minh chưa tấn công nhưng quân ta bị bắn tỉa chết rất nhiều ạ.

-Cụ thể thế nào?

-Dạ, có ngày quân ta bị bắn tỉa chết 110 lính, nhất là khi quân ta ra lấy nước ở sông Nậm Rốm, thường 1 tiểu đội đi lấy nước bị bắn tỉa chết gần hết, cho đến nay gần 300 lính chết vì bị bắn tỉa, bằng cả một trận đánh lớn. Quân ta cứ nhô đầu lên khỏi chiến hào là bị bắn, cho nên rất hoảng loạn và khiếp đảm. Nạn thiếu nước lại càng trầm trọng do không dám ra sông lấy nước.

-Ngày 16 tháng 4 năm 1954, 35 lính đi tải nước về cứ điểm 105, bắc sân bay Hồng Cúm, qua đoạn đường 1 km chỉ còn 7 người. Thật là nguy kịch.

-Đêm 17 tháng 4 năm 1954, hai đại đội phải chiến đấu trong 10 tiếng để lấy 1 can nước và nửa tá hàng do dù máy bay thả xuống.

  Lại có bác sĩ cứu chữa thương binh vào:

  -Báo cáo Đại tá, chữa chạy cho thương binh ngày càng cực kỳ khó khăn. Nằm một giường tầng 6 người trong một căn hầm chật hẹp, người nằm trên rỏ máu mủ xuống người dưới, trời mưa nước tràn vào lầy lội, côn trùng, ruồi muỗi, gián, rắn, rết từ rừng, suối, vũng lầy ở chung quanh kéo tới hút máu mủ của thương binh để sinh sống ngay trên vết thương của họ. Những hố rác chôn dưới lòng hầm bị mưa nổi lên lềnh bềnh, nước sạch hoàn toàn không có. Hầm hố ẩm ướt thiếu không khí ánh sáng. Chiếc máy xúc đất duy nhất chuyên đào hố chôn người nhưng không còn chỗ chôn nữa vì số thương binh chết ngày càng tăng, không thể đem xác ra ngoài đồng hoặc rừng được.

(Còn nữa)

CVL