Điệp vên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 22)

Cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn sắp bắt đầu. Buổi chiều ngày 7/4, một chiếc xe gắn máy phóng tới tổng hành dinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Người ngồi trên xe gắn máy là ông Lê Đức Thọ - người mà cách đây 20 năm đã chủ trì buổi lễ kết nạp Phạm Xuân Ẩn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ mang một chiếc cặp bên trong đựng tờ mệnh lệnh cuộc tấn công cuối cùng mang tên "Tiến tới thắng lợi cuối cùng". Tờ lệnh này khẳng định, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch, các tướng Trần Văn Trà và Lê Đức Anh là các Phó Tư lệnh chiến dịch. Trong lời dặn dò lúc chia tay, ông Lê Đức Thọ nói với các đồng chí của mình rằng:

xuan-an-1651781747.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp

 

Kể cả khi họ (Hoa Kỳ) liều lĩnh can thiệp, họ cũng không thể xoay chuyển được tình hình. Họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại nặng nề hơn mà thôi. Chúng ta nhất định thắng.

Bộ Chính trị đặt tên cho kế hoạch mới của mình là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trận đánh vào Xuân Lộc, một cứ điểm then chốt của Quân đội Việt Nam Cộng hoà nằm bên quốc lộ 1 mở màn ngày 9/4. Trận Xuân Lộc có thể coi như một trong những trận ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vì Sư đoàn 18 quân đội Việt Nam Cộng hoà đã kháng cự ác liệt chứng tỏ đây là sư đoàn tinh nhuệ nhất trong số tất cả các sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, sau hai tuần giao tranh ác liệt và sau khi đã phá huỷ 37 xe tăng của quân đội Bắc Việt Nam và 5.000 quân, Sư đoàn 18 được lệnh rút lui. Xuân Lộc rơi vào tay quân đội Bắc Việt Nam ngày 22/4.

Ngày hôm sau (23/4), Tổng thống Gerald Ford nói chuyện tại Trường Đại học Tulane:

- Mỹ có thể lấy lại được niềm tự hào từng tồn tại trước Việt Nam. Nhưng niềm tự hào đó không thể đạt được bằng việc lại đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà đối với Mỹ nó đã kết thúc.

Phạm Xuân Ẩn cung cấp cho Shaplen một bài phân tích chi tiết về tình hình. Shaplen viết:

"Ẩn sợ nhất là đám lính vô kỷ luật và tàn quân. Ông ấy cầu nguyện cho Sài Gòn".

Kết cục của cuộc chiến tranh đến nhanh hơn mọi người nghĩ. Phạm Xuân Ẩn bị sốc khi thấy gần một triệu quân của Quân đội Việt Nam Cộng hoà, một quân đội lớn thứ tư trên thế giới, lại có thể vỡ vụn ra chỉ trong thời gian từ tháng 8/1974 đến tháng 4/1975. Trong sổ tay ghi chép cuối năm 1975 của mình, Shaplen viết:

"Ẩn nói rằng chưa bao giờ ông nghĩ nó lại dễ dàng đến thế".

Phạm Xuân Ẩn nói:

- Nguyễn Văn Thiệu sẽ tiếp tục chửi bới mọi người, chỉ trừ mỗi bản thân ông ta và sẽ kéo cả toà nhà xuống cùng với ông ta. Theo tôi, đó sẽ là một trận đại hồng thuỷ (câu này ông Ẩn nói bằng tiếng Pháp).

Nguyễn Hùng Vương nói với Shaplen:

- Cuộc sống của chúng tôi chẳng có gì là đảm bảo cả. Thực tế chúng tôi vẫn còn sống đây, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ông ta nói với các cố vấn thân cận nhất của mình rằng, tình hình quân sự đã trở nên vô vọng và rằng sự tiếp tục có mặt của ông ta tại Dinh Tổng thống sẽ là một trở ngại cho một giải pháp hoà bình, đó là điều có thể hình dung được. Ngày 25/4, lúc 9 giờ 30 phút tối Nguyễn Văn Thiệu đáp chiếc máy bay C-118 số hiệu 231 rời phi trường Tân Sơn Nhất đi Đài Bắc. Người ta đồn đại xôn xao rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi theo mười sáu tấn vàng dự trữ trong ngân khố quốc gia. Phó tổng thống Trần Văn Hương đảm nhận chức tổng thống.

Tháng tư là tháng đầy lo âu đối với Phạm Xuân Ẩn, vì ông rất lo cho sự an toàn của gia đình và bạn bè mình. Ông biết rõ thời gian còn lại rất ngắn.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ di tản sang Mỹ, nhưng tôi cứ băn khoăn không biết có nên đưa vợ con sang đó không. Tôi không nhận được một hướng dẫn, chỉ thị nào từ Hà Nội, trong khi tôi luôn bị sức ép từ phía Tạp chí Time thúc giục phải quyết định sớm. Không chỉ riêng Tạp chí Time, mà bạn bè tôi ai cũng muốn giúp đỡ tôi, có rất nhiều người tốt bụng. Malcolm Browne cho biết, ông có thể đưa tên tôi vào danh sách những người của New York Times, mặc dù tôi làm việc cho một tờ báo vốn là đối thủ cạnh tranh của New York Times; Một đại diện của Hãng Reuters đến tiệm cà phê Givral mời tôi và gia đình cùng đi với họ. Jim Robinson làm việc cho Hãng truyền hình NBC cũng sẵn sàng đưa tôi và gia đình tôi lên máy bay mà ông đã thuê bao. Sau đó, ngày 22/4, Bob Shaplen bảo tôi phải quyết định ngay vì sự an toàn của vợ và các con tôi. Tôi đáp: "OK, cho tôi một ngày để suy nghĩ đã".

Phạm Xuân Ẩn không bao giờ bỏ mặc mẹ mình ở Sài Gòn, tuy nhiên ông vẫn lo rằng có thể ông sẽ nhận được chỉ thị của Đảng rằng phải đi di tản cùng với người Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình tại Hoa Kỳ, mà về mặt cá nhân, ông không hề muốn. Để cho kín kẽ, ông tìm cách liên hệ với em trai mình ở Cần Thơ, cách Sài Gòn vài giờ xe chạy về phía nam để xem chú em có thể về Sài Gòn cho một kế hoạch dự phòng chăm sóc mẹ hay không. Nhưng chú em không dám chắc là có thể về được Sài Gòn trước khi Phạm Xuân Ẩn ra đi, nếu nhận được lệnh của Hà Nội là phải lên đường sang Mỹ.

Một ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu di tản, vợ và bốn con của ông Phạm Xuân Ẩn đáp chuyến bay của Hãng truyền hình Mỹ CBS News rời Sài Gòn cùng với 89 nhân viên khác của Tạp chí Time. Phạm Ân - đứa lớn nhất trong bốn con của ông Phạm Xuân Ẩn, nhớ lại:

"Mỗi người chúng cháu chỉ được phát cho một chiếc túi xách nhỏ của Hãng hàng không Pan Am để đựng quần áo. Tất cả chỉ có thế. Lúc đó, chúng cháu không hề sợ gì vì luôn được má che chở và có thể là do chúng cháu còn là trẻ con nên chẳng biết sợ. Ngoài ra, còn là do cách ba má vẫn thường che chở và cách ly chúng cháu khỏi những điều có hại".

Phạm Xuân Ẩn nói với các đồng nghiệp rằng ông không thể nào rời bỏ mẹ mình được.

"Trong cuộc đời mỗi người chỉ có một người mẹ và một người cha. Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ bỏ cha, mẹ như thế. Cha đã chết trên tay tôi tại nhà tôi. Mẹ không bao giờ rời bỏ Việt Nam và tôi không bao giờ bỏ mẹ ở lại một mình".

Sau khi mọi việc đã ổn thoả, Phạm Xuân Ẩn nói với những người thân của mình rằng ông sẽ tìm cách đoàn tụ cùng với gia đình của mình. Phạm Xuân Ẩn rất biết ơn mọi người đã giúp vợ con ông ra đi an toàn và Tạp chí Time đã chăm sóc mọi điều cho vợ con ông. Shaplen viết thư cho Lansdale ngày 10 tháng 5 nói:

"Trong số những người ở lại dưới sự giúp đỡ của ông ấy trước mọi lời cầu xin, một người của tôi cũng nằm trong số ấy đó là Phạm Xuân Ẩn, một người bạn cũ của Tạp chí Time … Tôi hy vọng ông ấy không hề hấn gì".

Đây là một trong những bức ảnh được yêu thích của gia đình về Phạm Xuân Ẩn và Thu Nhàn (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là vào thời điểm ấy đang có một sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân uỷ Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để cho ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Hoa Kỳ hay không. Chính Đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam.

"Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó, chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì thì ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài, và như vậy thì sự tổn thất sẽ là rất lớn".

Người từng tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên là ông Mười Hương thì tỏ ra tiếc đối với quyết định này:

"Khả năng của Phạm Xuân Ẩn sẽ được phát huy tối đa nếu được tiếp tục công tác tình báo ở nước ngoài".

Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài, ông Mai Chí Thọ nói:

"Về mặt nghiệp vụ mà nói, thì đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc ấy vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Bản thân ông ấy cũng đã chuẩn bị ra đi và sẵn sàng ra đi. Nhưng đồng thời lại có những ý kiến ngược lại rằng về mặt nghiệp vụ, Phạm Xuân Ẩn đã sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã làm việc quá nhiều rồi".

Khi tôi đề cập việc tiếp tục sứ mạng tình báo ở Hoa Kỳ, Phạm Xuân Ẩn nhấn mạnh rằng ông coi đó như là một ý nghĩ ngông cuồng:

- Tôi thực sự không hiểu mọi người muốn tôi làm gì ở đó. Có lẽ, họ chờ đợi rằng các nguồn tin của tôi sẽ cập nhật cho tôi về việc Lầu Năm Góc đang nghĩ thế nào, nhưng điều đó là không thể vì nhiều mối quan hệ nguồn tin của tôi đang trong các trại tập trung cải tạo, một số khác thì chạy di tản sang Mỹ, chẳng thể tiếp cận được gì. Hay là tôi có thể báo cáo về tổ chức của phòng tin thời sự ở Los Angeles hoặc ở San Francisco, - Phạm Xuân Ẩn nói và liền đó là một nụ cười đầy ẩn ý thường thấy.

Tại Sài Gòn, người ta lan truyền khắp nơi tin đồn rằng, khi quân đội Bắc Việt Nam kéo vào thành phố sẽ có một cuộc tắm máu.

William Touhy viết:

"Sự căng thẳng được tạo ra không phải từ việc Sài Gòn chắc chắn sắp sụp đổ, mà là do không ai biết chắc nó sẽ sụp đổ như thế nào. Phải chăng sẽ có những trận pháo kích nặng nề trước, tiếp theo là những trận đánh lấn chiếm giành giật nhau từng căn nhà một? Hay sẽ có một cuộc tắm máu, Cộng sản sẽ giết hết tất cả những ai làm việc cho Mỹ hoặc cho chế độ miền Nam Việt Nam? Hoặc có thể là chính những người miền Nam Việt Nam trong cơn thịnh nộ và bối rối đã quay súng lại phía người Mỹ - những người đã bỏ rơi họ và hạ gục tất cả những người mắt xanh nào mà họ gặp.”

( Còn nữa)

Theo Trái tim người lính/nguồn:" Điệp viên hoàn hảo " của giáo sư Larry Berman