Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 17)

Phạm Thúy Hậu

10/05/2022 11:39

Theo dõi trên

Khi nhìn lại, tôi chỉ đơn giản nghĩ là Ẩn chuyển qua một hãng tin Mỹ nào khác. Thời gian đó, cuộc chiến leo thang ồ ạt và một chi nhánh bé nhỏ của một hãng thông tấn Anh vẫn coi cuộc chiến Việt Nam như một vở diễn bên lề so với xung đột của người Anh với Indonesia hẳn không phải nguồn cấp tin đáng tin cậy cho nhiệm vụ đặc biệt của Ẩn.

Cũng có thể Ẩn đã giả vờ tạo ra tranh cãi nảy lửa với tôi để thành một cái cớ cho việc chuyển chỗ làm.

Tôi không lên án hay phê phán gì Ẩn. Tôi có thể hiểu vì sao một số người Mỹ cảm thấy cay đắng và bị phản bội nhưng đó là đất nước của Ẩn và anh là người Việt Nam duy nhất mà những người Mỹ và đồng nghiệp chúng tôi đã không đặt niềm tin nhầm chỗ. Tôi có thể xác nhận từng lời rằng khi ở Reuters, Ẩn chưa bao giờ cố diễn dịch sai các sự kiện theo hướng có lợi cho những người cộng sản.

diep-vien-ky-cuu-1652157470.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Sau khi rời Reuters, tôi và Ẩn không thân thiết nhưng tôi vẫn xem anh như một người bạn và là một người Việt Nam đáng nể trọng…..

Sau khi thôi làm việc ở Reuters, Phạm Xuân Ẩn rơi vào tình trạng thất nghiệp không lâu. Lúc đầu, ông làm việc ít nhiều cho Beverly Deepe của tờ New York Herald Tribune. Phạm Xuân Ẩn đã gặp Deepe từ tháng 2/1962, ngay từ khi Deepe mới đến Sài Gòn với tư cách một phóng viên tự do, hai mươi lăm tuổi, luôn săn tìm thông tin để viết bài. Phóng viên ảnh Francois Sully vừa bị chính quyền Ngô Đình Diệm trục xuất vì bị qui cho là có quan điểm thân Việt cộng, nên Beverly Deepe được thay thế Francois Sully làm cộng tác viên cho tờ Tạp chí Mỹ Newsweek.

Sau này, bà Beverly Deepe viết:

"Tôi đến Nam Việt Nam năm 1962, đúng 5 năm sau khi tốt nghiệp ngành báo chí và khoa học chính trị Trường đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Mặc dù luôn mơ ước được làm một phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi chỉ trong một thời gian ngắn mà tôi trở thành một phóng viên như vậy, tại một nơi rất xa xôi mà đối với hầu hết người Mỹ, trong đó có tôi, chưa bao giờ được nghe tên. Không một cuốn giáo trình nào ở Mỹ, cho dù là giáo trình báo chí, lịch sử, khoa học chính trị, hay các vấn đề quân sự từng được viết dạy cho người ta cách đưa tin về cuộc chiến tranh như chiến tranh Việt Nam".

Phạm Xuân Ẩn thường nói với tôi rằng ông rất tự hào là đã góp phần giúp đỡ Beverly Deepe trở thành một phóng viên tốt hơn như thế nào. Hai người thoả thuận với nhau rằng Deepe giúp Ẩn về những câu ngữ pháp tiếng Anh, đổi lại Phạm Xuân Ẩn dạy cho Deepe cách mà ông vẫn "xào" các tin bài cho Reuters. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi bày cho Deepe cách sử dụng các bức điện và những thông tin khác, tất cả ném vào khuấy đảo lên trong vòng một giờ đồng hồ là cho ra một bài về sự kiện nổi nhất trong ngày.

Phạm Xuân Ẩn với các đồng nghiệp ở Văn phòng Tạp chí Time (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, cùng sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)

Được sinh ra dưới Sao nữ thần Virgo chiếu mệnh, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ cho Deepe. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Cô ấy rất trẻ, rất bạo dạn, rất mạo hiểm, nên nhiều rủi ro.

Phạm Xuân Ẩn dẫn ra một ví dụ, khi đoàn Phật tử biểu tình trước toà nhà Đại sứ quán Mỹ. Lực lượng chống bạo động Nam Việt Nam đã ra lệnh cho tất cả mọi người phải giải tán. Nhưng Deepe cứ nhất định trèo lên bằng được tường hàng rào điện để chụp ảnh và để xem điều gì đang diễn ra. Phạm Xuân Ẩn phải đến gặp Đại tá Bùi đang chỉ huy lực lượng chống bạo động hôm đó. Đại tá Bùi là một trong sáu chỉ huy lực lượng bộ binh nhẹ mà ông đã quen biết từ nhiều năm trước. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi hỏi Đại tá Bùi để biết trước kế hoạch sẽ đàn áp những người biểu tình như thế nào, để tôi có thể lôi "sếp" của mình ra khỏi nơi nguy hiểm.

Deepe là phóng viên đưa tin thô bạo về cuộc chiến tranh, nên chẳng bao lâu, cô bị Đại sứ Mỹ Maxwell Taylor đích thân ra lệnh cấm cô tham dự các buổi thông báo tin tức chính thức của Đại sứ quán Mỹ. Bà Beverly Deepe nhớ lại:

"Đại sứ quán Mỹ không thích tôi là vì tôi không nói những điều họ muốn. Họ buộc tội cho tôi là đưa những thông tin có lợi cho Việt Nam. Thực tế là tôi lắng nghe Đại sứ quán Mỹ nói, sau đó ra ngoài tự tìm thông tin kiểm chứng".

Ngày 8/1/1965, Tạp chí Time đăng một bài của Deepe phỏng vấn độc quyền với tướng Nguyễn Khánh. Bài báo kết luận, bằng sự quan sát mà phóng viên Deepe "đã phát triển các thông tin thu được từ các nguồn tin và quan hệ tiếp xúc, hầu hết là không cần đến thông tin của Đại sứ quán Mỹ cung cấp, thậm chí độc lập với cả các thông tin đồn đại trong các câu lạc bộ hay trong đội quân báo chí ở Sài Gòn. Chỉ có điều phóng viên Deepe không biết đó là cô chỉ có thể lấy thông tin từ hai trợ lý người Việt Nam của mình. Cả hai trợ lý này đều khôn ngoan, có khả năng phân tích đúng trong mớ bùng nhùng về chính trị của đất nước họ". Hai người trợ lý gồm Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Hùng Vương chính là hai người mà Lou Conein đã từng nói tới trước đây.

Phạm Xuân Ẩn nói:

- Deepe học được rất nhiều từ Vương và tôi. Không giống những người Mỹ khác, cô ấy sẵn sàng mở lòng ra để học về lịch sử và con người Việt Nam, do vậy mà cô ấy hiểu được cuộc chiến tranh.

Beverly Deepe là một trong số rất ít người bạn cũ của Phạm Xuân Ẩn cảm thấy mình bị phản bội sau khi biết ông là một nhà tình báo của Cộng sản. Deepe cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã lừa dối mình. Bà đã cắt đứt mọi liên hệ với Phạm Xuân Ẩn và gia đình ông, gây ra cho gia đình ông biết bao khó khăn khi bị từ chối cung cấp tiền trợ giúp y tế cho các con ông. Ngoài ra, bà Deepe còn cắt việc cung cấp chỗ ở cho gia đình ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng của bà ở bang Virginia, sau khi gia đình ông chạy di tản khỏi Sài Gòn năm 1975. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Deepe là một thành viên ruột thịt của gia đình tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tổ chức lễ sinh nhật là do sáng kiến của Beverly Deepe và Charles Keever (người chồng sau này của bà). Tôi rất xúc động vì lòng tốt của họ.

Trong suốt quá trình làm việc của tôi với Phạm Xuân Ẩn, ông thường hỏi liệu tôi có may mắn nào gặp được Deepe hay không? Tôi nói thật với ông rằng tôi đã liên hệ được với Deepe qua một địa chỉ email của bà tại khoa Thông tin đại chúng Trường đại học Hawaii. Bà Beverly Deepe đang giảng dạy ở đó.

Trong cuộc trao đổi qua email, bà Deepe không hề nói gì đến Phạm Xuân Ẩn.

- Tôi rất yêu quí Deepe, các con tôi và cả vợ tôi vẫn còn rất yêu quí bà ấy. Tôi vẫn cứ hy vọng một ngày nào đó, trước khi tôi chết, chúng tôi tha thứ được cho nhau và sống hoà hợp được với nhau giống như đất nước tôi đã làm.

Phạm Xuân Ẩn đã nói như vậy, tôi cảm nhận được rõ ràng một nỗi buồn vô hạn trong ánh mắt của ông.

Phạm Xuân Ẩn được nhà báo Bob Shaplen giới thiệu với Frank McCulloch của Tạp chí Time. McCulloch từng là một lính thuỷ đánh bộ, đưa tin về tất cả những trận đánh lớn từ năm 1964 đến 1965, dành hầu hết thời gian của ông để đi theo Lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến. Sau này, ông được tặng một bằng xác nhận ông là thành viên danh dự của Lữ đoàn. Thời kỳ đầu năm 1964, số lượng nhân viên của Tạp chí Time-Life ở Sài Gòn còn nhỏ bé giống như qui mô của cuộc chiến tranh. John Shaw là một cộng tác viên thường trú tại Sài Gòn, thường làm việc với McCulloch bên ngoài căn hộ của anh ở trên phố Công Lý, cũng như tại phòng của McCulloch ở khách sạn Caravelle. Khi đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ mới có khoảng 16.000 quân. Chẳng bao lâu sau, phân xã Tạp chí Time được bổ sung Jim Wilde nên chuyển đến phòng số 6 Khách sạn Continental. Năm 1964, phân xã Sài Gòn tuyển nhân viên Việt Nam đầu tiên làm việc toàn thời gian là Nguyễn Thuỳ Đăng trong cương vị chánh văn phòng. Khi chiến tranh ngày càng lan rộng, Frank bảo Đăng đi tìm kiếm trụ sở mới để làm văn phòng. Sau đó, họ chuyển đến nhà số 7 phố Hàn Thuyên, chỉ cách khách sạn Continental bốn khối nhà về phía tây, ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố. Đến khi McCulloch rời Sài Gòn, thì phân xã Tạp chí Time -life đã có một biệt thự riêng, chưa kể năm phòng ở tại khách sạn Continental và sáu phòng khác làm văn phòng cho Tạp chí Life.

Vừa gặp, McCulloch đã lập tức có ấn tượng tốt đẹp ngay đối với Phạm Xuân Ẩn. McCulloch nói:

- Phạm Xuân Ẩn có tất cả những phẩm chất mà tôi cần. Ông ấy có một kiến thức rộng về tình hình đất nước đang thay đổi. Sau khi đã nhìn nhận lại mọi chuyện, tôi có thể nói rằng ông là một tình báo viên không bao giờ làm méo mó nghề báo.

Làm việc cho Tạp chí Time tạo cho Phạm Xuân Ẩn những lợi thế đặc biệt. McCulloch nói với tôi:

- Tôi giao cho Phạm Xuân Ẩn nhiệm vụ phải lắng nghe các thông tin, chứ không phải là viết bài. Do đó, văn phòng Tạp chí Time đã cho Phạm Xuân Ẩn một vị trí nghe ngóng hoàn hảo để giúp cho nghề tình báo của ông, bởi vì các số liệu về quân sự và chính trị ngày đó được người ta thảo luận công khai.

Robert Sam Anson quan sát một cách hài hước:

- Còn vỏ bọc nào tốt hơn thế nữa đối với Phạm Xuân Ẩn, khi ông ấy đi lấy tin cho một cơ quan báo chí vốn rất cần tin tức về chiến tranh khiến cho chính MACV và Sứ quán Mỹ cũng muốn qua kênh này để mà xì thông tin ra ngoài. Điều chói lọi và tuyệt vời ở đây còn là tất cả những việc làm thu thập tin tức nói trên của Phạm Xuân Ẩn lại được cơ quan đế chế của Henry Luce - một người châu Á chống cộng sản khét tiếng, trả lương.

Jon Larsen là trưởng phân xã Tạp chí Time tại Sài Gòn từ cuối năm 1970 - 1971 thay cho Marsh Clark. Jon Larsen nhớ lại:

"Phạm Xuân Ẩn là phóng viên của chúng tôi, là người phiên dịch của chúng tôi, và là người trợ lý đa năng của chúng tôi, muốn gì là ông ấy đáp ứng được ngay. Lúc nào anh cũng có thể được nghe ông ấy trình bày rất hay khi thông báo tin tức. Ông ấy là người môi giới, chắp nối thông tin của chúng tôi. Ông ấy không ngồi trong văn phòng. Muốn gặp ông ấy tốt nhất là hẹn hò, sau đó ông ấy sẽ đến, ngồi, và nói chuyện. Tôi chẳng bao giờ nghi ngờ gì Phạm Xuân Ẩn. Tôi biết Phạm Xuân Ẩn là người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành. Có vẻ như ngay từ đầu, Phạm Xuân Ẩn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi cuốn sách "Trao đi đổi lại của phóng viên" do hai tác giả Joseph và Stewart Alsop viết năm 1958. Đây là hai phóng viên được đánh giá cao ở Washington nổi tiếng về quan điểm bảo thủ và chống Cộng sản. Phạm Xuân Ẩn tự thấy mình giống như một phóng viên quốc phòng kiểu mới mô tả trong cuốn sách đó. Thỉnh thoảng, ông lại lôi cuốn sách đó từ trên giá sách gia đình ra bảo tôi:

- Đọc đoạn này đi rồi chúng ta lại tiếp tục câu chuyện.

Đoạn ông bảo tôi đọc đoạn viết:

"Đưa tin về quốc phòng, nói tóm lại, là khác với việc đưa tin về chiến tranh. Việc đưa tin chiến tranh về cơ bản không có nhiều thay đổi kể từ khi có phóng viên đầu tiên ra chiến trường đưa tin về trận Sebastopol và Bull Run. Trong khi đó, phóng viên quốc phòng theo dõi các tài liệu các xuất bản phẩm khoa học chứ không phải là số lượng quân lính… Người phóng viên quốc phòng phải cố gắng đưa tin thời sự về những thay đổi to lớn trong tình hình chiến lược quốc gia đang liên tục diễn ra tại nơi không có kỹ thuật. Sự linh hoạt cực kỳ này về tình hình chiến lược của mỗi quốc gia, thậm chí tình hình của các siêu cường, tất cả đều là điều mới trên thế giới".

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt thích chương "Một vài cuộc trao đổi những bí mật", trong đó định nghĩa rằng đưa tin báo chí là một nghề hay có thể gọi là một cuộc trao đổi trong chính bản thân nó đòi hỏi người phóng viên phải khoẻ, "hiểu biết tiếng Anh, có kiến thức về lịch sử". Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông đã học được cái "qui tắc chân chạy" từ cuốn sách này. Qui tắc đó có nghĩa là một phóng viên giỏi cần phải luôn đi ra khỏi phòng làm việc của mình và ít nhất mỗi ngày cũng phải gặp được bốn quan chức.

"Nếu đi ra ngoài và tự mình quan sát xem điều gì dang diễn ra, trao đổi với nhiều người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc đó một người phóng viên như vậy thì không thể không làm tốt nhiệm vụ đưa tin được", sách của anh em nhà Alsop đã viết như vậy.

Rất ít khi Phạm Xuân Ẩn ký nặc danh dưới bài báo của mình. Thực tế dường như ông đang áp dụng cách làm việc giống hệt như ngày ông còn học ở Trường Đại học Orange Coast. Ngày đó, Phạm Xuân Ẩn muốn tên mình xuất hiện càng nhiều càng tốt với hy vọng điều đó sẽ giúp ông không bị nghi ngờ làm tình báo.

Trong một bài viết của mình đăng trên báo New Yorker năm 1972, Bob Shaplen nhắc đến Phạm Xuân Ẩn khi kể về việc đưa tin từ Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với một phóng viên Mỹ ở Nam Việt Nam là tiếp cận được nơi có những cỗ máy sản xuất tin đồn như là những quán cà phê, chợ, v.v. Ở Sài Gòn về điều này, Shaplen phải phụ thuộc vào người bạn thân của ông là Phạm Xuân Ẩn:

"Ông ấy được một tạp chí Mỹ tuyển dụng và có lẽ ông ấy là người làm việc chăm chỉ nhất, đồng thời là nhà báo Việt Nam được nể trọng nhất ở Sài Gòn… Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo làm việc cho Mỹ, nhưng cũng được phía Việt Nam tin cậy. Sáng nào ông cũng lượn một vòng qua từ ba đến năm trung tâm sản xuất tin đồn trước khi tạt vào tiệm cà phê Givral; sau bữa trưa, ông đi dự các cuộc thông báo tin tức chính thức của phía Mỹ hoặc phía Việt Nam rồi trở lại tiệm cà phê Givral".

Shaplen trích một câu nói của Phạm Xuân Ẩn về phẩm chất nào giúp cho một nhà báo ở Sài Gòn làm việc có hiệu quả:

"Để xây dựng các nguồn tin, cần phải mất nhiều thời gian. Phải thẳng thắn và chân thành và phải biết bảo vệ nguồn tin của mình. Người phóng viên cũng phải biết làm tốt cho nguồn tin những điều mà họ muốn, chẳng hạn như nói cho họ biết những điều họ muốn nghe, mời họ đi ăn trưa, ăn tối, dịp Tết thì tặng quà cho họ. Người Sài Gòn hoạt động theo kiểu các ngành các giới xã hội chơi với nhau. Nếu anh không có đủ phẩm chất của một giới nhất định, thì thậm chí anh sẽ không được chấp nhận vào cả những tiệm ăn của giới đó. Nếu anh vào được, thì mọi người ở đó cũng không thèm đếm xỉa đến anh. Là nhà báo phải giỏi để có thể cung cấp những thông tin bổ ích nhất cho họ. Bởi vì họ đến những nơi đó là để được nghe các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau".

Cho đến lúc trước khi trút hơi thở cuối cùng, Phạm Xuân Ẩn vẫn quả quyết rằng nghề tình báo không hề ảnh hưởng đến nghề làm báo của ông. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Làm việc cho Tạp chí Time cần phải khách quan. Nhận thức này cũng giúp cho tôi rất nhiều khi thực thi nghĩa vụ đối với dân tộc của mình. Báo chí Mỹ khác biệt so với bất cứ báo chí của nước nào mà tôi từng biết. Một phóng viên giỏi phải đưa tin một cách chính xác điều anh ta tận mắt trông thấy và tin rằng đó là đúng. Nhà báo không được duy ý chí. Do đó khi viết báo cáo gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tôi luôn tự hỏi liệu mình có khách quan không nhỉ? Tôi đã học được rất nhiều từ ngày làm phóng viên và tôi cũng đã học được rất nhiều từ nước Mỹ. Nó giúp tôi mở ra phương pháp tư duy.

Dường như để chứng minh cho sự thuỷ chung của mình đối với Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn thường nói rằng chính ông đã "cứu" Tạp chí Time khỏi rơi vào một số bẫy được cài sẵn để làm bối rối các phóng viên.

Cựu điệp viên CIA, Frank Snepp, người đã có hai nhiệm kỳ công tác tại Sài Gòn với tư cách là nhà phân tích tình báo và là một sĩ quan. phản gián, đã chọn Shaplen làm mục tiêu để xì ra những thông tin thất thiệt trong một chiến dịch gây nhiễu thông tin do CIA tiến hành. Chiến dịch gây nhiễu thông tin này chỉ nhằm mục đích duy nhất là tạo ra những sự xuyên tạc cho báo chí đưa tin về Việt Cộng.

(Còn nữa).

Theo Trái tim người lính/ Nguồn: “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 17)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn