Điệp viên Anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 9)

Phạm Thúy Hậu/Theo " Điếp viên hoàn hảo" của Giáo sư Larry Berman

15/04/2022 12:55

Theo dõi trên

Trong cuốn sách về "mổ xẻ nghề tình báo" của Phạm Xuân Ẩn, thấy đầy những đoạn đánh dấu đậm tại những đoạn nói về gặp gỡ với liên lạc viên tình báo.

"Vì những lý do an ninh, thông thường vẫn được coi là an toàn hơn nếu việc tiếp xúc với liên lạc được thực hiện tại nơi công cộng có nhiều người. Hai người mà gặp nhau tại một nơi ít người qua lại thì dễ tìm được nhau, nhưng nếu một trong hai người đó bị lộ, thì tự động người kia cũng bị lộ theo. Tại nơi đông người, chẳng hạn như quán bar, nhà hát, nơi xem thi đấu thể thao, nhà ga xe lửa thì các cuộc tiếp xúc có thể được tiến hành dễ dàng mà không gây ra chú ý cho bất kỳ ai. Tài liệu liên lạc có thể được chuyển giao cho nhau bằng rất nhiều cách mà không nhất thiết hai người phải đứng nói chuyện với nhau".

an-hung-1650002089.png
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một đoạn khác của cuốn sách cũng được đánh dấu dậm nói về mực bí mật và các kỹ thuật nguỵ trang khác.

Phạm Xuân Ẩn chọn cách nguỵ trang các cuộn phim của mình bằng cách giấu bên trong những bánh trứng cuộn hoặc những miếng nem chua gói lá chuối. Những tình báo viên khác lại chọn những phương pháp khác. Con trai của ông Ba Quốc - một sĩ quan tình báo, cũng được phong danh hiệu Anh hùng - nhớ lại:

"Chúng tôi mua một đôi dép, bóc một phần đế dép ra rồi dùng dao khoét một cái lỗ tại phần đệm êm của đế dép. Tài liệu dưới dạng phim âm bản có thể được giấu bằng cách này, sau đó dùng keo dán đế dép lại như cũ… một đôi dép có thể cất giấu được nửa cuộn phim. Nửa kia của cuộn phim âm bản phải được cắt rời ra, sau đó cuộn lại cho rất nhỏ rồi giấu trong một món đồ chơi của trẻ em".

Đặng Trần Đức – Ba Quốc (1922 - 2004)

Tất cả những thứ đó được xếp vào trong một túi xách làm bằng giấy dầu màu vàng. Chính trên chiếc túi xách bằng giấy này cũng đã viết bằng mực bí mật các báo cáo tình báo, các bản tóm lược tài liệu khác mà không thể chụp ảnh được.

Con trai điệp viên Ba Quốc nói:

- Chúng tôi dùng những giấy sau khi đã viết lên đó bằng mực bí mật như vậy để gói đồ hoặc dán chúng vào nhau làm thành những cái túi xách bằng giấy để đựng đồ… Như vậy, cả đồ đựng lẫn vật trong đồ đựng ấy đều mang các thông tin tình báo. Ba tôi thường đặt chiếc túi xách đó vào trong cốp xe hai bánh gắn máy Vespa, rồi chuyển giao cho một người là giao liên nội thành Sài Gòn.

Mối nguy hiểm thường trực đối với bất kỳ điệp viên nào là ở chỗ người liên lạc có thể bị bắt cùng với những tài liệu. Những tài liệu bị bắt này sẽ được chuyển cho Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC), nơi các chuyên gia có thể phát hiện và truy ra nguồn.

Ông Phạm Xuân Ẩn cho rằng:

"Các tài liệu không chỉ là những báo cáo bí mật, mà còn là chính bản thân người điệp viên. Nếu anh để mất tài liệu anh cũng sẽ mất luôn người tình báo viên đó".

Trước tháng 10/1965 bộ phận phân tích tài liệu, thường được gọi là bộ phận khai thác, chủ yếu do bên quân đội Việt Nam Cộng hoà phụ trách. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại có lần, một đầu mối quan hệ của ông làm việc trong bộ phận khai thác cho ông xem tập tài liệu bắt được của đối phương. Tài liệu này lại chính là bản tóm tắt nội dung báo cáo tình báo của chính Phạm Xuân Ẩn với cấp trên của ông về kế hoạch chống nổi dậy và chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi điên tiết quá liền đi thẳng vào rừng nói với cấp trên rằng phải rất cẩn thận khi tóm lược và xử lý nội dung các báo cáo của tôi. Vì bản báo cáo nói trên tôi viết từ năm 1961, nên tôi biết đó chính là của tôi. Các thông tin trong đó tuy đã cũ, nhưng đối phương vẫn có thể từ đó mà lần mò ra được nguồn.

Phạm Xuân Ẩn luôn tự ví mình như một con sói cô đơn, bởi vì chẳng ai giám sát hoạt động hàng ngày của ông. Trong con mắt của cộng đồng tình báo Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên đơn lẻ hoạt động trong môi trường bị cô lập. Tình hình nguy hiểm đến mức mọi tiếp xúc tình báo trực tiếp đều không cho phép. Tất cả mọi việc liên quan đến hoạt động tình báo đều tuỳ thuộc ở sự sáng tạo của Phạm Xuân Ẩn.

Thế mà ông đã từng có nhiều người chỉ huy trực tiếp, bắt đầu từ thời ông Mười Hương. Mỗi khi Trung ương Cục miền Nam có yêu cầu đặc biệt, Phạm Xuân Ẩn sẽ nhận được chỉ thị thông qua những thông tin được mã hoá do bà Ba chuyển tới, hoặc người nữ liên lạc này tìm cách gây chú ý với Phạm Xuân Ẩn khi ông đến đón các con giờ tan trường.

Phạm Xuân Ẩn luôn khẳng định:

"Tôi là một nhà tình báo chiến lược, chứ không phải là nhà tình báo chính trị. Các nhà tình báo chính trị thì làm những việc như là tổ chức ra các nhóm lật đổ và làm những việc như những điệp viên chính trị. Tôi là một học trò của Sherman Kent. Công việc của tôi là phân tích thông tin".

Sherman Kent là tác giả nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn giải quyết một cách hệ thống vấn đề phân tích tình báo. Cuốn sách này mang tựa đề "Tình báo chiến lược đối với chính sách thế giới của Mỹ". Phạm Xuân Ẩn biết đến Sherman Kent từ Lansdale và từ những đồng nghiệp của ông làm việc trong Tổ chức tình báo Trung ương Việt Nam (CIO) mỗi khi họ đi dự một khoá huấn luyện do CIA tổ chức. Tài liệu chính để các học viên khoá huấn luyện này đọc là sách về tình báo của Sherman Kent.

Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc hồi tháng 2/1972, một sự thay đổi quan trọng đã diễn ra trong cách thức hoạt động của Phạm Xuân Ẩn. Ông nhớ lại:

"Sau chuyến thăm của Nixon, tôi đã phải thay đổi tất cả mọi thứ, bởi vì có quá nhiều gián điệp Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam. Bất cứ hoạt động gì cũng trở nên quá nguy hiểm, trừ các báo cáo. Do vậy, tôi đã phải dành nhiều thời gian để đọc và phân tích các tài liệu và sau đó đánh máy thành những báo cáo dài.

Chỉ có một lần vào năm 1974, tôi đã làm một việc ngoại lệ, nhưng khi đó Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tôi đã nói với cấp trên của mình rằng tôi chỉ là một nhà phân tích, nếu cấp trên cần các tài liệu thì hãy bảo những điệp viên khác làm điều đó. Những điệp viên ấy họ được học nhiều cách để lấy tài liệu chứ từ nay đừng bảo tôi nữa. Đã từng có một lần tôi suýt bị lộ tẩy chỉ vì tài liệu tôi gửi về nhà sau đó lại bị lọt vào tay đối phương".

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng chính cuốn sách "Mổ xẻ nghề tình báo" của Sherman Kent đã giúp cho ông chuẩn bị tinh thần để sống một cuộc đời cô đơn, tự kiểm soát mình và giữ nguyên tắc:

"Tình báo viên rất cô đơn. Chính bản chất các hoạt động của người tình báo không cho phép anh ta bộc lộ mình, vì nếu làm như vậy vô hình chung anh ta đã gián tiếp bộc lộ ý đồ của mình… Người tình báo phải hoàn toàn kiểm soát được mình và phải là người có khả năng hướng các linh cảm và sự phản ứng của mình vào nguyên tắc do anh ta tự đặt ra một cách nghiêm ngặt".

Cuốn sách nói trên cũng khiến cho các tình báo viên sau khi đọc, luôn cảm thấy nỗi lo sợ và sự ám ảnh rằng bất cứ lúc nào sứ mạng của họ cũng có thể kết thúc và cuộc đời cũng tiêu luôn.

"Trong thời chiến cũng như thời bình, nhưng đặc biệt là trong thời bình, người tình báo phải luôn cảnh giác với kẻ thù của mình. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người chống lại người tình báo. Chỉ cần tự bộc lộ trong một giây thoáng qua thôi, cũng đủ để đối phương mở một đợt tấn công người tình báo. Những người tình báo đều biết rõ điều này. Ngay từ đầu, anh ta đã phải nhận thức được sự trả thù mà đối phương dành cho mình sẽ như thế nào nếu chẳng may anh bị bắt. Đó là sự nguy hiểm về tính mạng. Hoặc giả nếu anh ta không bị giết, thì rất có thể đối phương sẽ tra tấn để moi ra bằng hết những thông tin mà anh ta nắm được. Sự tra tấn có thể là cắt chân, cắt tay mà người tình báo luôn phải nghĩ trước được".

Đối với Phạm Xuân Ẩn, "Điệp viên may mắn là điệp viên chưa bị bắt". Ông luôn tự cho mình là một điệp viên may mắn. Phạm Xuân Ẩn có một số lần suýt bị lộ nhưng đặc biệt có hai lần ông không bao giờ quên.

Lần thứ nhất xảy ra khi Phạm Xuân Ẩn mới từ Mỹ trở về nước và đang làm việc chỗ bác sĩ Trần Kim Tuyến. Thời gian đó, ông Minh "Lớn" là Trung tá thuộc Sư đoàn 3. Phạm Xuân Ẩn đã tiến cử một phụ nữ thuộc Đội quân phụ nữ (WAC) vào làm việc tại văn phòng của Trần Kim Tuyến. Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn không hề biết rằng người phụ nữ này mặc dù làm việc trong văn phòng của Minh "Lớn", nhưng vẫn đang bí mật làm việc cho Mặt trận (Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Nhờ sự tiến cử của Phạm Xuân Ẩn, người phụ nữ này được chuyển sang làm việc tại văn phòng của Trần Kim Tuyến. Cơ quan An ninh quân đội (MSS) liền đến hỏi Trần Kim Tuyến rằng ai đã tiến cử cô gái đó vào vị trí này. Tất nhiên sau đó, Phạm Xuân Ẩn bị triệu lên để làm rõ. Phạm Xuân Ẩn lập tức cự cãi:

- Làm sao tôi có thể biết được cô gái đó là Việt Cộng? Tôi là người chưa kết hôn, cô ấy xinh đẹp lại có khả năng đánh máy chữ, thì tôi giới thiệu việc làm cho cô ấy thôi. Ngoài ra, tôi chẳng biết gì khác.

Kể đến đây, Phạm Xuân Ẩn dừng lại rồi giở sang trang số 30 của cuốn sách “Mổ xẻ nghề tình báo”, "Hành động mau lẹ hoặc sẵn sàng đối phó là hai điều gần như luôn có sẵn trong khi thi hành nhiệm vụ Đôi khi điều đó giúp giải thoát cho nhà tình báo khỏi mối nguy hiểm". Với vẻ mặt thoả mãn, Phạm Xuân Ẩn vừa rót thêm trà cho hai chúng tôi, vừa nói:

- Giáo sư thấy không? Chẳng có cái gì là nhỏ quá không thể phân tích được hoặc ứng dụng được trong nghề của tôi. Hy vọng giáo sư viết cả điều này nữa vào trong sách của giáo sư nhé.

Lần thứ hai ông Phạm Xuân Ẩn cũng suýt chết. Sự nhanh ý đôi khi cũng chứa đựng cả tình huống thảm hoạ tiềm tàng. Một hôm, sau khi các con đã ngủ say, ông được con chó Đức và người vợ đứng cảnh giới, Phạm Xuân Ẩn ngồi viết báo cáo và làm phim chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với người liên lạc là bà Ba. Sáng hôm sau, Phạm Xuân Ẩn nghe thấy đứa con gái nhỏ của mình nói với anh nó rằng tối qua nó tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy ba đang ngồi viết bằng một thứ mực đặc biệt, viết xong các chữ đều biến mất. Phạm Xuân Ẩn sợ hết hồn. Hôm đó, ông đã không hề nhận thấy con gái mình lén ra đứng xem ông viết. Vợ thì do mệt quá đã ngủ mất, còn con chó thì do nó không coi con gái ông là người lạ, nên không sủa.

Phạm Xuân Ẩn rất sợ con gái nhỏ của ông có thể mang chuyện đó đến lớp kể cho các bạn nghe về một loại mực đặc biệt ấy. Phạm Xuân Ẩn liền nghĩ ra một trò để xoá câu chuyện lạ nói trên trong đầu con gái mình. Đêm đó, Phạm Xuân Ẩn đánh thức cô con gái nhỏ dậy. Ông đặt sẵn một bóng đèn sáng ngay trước mặt cô bé. Sau đó, ông bảo con gái nhìn xuống một trang giấy đã viết bằng mực thông thường xem có thấy gì không. Tất nhiên, trong vài phút đầu, khi mắt còn đang phải điều tiết, bé không thể nhìn thấy gì trên giấy. Khi ấy, Phạm Xuân Ẩn mới giải thích cho con rằng tối qua con ngủ dậy lúc nửa đêm, thấy ba đang viết. Con đi từ trong phòng tối ra nơi ba đang làm việc có đèn sáng, nên con không nhìn thấy chữ ba viết đấy thôi. Như vậy, mắt của con bị quáng nên con không nhìn thấy mực ba viết trên giấy và hơn nữa, vì con mệt nên quên đấy thôi. Sau đó, cô con gái nhỏ của Phạm Xuân Ẩn không hề nhắc đến câu chuyện mực đặc biệt nữa. Con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là cháu Phạm Ân thì nói với tôi rằng do cháu rất tỉnh ngủ nên thường thấy ba làm việc muộn, nhưng cháu không hề để ý gì về điều đó.

Phạm Xuân Ẩn luôn nhấn mạnh yếu tố may mắn trong nghề tình báo. Ông thường xuyên đi xem bói và nếu như thầy bói cảnh báo điềm xấu, thì hôm đó ông không đi ra ngoài. Ông coi dãy số trên biển đăng ký xe tô của mình "NBC 253" là con số không may mắn vì tổng của nó chẵn 10. Người Việt Nam nói chung coi con số 10 là không may mắn. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi còn nhớ khi bà Nhu đặt việc đánh bạc ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi ngồi một góc đánh cược với nhau về các biển số xe hơi. Khi đó, chẳng ai đến ngồi bên chiếc xe hơi của tôi, chỉ vì xe tôi có biển đăng ký là con số không may mắn.

Vai trò của sự may mắn trong nghề tình báo có lẽ được thể hiện rõ nhất trong trường hợp của điệp viên Ba Quốc. Ông Ba Quốc trong hồ sơ đảng tịch có tên là thiếu tướng Đặng Trần Đức. Hoạt động trong cơ sở tình báo số H.67 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, điệp viên Ba Quốc đã hoạt động hơn hai mươi năm ở miền Nam Việt Nam. Nhưng không giống như Phạm Xuân Ẩn, vỏ bọc của điệp viên Ba Quốc cuối cùng bị lộ tẩy. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Trường hợp của ông Ba Quốc cho thấy tôi đã may mắn như thế nào và trong suốt thời gian đó, tính mạng của tất cả chúng tôi nguy hiểm như thế nào?.

Điệp viên Ba Quốc bị lộ trong một trường hợp hoàn toàn bất ngờ. Hôm đó, sau khi Ba Quốc đã gặp xong người liên lạc lâu năm của mình là Bảy Ánh tại một chợ đông người. Bảy Ánh là liên lạc viên tình báo chỉ làm việc riêng cho ông Ba Quốc suốt từ năm 1966 đến năm 1974. Tại cuộc tiếp xúc nói trên, Ba Quốc đã trao cho Bảy Ánh hàng chục cuộn phim. Riêng ngày hôm đó Bảy Ánh phải chuyển tiếp tài liệu và phim cho một nữ liên lạc trẻ tuổi để mang tới căn cứ ở Củ Chi.

Thật không may cho người nữ liên lạc trẻ tuổi này, hôm đó cảnh sát bất ngờ chặn chiếc xe buýt đi Củ Chi để tìm kiếm một người nào đó. Toàn bộ hành khách trên xe buýt bị tạm giữ để khám xét nhằm khẳng định rằng không có Việt Cộng nào trên xe. Tình cờ, khi khám đồ của hành khách, cảnh sát đã tìm thấy những tài liệu tình báo trong túi xách của người nữ liên lạc. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng vài ngày, cơ quan phản gián đã lần ra được điệp viên Ba Quốc. Nhưng ông Ba Quốc đã rất may mắn, kịp trốn thoát vào rừng trước khi cảnh sát ập đến nhà để bắt ông.

Phạm Xuân Ẩn nói:

- Chỉ trong gang tấc thôi. Đó là điều mà lúc nào tôi cũng sợ. Có thể một người liên lạc bị bắt dẫn đến việc một ngày nào đó tôi bị lộ, cảnh sát liền ập đến Văn phòng Tạp chí Time để bắt tôi và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nữa là tôi bị bắt trong trường hợp không có người chứng kiến. Sau đó, tôi sẽ bị tra tấn trước khi bị giết.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên Anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 9)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn