Là một đỉnh núi cao nhất Nghệ An và đứng thứ 12 tại Việt Nam, thuộc huyện Kỳ Sơn, biên giới giáp Lào. Núi cao hiểm trở, cảnh quan kỳ vĩ, người sinh sống thưa. Xưa chỉ có ít người dân tộc chủ yếu từ Lào di cư sang như H’Mông, Lào, Thái và Khơ Mú từ vài trăm năm trước. Sau có thêm người Kinh đến sinh sống.
Trước đây, thời Hậu Lê vùng đất này cũng thuộc phủ Trà Lân, là nơi “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Trước nữa, thời nhà Lý ngàn năm trước, Lý Nhật Quang, con thứ 8 của Lý Thái Tổ, là người tài giỏi nhưng ngỗ ngược nên bị đầy ra biên viễn. Tại đây ông đã khai khẩn, chăm sóc dân chúng và cùng đánh giặc... Tương truyền, ông bị thương khi lâm trận và chạy dọc sông Lam, trên đường, hiện có khá nhiều đền thờ ông. Ông được phong là Hoan Châu Thánh Tổ, có đền ở Anh Sơn. Nhiều đền ở Đô Lương, Đền ông Hoàng Mười cũng thờ ông.
Đỉnh núi Pu Xai Lai Leng thuộc địa bàn xã Na Ngoi, giáp với tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Nhân dịp tham gia giải chạy Marathon tại Kỳ sơn, nhóm VUT rủ nhau đi thăm đỉnh núi cao này Thời tiết đẹp, nhưng do đi buổi chiều sau giải chạy buổi sáng nên bỏ lỡ mất dịp ngắm biển mây.
Từ Mường Xén, xe chạy hơn hai giờ đồng hồ để tới xã Nà Ngoi, làm thủ tục với đồn Biên phòng để xin phép. Tại điểm tập kết, đã có đám đông thanh niên đi xe máy đứng chờ “Em đã đặt 10 xe ôm để đưa anh em mình đi.” Dũng, phụ trách chuyến đi nói. Cũng ngạc nhiên vì thường đi leo núi, chúng tôi luôn sẵn sàng chui rừng và leo cả chục km là chuyện thường, ở đây lại là đi xe ôm.
“Không giống đi leo các đỉnh núi khác, ở đây xe máy sẽ đưa các anh chị lên sát chân núi, phải leo chừng 1 km thôi.” Một cậu chạy xe chia sẻ, cậu ta nói thêm “ngày lễ, nhiều thanh niên cũng đi lên đó dã ngoại, tham quan, nhưng đường đi khá xa đấy.” “Khá xa” là chữ không xi nhê gì với dân chạy chúng tôi. Tuy nói không phải leo nhiều, nhưng ai cũng chuẩn bị thay đồ trail, giày, nước, mũ cẩn thận. Trời nắng giờ xiên khoai, phải trên 30oC, tôi mặc áo chạy mỏng và mũ che nắng, ngồi lên một xe và cả nhóm bắt đầu di chuyển.
Con đường khá đẹp, rải bê tông, lên dốc liên tục từ độ cao gần 300 mét. Cây cối cổ thụ, rừng samu, mặt đường nước chảy tràn, vách núi rêu phong, địa y bám thân cây cho ta cảm giác mát mẻ và thực sự thiên nhiên, xa rời phố thị. Tiếng xe máy nổ rền vang vì leo số 2, có dốc phải đi số 1 và liên tục đi lên. Có vài xe máy đi xuống ngược lại là các thanh niên đi chơi “Họ đi từ sáng sớm, giờ mới về đến đây chú ạ.” Thiện, cậu thanh niên người Thái chở tôi cho biết. 10 người chạy xe hôm nay có 2 người Kinh, 1 người Mông và 7 người Thái, cậu ta họ Vi.
“Cháu 19 tuổi rồi, chưa lấy vợ, bạn học cháu người Mông thì mấy con rồi, chúng nó cưới từ cấp I hoặc cấp II ấy” Vượt qua con dốc gắt, Thiện kể chuyện. Tôi hỏi “Khai thác rừng giờ còn không?” Thiện nói “Không, rất khó, có vào chặt trộm thì không thể mang ra được. Săn bắn cũng vậy, dân thi thoảng vẫn đi săn trộm, nhưng cơ bản rừng bên ta ít thú rồi”. Các trạm biên phòng phối hợp với kiểm lâm làm rất gắt, dân đi săn hay chặt trộm đã bị hạn chế rất nhiều. Xe tới trạm kiểm soát Biên phòng Buộc Mú, chúng tôi làm thủ tục khai báo và tiếp tục di chuyển. Tới đây mới đạt độ cao hơn 2000 mét.
“Mới đi được chúng 15 km thôi, hơn 20 km nữa” Thiện thông báo khi tôi ngồi lên xe. Do lên dốc liên tục, ngồi sau phải chống tay giữ nên khá mỏi và ê mông. Mỏi hơn cả chạy bộ. Con đường tiếp tục lên dốc, đường vẫn là bê tông, nằm trong vành đai tuần tra. Nhiệt độ đã giảm hẳn, đi ngoài nắng còn ấm, qua bóng núi là lạnh luôn “Lên trên là 12oC đấy chú.” Thiện cảnh báo khi tôi chỉ mặc có mỗi áo mỏng cộc tay. “Sao họ không cho xe ô tô đi lên nhỉ?” Tôi hỏi Thiện khi con đường hơn 20 km đã qua khá đẹp dù là lên xuống dốc có chỗ hơn 14o. “Họ kiểm soát, không cho xe ô tô dân sự lên. Hơn nữa, nhiều đoạn tới bị sạt lở cả vực núi, chỉ xe máy mới qua được.
Vừa nói xong, xe đi qua những cây họ thông khổng lồ cỡ 4-5 người ôm cao vút trên rừng, vách núi là những khối đá mồ côi chơ vơ cheo leo còn bám trụ trên cao như những tòa cao ốc chực đổ xuống, phía dưới là những khối đã đã lở lăn xuống, bạt bay cả vạt núi xuống vực sâu vài trăm mét. Những khối đá loại sa thạch, có lẽ vì xa và cấm, chứ chính là thứ họ khai thác để xẻ. “Dưới xã, có các mỏ đá chú ạ, những khối đá này họ băm ra thành những viên gạch để xây dựng rất đẹp và như khuôn” Thiện kể khi tôi nói về những tảng đá to trên đường được máy xúc đẩy ra lấy đường đi. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng phải làm đường mới.
“Tại sao điểm du lịch, leo núi như này mà lại đi xe máy nhỉ?” Tôi hỏi Mạnh, cậu phụ trách kiểm lâm và dẫn đoàn đi cùng. “Con đường bê tông này phục vụ quốc phòng, trước đây để lên đỉnh núi Pu Xai Lai Leng sẽ leo từ trạm kiệm soát, cũng đi mất 2 ngày 1 đêm đấy. Thường bọn em đi tuần rừng là đi cung đó, chứ đâu chạy xe máy như này?” Mạnh kể và nói thêm “Bên ta làm rất gắt, không có chuyện chặt trộm cây nữa. Săn thú rừng cũng rất khó, nhất là bộ đội, kiểm lâm, mỗi viên súng AK bắn ra, phải giải trình cả chục trang A4 trước khi xử lý.”
Càng lên cao, các điểm sạt lở càng nhiều và nghiêm trọng, nhiệt độ giảm sâu. Chúng tôi dừng xe ở chân đỉnh núi sau khi chạy được tầm 37 km, mất 2 tiếng, thực sự xa, nếu so với dân chạy bộ đường road dưới xuôi, họ chạy gần bằng. Lạnh quá, chúng tôi triển khai vận động luôn để bám vách núi leo lên. Mất mấy phút cho chân tay hoạt động trở lại vì ngồi lâu trên xe, tôi cũng bị nhịp tim tăng vọt vì leo lên.
Sau đoạn dốc đứng, đường đi dẫn lên vạt rừng đỗ quyên cổ thụ, thân cây mốc meo vài người ôm, cành lá sum xuê, có lẽ đỗ quyên ở đây to hơn cả trên Sa pa, chưa nở rộ nhưng cây nào nở là đỏ luôn cả vạt rừng, ngắm thật mê. “Nếu buổi sáng, các anh sẽ được ngắm biển mây và nhấp nhô những vùng hoa đỏ của rừng đỗ quyên này.” Mạnh chia sẻ. Trên cao lạnh, nhưng vận động leo đã làm ấm người trở lại, chúng tôi háo hức leo lên khá nhanh. Nhóm địa phương chạy xe cũng leo lên cùng, họ ngạc nhiên là nhóm du lịch này đi leo nhanh hơn bình thường mà các nhóm họ đã dẫn đi.
“Cột mốc biên giới” một cô la toáng lên. Thì ra đã lên tới đỉnh núi, độ cao 2720 mét của dãy núi Trường sơn qua Tây Nghệ an này, tại đây cũng chính là ranh giới với cột mộc 422 giữa Lào và Việt nam. Xung quanh là rừng đỗ quyên, xen lẫn những vạt nhỏ cây trúc, dưới đất là thảm mùn lá tích tụ nhiều năm. Cả nhóm chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc biên giới. “Cột mốc được bộ đội Biên phòng đi tuần và dọn dẹp thường xuyên nên lúc nào cũng sạch sẽ” Mạnh giới thiệu và gọi “Các anh chụp xong chưa? Còn đi sang bên kia, chỗ kia mới là đỉnh núi, đỉnh cao nhất và có chóp đánh dấu”
Đỉnh núi được nhóm Unesco làm chóp Inox khắc tên và thông tin, họ mang lên đặt trên tất cả các đỉnh núi họ chinh phục. Chóp của Pu Xai Lai Leng chưa được chốt, đặt tự do trên mảnh đất phát quang. Du khách có thể bê lên để chụp ảnh. Chỗ đặt chóp cách cột một khoảng 50 mét. Trong khi chúng tôi chụp ảnh, Mạnh đi gom rác, các vỏ hộp sữa, lon bia, chai pét thả xuống một cái hố cạnh đó và đốt. “Rác không hẳn từ du khách anh ạ, dân địa phương vứt lại nhiều, du khách nay họ đã bớt xả rác, họ thường mang theo xuống”. Mạnh tâm sự.
Vạt rừng bên này hướng tây nên ngắm được bạt ngàn hoa đỗ quyên dỏ rực trong nắng chiều, một điểm thú vị không chỉ cho các chị em, các thanh niên cũng tranh thủ check in với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trước khi quay trở lại đường bê tông bên dưới. Độ ẩm cao, cây cối cổ thụ, khi đi xuống dễ thở hơn nên tôi mới chú ý, thân cây đỗ quyên, xù xì lả tấm áo địa y và tầm gửi, rất dày. Những tảng đá to chìa ra cũng được khoác nguyên tấm áo địa y mượt mà. Chân đi qua những rễ cây nhưng êm ái bởi mùn đất dày. Việc lên đỉnh núi Pu Xai Lai Leng không thách thức yêu cầu chân, tay, tim phổi khỏe, vì phải leo chúng 1 km dốc thôi, thời tiết đẹp là không còn gì lo. Tuy nhiên thách thức khác đó là phải có khả năng chịu đựng 4 tiếng ngồi xe máy lên xuống.
“Các anh có muốn sang giao lưu với đồn biên phòng Lào không?” Mạnh rủ. “Có, ở đâu, có khó khăn gì không?” Tôi hỏi dồn. “Đồn biên phòng Lào, cách trạm kiểm soát của đồn biên phòng Việt nam khoảng 500 mét thôi, trên đường về, họ rất thân thiện và nói tiếng Việt nam.” Mạnh thêm thông tin.
Mất gần 1 tiếng, chúng tôi trở lại đường cũ và tới ngã tư, rẽ đến một giao thông hào đơn giản, nhìn bên kia có một nhà gỗ như của người Mông trên một vuông đất trống. “Đồn biên phòng Lào đấy” Thiện chỉ cho tôi khi xe dừng lại. Cả nhóm vượt qua giao thông hào, qua sân và đống củi được xếp ngay ngắn. Gió lạnh buốt khi ngồi xe từ trên xuống nên mấy cô gái lao ngay vào bếp chẳng cần hỏi han ai. Trên bếp, một nồi xôi đang hông, trong bếp tối om, gác bếp chỉ cao ngang vai đầy mò hóng đen tuyền, treo lủng lẳng những rổ, rá. Trên bàn phía sau có một thúng và đống rau cải mèo. Phía ngoài bếp có mó nước, quần áo phơi phóng nhếch nhác.
Đón tiếp nhóm, Mạnh đã giới thiệu qua với họ, lúc này tôi mới để ý có 3-4 người, như người Mông, mặc thường phục đang đứng xung quanh. “Các anh là bộ đội Lào?” tôi hỏi một người thanh niên béo khỏe, “Vâng, là bộ đội chốt trạm biên phòng này.” Anh ta đáp. “Trạm có nhiều người không?” Tôi hỏi tiếp “Có 15 người, nhưng đi vắng hết cả rồi.” Anh ta vừa nói vừa vun đống củi và nhóm lửa lên, chừng như thấy chúng tôi đều đang bị lạnh. Trong lúc tôi nói chuyện với chiến sĩ Lào, nhóm VUT tranh thủ chạy bộ vào đường mòn dẫn sâu sang đất bên kia vừa quay lại “Được hơn 1 km rồi, làm cái tracklog trên đất Lào anh ạ.” Dũng cười nói.
Mạnh chia sẻ thêm sau khi chúng tôi chia tay với các chiến sĩ biên phòng Lào. “Họ nghèo lắm, sống khổ hơn cả người dân tộc bên ta, lương bộ đội của họ rất thấp, không được như bên Việt nam đâu.” Phía Việt nam có đường bê tông vành đai biên giới, giao thông tốt hơn. Bên Lào không có, họ chỉ có đường mòn, đường đất. Cậu béo Lào khi nãy có kể “Nhà em cách 300 km, muôn về nhà mất vài ngày vì đường rất khó đi”. “Sao họ không tăng gia? Đất xung quanh nhiều thế mà rau cũng không có?” Tôi thắc mắc. Mạnh nói “Chỉ bên này núi và bên kia, khi hậu rất khác nhau, không trồng được cây gì cả. Số anh em đi vắng hôm nay, một số đi ăn cưới, còn lại là đi săn đấy.” Tôi tò mò “Sao lại được đi săn?”
Bên Việt nam cấm săn bắn, nhưng bên Lào thì không, bộ đội biên phòng Lào vẫn đi săn bắt thú rừng về ăn. Họ cần phải tự túc lương thực, thực phẩm cải thiện. Tuy là đồn biên phòng, nhưng nhà cửa thô sơ và nghèo, cách đồn Việt nam mấy trăm mét, chắc họ cũng thường xuyên qua lại giao lưu với nhau.
Trên đường về, gió lạnh nhưng xuống thấp ấm dần, tôi để ý nhiều tấm biển chữ “Vùng nguyên liệu thảo dược, không xâm phạm” có lẽ địa phương đã chọn cách quy hoạch và khai thác rừng theo thế mạnh riêng, tránh phá hoại tàn phá rừng già, săn bắt cạn kiệt thú. “Bên ta còn rất ít thú rừng chú ạ, chỉ có bên Lào chạy sang.” Thiện phàn nàn, một phàn nàn của người Thái bản địa còn trẻ, cảm nhận được rất rõ sự cạn kiệt rừng. “Ở đây Cánh kiến rất nhiều, xưa họ khai thác bán, giờ còn không?” Tôi hỏi “Giờ họ lấy ít lắm, nhu cầu không nhiều nữa” Thiện đáp. Đúng vậy, vecni xưa làm từ cánh kiến, nay sơn công nghiệp đủ kiểu, nhanh, rẻ, bền, đẹp, không còn chỗ cho vecni và cánh kiến.
“Chú nhìn hàng cột điện cao thế kìa...” Thiện chỉ cho tôi nói “Trên cùng là đỉnh Pu Xai Lai Leng đấy” từ dưới chân núi, cách 37 km nhìn lên, hóa ra chỉ có khoảng chục cột điện thẳng kéo xuống. “Nghe nói họ muốn làm cáp treo chú ạ.” Thiện thông tin, nhưng không chắc chính xác. Thực sự nếu làm cáp treo, chắc chỉ 20 phút là tới đỉnh núi, không cần đi 37 km chạy xem máy hay leo 2 ngày 1 đêm để tới, thế nhưng trả lại sẽ là những điều gì?
Giải chạy Marathon Kỳ sơn, Về miền Sơn cước, một khởi đầu cho phát triển du lịch địa phương. Du lịch có thể thay đổi được cơ cấu kinh tế của dân, có thể xóa sự phụ thuộc vào khai thác sản vật rừng. Như Phong nha Kẻ bàng, thay đổi hoàn toàn sau khi khai thác hang động cho du lịch, dân tham gia các dịch vụ du lịch, bỏ đi săn, đi khai thác rừng. “Dũng xem VUT có làm được giải trail marathon ở vùng này không?” Tôi hỏi Dũng khi trên xe quay về Hà nội.