Đô đốc Giáp Văn Cương

ST

25/11/2021 15:50

Theo dõi trên

"Giáp Văn Cương là một tướng tài. Ông là tướng quân sự, nhưng diễn thuyết rất hay. Tôi rất thích nghe tướng Cương trò chuyện với lính.

do-doc-cuong-1637830140.jpg
Đô đốc Giáp Văn Cương (1921-1990). Ông sinh tại Bắc Giang trong một gia đình địa chủ yêu nước, tham gia cách mạng từ năm 1942, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 96) trong kháng chiến chống Pháp, Sư trưởng Sư đoàn 3 Quân khu V từ năm 1965, Tham mưu trưởng mặt trận 44, Phó Tổng Tham mưu trưởng năm 1974, Tư lệnh Hải quân (1977-1980) & (1984-1990), chỉ huy trưởng chiến dịch CQ-88.

 

Hồi ấy nghĩa vụ quân sự bốn năm. Có người ở đảo đến cả chục năm liền. Tướng Cương bảo: Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá hoang vu cỗi cằn này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc, là máu thịt của mình. Chúng ta canh giữ, bảo vệ, có phải bảo vệ mấy hòn đá hoang dại này đâu. Mà là giữ biển đấy chứ. Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc chúng ta suốt từ bắc đến nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ biển vào. Thực dân Pháp vào ta từ biển. Đế quốc Mỹ cũng thế. Gần kề ta, núi liền núi, sông liền sông, mà Ô Mã Nhi xưa cũng tấn công ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ. Có chết cũng phải giữ. Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh đọa đầy thế này.

Tao già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra phải được ở nhà an thú tuổi già chứ, vậy mà rồi tao vẫn phải lặn lội sóng gió ra đây với chúng mày. Rồi vẫn phải làm Tư lệnh. Tất nhiên tớ biết, các cậu vất vả hơn Tư lệnh, khổ hơn Tư lệnh nhiều. Vì Tư lệnh còn được ở đất liền. Hay là các cậu vào đất liền, làm Tư lệnh đi, để tớ giữ đảo cho. Ở đây có cậu nào làm được Tư lệnh không? Nào! Xung phong nào? Mạnh dạn lên chứ! Cậu nào làm được Tư lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương?

Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ Tư lệnh nghèo quá. Đất nước nghèo quá. Còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ thiếu ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ Tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu, cả tầu ra tầu về. Mà dầu thì cả nước không có, phải mua của nước ngoài, mua rất đắt. Mỗi đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn. Mà hàng triệu bà mẹ liệt sĩ vẫn còn đói khổ.

Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc. Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm. Ông Cương bảo: Chẳng ai nỡ làm một cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy đấy. Cắt phép. Có đứa nào phản đối không? Không à? Thế là ông khóc. Khóc thật sự. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho các cậu đi ngay. Đi bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Trai trẻ gì mà kém thế. Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ “trốn” đấy. Thế là tướng với lính cười bò. Cười mà nước mắt giàn giụa.

Ông Cương tài lắm. Mà rất chân thành. Cánh lính thương ông cũng vì sự chân thành ấy. Tôi nhớ có lần một cậu lính trẻ xứ Nghệ còn “tham mưu” cho ông một kế sách giữ đảo. Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Không kẻ thù nào cướp được đảo của chúng ta đâu. Thời trộm cắp bát nháo qua rồi. Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi! Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào? Thì bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Bố có biết con ngụy trang đảo thế nào không? Con sẽ xúc hết chỗ cát này giấu xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!

Ối giời đất ơi! Một kế sách “động trời!”. Nếu gặp phải vị chỉ huy “non tay”, chắc chàng lính trẻ đã bị kỷ luật vì “mất lập trường quan điểm”. Đồng chí chính trị viên đảo lúc bấy giờ cũng thấy bất ngờ vì sự “quá trớn” của lính tráng. Nhưng anh còn bất ngờ hơn vì Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Tư lệnh khen chàng lính trẻ có sáng kiến hay. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng. Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo! Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh.

Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay. Mày làm cái gì thế? Giấu đảo à? Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục - Mà, mà, đúng ra, đúng ra chúng con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị “trôi dạt” thôi!"

Năm 1984 ông đã nhận định: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam".

Trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Kế hoạch bảo vệ Trường Sa của ông được cấp trên chấp thuận.

Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay. Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi".

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Ngày 7/5/2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Đô đốc Giáp Văn Cương" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn