Thoạt nhìn thần thái người đàn ông sinh năm 1991 – Vũ Thanh Trung ấy, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây phải là “cậu ấm cô chiêu”, xuất thân từ gia đình “trâm anh thế phiệt” nào đó. Nhưng khi ngồi lại và nghe Trung tâm sự về cuộc đời của mình, thì tôi mới hay – đó là “câu chuyện cổ tích” đẫm nước mắt vẫn còn dang dở.
Tôi đã từng là đứa trẻ “tật nguyền tuổi thơ”
Được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc nâng niu của bố mẹ, là niềm hạnh phúc của biết bao đứa trẻ. Nhưng, với cậu bé Trung ngày nào, thì niềm hạnh phúc tưởng chừng như giản dị đó chỉ là một ước mơ xa vời. Trung thèm một lần được như vậy, nhưng điều này là không thể.
Chưa đầy 06 tháng tuổi, Vũ Thanh Trung (Xuân Trường - Nam Định) đã phải rời xa vòng tay của bố mẹ. Họ ly hôn, bỏ lại tuổi thơ của Trung với những cơ cực, nghèo đói cùng ông bà ngoại, tuổi đã xế chiều. Mỗi lần tủi thân, Trung chỉ biết sà vào vòng tay của ông bà. Hơi ấm đó, phần nào làm dịu đi những mất mát, thiệt thòi của một tâm hồn non nớt.
Gia đình là nơi chứa đựng biết bao tình yêu thương. Vậy nên, khi mái ấm gia đình đổ vỡ, cũng là lúc những đứa trẻ rơi vào trạng thái cô đơn nhất. Chúng chỉ được quyền lựa chọn ở cùng cha hoặc mẹ. Lựa chọn ư? Trung nào được. “Không ít lần, tôi dõi ánh mắt theo lũ bạn và ngưỡng mộ cuộc sống của chúng. Rồi rụt rè ước, nhưng chỉ vài giây sau, đã vội vàng thu lại. Tôi chẳng bao giờ dám mơ mộng nhiều như vậy. Vì thú thật, thời đó Tôi chỉ là một đứa trẻ “tật nguyền tuổi thơ””. – Vũ Thanh Trung bồi hồi kể lại.
Trung không biết mặt cha, còn mẹ thì bỏ sang nước ngoài lao động, rồi định cư và có gia đình riêng bên đó, vài ba năm, thì về thăm con một lần. Ông bà ngoại là người nuôi nấng, chỉ bảo Trung từ khi còn đỏ hỏn. “Những ngày bi bô tập nói, có bao giờ tôi được gọi một tiếng cha mẹ đâu. Ông bà ngoại tôi thì nghèo lắm, lại già nữa, nhưng có gì cũng dồn hết cho tôi. Với tôi, thì ông bà là cả thế giới. Ngày đó, nhiều người hỏi tôi: có hận cha mẹ đã bỏ rơi mình không? Thì tôi luôn trả lời là: không. Vì những tổn thương, mất mát đó của tôi, đã chuyển hoá thành tình yêu thương và lòng biết ơn vô bờ bến đối với ông bà. Lúc bấy giờ, tôi chỉ mong mình lớn thật nhanh, đi làm có tiền phụng dưỡng ông bà.” – Trung nghẹn ngào tâm sự.
“Thế giới đổ sập” và ngã rẽ cuộc đời
Cứ nghĩ rằng những hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị còn sót lại đó sẽ theo Trung đến khi cậu ấy trưởng thành. Nào ngờ, năm Trung 04 tuổi thì ông ngoại qua đời - “nửa thế giới” đã đổ sập xuống chân Trung. Gánh nặng gia đình dồn lên hai vai bà ngoại già.
Ông ngoại mất, Trung thương bà và cũng vì thế mà thôi học. Cậu bé chưa kịp lên lớp 7 đó, đã phải gác lại những ước mơ còn dang dở trong căn nhà cấp 4 xập xệ. Trung bỏ nhà ra đi, gói gém kỷ niệm cơ cực của mình cùng ông bà và hành lý, lang thang lên Thủ đô Hà Nội, làm thuê - làm mướn để có tiền lo cho bà ngoại ở quê. Ở cái tuổi “ăn không nên đọi, nói không nên lời” như Trung thì làm được gì? Ai người ta thuê? Ấy vậy mà cũng có người thương. Họ nhận Trung – đó là công việc làm giàn giáo, cốp pha. Lắp ghép, và bán cho các công trình xây dựng – Phải chăng, đây là công việc quá sức đối với một cậu bé 12 tuổi?
Đi làm thuê được 06 năm, đến năm 18 tuổi Trung tách ra làm riêng. Báo hiếu bà ngoại được 08 năm, thì bà mất. Gác lại những nỗi đau, Trung lao vào kiếm tiền, không lâu sau thì thành lập công ty sản xuất giàn giáo, bán và cho các công trình xây dựng thuê, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là những hoàn cảnh khó khăn như Trung trước đây.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng tình yêu và cái tâm với nghề, Trung có nhà thủ đô, có xe và có mái ấm gia đình riêng của mình. Một “câu chuyện cổ tích” về chàng trai nghèo vượt khó, bước ra từ vũng bùn lầy đã được viết lên. Không ai nghĩ rằng Trung có thể làm được điều đó, ngay cả những người lạc quan nhất.
Khi có tâm thì ắt sẽ có tầm - Công ty của Trung được nhiều đối tác xây dựng đánh giá: là một trong những doanh nghiệp cung cấp giàn giáo cũ, mới, uy tín, chất lượng top 1 của Việt Nam. Luôn đặt chữ tâm, chữ tín lên hàng đầu, Trung mong muốn đem đến những giá trị tốt đẹp nhất cho xã hội, mong nước nhà ngày càng mọc lên những công trình cao và cao mãi.
Trung đã kết nối với nhiều đối tác trong và ngoài nước, sản xuất ra loại giàn giáo đời mới thông minh, an toàn để phục vụ các công trình to, nhỏ khác nhau. Anh có một ước mơ cao cả, đó là: muốn đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
“Thời điểm đó tôi lao vào kiếm tiền, vì tôi nghĩ chỉ khi nhiều tiền thì mới hạnh phúc. Cuối cùng thì tôi đã có chút thành công nho nhỏ. Năm 23 tuổi tôi lấy vợ và có một cậu con trai. Nhưng có vẻ hạnh phúc luôn quay lưng với tôi, hôn nhân kéo dài được 05 năm thì đổ vỡ và tôi nhận nuôi con. Hồi nhỏ, đã không ít lần tôi tự dặn bản thân: khi lớn lên phải có một gia đình thật hạnh phúc, không để con cái phải như tôi. Nhưng rồi tôi lại thất hứa với chính mình, làm khổ con cái. Có thể do tôi mải mê kiếm tiền không quan tâm đến gia đình hoặc đã định nghĩa sai về hạnh phúc.” – Vũ Thanh Trung nghẹn họng tâm sự.
Trong cuộc sống có không ít trường hợp mải mê kiếm tiền, chạy theo những mối quan hệ xã hội rồi ‘đánh rơi” hạnh phúc, và Trung cũng không ngoại lệ. Phải chẳng, thứ mà Trung thiếu và khát khao tìm kiếm bấy lâu nay không phải là tiền, mà là tình cảm, sự yêu thương, của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Đó mới chính là thứ Trung đang thiếu, chứ không hẳn là kiếm thật nhiều tiền.
Tìm đến tín ngưỡng thờ Mẫu để “giải thoát” tâm hồn
Năm 2018, Vũ Thanh Trung bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu và bắc ghế hầu Thánh như một cơ duyên. Thời điểm đầu, chưa hiểu nhiều về đạo Trung gặp không ít khó khăn để giác ngộ. Với bản tính cần cù, chịu khó vốn có của mình, Trung đã đưa tâm hồn mình tới gần hơn với đạo Mẫu – đạo của người Việt.
“Khi bạn gặp phải vô vàn khó khăn, dẫn đến bế tắc trong cuộc sống và cảm thấy không có lối ra, thì tôi khuyên bạn hãy tìm cho mình một đức tin nào đó. Chắc chắn, tâm hồn bạn sẽ được “giải thoát”. Và tôi cũng đã làm được phần nào, không còn tham – sân – si như trước, sống từ bi và cho đi nhiều hơn.” – Thanh đồng Vũ Thanh Trung chia sẻ.
Anh tâm niệm: “Phàm đã là một thanh đồng chân chính – người con của Mẫu, thì tâm phải sáng, trí phải bền, một lòng một dạ, nhất tâm tưởng vạn tâm cầu, trên theo Phật Thánh, dưới theo đồng thầy. Học cách kiểm soát những “Hỷ - Nộ - Ái - Ố” trong cuộc sống. Nếu làm được tất thảy, thì ắt bản mệnh của bạn sẽ được an yên.”
Ở Việt Nam ta có rất nhiều tín ngưỡng hợp pháp khác nhau. Tất cả đều hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Không ít người chọn tín ngưỡng thờ Mẫu là một đức tin, để mưu cầu sự an yên trong tâm hồn, gạt đi những nỗi đau, khổ cực và khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Mong sao doanh nhân, thanh đồng Vũ Thanh Trung luôn vững bước trên con đường mà anh đã chọn, cống hiến cho xã hội nhiều giá trị tốt đẹp hơn nữa. Và cũng hi vọng rằng “câu chuyện cổ tích” của anh sẽ được viết tiếp, một cái kết có hậu sẽ đến với cha con anh.
Video diễn xướng chầu văn của thanh đồng Vũ Thanh Trung