I
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc
Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.
Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng.
II.
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rường bước vội
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi.
Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến
Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng
Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gai góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú...
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em
Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư
Có tiếng hò như thực như hư
Em đã đến, tắm mình trong sóng nước
Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thủa trước
Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn
Và kêu lên khi được thấy cội nguồn
Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ.
Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ
Đã cùng họ sẻ chia
Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa
Phút căng thẳng khi vòng vây giặc siết
Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết
Của một thời nô lệ đau thương
Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
III.
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
8 tháng 3 - 1969
6 tháng 9 - 1969
Đó là những câu thơ để đời, của Nhà thơ Bùi Minh Quốc (còn có bút danh là Dương Hương Ly) khóc vợ ông - Nhà văn, Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người đã hi sinh đúng ngày 8/3/1969 tại chiến trường Quảng Nam, cách đây tròn 55 năm. Cũng từ cảm xúc mạch nguồn đó, sau này Bùi Minh Quốc còn viết "Bài thơ về tình yêu" đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng "Cuộc đời vẫn đẹp sao"…
Năm 1961, Nhà thơ Bùi Minh Quốc và Nhà văn Nhà báo Dương Thị Xuân Quý quen biết và yêu nhau. Năm 1966, hai người làm lễ cưới. Năm 1967, Nhà thơ Bùi Minh Quốc xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Văn nghệ Khu V, nổi tiếng với tập thơ "Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ" với bút danh Dương Hương Ly. Khi đó con gái của ông và Dương Thị Xuân Quý mới 6 tháng tuổi.
Một năm sau, 1968, nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng lên đường vào chiến trường miền Nam. Chị gửi lại con gái đầu lòng và cũng là duy nhất là Bùi Dương Hương Ly cho mẹ là bà Hoàng Thị Tín trông nom. Hai vợ chồng Bùi Minh Quốc công tác cùng cơ quan - một tờ báo tuyên truyền của Quân Giải phóng Miền Trung Trung Bộ được đặt ở trên núi. Họ gom góp lại một số bài thơ và truyện ngắn của mình đã được đăng rải rác trên các báo hay các tuyển tập, đem in thành một tuyển tập riêng của hai người, và đặt tên là "Chỗ Đứng" (1968).
"Chỗ Đứng" được Nhà xuất bản ngoài Hà Nội in, nhưng khi sách in xong, gửi vào trong chiến trường miền Nam thì nữ Nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã mãi nằm lại trong một chuyến đi công tác về cơ sở, bị lính Đại Hàn phát hiện ra hầm bí mật. Lúc đó Bùi Minh Quốc đang bận làm dở một bài báo nên để vợ đi công tác xuống vùng đồng bằng trong vùng Quảng Đà.
Ngày 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý bị địch sát hại ở Duy Xuyên trong một trận càn, khi tuổi đời mới vừa 28. Bùi Minh Quốc đã nhiều lần đi tìm mộ vợ mình - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vào các năm 1983, 1995, 2000, nhưng mãi đến chiều ngày 3 tháng 8 năm 2006, 37 năm sau ngày nữ Nhà văn hy sinh, ông mới tìm được. Nơi đó chỉ cách bia tưởng niệm Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý do chính ông dựng vào năm 1996 có 30m. Đúng với câu thơ mở đầu của "Bài thơ về hạnh phúc": Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên / Trên mồ em có mùa xuân ở mãi..., gia đình và đồng đội đã để chị yên nghỉ lại đất Duy Xuyên.
Mấy năm trước, trong một chuyến đi Lâm Đồng, tôi đã tìm đến nhà số 3 đường Nguyễn Thượng Hiền, TP. Đà Lạt, để thăm Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nói lời cảm ơn ông vì đã ủng hộ bản thảo cho đề án bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam tuyển tập".
Nhân kỷ niệm tròn 55 năm ngày nữ Nhà văn, Nhà báo Dương Thị Xuân Quý hi sinh (8/3/1969 – 8/3/2024) xin được giới thiệu chân dung chị vừa được nhóm họa sĩ của “Trái tim người lính” sử dụng AI phục dựng màu; đồng thời đưa lại clip ghi cuộc trò chuyện với Nhà thơ Bùi Minh Quốc tại TP. Đà Lạt..
Xứ Quảng, 8/3/2024
Trái Tim Người Lính