Đọc “Nắng thổ cẩm” của Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo

Bùi Việt Thắng

10/05/2021 19:08

Theo dõi trên

“Nắng thổ cẩm” cho thấy một không gian – thời gian thơ mới mẻ của Phạm Thị Phương Thảo. Ở đó có một cơ hội để ngòi bút của người thơ trở nên phóng khoáng hơn, hào hiệp hơn, dốc lòng hơn với đời, với người và quan trọng hơn là với tự nhiên.


tranh-phuong-thao-1620648148.jpg
Sơn nữ  - Tranh: PhamThị Phương Thảo

1.“Nắng thổ cẩm” (NXB Thanh niên, 2016)  là tập thơ thứ 8 của Phạm Thị Phương Thảo (chưa kể một tập thơ viết riêng cho thiếu nhi). Năm 2016, chị nhận giải Ba của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Cộng ta vào thế giới”.

Trong tập thơ mới này, Phạm Thị Phương Thảo hướng ngòi bút viết nhiều về vẻ đẹp của người, cảnh và tình các dân tộc anh em HMông, Mường, Thái, Dao, Tày… Cứ  đọc những địa danh ghi cuối bài thơ sẽ thấy nhà thơ thả hồn mình chìm ngập giữa rừng núi bao la một dải từ Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình đến Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang...

Đọc thơ Phạm Thị Phương Thảo lại nhớ câu chỉ dẫn của nhà văn Nguyễn Tuân, đại ý, công việc của người sáng tác luôn gói gọn trong ba chữ “đi - đọc - viết”. Một phụ nữ chịu khó đi. Một người sáng tác chịu khó đọc. Đi để trải  nghiệm. Đi để nuôi dưỡng cảm xúc. Đi để tìm “tứ” cho thơ. Đi để tường tận vẻ đẹp của hoa tam giác mạch. Đi để nghe tiếng sáo gọi bạn tình HMông. Đi để nghe được tiếng chim kêu da diết ở Ô Quý Hồ. Đi để không chỉ biết mà quan trọng hơn là cảm. Đi để nhập hồn vào thiên nhiên. Đi để sống đời sống thứ hai ngoài bản thể.

“Nắng thổ cẩm” cho thấy một không gian – thời gian thơ mới mẻ của Phạm Thị Phương Thảo. Ở đó có một cơ hội để ngòi bút của người thơ trở nên phóng khoáng hơn, hào hiệp hơn, dốc lòng hơn với đời, với người và quan trọng hơn là với tự nhiên. Nói vậy để biết thơ Phạm Thị Phương Thảo ngày càng nhuần nhị giữa “hướng ngoại” và “hướng nội”. Nghĩa là ngoại cảnh với nội cảm trở nên gắn bó, xoắn xuýt, nâng đỡ nhau cùng phát lộ.

viet-thang-1620648123.jpg
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng

2.

Đọc 45 bài thơ trong “Nắng thổ cẩm” (được viết trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016) của Phạm Thị Phương Thảo ngời lên những sắc màu nào? Dĩ nhiên trước hết là “sắc nắng”. Nhưng không phải nắng đồng bằng mênh mang. Cũng không phải nắng nơi chốn thị thành mờ nhòe, nghèn nghẹt bụi ô nhiễm. Cũng không phải nắng miền duyên hải vừa xanh trong vừa chói chang.

Cũng không phải nắng vùng biển đảo mênh mông vô tận. Càng không thấy cái nắng rát bỏng ở vùng “gió Lào cát trắng”. Nắng thì đã mấy ai nắm bắt được trong tay mình. Nhưng với người của núi rừng thì có thể “Em thêu nắng vào chiều/ Cho mùa phơi váy ngát hương (…)/ Nắng thổ cẩm vẫn rực màu ngũ sắc/ Mùa mùa váy tỏa hương” (“Thêu nắng”).

Hoa tỏa hương thì đã đành. Hương lúa nếp nương tỏa hương thì đã đành. Hoa sữa (và các loài hoa khác) tỏa hương thì đã đành. Nhưng thật hiếm khi thấy “váy tỏa hương” như trong thơ Phạm Thị Phương Thảo. Câu thơ này, tôi nghĩ, chênh vênh giữa “thanh” và “tục”. Nhưng may mắn là đọc xong vẫn thấy “nhã”. Là người hòa mình vào rừng núi bao la và tinh khiết (là nói ở những nơi rừng xưa chưa bị con người tàn sát), nên người thơ cảm được các sắc nắng khác nhau. Nào là “Nắng vàng mật”, “Nắng bạc màu, “Nắng cười râm ran bước chân thổ cẩm”, “Nắng thổ cẩm đọng lưng mùa khô khát”, “Nắng buồn cúi nhặt câu giao duyên xưa cũ”, “Gánh nắng xế đường dài”, “Nắng không biết”, “Nghiêng nắng”, “Nắng Quản Bạ cua tay gió Yên Minh, “Em ngồi vun nắng hoa thổ cẩm”, “Nắng tháng mười chợt lạ”, “Ngút ngát nắng và cỏ gianh tua tủa”, “Trời rất xanh và nắng rất vàng”, “Nắng chiều”, “Vàng nắng lửa triền đồi”, “Có nắng vàng nhảy nhót cùng thảm xuân nở biếc trời xanh”, “Ủ nắng vàng”, “Nắng nhảy nhót trong veo”, “Tỉa nắng vàng”, “Nắng cười”, “Bóng nắng dãi dầu”, “Chân vùi trong bóng nắng”, “Nắng nó say kia rồi”, “Gánh nắng xế đường dài”, “Gùi nắng về nơi ấy”, “Nắng đọng giọt”...

Đó cũng là một cách tôi “đếm nắng” (26 lượt xuất hiện, 26 sắc màu khác nhau) trong tập thơ mới của Phạm Thị Phương Thảo. Vô tình hay hữu tình? Tôi nghĩ là hữu tình. Vì thế thơ Phạm Thị Phương thảo, theo tôi, là thơ hữu tình. Hữu tình vì đa tình. Có thể nói “nắng” tràn ngập, tràn trề, rực rỡ, hân hoan, rộn ràng, xao động trong thơ Phạm Thị Phương Thảo.

Thơ Phạm Thị Phương thảo trong “Nắng thổ cẩm”, nếu nhìn ở một phương diện khác, còn chứa chất vẻ đẹp khỏe khoắn của tự nhiên (đôi khi phồn thực) với những hình ảnh đầy ấn tượng: “Vồng ngực đêm”, “Ngực đồi căng căng đầy”, “Ngực núi xanh vươn gió”, “Ngực núi xanh đan ngực núi trần”, “Ngực chơm chớm nụ hồng”, “Xanh nõn bầu ngực đồi”, “Ta nuốt khan ngọn lửa trong lồng ngực”, “Ngực tràn căng sức trẻ”, “Ngực dốc”, “Ngực đồi căng trào áo cóm”, “Ngực đồi phập phồng gió”.

Phải chăng hình ảnh “ngực” biểu trưng cho sự sống chẳng bao giờ chán nản không chỉ là của cõi người mà cả trong thế giới tự nhiên?! Tôi có cảm giác khi viết những câu thơ chạm đến “ngực” thì nhà thơ hít thở rất sâu, dưỡng khí trong lành của tự nhiên ùa vào, lắng đọng và sau đó bật lên niềm hân hoan sống căng phồng.

Thơ Phạm Thị Phương Thảo, theo tôi, vì thế chứa chất niềm vui sống. Đúng là sự sống chẳng bao giờ chán nản. Nói cách khác đời đã hóa thân vào thơ. Và thơ là hiện thân của đời, lúc nào cũng sục sôi, cuộn chảy. Tôi cứ nghĩ, mỗi lần gặp, Phương Thảo chẳng khác nào một núi lửa. Bình thường thì trầm tư, im lìm nhưng một lúc nào đó thì phun trào, bốc hỏa!?

phuong-thao-1620648124.jpg
 

3.

Lâu nay chúng ta cứ băn khoăn “Thơ đi về đâu?”, hay “Thơ từ đâu đến?”. Tôi nghĩ vấn đề không đến nỗi rắc rối như ai đó đôi khi bày đặt ra để nhàn đàm. Nhưng mà thơ thì cứ đi theo con đường riêng như nó vốn có. Tôi đọc thấy những bài ca lao động trong thơ Phạm Thị Phương Thảo. Tuyệt nhiên không thấy rên rỉ, não nề, bi quan, bế tắc.

Cũng trong tập thơ này của Phạm Thị Phương Thảo, không chỉ có tràn trề “nắng”, tràn trề “ngực” ở không gian – thời gian miền rừng núi mà còn hiển hiện những con người ít bị thói thị thành khiến cho đôi khi đỏng đảnh, con người còn ít bị nếp nghĩ, nếp sống hiện sinh khiến cho ngày càng thực dụng, vô cảm.

Con người sống giữa thiên nhiên nên bảo tồn được những vẻ đẹp thuộc về bản thể. Đó là những con người của công việc, hay lam hay làm. Công việc khiến họ yêu đời, yêu người. Lao động chân tay tuy nhiều khi vất vả  nhưng lại gắn kết con người với nhau bền chặt hơn, thân ái hơn. Những câu thơ thật hồn nhiên gần với lời ăn tiếng nói của cô thiếu nữ miền sơn cước gieo vào lòng độc giả những tình cảm chân phương, chân thành: “Ô/ Cái mình hết mất sáp thêu rồi mà/ Anh ơi/ Ra chợ mua cho em”.

Ở đây ta thấy con người nói mà như hát. Nói mà như múa. Bởi người con trai và người con gái không phải chỉ có ngồi không mà ngân nga, ngồi không mà nhìn nhau đắm đuối. Họ vừa làm vừa trao gửi tình cảm. Lao động đúng là vất vả. Nhưng lao động là lẽ sống, là niềm vui: “Cuối nhà sàn/ Em ngồi thêu áo váy những mùa ngô/ Nơi đầu hè/ Anh còn thổi sáo bao mùa lúa?” (“Thêu nắng”).

Lao động trong hiện hữu thời gian ban ngày đã đành. Cả trong giấc mơ cũng không thôi ngưng nghỉ công việc. Thật đáng khâm phục khi: “Giấc mơ em gieo hạt/ Đêm mở ra trập  trùng/ Sắc hoa tím lặn trong đáy mắt” (“Mùa tam giác mạch”).

Có lẽ hình ảnh đọng lại trong trí nhớ độc giả về người lao động miền rừng núi thì nhiều. Nhưng tôi dám chắc nếu ai đã hơn một lần lên vùng cao sẽ khó quên cái dáng cặm cụi, nhẫn nại của người phụ nữ “Bao năm rồi vẫn còng lưng gánh núi”. Không phải gánh để rồi dời đi mà là: “Bao năm rồi/ Bóng những người đàn bà trỉa bắp/ Vẫn đổ dài/ Hoàng  Liên…” (“Người đàn bà trỉa bắp”).

Ngày nay hàng hóa ê chề, rẻ rúng, mấy ai còn lưu lại hình ảnh người vợ/ người mẹ ngồi đan áo cho chồng, cho con theo kiểu đan của nàng Bân ngày xưa. Ấy vậy mà trong thơ Phạm Thị Phương Thảo, không phải là sót lại mà vẫn là lung linh một vẻ đẹp như khắc chạm: “Đêm/ Mẹ ngồi đan áo/ Những cuộn len tung tăng nhảy dưới đèn/ Mái cỏ gianh ướt  một đời tần tảo/ Ngoài cửa sổ hoa hồng nở ngập trăng” (“Đồi cỏ gianh”).

phuong-thao-3-1620648123.jpg
 

4. Trong tập thơ thứ 8 của Phạm Thị Phương Thảo, độc giả nếu có điều kiện đọc chị sát sao, sẽ thấy có nhiều giọng điệu cất lên. Tôi nghĩ, đấy là thể hiện lao động nghệ thuật của người làm thơ. Có lúc thì ướm mình vào nhân vật trữ tình mà thủ thỉ (“Đàn bà HMông”), có lúc thì như nhập vào hai vai diễn (vợ - chồng) mà nói những lời thật thà như đếm (“Nói với vợ ở Khau Vai”), có lúc thì thơ thới cất lên tiếng gọi có vẻ như hoang dã (“Về thôi bố Bản ơi”)…

Nhưng người làm thơ thì càng phải kì công tìm chữ để biểu đạt, để thể hiện ẩn dụ và cảm xúc. Viết như thế này, theo tôi, là luôn có ý thức tìm tòi: “Con đường em mỏng như sợi lanh mềm/ Cheo leo/ Trói lưng anh triền núi...”.

Một vài ví dụ như thế để thấy cũng chính nhờ luôn đổi giọng và luôn tìm chữ mà thơ Phạm Thị Phương Thảo ít rơi vào trùng lặp. Tuy nhiên đôi khi cố gắng tìm mà vẫn có thể chưa tới. Vẫn cứ lộ ra sự không đều tay. Khi đọc, riêng tôi, cứ tiêng tiếc. Giá như một vài bài chị dám không đưa vào thì chắc chắn tập thơ sẽ sáng sủa hơn (ví dụ như “Giông lốc”, “Uy lực của núi”). Là vì những bài này nhà thơ mới chỉ chú trọng lập “ý” mà chưa rõ  “tứ”.

Lại nữa, đôi khi có vẻ như phải điệu đà một chút cho đúng phái đẹp. Nhưng đáng tiếc liền rơi vào sáo: “Tôi cúi mình hôn lên cánh hoa đêm” (Khu vườn đêm hoa trắng). Lại có lúc nhà thơ định dùng điệu nói để cầu cho thơ gần gũi đời sống thực hơn. Nhưng không may lại rơi vào đơn giản (khác với nguyên  tắc mỹ học “Cái đẹp là sự giản dị”) khi viết: “Em người bác sỹ/ Lên với bản Mèo/ Lên với người nghèo/ Bước chân vui nhún nhảy / Nụ cười lấp lánh bay” (“Chiều Mèo Vạc và Em”). Câu cuối dẫu có “bay” lên được đi chăng nữa nhưng cũng không gánh nổi, đỡ nồi ba câu trên…

Vậy là, đọc thơ Phạm Thị Phương Thảo trong “Nắng thổ cẩm”, thật đáng vui mừng thấy nhà thơ vẫn giữ được bầu nhiệt huyết sống, bầu cảm xúc hào hiệp,  chiêm nghiệm, bầu ngẫm ngợi tích cực về quê hương đất nước, nói chung, và một không gian rừng núi nói riêng, giàu có sắc nắng thổ cẩm. Và quan trọng hơn là giàu tình người. Giàu tình yêu cuộc sống. Tôi nghĩ, đó chính là chất mật ong của đàn bà – chất đời của thơ.

 

Bạn đang đọc bài viết "Đọc “Nắng thổ cẩm” của Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn