Khác với viết sử truyền thống, bút pháp văn học đã giúp tác giả sử dụng khá thành công về hội thoại, đối thoại, độc thoại khắc họa những sự kiện, nhân vật lịch sử tiếp nối nhau trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, sự kiên cường, bất khuất đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc. Những cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đánh đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể nói đây là bộ lịch sử Việt Nam đầu tiên diễn đạt dưới dạng văn học, góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc bất khuất, truyền thống đoàn kết toàn dân, chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” bước đầu góp phần cung cấp kiến thức lịch sử cơ bản qua hình tượng văn học sinh động, góp phần khắc phục tình trạng sách sử rập khuôn, khô cứng với những số liệu, sự kiện, ngày tháng năm liệt kê liên tục, rất khó nhớ mà những năm gần đây học sinh phổ thông các cấp ngán ngại học và thi môn lịch sử. Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học môn sử mấy năm liền đều “đội sổ”, có cả thí sinh bị “điểm liệt” (0 điểm). Bộ tiểu thuyết lịch sử này cũng góp phần giải mã những bí ẩn lịch sử mà trong chính sử và những công trình nghiên cứu rất khó có thể thực hiện được. Vì thế bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa dưới dạng văn học đã tạo hứng thú đam mê, thu hút độc giả. Các sự kiện lịch sử dễ đi vào tâm thức người Việt “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).
Qua 8 tập tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa”, tác giả đã làm toát lên được “truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh” trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, nhất là thời kỳ lịch sử cổ trung, cận đại Việt Nam. Dù đã trải qua nghìn năm Bắc thuộc nhưng dân tộc Việt không bị đồng hoá, kiên cường đấu tranh giành độc lập. Thời đại nào dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta cũng sinh ra những vị anh hùng dân tộc kiệt xuất để lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh, vượt qua thách thức, chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.
Bằng những câu chuyện lịch sử, tác giả đã nêu bật được vai trò của người lãnh đạo đất nước dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng quan hệ mật thiết với dân tộc. Bởi những quyết định của người lãnh đạo đứng đầu đất nước luôn liên quan đến vận mệnh tổ quốc, bách tính (nhân dân). Đó là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng Hoa Thám… cho đến thời đại Hồ Chí Minh đều là những người lãnh đạo anh minh, vì nước, vì dân. Và ngược lại thì nội bộ mất đoàn kết, tranh giành, tha hoá quyền lực, thậm chí có những kẻ cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, “rước voi về dày mã tổ” đều chung kết cục bi thảm, bia miệng để đời, khiến đất nước suy vong, dân chúng điêu linh, lầm than.
Thông qua bộ tiểu thuyết lịch sử này, tác giả cũng lưu ý bạn đọc và công chúng, nhất là cấp có thẩm quyền đương thời phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước khi đang chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Bài học mất cảnh giác của Thục An Dương Vương đã bất chấp những lời can gián của các trung thần mà tiêu biểu là Đại tướng Cao Lỗ khuyên không nên gã công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ là Thái tử Nam Việt của Triệu Đà (tức Triệu Vũ Vương). Thuc An Dương Vương đã chủ quan cho rằng: “Nếu Triệu Đà trở mặt tấn công thì ta đã có nỏ thần và lực lượng quân sự hùng mạnh, lo gì không đập tan được chứ?” (trang 45 Chương I – Tập I “Cổ Loa thành thất thủ”). Trong khi đó, Cao Lỗ cảnh báo: “Khi không rõ âm mưu bụng dạ của Triệu Đà thì lời Thục Vương cũng chỉ là giấc mơ tốt đẹp tưởng tượng mà thôi. Cuộc hôn nhân này là việc riêng của gia đình Thục Vương nhưng nó quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Xin Thục Vương lấy giang sơn xã tắc làm trọng. Đặt Quốc gia xã tắc lên trên hết, lên trên quyền lợi của gia đình” (trang 45 Chương I – Tập I “Cổ Loa thành thất thủ”).
Không nghe lời khuyên của trung thần, không lâu sau, Triệu Đà cất quân xâm chiếm Âu Lạc, Loa Thành bị thất thủ, cha con Thuc An Dương Vương chạy trốn. An Dương Vương buộc phải chém đầu con gái Mỵ Châu, đã khóc than: “Nhà tan nước mất và cả cái chết của con là do cha. Cha đã đem con gã bán cho loài ngoại bang lang sói, đã quá tin vào lời đường mật, tình thông gia, tình hữu hảo của hai nước, đã rước lang sói vào nhà, đã đặt viêc nhà lên trên việc nước, đã không nghe lời can gián của những trung thần như Cao Lỗ, lại còn bức hại họ. Cha đã có tội với con, với muôn dân Âu Lạc, với những bậc trung thần, với Tổ tiên, với xã tắc, với các vua Hùng” ( Trang 87 Chương I – Tập I “Cổ Loa thành thất thủ”).
Chình vì vậy, Tố Hữu trong bài thơ “Tâm sự” viết tháng 2/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt, bối cảnh quốc tế lúc đó rất phức tạp, Tố Hữu đã nhắc lại bài học lịch sử mất cảnh giác, bị mất nước này:
“... Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...”
Bài học không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các thế lực ngoại bang bành trướng luôn tìm mọi phương kế để xâm lược nước ta cho đến nay chưa bao giờ cũ, vẫn mang tính thời sự sâu sắc.
Đáng chú ý, trong Tập III “Những khúc khải hoàn” của bộ tiểu thuyết “Việt Nam diễn nghĩa” nói về quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Nhà Trần, đặc biệt tài thao lược chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung bao, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước. Trong đó, tác giả đã dành một số trang miêu tả Công chúa An Tư như là “Tình báo viên” đầu tiên trong lịch sử tình báo Việt Nam, góp phần công sức không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần (thế kỷ thứ 13).
Công chúa An Tư là con gái của Tiên Hoàng Đế Trần Thái Tông 1218-1277, em của Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, cô của vua Trần Nhân Tông, em con ông chú của Trần Hưng Đạo. Công chúa An Tư không chỉ đẹp nổi tiếng Đại Việt mà còn đẹp nổi tiếng cả Trung Nguyên. Thoát Hoan ra điều kiện với sứ giả nhà Trần: “Muốn ta tha mạng cho triều đình (nhà Trần), không tàn sát Hoàng gia và bách tính thì đưa công chúa An Tư đến cho ta. Ngày mai ta sẽ chờ ở Long Hưng và đón người đẹp ở đó”(trang 140, Chương II, Tập III “Những khúc khải hoàn”).
Tác giả đã thuật lại việc Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo có ý ngăn Thái thượng Hoàng nhưng Trần Thánh Tông đã gọi, gặp Công chúa An Tư, nói: “ Nước nhà nay đang như nghìn cân treo sợi tóc. 40 vạn quân Thoát Hoan đang ở phía Bắc và đã đến Long Hưng. 10 van quân Toa Đô đang đánh đến Bắc Trường Yên. Triều đình, Hoàng gia và 30 vạn quân phải cần một ngày nữa mới rút về được Ái Châu. Phải làm sao giữ Thoát Hoan ở lại Bố Hải Khẩu (Thái Bình) hai ngày nữa. Huynh và Hoàng thượng vừa cho sứ giả vào hành dinh của hắn, hắn sẽ ở lại Bố Hải Khẩu chờ đợi và đàm phán. Ý của muội thế nào? Công chúa An Tư dịu dàng đáp: “Muội rất muốn được tham gia cứu dân, cứu nước. Nay vì non sông xã tắc mà vào trại giặc một mình và hy sinh muội cũng không từ… Rồi công chúa An Tư lên kiệu ra đi…” (Các trang 142, 143, 144 Chương II, Tập III “Những khúc khải hoàn”).
Nhờ kế mỹ nhân đó và được Công chúa An Tư cung cấp nhiều tin tức nội bộ từ Thoát Hoan, đã góp phần cản được bước tiến quân của chúng để vua, quân nhà Trần rút lui chiến lược từ căn cứ kháng chiến ở Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định) về Ái Châu (Thanh Hoá) an toàn để có thời gian chuẩn bị thêm lực lượng, quân giặc thêm mỏi mệt, sau đó phản công thắng lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285). Tấm gương hy sinh vì nước của công chúa An Tư được những người dân Đại Việt muôn đời ca tụng và sử sách lưu truyền.
An Tư công chúa (Theo Việt Sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ chép là Thiên Tư công chúa), chưa rõ năm sinh năm mất. Theo một số tư liệu ghi chép lại, nàng là một "lá ngọc cành vàng" tài mạo song toàn, là một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần, cùng với Huyền Trân công chúa.
An Tư trong tiểu thuyết nói về một bậc liệt nữ nhưng cũng là bức tranh toàn cảnh về lịch sử đất nước, trong đó có kinh thành Thăng Long, ở vào một thời diểm đầy thách thức nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Tuy nhiên, công chúa An Tư vì đất nước đã chấp nhận gian nan, hy sinh. Sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7/1285, vua trở về kinh thành Thăng Long hân hoan làm lễ tế cáo tại lăng miếu, khen thưởng các công thần, truy phong các tướng lĩnh, nhưng không hề nhắc đến công lao của công chúa An Tư. Không biết nàng còn sống hay đã chết trong đám loạn quân? Hoặc có khi nàng được đưa về phương Bắc hay bị lưu lạc? Cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.
Theo Lê Tắc - một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong bên Trung Quốc, có ghi: "Trước, Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con". Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa có cơ sở để khẳng định rõ ràng.
Nhiều ý kiến thống nhất đánh giá: Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á- Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong đó có công chúa An Tư.
Đón đọc kỳ 3: Bài học lấy dân làm gốc và Nếu như tái bản…