Vẫn biết Mộc Châu là vậy nhưng cũng có không ít lần phải lỗi hẹn với “nàng sơn nữ” yêu kiều, mơ mộng. Năm trước, đã từng một lần lỗi hẹn cùng hoa ban. Năm nay, áp Tết anh bạn trên đó gửi về cho một cành đào phai cùng với lời nhắn ngoài rằm tháng Giêng lên anh ngắm hoa mận.
Lỗi hẹn mùa hoa mận
Nằm trên độ cao trung bình khoảng hơn một nghìn mét so với mực nước biển và nhiệt độ không khí trung bình cũng vào khoảng gần hai mươi độ, cao nguyên Mộc Châu mang đậm sắc thái của tiểu vùng khí hậu ôn đới giữa miền nhiệt đới với những thảo nguyên mênh mông xanh biếc; quanh năm thoáng đãng, trong lành, mát mẻ cùng sánh bên những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với núi thẳm sông dài “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, khiến cho người qua không khỏi choáng ngợp, thích thú và rất dễ bị níu kéo, mê mẩn; nhất là vào độ mỗi mùa hoa. Chẳng thế mà bất kể mùa, đặc biệt vào dịp cuối năm hay đầu xuân bàn dân thiên hạ lại nô nức rủ nhau kéo về thảo nguyên để có dịp được thả mình, khoe sắc trong những rừng mận, vườn mơ tinh khôi, trắng trời hoa nở; giữa những vườn cải vàng rực, lung linh trong nắng xuân ấm áp trên những vạt đồi, trải dài từ thung lũng này tới chân núi kia hay trong xúng xính áo quần, nghiêng ngả duyên dáng trên những đồi chè mênh mông xanh mướt được cắt tỉa, đánh luống theo hình trái tim hoặc hình vân tay và cũng có khi lại e ấp dưới một dáng đào lấp lánh hồng phấn trên muôn ngàn cánh nhỏ mỏng mảnh đang thì mãn độ khai hoa phủ khắp các triền non; trên mọi nẻo đường; cạnh những tường rào, góc sân; thoảng bên các nếp nhà thâm đen mái gỗ đặt trệt chênh vênh bên sườn núi, hay nép mình bên suối, giữa bao la núi rừng … đẹp đến nao lòng. Cảnh sắc trời phú cho Mộc Châu như thế khiến cho miền đất này vào những ngày cuối tuần trong mỗi kỳ hoa rất dễ bị lâm vào tình cảnh thất thủ bởi lượng người tìm đến bị quá tải. Nhưng chẳng sao, Mộc Châu lúc bấy giờ tựa như sơn nữ đang thì con gái nên rất dễ được mọi người lượng thứ mà thể tất cho qua chứ không khe khắt để rồi xét nét, ghét bỏ, lánh xa. Cái duyên trời cho ấy đâu phải miền đất nào cũng có được.
Vẫn biết Mộc Châu là vậy nhưng cũng có không ít lần phải lỗi hẹn với “nàng sơn nữ” yêu kiều, mơ mộng. Năm trước, đã từng một lần lỗi hẹn cùng hoa ban. Năm nay, áp Tết anh bạn trên đó gửi về cho một cành đào phai cùng với lời nhắn ngoài rằm tháng Giêng lên anh ngắm hoa mận. Và rồi sau Tết, ngoài rằm, anh lại í ới gọi về giục giã: lên nhanh mà xem “tuyết” đang phủ trên cao nguyên Mộc Châu đây này. Tuyết ở đây không phải là những tinh thể băng do nước đông lạnh lại phủ trên mặt đất hay cành cây mà là hoa mận. Rừng mận bung hoa khiến cho núi đồi và thảo nguyên Mộc Châu như thể đang ầm ầm chuyển mình trong mùa hoa tuyết. Mênh mông trên các triền đồi, khe núi, trong các vườn nhà, khắp chốn cùng nơi, đâu đâu cũng bật lên một màu trắng muốt, mịn màng, dịu dàng trên muôn ngàn cánh hoa mỏng manh, li ti đang xao động, rung rinh, bồng bềnh trong gió xuân hây hẩy. Lời mời gọi như thế quả thật vô cùng hấp dẫn và khó cưỡng với một kẻ ham chơi, thích xê dịch. Vậy là vội vàng sắp xếp công việc nhưng rồi cũng phải chờ đến cuối tuần mới lên được với thảo nguyên, để đến với nàng thơ của núi rừng Tây Bắc.
Nhưng rồi lại một lần nữa bị lỗi hẹn. Lần này là lỗi hẹn với hoa mận. Cứ tưởng cuối tuần lên ngay là được ngắm hoa mận. Ai ngờ chỉ sau vài đêm, nhất là trải qua những trận gió rung, gió lắc và những cơn mưa bụi của mùa xuân liên tiếp chồng lấn lên nhau khiến nàng thơ của Tây Bắc sớm bước qua thời kỳ mãn khai để bắt đầu của một chu kỳ hoài thai của người thiếu phụ với những hứa hẹn một mùa cành sai quả trĩu sau dăm ba tháng. Ngẩn ngơ trong nỗi niềm tiếc nuối, chỉ còn thấy được nàng thơ Tây Bắc phảng phất trên mặt đất qua muôn cánh hoa vương. Để rồi bất giác nhận ra sắc màu của cao nguyên Mộc Châu thay đổi nhanh đến chóng mặt, nhanh một cách khó tưởng. Mới đấy thảm hoa trắng lung linh dưới nắng vàng hoặc huyền ảo trong mờ sương của núi đôi Tây Bắc khiến cho cao nguyên như phải đổi tên thành cao nguyên trắng vậy mà qua vài đêm bỗng chuyển thành một màu xanh đằm thắm. Đâu đó, thấp thoáng trên những thân cành gân guốc, mốc trắng chỉ còn vương lại vài chùm hoa cánh mỏng mịn màng, trắng trong đang ôm chặt lấy bầu nhụy vàng ẩn hiện dưới các búp, lá xanh tươi như thể để tô điểm cho màu xanh của mùa xuân cao nguyên. Tuy chỉ còn vương xót lại thế thôi, nhưng những cánh hoa trắng điểm giữa bao la lá xanh, lộc biếc và muôn ngàn quả mận bé xíu như thể đang cựa mình trỗi dậy trong hơi ấm của mùa xuân cũng đủ làm cho biết bao lữ khách không khỏi hút hồn, xao xuyến, bồi hồi trong những nỗi niềm luyến tiếc xen cùng với ký ức khi mờ khi tỏ của những mùa hoa năm trước.
Không hẹn mà gặp
Đêm. Cafe phố núi cùng cô em vốn có một thời là thổ dân trên cao nguyên Mộc Châu. Dường như đọc được sự tiếc nuối tháng Hai khi phải lỗi hẹn mùa hoa trắng của ông anh nên cô đã vỗ về bằng một sự rủ rê xem ra cũng không kém phần hấp dẫn. Cô bảo mai anh em mình lên Lóng Sập “vượt biên” sang Lào chơi. Thật tuyệt vời ông mặt trời. Còn gì hơn nữa. Thế là ô-kê luôn.
Đường lên Lóng Sập duy nhất chỉ có một con đường quốc lộ 43. Theo lời bác tài xế thì độ cao ở cửa khẩu Lóng Sập chênh với thị trấn Mộc Châu khoảng gần năm trăm mét, có nghĩa là cao khoảng trên một ngàn bốn trăm mét so với mực nước biển. Bởi thế khi lên cao ai nấy đều ù hết tai. Mọi người cứ phải nuốt nước bọt bể cho đỡ ù. Con đường lên đến gần cửa khẩu thật kỳ thú. Dốc núi quanh co, càng lên cao hơi sương bốc lên càng mịt mùng khiến tầm nhìn khá hạn chế. Tuy vậy cảnh vật hùng vĩ, hoang sơ và khung cảnh bình yên đẹp như tranh vẽ bởi những thửa ruộng bậc thang của miền biên viễn cùng những sắc màu quyến rũ của cỏ cây hoa lá khiến cho tất cả mọi người đều thích thú, háo hức. Dọc đường xe chạy, trên những vạt đồi, sườn núi của hai bên đường cứ hiện dần lên qua cửa kính, trước mắt mọi người những muôn trùng sắc hồng liên tiếp nối đuôi nhau của các vườn đào trổ muộn cùng một sắc vàng rực rỡ, miên man, bất tận của những ruộng cải. Dường như những sắc màu ấy đang xua tan dần màu đục của những màn sương mờ ảo để đón đợi ánh bình minh. Cảnh đẹp đến nao lòng làm cho tất cả mọi người không khỏi ồ lên thích thú biết bao lần, khiến cả xe lãng quên ngay cái vòng vèo của con đường đổ đèo chênh vênh bên những sườn núi.
Thực ra, khi đi qua Thung Khe sang đất Vân Hồ, Mộc Châu chúng tôi đã thấy hiện lên thấp thoáng bên những triền núi là những vườn đào phai với muôn cánh mỏng hồng phấn đang ở thời điểm cuối cùng của kỳ khai hoa. Trên những thân cành xù xì mốc trắng, những bông đào hoa đã bắt đầu kết trái cùng với bao chồi biếc bật dậy sau kỳ nghỉ đông khiến cho những sắc xanh sắc hồng trộn lẫn vào nhau cùng màu đá xám khiến cho bức tranh sắc màu của Tây Bắc có cảm giác như bị nham nhở. Vậy là không hẹn mà gặp. Lỡ mùa hoa mận lại gặp một mùa hoa đào cuối vụ gây thương nhớ giữa miền biên viễn hoang sơ. Vậy thế, xem ra mình hãy còn nhiều duyên lắm với cao nguyên sữa.
Những cành đào nở muộn dọc hai bên đường quốc lộ 43 trên đất Lóng Sập và ở trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Lóng Sập như thể những đốm lửa bập bùng trập trùng lan tỏa trên những sườn núi, bên những nếp nhà hay tường rào như thể đang cố xua tan màn sương mù u ám, để gọi cái nắng tươi mới ấm áp của mùa xuân trở về trên khắp nẻo rừng già nhấp nhô bởi những vạt đá tai mèo sám sịt. Cùng với hoa muộn, những chồi non lộc biếc dường như cũng theo về cùng hơi xuân, bật bung trên những thân cành xù xì, rêu mốc khiến cho các gốc đào cổ thụ của miền sơn cước vùng biên ải bỗng trở nên vừa hoang sơ vừa duyên dáng, lãng mạn. Có chỗ sắc hồng phai của những cánh hoa phủ kín cả một vạt đồi, lan từ mỏn đá này sang những mỏn đá khác theo các triền núi khiến người qua không khỏi ngỡ ngàng. Bạt ngàn hương sắc đào phai ửng lên giống như màu má hồng sơn nữ làm người ta tưởng như đất trời đang thay áo mới, rạo rực, ấm áp, tươi trẻ sau độ đông về. Thế đấy, một mùa hoa không hẹn mà lại gặp.
Mê mải, ngập tràn cảm xúc trong sắc hồng của đào hoa, bất chợt xe dừng lại trong màn sương mờ ảo trên sân của trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Lóng Sập nơi biên viễn Việt – Lào khiến ai nấy trên xe không khỏi thích thú và tò mò về vùng đất biên cương của tổ quốc. Cách trạm kiểm soát không xa là cửa khẩu Pahang thuộc tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Giữa hai của khẩu là cột mốc thiêng liêng 255 làm ranh giới phân chia giữa hai quốc gia Việt – Lào. Khỏi phải nói đứng bên cột mốc để lưu hình kỷ niệm mà ai nấy không khỏi bồi hồi, xúc động. Cũng thật lạ, nơi đây đất đá đâu chẳng vậy nhưng chẳng hiểu sao đất dưới chân bên cột mốc cứ gây cho ta có một cảm giác khác lạ khó gọi thành tên trong một tình yêu tha thiết và thành kính với đất mẹ thiêng liêng. Đã lên đến cột mốc thì không thể không sang đất Lào thăm thú. Có lẽ sự khác biệt ở hai quốc gia láng giềng trên dải đất biên cương ngoài chữ viết, quốc kỳ để phân biệt thì kiến trúc nhà cửa của cửa khẩu là một điểm nhấn khác biệt. Ngôi nhà thực thi công vụ của nước bạn khá giản đơn nhưng thiết kế và trang trí mang đậm bản sắc văn hóa của đất nước Triệu Voi với những sắc màu của kiến trúc phật giáo. Đó là ngôi nhà sàn cách điệu, có nhiều mái với nhiều diện, nhiều mặt nghiêng, nhiều độ dốc; phần mái đổ xuôi xuống để tạo các khoảng trống. Đứng trên đất Lào, giữa nơi biên viễn của bạn ta cũng dễ dàng nhận ra những hoang sơ, hùng vĩ và hiền hòa như bên phần đất Việt. Đủng đỉnh, lang thang trên đất bạn, trong mịt mù hơi sương nên cũng chẳng thể mở rộng tầm mắt đi xa hơn để mà ngắm cảnh nhưng cứ nghĩ núi liền núi, sông liên sông một dải cơ đồ mà bất giác lại nghĩ đến câu nói của Bác: “Việt Lào hai nước chúng ta – Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Trong miên man của những nghĩ suy, dường như đất trời biên viễn xa xôi cũng tinh khôi như hoa mận, hoa đào. Hình như ma túy chưa từng đi qua nơi đây. Ước vậy!.