Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn nằm ở bản Hán Xung, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải - Yên Bái), điểm du lịch nổi tiếng do Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi quản lý. Nơi đây, được biết đến là một trong số những ngọn đồi đẹp nhất vùng Trung du Tây Bắc; với những thửa ruộng bậc thang có hình dáng tròn xoe đẹp lạ; điểm dừng chân lý tưởng, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, khoảnh khắc tuyệt vời của những “tín đồ” đam mê chụp ảnh.
Vài nét khái quát về Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn
Theo tìm hiểu, cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình và La Pán Tẩn là 3 xã có ruộng bậc thang được xếp hạng danh thắng quốc gia vào năm 2007 và lọt top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất trên thế giới; với 330 ha trên 3 địa bàn. Năm 2019, Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tại 3 xã nói trên, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Những năm trở lại đây, điểm du lịch Đồi Mâm Xôi đã trở thành địa chỉ nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm ngưỡng.Sở dĩ có tên gọi là Đồi Mâm Xôi, là bởi những thửa ruộng bậc thang nơi đây có dạng hình tròn. Mùa lúa chín vàng óng, nhìn từ trên cao xuống, giống như một mâm xôi vàng, thơm ngon nóng hổi.
Mùa nào ghé thăm Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn đều có vẻ đẹp riêng; tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ là vào mùa nước đổ (cấy mạ) tháng 5, tháng 6, những thửa ruộng bậc thang như được tráng một lớp gương, soi rọi cả đất trời, vô cùng huyền ảo; và cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, đó là thời điểm những thửa ruộng bậc thang được phủ kín sắc vàng của lúa chín trĩu cành óng ả, điểm xen một vài chòi gỗ nhấp nhô. Bao quanh “mâm xôi vàng” là những ngọn đồi trùng điệp xanh thẳm. Tất thảy, đều góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.
Nửa cuối tháng 10 trở đi, lúa chín hẳn, ngả sang màu vàng sậm, bông lúa dần gục đầu; lá úa dần, thì cũng là thời điểm bà con của Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi chuẩn bị thu hoạch.
Kinh nghiệm “bỏ túi” khi đến với Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn
Nếu bạn chọn xe khách làm phương tiện và xuất phát từ Hà Nội, thì có 3 bến xe cho bạn lựa chọn: Mỹ Đình, Giáp Bát hoặc Gia Lâm. Quãng đường từ Hà Nội - Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn khoảng 300 km, không quá xa nhưng đường khó đi hơn Sa Pa, Mộc Châu vì nhiều quãng đèo dốc vắt. Giá vé xe khách giao động trên dưới 200 nghìn đồng, tuỳ từng loại xe. Để chủ động di chuyển và ngắm trọn khung cảnh thiên nhiên trên cung đường, thì bạn nên di chuyển bằng xe máy; tuy nhiên, bạn cần cân nhắc, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển; có kinh nghiệm phượt là một lợi thế.
Nếu đi theo đoàn, bạn nên thuê xe riêng, vừa khoẻ khoắn và dừng đỗ theo yêu cầu. Để di chuyển dễ dàng bạn nên tham khảo kinh nghiệm của người đi trước; đặc biệt, không thể thiếu Google Maps - người bạn đồng hành lý tưởng, hữu ích của chúng ta. Đồi Mâm Xôi, do Hợp tác xã du lịch Đồi Mâm Xôi quản lý; vé vào có giá 30 nghìn đồng/người/lượt. Nếu không đi xe máy, bạn có thể thũng thẵng đi bộ lên đỉnh đồi Mâm Xôi, cách 1,17 km. Hoặc thuê xe ôm của Hợp tác xã, 80 nghìn đồng/2 lượt (lên xuống).
Mùa này, thời điểm nào trong ngày tại Đồi Mâm Xôi, đều có cho mình nét đẹp đặc trưng riêng. Nếu như bình minh với bầu không khí mát lành, những tia nắng sớm le lói qua làn sương mờ huyền ảo, rất lý tưởng để giúp bạn săn được những góc ảnh giàu tính nghệ thuật; thì giữa trưa là thời điểm mặt trời lên cao nhất, những vệt nắng vàng trải dài khắp các thửa ruộng, nhìn từ trên cao như một mâm xôi vàng khổng lồ lấp lánh.
Hoàng hôn cũng được xem là thời điểm đẹp để bạn chiêm ngưỡng Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn. Sắc tím bao trùm khung cảnh, khiến mọi thứ trở nên tĩnh lặng, trữ tình, nên thơ. Bạn có thể hít hà hương thơm dịu nhẹ của cỏ cây hoa lá, xen lẫn mùi lúa chín, mà không phải nơi nào cũng có được.
Kinh nghiệm chụp ảnh cũng là điều bạn nên quan tâm, để tránh mất thời gian và có cho mình những tấm hình ưng ý. Trước tiên, khi đặt chân đến Đồi Mâm Xôi, bạn cần quan sát cảnh sắc thiên thiên một cách tổng thể; từ đó, chọn cho mình những góc chụp đẹp. Bạn cần chú ý quan sát những du khách đến trước, xem họ đặt chân đến những điểm nào trên đồi. Để rút ngắn thời gian, bạn có thể hỏi du khách vừa chụp xong, nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm, hoặc hỏi người dân địa phương chỉ dẫn và thuê họ tạo dáng cùng chụp ảnh với mình; giá giao động từ 30 - 50 nghìn đồng/người, trong khoảng 30 phút. Đôi lúc họ cũng không đòi hỏi số tiền cụ thể, thường thì du khách sẽ tuỳ tâm cảm ơn họ.
Bên cạnh đó, để bức ảnh trở nên gần gũi, hoà hợp với ngữ cảnh, bạn có thể thuê trang phục dân tộc kèm phụ kiện; hiện có giá từ 60 - 100 nghìn đồng, tuỳ vào số lượng phụ kiện đủ hay thiếu. Trong quá trình chụp, bạn cần chú ý tránh giẫm đạp lên lúa, vứt rác. Do địa hình đồi dốc cao, việc di chuyển cần cẩn trọng, bạn nên đi giày đế thấp, tránh trẹo chân, té ngã.
Về cơ bản, điểm du lịch Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn không hề có hiện tượng “chặt chém”, o ép khách; người dân và nhân viên Hợp tác xã đều thân thiện, hoà đồng, niềm nở chào đón khách.
Đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn, ruộng bậc thang cùng một số địa danh khác tại vùng cao, trở thành điểm du lịch nổi tiếng, đã đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Đầu tiên, phát triển du lịch miền núi giúp tạo ra việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống của mình. Thứ hai, phát triển du lịch miền núi giúp tận dụng tài nguyên thiên nhiên của khu vực, đặc biệt là phong cảnh đẹp, để thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Thứ ba, phát triển du lịch miền núi giúp quảng bá hình ảnh của khu vực đến với thế giới, giúp khách du lịch hiểu rõ hơn về văn hóa và lối sống của người dân địa phương. Cuối cùng, phát triển du lịch miền núi còn giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực và đất nước.