Bước vào năm 2022, ngành Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng cho sự khởi sắc trở lại của Việt Nam sau khi khống chế được đại Covid -19.
Ngay từ đầu năm, triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị, ngành VHTTDL đã phát động chủ đề công tác năm 2022 “Năm xây dựng môi trường văn hóa và công tác tổ chức cán bộ”. Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, ba lĩnh vực trọng tâm về VHTTDL đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”
Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được tạo thêm động lực quan trọng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngay từ đầu năm 2022, chủ đề công tác “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” được phát động đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, quyết tâm hành động và khát vọng cống hiến của toàn ngành. Khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực phát huy “sức mạnh mềm”, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại. Nhiều giá trị văn hóa, gia đình tích cực được nhân rộng, phát huy. SEA Games 31 được tổ chức thành công; đoàn thể thao Việt Nam thi đấu đạt thành tích ghi dấu ấn lịch sử. Hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng, đóng góp tích cực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch.
Toàn ngành VHTTDL đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo.
Điểm nổi bật trong năm là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật, phối hợp trình 01 dự án Luật, gồm: Luật Điện ảnh 2022; Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Khẳng định vai trò quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tại Hội thảo Văn hóa 2022 vừa diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật. Quá trình xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực văn hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng di sản, di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ của dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tạo tiếng vang lớn những giá trị văn hóa Việt Nam
Lần đầu tiên, đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã tạo tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế, thể hiện quyết tâm của Việt Nam không chỉ ở việc hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Niềm vui được nhân lên trong những ngày cuối năm 2022 khi những di sản Việt Nam được thế giới vinh danh: Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một dấu ấn quan trọng khẳng định vị thế, tiếng nói của chúng ta trên trường quốc tế là sự kiện Việt Nam trúng cử, trở thành 1/24 thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệdi sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 -2026.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022, một luồng sinh khí mới, nhận thức mới, tư duy và hành động mới về vai trò quan trọng của văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã lan tỏa ở khắp các địa phương, vùng miền. Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc; lĩnh vực thư viện nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa các phương thức hoạt động...
Điện ảnh Việt Nam đã gắng sức thành công với Luật Điện ảnh 2022 được Quốc hội thông qua; nhiều hoạt động phục hồi ấn tượng, trong đó có thành công của LHP Quốc tế Hà Nội lần VI. Bức tranh sôi nổi của nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng hiện diện với những gam màu đa sắc. Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng, 85 năm Ngày Quốc khánh 2.9 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Năm 2022 cũng được ghi nhận là một năm nhiều thành công ở lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan. Việt Nam đã hoàn thành gia nhập Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT); Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh). Trong năm, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; với nhiều nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Dấu ấn khó quên về SEA Games 31, sớm mở cửa trở lại các hoạt động du lịch
Với Thể thao Việt Nam, năm 2022 là một năm bận rộn, để lại nhiều dấu ấn khó quên, từ một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực thành công vượt bậc tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn nhất, tổ chức ở 11 tỉnh, thành cùng sự tham gia của hơn 10.000 vận động viên.
Việt Nam đã tổ chức và thi đấu thành công SEA Games 31, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong ảnh: Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kiểm tra Trung tâm báo chí tại SEA Games 31.
Đáng nhớ là những dấu ấn Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31. Đón 10 đoàn bạn đến tham dự Đại hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp là thử thách lớn. Nhưng vượt lên trên tất cả, SEA Games 31 được tổ chức thành công đã gây được tiếng vang lớn, giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam an toàn, vững bước sau đại dịch. Bên cạnh đó, Đoàn Thểthao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội, đặc biệt đã bảo vệthành công Huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và Huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ, đã thực sự tạo nên một bầu không khí lễ hội trên mọi nẻo đường Tổ quốc.
Bóng đá nữ Việt Nam cũng đã lập kỳ tích khi lần đầu giành vé dự World Cup, sau muôn vàn khó khăn. Những nữ cầu thủ đã chơi với 200% sức lực để tạo nên thành tích lẫy lừng, được người hâm mộ ghi nhận là “Những cô gái kim cương”.
Năm 2022 cũng là năm thể thao Việt Nam gọi tên nhiều nhà vô địch mới tại Đại hội Thể thao toàn quốc. 63 tỉnh, thành và 2 ngành Công an, Quân đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng với lực lượng VĐV tinh nhuệ nhất, tạo nên các cuộc tranh tài hấp dẫn, quyết liệt. Trước đó Đại hội TDTT các cấp đã được 62/63 tỉnh, thành tổ chức thành công, thực sự tạo thành cuộc vận động sâu rộng về phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Năm 2022 cũng sẽ khép lại với các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup. Thầy trò HLV Park Hang-seo đang nỗ lực tập luyện để tiếp tục lan tỏa tinh thần và ý chí Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ ngày 15.3.2022, Việt Nam đã mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới không chỉ có ý nghĩa về mặt du lịch mà còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Mở cửa sớm về du lịch cũng đã mang lại kết quả tích cực: Du lịch nội địa lại phục hồi một cách mạnh mẽ, đạt 110 triệu lượt cả năm 2022, vượt qua tất cả các dự báo, tăng gần gấp đôi so với số lượng 60 triệu khách nội địa đặt ra năm 2022, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch). Sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3, thị trường du lịch nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, vượt xa các dự đoán trước đó, nhưng thị trường du lịch quốc tế lại không đạt như kỳ vọng.
Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt (70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm). Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa sau dịch Covid-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.
Công tác gia đình đạt được kết quả khả quan
Công tác gia đình năm 2022 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là Hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 14.11.2022; với kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCBLGĐ, ngăn chặn và giảm những vụ việc bạo lực gia đình. Luật có nhiều điểm mới tích cực, đáp ứng mục tiêu quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã tạo thêm một dấu ấn thành công của ngành VHTTDL.
Công tác gia đình đã triển khai đồng bộ các văn bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 và đầu năm 2022: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới trong gia đình tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trên cả nước… Hiệu quả lớn nhất của công tác quản lý gia đình là nhận thức, sự quan tâm của các ngành, các cấp và người dân về hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, về công tác gia đình được nâng cao. Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động sáng tác các tác phẩm VH-NT “Sống mãi với thời gian”, được giới văn nghệ sĩ đánh giá là sự kiện xưa nay chưa hề có, ở một tầm cao mới và mang một tinh thần khác biệt.
Toàn ngành VHTTDL định hướng phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021.
Điểm qua một vài kết quả nổi bật năm 2022 để thấy được sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức ngành VHTTDL làm nổi rõ những gam màu sáng của toàn ngành VHTTDL trong năm qua. Thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành VHTTDL "Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức", tiếp tục định hướng cho sự phát triển, tạo động lực và sức bật cho toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
V.X.B