.
Tôi nghe bà kể hồi còn chiến tranh bà đi gánh muối,đi dân công đào sông lấp đất gánh trời mưa rơi còn trơn trượt vẫn vững vàng bước chân. Hay là vì thế mà chân bà tôi cong cong như mai rùa. Thời gian chém rụng tất cả thanh xuân sức khoẻ, giờ bà nằm nghe tiếng gió xa xôi, bầu trời trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Bà bệnh ở cái tuổi chỉ còn mơ hồ trong tâm khảm mình lúc nhớ lúc quên.
Với người dân vùng quê, lại là vùng quê nghèo như quê tôi, thì nhà nào cũng có đôi quang gánh ấy. Kể cả bây giờ. Cuộc sống trên đôi quang gánh: gánh gạo, gánh lúa, gánh khoai… và gánh tuổi thơ tôi đi khắp miền đồng xanh bao la, nhìn đàn cò bay thẳng cánh quê hương thật hồn hậu biết nhường nào. Từ tờ mờ sáng đã thấy bà rậm rịch đi chợ, nào là bó rau , nải chuối, còn bên kia là ít lúa. Bởi cuộc sống khi mà xe đạp chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhờ vào lúa gạo bán lấy tiền ăn nên gần như trên chiếc mủng bà gánh thường là lúa gạo. Chợ thì không phải là gần ước chừng khoảng 5 cây số, đường đá nhọn hoắt, thật sự bây giờ cho đi dép dẫm qua vẫn còn đau nữa, không hiểu sao mà bà có thể đi thoăn thoắt như vậy.
Hồi ấy vui nhất là được bà (bố mẹ đi công tác nên ở với bà) cho ngồi vào mủng gánh đi chợ, hôm đó là được ăn bánh xèo, bánh cục no nê rất thích. Không khác gì ngồi ô tô như bây giờ. Nhưng nó thú vị hơn nhiều. Thường thì lối đi chính rất xa nên đi qua cánh đồng, nhảy qua con mương, đòng quê mát rượi. Kí ức đó sẽ chẳng bao giờ có lần thứ hai trở lại trong cuộc đời. Để đến bây giờ thương bà, nhớ đôi quang gánh. Nhìn bà nằm một chỗ không đi lại được. Nỗi buồn cứ trào dâng lên khoé mắt. Cứ chiếm trọn hết cả trái tim mỗi lần nhìn thấy đâu đó hình ảnh thân thương, thì nước mắt lại oà ra. Đã đi xa nhiều năm không được về thăm ngoại. Ngoại đã già đôi quang gánh cũng đã gác lên chạn bếp. Thời gian đếm hết hết các tế bào rụng rơi, nhưng không kể hết nỗi nhọc nhằn trên đôi vai của bà. Gánh con quá nửa đời người, rồi lại gánh cháu đến hết cuộc đời. Như dòng sông chỉ nặng phù sa lấp bồi.
Có rất nhiều kỉ niệm nhưng hãy từ từ mở ra từng chút một. Sợ rằng trái tim dễ cảm động này sẽ không chịu nỗi. Bởi giờ này, nhìn thấy bà thấy đôi vai héo mòn nhỏ bé. Thân hình gày nhom ốm yếu, không thôi khỏi xót xa. Trong cuộc đời của mình, không ai có thể quên được tiếng bà tiếng mẹ ru, không ai có thể bỏ đi được năm tháng ấu thơ của mình. Bà cũng như thế, đôi quang gánh đã đi theo bà gần hết cả cuộc đời, chưa bao giờ một lần biết đi xe đạp là gì như cánh cò chở cả cơn mưa như mái nhà che chắn bão giông, đôi quang gánh đi theo bà đã nếm trải biết bao nhiêu đắng cay mặn ngọt. Chỉ biết bao nhiêu cơn mưa, gió nổi. Tiếng kẽo kịt thấu đến tận đáy con tim. Còn đâu nữa bước chân thoăn thoắt ngày xưa ấy.
Có lẽ bây giờ là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất trong lòng bà. Bà nằm xung quanh bốn bức tường buồn bã. Có lẽ bà đang mơ màng tua lại những khoảng thời gian xa xôi, bởi đôi lúc thấy mắt bà ứa lệ. Phải chăng “Ông hi sinh “cho đất nước còn một mình bà chăm đàn con thơ, đã gánh gồng hết cả tuổi xuân, trôi đi lặng lẽ trên đôi quanh gánh cuộc đời, biết bao nhiêu sóng gió
Mong sao còn lại một đoạn đường ngắn sau cùng bà sẽ được bình yên trong tâm hồn. Ngày tháng đã qua, giờ đôi quang gánh cũng lặng im nằm nghỉ. Rồi một ngày đôi quang gánh sẽ mồ côi. Chắc sẽ rất buồn. Rồi đôi quang gánh ấy cũng sẽ mục nát theo thời gian. Chẳng có gì có thể là mãi mãi.
Lời bài ca dao "gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi, gánh củi gánh cành…”cứ cứa vào trái tim. Dù thời gian có qua đi, đã không còn những đôi quang gánh, vẫn còn đó những lời ca dao, bài hát, vẫn còn đó những dáng mẹ, dáng bà, trên vai khoác chiếc áo tơi cùng đôi quang gánh, gánh cuộc đời con cháu đi suốt hết chiều dài yêu thương , vượt qua hết những cơn mưa gió bão giông. Đến ngày mai tươi sáng, đón anh nắng ấm ban mai trở về tươi đẹp hơn.
Chuyện Làng Quê