Đội văn nghệ làng trong ký ức của mẹ tôi

Ngày nay, trẻ con không thích xem sân khấu, đặc biệt chương trình sân khấu trên truyền hình lại càng không xem. Ngay như mấy đứa cháu tôi, chúng chỉ lên Youtube xem hoạt hình hoặc mấy kênh thực tế nhí nhố mà thôi.
chuy-que12-1634219377.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Người lớn mà xem cải lương, tuồng, chèo là chúng lơ đi, không hề có một chút hứng thú. Có đoàn ca kịch của tỉnh về diễn ở sân vận động huyện, bảo chúng đi, chúng cũng chẳng hề thích thú, chỉ thích ở nhà lướt smartphone mà thôi. Ấy vậy mà ngày tôi còn thơ bé, mỗi khi có đoàn cải lương hay chèo về diễn, tôi phải cố gắng hoàn thành hết bài tập để tối được đi "coi ké". Mà ngày ấy, bà tôi còn bảo chúng tôi sướng, ngày trước còn không có đoàn nào về nữa cơ.

Người làng (tất nhiên là thế hệ già) đến nay vẫn ca ngợi mẹ tôi đẹp mà hát hay. Chẳng là ngày xưa, trong thời bao cấp, những ngày còn kháng chiến chống Mỹ, ở các làng quê rất "đói văn hoá". Xã tôi có mấy làng, nhưng làng Thành Phú mạnh nhất về phong trào văn nghệ. Các xã khác cũng có nhưng không nổi tiếng bằng "đoàn văn nghệ làng" tôi. Được sự hỗ trợ của đoàn chèo của tỉnh, đội văn nghệ làng tôi cũng thường xuyên công diễn các vở kịch nổi tiếng. Ngày xưa được bà con không chỉ trong xã, mà các xã bên cũng nô nức sang xem. "Trai xinh gái đẹp" của làng có tài năng văn nghệ được vận động vào đội kịch hết. Mẹ tôi là một trong số đó.

Ngày ấy mẹ thường đóng cặp với ông Bài, ông Thộ... Mấy ông đẹp trai đều đã về bên kia thế giới. Mẹ kể lúc đầu diễn thẹn lắm, vì ngoài đời toàn gọi các ông ấy là dượng, là câụ, ấy thế mà lên sân khấu toàn "chàng với chả nàng". Ánh đèn sân khấu chẳng phải là đèn điện giống bây giờ, mà là đèn măng xông ngày xưa, rồi đèn dầu, thắp nến. Son phấn không sẵn, các cụ chế từ cả than củi, gạch non... Nhưng không vì thế mà không hấp dẫn, hôm nào người xem cũng chật như nêm. Khắp làng trên ngõ dưới, dân làng bàn tán thương cho cô này, căm ghét cô kia. Nhiều người còn không phân biệt nổi kịch với thật. Mấy bác đóng cùng mẹ kể lại, ngày ấy ra đường khóc hu hu, vì bị dân làng chửi bới. Mấy bác bảo, mẹ mày xưa sướng, toàn đóng đào thương nên cả làng ai cũng yêu quý.

Ngoại tôi xưa nổi tiếng khó tính. Có lần tôi hỏi, sao ngoại lại cho mẹ đi diễn. Mẹ bảo, ngày ấy bà cũng chửi bới suốt, các đoàn thể, mấy ông, mấy bà là anh em phải vận động mãi. Mà nơi tập là đình làng, nên cuối cùng ngoại cũng đồng ý. Ngày ấy đi tập văn nghệ cũng được tính "công". Mẹ rất siêng, ban ngày đi làm đồng được tính công, đêm đi tập văn ghệ cũng được tính công. Mình ngoại nuôi bốn con nên khi mẹ đi tập văn nghệ vậy ngoại mới ưng. Với mẹ toàn đóng vai tiểu thư, công chúa...khổ sở, dân làng thương nên ngoại cũng bớt phản đối.

Thời gian trôi đi, thế hệ tôi không được xem văn nghệ của "các cụ". Nay ở thị trấn, mỗi khu cũng có đội văn nghệ nhưng "chả ra môn ra khoai" gì cả. Các đội tham gia vài tiết mục giao lưu những hôm lễ tết, hội hè... Sau đó, chẳng có dư âm gì hết. Chứ đến tận bây giờ, mấy chị lớn tuổi gặp tôi, vẫn còn ca ngợi mẹ tôi và đội văn nghệ ngày xưa "chuyên nghiệp" vô cùng. Có đợt, đoàn văn công tỉnh tuyển mẹ tôi làm diễn viên, nhưng ngoại không cho. Chúng tôi cứ hỏi, sao hồi đấy mẹ không quyết "dứt áo ra đi". Mẹ bảo, không đi thì giờ mới có chúng mày chứ...

Theo Chuyện làng quê