Ở Thừa Thiên- Huế có một giáo xứ miền biển mang nét đặc trưng cổ truyền hơn 150 năm tuổi là Hà Úc - An Bằng (thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang). Hiện nay vùng đất này đã thay da đổi thịt, trở thành sầm uất, phồn thịnh khiến du khách đến chơi phải ngỡ ngàng.
Vùng biển ấy cách xa thành phố Huế trên dưới 30 cây số. Trước năm 75 đó là vùng biển khó khăn, cô quạnh, cách trở với đất liền bởi phá Tam Giang mênh mông. Từ Huế về đó còn mất thời gian hơn cả đi vô Đà Nẵng hay ra Quảng Trị. Phương tiện vận tải hàng hóa và người, duy nhất chỉ bằng đường thủy. Tàu chạy theo phá Tam Giang đến cửa Thuận An, rồi nhập vào sông Hương lên đến bến đò chợ Đông Ba. Con tàu đóng bằng gỗ, có mui, chạy bằng máy dầu diesel. Tàu đi qua mỗi xã lại dừng đón khách và hàng hóa. Vì vậy nó rời bến đầu tiên Vinh Hiền khi mặt trời vừa mọc, đến lúc cập bến cuối cùng chợ Đông Ba (dưới cầu Gia Hội) thì mặt trời đã xế hướng tây. Rủi ro tàu hư máy phải dừng lại sửa chữa thì mất trọn 1 ngày đường.
Dạo đó rất khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nên ai về đó công tác (công an, bưu điện, mậu dịch quốc doanh, giáo viên, y tế) đều vào nhà dân tá túc. Người dân ở đây bám biển mưu sinh. Đàn ông đi biển đánh cá gần bờ bằng những chiếc ghọ nhỏ, chạy máy Kubota vài mã lực. Đôi lúc họ giương buồm chèo chống, tắt máy để tiết kiệm dầu. Phụ nữ ngày ngày ra biển đợi thuyền về. Gánh cá chạy đi bán ở các làng lân cận. Chồng đi câu mực đêm vợ sáng tinh mơ ra đợi. Chồng đi biển buổi sáng thì đợi buổi chiều. Quanh năm, vài bộ quần áo tươm tất họ để dành mặc đi lễ nhà thờ. Mỗi ngày, lễ sáng lúc 5 g, lễ chiều lúc 18g 30, ngày chủ nhật có 3 lễ. Ngày thường người dân chỉ mặc quần áo vải thô lao động. Đất đai một màu cát trắng. Chỉ trồng được khoai sắn, củ đậu, ớt và thuốc lá. Gạo phải mua trên thành phố. Thế mà họ thương mến lo cho bọn tôi rất tốt. Lương thực quốc doanh đã ít ỏi lại toàn sạn cát lẫn lộn, họ đem nuôi heo. Gia đình có gì ăn nấy, xem mình như người nhà.
Hôm nay nhìn những tờ lịch dần rơi, những chiếc lá cuối cùng xoáy xoay trong gió đông tàn rơi rất khẻ, một mình, lặng ngắm những nụ hoa long lanh hạt mưa, chỉ 1 tuần nữa là Noel rồi, bỗng nhớ một thời, chưa xa lắm.
Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Giờ ngồi nhìn mưa. Nhớ biển quá đi. Mùa đông biển buồn. Mà buồn cũng đẹp. Đời mình, lúc sầu thảm nhất, thất vọng nhất, mình trở về với biển. Ở đó, may có một thời để nhớ để thương. Một xóm Đạo- một gác chuông, giáo đường và học trò luôn luôn mở rộng vòng tay vổ về.
Tôi đã về sống, dạy học ở vùng biển này lúc 25 tuổi, rồi xa nó đến nay đã 32 năm. Hồi đó nơi đây gọi là khu 3 Phú Lộc (bao gồm xã Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An về tới Vinh Hiền). Sau 1978 mới cắt 3 xã ấy về huyện Phú Vang. Ở bờ đông phá Tam Giang, nhìn ra biển đông, xã nào cũng có nhà thờ cổ xưa và xóm đạo thuần thành, cuộc sống yên bình. Tôi được sống giữa tình thương của mọi người và học trò đến 19 năm 8 tháng mới lên Huế. Mỗi con đường cát trắng, tiếng sóng vỗ về, Nô en, trở thành kỷ niệm không bao giờ phai nhạt.
Xin giới thiệu một số hình ảnh để các bạn xem vùng biển quê hương thứ 2 ngày nay đang đổi mới thế nào...