Du lịch Hà Giang: Đổi mới để thích nghi

Lê Hoàn

24/10/2021 21:57

Theo dõi trên

Nhờ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nên các hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch của Hà Giang ngày càng được nhiều du khách biết đến. Nhiều cách làm mới đang giúp ngành Du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển.

Điển đến hấp dẫn

hoang-su-phi-1635085909.jpg
Cảnh đẹp ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì mùa lúa chín

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Hà Giang đã xây dựng nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, di sản... Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cùng với sức hút vốn có của các khu, điểm du lịch, những năm qua du lịch Hà Giang đã phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhiều sản phẩm du lịch của Hà Giang được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao, nổi bật là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng, cảnh đẹp núi Cô Tiên – Quản Bạ, hang Lùng Khúy, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, du thuyền trên dòng Nho Quế… Bên cạnh đó, Hà Giang thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao thu hút khách du lịch như giải chạy marathon trên con đường Hạnh Phúc, giải đua xe địa hình, bay dù lượn trên mùa vàng, khám phá hệ thống hang động...

Hà Giang còn là bốn mùa của lễ hội. Tháng Giêng đi hội Lồng Tồng của người Tày, hội Gầu Tào của người Mông, tháng Hai đi Hội Khèn Mông, tháng Ba đi hội chợ tình Khau Vai, tháng Năm đi lễ Thần Rừng của người Lô Lô, tháng Bảy đi hội Khu Cù Tê của người La Chí, tháng Tám hội đua thuyền, tháng Mười đi hội nhảy lửa, hội dệt thổ cẩm, tháng Mười một đi hội hoa tam giác mạch... Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, du lịch tỉnh Hà Giang là một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh. Hoạt động du lịch trở nên trầm lắng, các khu, điểm du lịch vắng khách. Đến năm 2021, hoạt động du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, số lượng ca nhiễm tăng lên từng ngày với biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh và phức tạp hơn. Nhiều sự kiện du lịch của tỉnh buộc phải hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để du lịch Hà Giang vượt qua những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch đã triển khai nhiều biện pháp tích cực như phát động các Chương trình kích cầu như Chương trình đón những vị khách du lịch đầu tiên đến Hà Giang trong năm 2021; Chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch Hà Giang; Tham gia Chương trình Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021…Ngành cũng đã phối hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour kích cầu du lịch đến du khách với chất lượng dịch vụ hấp dẫn “giá rẻ nhưng chất lượng tốt”.

Từ các hoạt động xúc tiến kích cầu du lịch trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã dần kéo khách du lịch đến với Hà Giang. Thống kê 9 tháng năm 2021, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 678.268 lượt người với tổng thu từ khách du lịch đạt 1.220 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một tín hiểu khả quan trong bối cảnh hoạt động du lịch tại nhiều địa phương gần như bị “đóng băng” do Covid-19.

Ứng dụng công nghệ số

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Chủ động bắt nhịp với xu hướng công nghệ số, ngành đã triển khai xây dựng và quảng bá theo hình thức ứng dụng cộng nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thị trường như: nghiên cứu khảo sát du lịch trực tuyến khách du lịch nội địa đến với Hà Giang; tổ chức các hội thảo trực tuyến, livestream, hội chợ ảo…

xuc-tien-online-1635085965.jpg
Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức Tour online

Tháng 8 vừa qua, ngành du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì lần thứ VI năm 2021 theo hình thức trực tuyến trên nền tảng số nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Hà Giang, đồng thời xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch trên mọi miền tổ quốc.

Hay mới đây hơn, ngày 16/10, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức giới thiệu Tour online, trải nghiệm thực tế du lịch trực tuyến tại thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Địa điểm được lựa chọn để quảng bá, giới thiệu tuor Online là thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên với nội dung là trải nghiệm thực tế về những điểm nhấn du lịch ấn tượng mạnh mẽ như vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang vàng mùa lúa chín, những mái nhà lợp lá cọ cổ kính, là thác nước trữ tình hay vườn chè Shan Tuyết cổ thụ. Cùng với đó, là nhịp sống thường nhật, đời sống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Dự kiến, trong thời gian từ nay đến hết năm 2021, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức giới thiệu, quảng bá thêm các tour online về các mùa hoa Tam giác mạch trên cao nguyên đá, về văn hóa ẩm thực và du lịch nhà vườn, du lịch vườn cam để đẩy mạnh thu hút, mời gọi các đối tác, du khách trong và ngoài nước biết và đến với Hà Giang khi trở lại trạng thái bình thường mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận của người dân, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030... Trong đó xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý tốt quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn được kiểm soát tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Giang mở cửa đón khách du lịch, phục hồi lại các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Để quảng bá rộng rãi thông điệp truyền thông “Du lịch Hà Giang - điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ngoài các kênh truyền hình Trung ương, địa phương và báo chí, ngành sẽ chú trọng tuyên truyền trên các website và mạng xã hội như facebook, youtube, twitter, zalo... Đồng thời, căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để lựa chọn cách thức tổ chức và tham gia tổ chức (trực tuyến hoặc trực tiếp) các sự kiện xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Hà Giang. Cùng với tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

 

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Hà Giang: Đổi mới để thích nghi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn