Hà Giang: Bài trừ hủ tục trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao

Lê Hoàn

27/09/2021 20:52

Theo dõi trên

Công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Hà Giang, các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Hà Giang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của tổ quốc. Tỉnh có 11 huyện, thành phố, 193 xã, phường, thị trấn, 2.071 thôn, tổ dân phố; trong đó, có 7 huyện với 34 xã, thị trấn, 145 thôn, bản giáp biên giới Trung Quốc, 123 xã thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) của Chính phủ. Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 31,5% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là dân tộc Tày (26%), Dao (15,4%), Kinh (12%)…

bai-tru-thu-tuc1-1632750570.JPG
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông huyện Hoàng Su Phì được tổ chức trang trọng văn minh. Ảnh tư liệu

Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Hà Giang đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, loại bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu với nhiều cách làm hay, mô hình tốt, rất đáng biểu dương, hoan nghênh. Kết quả và những thành tựu đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa mới là to lớn và quan trọng. Tuy nhiên, ở không ít vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn tồn tại những tập quán, phong tục lạc hậu, thậm chí tới mức hủ tục nặng nề.

Khá phổ biến là việc tổ chức cưới hỏi, ma chay dài ngày, lãng phí. Trong cưới hỏi, vẫn tồn tại việc thách cưới, góp hồi môn, ăn cưới linh đình. Trong ma chay, một số nơi vẫn để người chết trong nhà dài ngày, không cho vào quan tài, bón cơm cho người chết...

Ngoài ra, còn tồn tại các phong tục lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống thời naynhư: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức cúng bái khi gia đình có người ốm đau; trong đám tang giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày; thói quen uống nhiều rượu làm bê trễ sản xuất; làm chuồng trại gia súc ở gần nhà… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, lãng phí của cải.

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, đoàn thể ở địa bàn vùng cao, vùng sâu Hà Giang đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong đó, chính quyền huyện Mèo Vạc là một trong những điểm sáng về thực hiện công tác này.  Toàn huyện Mèo Vạc hiện có 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm phần lớn với 78%. Trong cộng đồng người Mông còn tồn tại nhiều hủ tục cần được xóa bỏ như: Tổ chức tang ma kéo dài từ 3 – 5 ngày, giết mổ nhiều gia súc (bò khoảng 3 – 5 con, lợn từ 5 – 10 con hoặc nhiều hơn); thách cưới cao (nhà gái thường thách cưới từ 30 – 50 triệu đồng hoặc cao hơn); trọng nam khinh nữ; các thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường…

Trước thực trạng trên, huyện đã ban hành Đề án “Cải tiến đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc”. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân để loại bỏ các hủ tục, đổi mới tư duy, xây dựng nếp sống văn minh. Hướng dẫn, vận động nhân dân dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang khuôn viên, xây dựng 3 công trình vệ sinh, di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà… Huyện đã để ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố có nội dung về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và được triển khai thực hiện hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2025 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa, tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa đạt 63% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 63% trở lên; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuẩn văn hóa đạt 75% trở lên. 80% hộ gia đình dân tộc thiểu số thực hiện tốt nếp sống mới việc cưới, việc tang và lễ hội nhất là thực hiện các nội dung: đưa người chết vào áo quan; không tổ chức đám tang dài ngày; không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; không uống rượu say trong đám tang, đám cưới. Phấn đấu đến năm 2025 không còn tình trạng tảo hôn và kéo vợ. 100% gia đình có người ốm nặng đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, không thực hiện các nghi lễ mê tín dị đoan…

Xây dựng nếp sống văn minh

bai-tru-thu-tuc2-1632750674.JPG

Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân xã Lao Chải (Vị Xuyên) xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Ảnh: Tư liệu

Các phong tục, tập quán lạc hậu có thể phân chia thành hai loại, gồm: Loại tập tục liên quan mê tín, dị đoan và loại tập tục hình thành từ thói quen, nếp sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù hiện nay, tình trạng tập tục lạc hậu đã giảm đáng kể và chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo thành “rào chắn” cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển KT – XH ở địa phương.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương, BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09, ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Giang. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt coi trọng vai trò của Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào. Đưa nội dung tuyên truyền bài trừ hủ tục vào trường học nhằm từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức cho thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào thiểu số. Cùng với đó, tập trung quan tâm đầu tư hỗ trợ đồng bào thiểu số giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Phát động và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh…

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xác định là một trong những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài trong việc đẩy lùi các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung phát triển phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 70% gia đình được công nhận “gia đình văn hóa”; số thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 62,7%; 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Thông qua thực hiện phong trào còn huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Nông thôn mới. Qua đó nhận thức của phần lớn đồng bào đã được nâng lên, nhân dân dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh. Nhiều thôn, bản đã vận động các hộ làm chuồng trại xa nhà, làm nhà tiêu hợp vệ sinh...

Một số lễ hội như Gầu tào của đồng bào Mông; lễ hội Cúng rừng trong đồng bào Nùng, Cờ Lao; lễ hội Nhảy lửa, lễ cấp sắc trong đồng bào Dao cũng được điều chỉnh giảm những nội dung còn lạc hậu nhưng vẫn giữ được nét đẹp nhân văn truyền thống vốn có. 

Bà Triệu Thị Tình khẳng định, thực tế cho thấy, những tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy để bài trừ các hủ tục lạc hậu là việc làm không thể “một sớm, một chiều” mà cần có sự chung tay, chung sức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, thực hiện thường xuyên, liên tục và linh hoạt phù hợp với thực tế từng địa phương.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Bài trừ hủ tục trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn