Đun bếp ngày xưa

Ngày xưa ở làng thì nhà nông dân xịn ngoài cót thóc thì còn phải lo chất ở đầu hồi bếp đun: dăm bó củi cành củi gộc, củi đánh gốc tre, cùng với cây rạ cây rơm đánh ở trong vườn hay ven bờ ao nhà, còn nhà phi nông nghiệp ở ngoại thành thì sẽ có thùng gạo đong theo sổ cùng củi cùng than, sau thì là dầu, cũng bán theo bìa theo sổ gọi chung là chất đốt.
262435875-1161862440888454-4633800940649702128-n-1638775569.jpg

Thề có bóng đèn tuýp neon nhá, mối lo kiếm thóc gạo luôn đi kèm tang vật liệu đun nấu, tức là chất đốt cho mọi nóc nhà, nhiều khi vất lắm. Đến vụ thu hoạch lúa, sẽ có quy trình truyền thống trải hàng trăm năm qua cho mọi nóc nhà: đi cắt rạ rơm ngoài đồng mang về nhà làm chất đốt thổi nấu hai bữa ăn chính của các gia đình. Nhắc đến chuyện rạ rơm, lại nhớ ra nhiều thứ. Cây lúa cho rơm rạ gắn liền ối thứ đun bếp, lợp mái nhà, cảnh mưa phùn gió bấc, gỡ ít ổ rơm làm đệm giường mùa rét, vặn mũ rơm chống bom bi 1965-1973, trồng nấm. Rơm phơi ở làng, đất nhà nào cũng rộng nên rải đầy vườn, đầy sân, đầy ngõ. Nhà nào nuôi lợn, nấu cám thì còn tốn chất đốt nữa. Rơm rạ bui bui (vụn) mùa mưa ẩm không cháy chỉ khói mù, thổi lửa toét cả mắt. Nhà nuôi trâu hợp tác thì cần có nhiều rơm (Rơm ngày đó cũng chia theo định suất), sau mỗi tối trục lúa (bằng trâu kéo trục đá), tổ trục lúa rũ rơm và chia thành từng đống theo số hộ.

Cánh đồng Hàng Bát, Hàng Xã (từ hồ ngõ 110 Trần Duy Hưng, qua Hoàng Đạo Thuý kéo dài tới Nguyễn Thị Thập hắt về phía đông Nguyễn Thị Định) xưa là cánh đồng trũng quanh năm và rất nhiều đỉa đói đỉa trâu, đi gặt các bà các cô quấn xà cạp lên tận bẹn để ngăn đỉa rúc, gặt đã khổ, cắt rạ còn khổ hơn (kể cả cắt được rạ rồi cần phải phơi khô ở bờ ruộng thì mới mang được về nhà). Dân thôn Trung Kính Thượng gặt xong vụ chiêm, bèn cắt rạ thả trôi lềnh bềnh mặt nước (khu ruộng xưa bay nằm giữa các đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Thị Định - Hoàng Ngân - Hoàng Đạo Thuý). Ba bố con Tôi 1965-1967 vác thuyền nan quét nhựa đường, lội bì bõm vớt rạ, đẩy vào bờ mương gần nhà anh cả Tộ, bốc lên bờ phơi cho khô gánh về đun (Tôi cao 1,7m mà nước ruộng ngập tới rốn). Nhớ cảnh cấy lúa phía khu Tràng Hào (Nguyễn Chánh - Tú Mỡ - Trần Duy Hưng) nắng nóng thời mưa nhiều, nước thời ngập cả khu đồng - đóng bè chuối, mảng nứa gặt mò, lũm tũm đẩy chở lúa đem phơi sườn đê gần quán Đầu eo (đoạn giữa phố Tú Mỡ ngày nay). Từ phố Đinh Núp hắt về Phạm Hùng (Đồng cũ gọi là Ngo cùng gần Mễ Trì Thượng) cũng hay bị cảnh úng ngập khi gặt lúa mùa mưa bão>dân đóng bè chuối, đem thuyền nan gặt mò>phơi bó lúa sườn đê cho ráo>rất cực.

Ai còn nhớ sau vụ thu hoạch, nhà nhà đi cắt rạ (ruộng cao dùng cái A, ai còn nhớ?) cắt xong phải dựng các đống chùm (dựng các gốc rạ lên trên), hay rải luống rạ phơi cho khô nỏ (tại cánh đồng Bãi, Bù nền, Mả chế... cao ráo) Rạ mùa thì đa phần là thấy khô khô, rạ chiêm lại phải cắt sát gốc ngập trong nước. Rạ khô bụi đất bám rặm lắm. Ai đã dùng đòn càn, đòn xóc xiên vào bó rơm rạ khô gánh về nhà, gió mạnh sáo diều u u trên đầu, ta gánh liêu xiêu vì gió cản?. Ai sướng thít người khi bật chụm rạ thấy "mà" cua ếch và hang chuột đồng bùn non đùn lên nom như mỡ tươi, thì xin giơ tay xác nhận hộ cái nào.

Rơm rạ gánh về sẽ đánh đống đun dần (cây rạ khác cây rơm không chui vào đó chơi vì rặm và nóng lắm). Đánh đống rạ rơm thật là cao, không dễ đâu, phải khoẻ đã đành, cần khéo nữa, người đứng dưới cầm cây sào dài hất rạ lên, người đứng trên đón rạ dém chặt sao cho lúc rút rạ ruỗng ruỗng chân rồi mà cả cây không sập xuống, xong xuôi lại còn úp lên đó nửa cái vò vỡ để mưa không làm thối gốc. Đun rơm rạ hay bận luôn tay giống nhau, phải đút mớ rơm rạ vào bếp liền tay, tọng rơm rạ vào gầm ba ông đầu rau nặn bằng đất thó, luôn tay phải gạt tro, khơi bếp, có khi lửa không bùng lên được cần dùng cái ống thổi lửa (làm bằng cái ống nứa đục mấu) tay kia buông đôi đũa bếp hay cái muôi xuống là vớ que cời, cời liên tục than ra hai bên.

Nấu cơm hết rơm rạ và củi đuốc, tất lẽ dĩ ngẫu rằng thì là mà: phải đi quét lá khô, bẻ thân cây Điền thanh khô, chặt nhỏ gộc và tay rong tre, dọng và đầu mấu nứa tre... khói đun um tùm cay xè cả hai con mắt. Có thời kỳ ối người cùng đi quét lá khô rụng đầy ven đường Láng, lá và quả cây phi lao khô rụng tại các bờ mương tưới tiêu ngang dọc các cánh đồng bao quanh làng. Cũng cùng cảnh chung nấu bếp bằng vỏ trấu, mùn cưa gỗ, than tận dụng, đầu mẩu nứa sau cưa nứa khai thác ở rừng đem về làng để chẻ tăm hương khi ruộng bị mất dần thành các khu đô thị. Tsb nấu một bữa ăn "ngày xưa ơi" sao mà khổ đến thế, nấu canh phải sau nấu cơm, để có than rơm nóng vần ủ quanh nồi cơm cho chín tới. Mùa nóng bồ hôi chảy ngập mắt. Mùa đông ấm tý chút, cơ mà cả hai mùa chung tang hít khói bếp bay quanh quẩn, chỗ nào cũng có bồ hóng đen kịt (chỉ tốt cho các đồ gác bếp chống mối mọt) ngồi đun tất nhẽ mũi sụt sịt, mắt sẽ cay xè. Ra khỏi bếp thở nhẹ bỗng - không phét.

Cảnh đun bếp bằng rơm rạ này ở các quận huyện Hà nội chưa xa đâu nhá, lứa sinh thập kỷ 195x trở về sau ai chả biết nấu 2 bữa cơm rau, kèm kiếm mọi thứ để đun bếp. thập kỷ 200x chắc ối trẻ mỏ nhà ta đã coi đun bếp thời bao cấp như là chuyện cổ tích mất rồi. Giờ nhà nhà bếp ga bếp từ, về làng thấy chả có được mấy cọng rơm thui chân giò lợn nấu giả cầy hay thui thịt chó, nhưng mà vẫn nghe câu nói "nhà bác thổi cơm chửa?" nên biên đôi dòng cái sự nấu ăn từ năm 2000 hắt về thời kỵ cụ ông cha ta còn sống và người viết (thời đó cũng trung niên nếm đủ các cái nhọc văn nhằn).

 

Theo Chuyện quê