Đương đầu với nội dung xấu độc tràn lan trên Tiktok
Trong những năm gần đây, Tiktok đang phát triển như một “cơn sốt” cùng số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh những nội dung giải trí được chia sẻ trên ứng dụng này, còn có rất nhiều thông tin sai sự thật, những trào lưu phản cảm, lệch chuẩn được lan truyền rộng rãi không hề được kiểm soát.
Trong thời đại công nghệ hiện đại 4.0, không khó để bắt gặp một người sở hữu cho mình một hay vài thiết bị điện tử cá nhân có khả năng truy cập internet như: điện thoại, laptop, máy tính bảng… Nhờ có những tiện ích đó mà mạng xã hội đã ra đời như một nhu cầu thiết yếu. Từ khi đại dịch Covid 19 nổ ra, có một nền tảng mạng xã hội đã “làm mưa làm gió” trên toàn cầu nhờ khả năng giải trí vượt trội mà nó đem lại, đó chính là Tiktok. Nhưng bên cạnh những giây phút vui vẻ nền tảng này đem lại cho người dùng, còn có không ít những hệ lụy từ những nội dung “rác” đang được truyền bá tràn lan, thiếu kiểm duyệt.
Cơn sốt tiktok
Theo số liệu của DataReportal, trên toàn thế giới, đã ghi nhận hơn 1 tỉ người sử dụng Tiktok, ứng dụng này đã hoàn toàn chinh phục các bạn trẻ do khả năng cập nhật tin tức, giải trí vô cùng tối ưu, 41% người dùng TikTok đều nằm trong độ tuổi từ 16 đến 24. Năm 2019, khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, với các chính sách giãn cách xã hội kéo dài cũng chính là lúc đánh dấu bước thành công vượt bậc của ứng dụng Tiktok. Vào tháng 2 năm 2019, TikTok đã đạt một tỷ lượt tải xuống đầu tiên. Ứng dụng này chỉ mất chưa đầy 8 tháng để kiếm thêm 500 triệu lượt tải xuống tiếp theo. Riêng tại nước ta, có hơn 49,9 triệu người dùng ,Việt Nam hiện đang xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 2/2023, có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet tại Việt Nam trong đó có tới hơn 64% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng TikTok.
Nội dung độc hại, phản cảm “truyền nhiễm” rộng rãi
Tiktok dường như đã vượt mặt những mạng xã hội như Facebook, Instagram … một khoảng cách khá lớn, nhờ lượng người dùng đông đảo như vậy, nó cũng sở hữu một sức mạnh truyền thông vô cùng lớn với phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy những nội dung phản cảm, độc hại trên Tiktok có khả năng lây lan vô cùng rộng rãi với tốc độ chóng mặt.
Đã rất nhiều lần dư luận dậy sóng bởi những trào lưu phản cảm, nguy hiểm hay việc content "bẩn" tràn lan mà không được nền tảng này kiểm soát chặt chẽ. Một số nội dung vô cùng phản cảm có thể kể đến như những live stream và hay video phổ biến của các “giang hồ mạng” tràn lan làm sai lệch định hướng của một bộ phận giới trẻ, hay rất nhiều video clip về độ xe máy, phóng nhanh vượt ẩu và bốc đầu gây nguy hiểm cho người đi đường, dễ khiến các bạn trẻ học theo, nhất là độ tuổi vị thành niên. Còn có những thông tin về bạo lực chưa được kiểm duyệt, những hình ảnh hở hang, phản cảm không phù hợp, hay những thông tin đăng tài nhằm mục đích bêu xấu, hạ thấp uy tín của người khác, thông tin từ những thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá Đảng và Nhà nước… có rất nhiều kiểu nội dung như thế được đăng tải và đến với người dùng mỗi ngày.
Còn vô số trào lưu thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham gia như trào lưu Orbeez Challenge (bắn súng đạn hạt nở): Được lan truyền chủ yếu ở Mỹ, thử thách độc hại này khuyến khích người dùng TikTok nạp hạt nở vào súng hơi hạng nhẹ và bắn vào cá nhân bất kỳ. Tháng 7, Raymond Chaluisant (18 tuổi) tử vong khi trở thành nạn nhân của trò chơi chết người này. Thủ phạm là Dion Middleton (45 tuổi), quản giáo tại thành phố New York, bị bắt giữ và buộc tội giết người, ngộ sát, sở hữu vũ khí. Kể từ khi thử thách này xuất hiện, các sở cảnh sát khắp xứ sở cờ hoa đã cảnh báo phụ huynh về sự nguy hiểm của nó.
Tiếp theo có thể kể tới thử thách Angel of Death (thiên thần của cái chết): Lao ra phía trước xe tải đang chạy trên đường, nếu khiến phương tiện dừng lại trước khi tông trúng người thì “thành công”. Đó là cách nhiều thanh thiếu niên Indonesia tham gia thử thách “thiên thần của cái chết” trên TikTok. Theo Insider, ít nhất 2 người trẻ thiệt mạng vì trào lưu này và nhiều trường hợp bị chấn thương nặng. Ông Sony Susmana, Giám đốc cơ quan Đào tạo Tư vấn về Phòng vệ An toàn Indonesia (SDCI), cho biết những người trẻ này đặt mạng sống của mình vào nguy hiểm. Ông giải thích việc chặn đầu chiếc xe lớn nhằm khiến nó dừng lại ngay lập tức là điều không thể.
Những trò đùa dại dột đó không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tính mạng hay tinh thần của người khác mà chính những người thực hiện thử thách cũng sẽ gặp những mối nguy mà họ không thể lường trước. Ví dụ như thử thách mắt đổi màu hướng dẫn, khuyến khích người dùng lấy thạch, nước rửa tay, thuốc tẩy và kem cạo râu cho vào túi nhựa và sau đó giữ túi đó trước mắt ít nhất một phút. Thử thách này xuất phát từ người dùng Greg Lammers khi mắt của anh ta thay đổi màu sắc. Điều nguy hiểm là khi người dùng đưa một hoá chất gốc clo như thuốc tẩy gần mắt có thể dẫn đến tổn thương da và mắt, cũng như mất thị lực nếu túi đựng bị vỡ.
Theo Catherine Wang - chuyên gia AI tại Google, các lỗ hổng trong hệ thống đánh giá khiến nội dung độc hại dễ dàng bị bỏ sót, trong khi việc duyệt thủ công từng video là không thể với lượng người dùng khổng lồ của TikTok. Sau khi lọt qua vòng kiểm duyệt, video bắt đầu được TikTok phân bổ khắp thế giới bằng thuật toán. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao những nội dung bẩn trên TikTok lại có tốc độ lan truyền chóng mặt như vậy. Sau nhiều phân tích, chuyên gia Wang khẳng định, thuật toán TikTok khuyến khích nhà sáng tạo nội dung tiếp tục làm thêm những video tương tự. Nhiều chủ tài khoản cho biết nội dung của họ được “ưu ái” hơn sau nhiều tuần đăng video đều đặn.
Dọn rác trên nền tảng mạng xã hội
Ngày 3/4/2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Bộ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện TikTok trong tháng 5, liên quan đến nội dung xấu độc liên tục xuất hiện trên nền tảng thời gian qua. Theo ông, đợt thanh kiểm tra này tập trung vào các vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo. Ông cũng nhấn mạnh tình trạng video có nội dung độc hại xuất hiện trên TikTok thời gian qua, nhưng nền tảng không chủ động xử lý, ngăn chặn.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng TikTok chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này. Thậm chí, thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành xu hướng, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ", ông Do nói.
Việt Nam đã và đang xây dựng Luật An ninh mạng ngày càng chặt chẽ, nhưng dù chặt chẽ kiểm soát, quyết liệt thanh tra kiểm tra cũng sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết tận gốc rễ, chúng ta phải chú trọng hơn nữa việc giáo dục về tư tưởng, truyền thông nhiều hơn những biện pháp giúp giới trẻ nói riêng và người dùng mạng xã hội nói chung cẩn trọng hơn, biết tự trang bị cho mình những kiến thức để tự sàng lọc, kiểm chứng thông tin mình tiếp nhận hàng ngày. Chỉ khi mỗi người dân đều tự giác bài trừ, ngăn chặn, thứ bệnh dịch chính là những nội dung sai lệch, xấu xí đó mới bị dập tắt hoàn toàn.
Trên toàn thế giới đã có 13 quốc gia ban hành lệnh cấm ứng dụng Tiktok Tính đến nay, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đến từ các nước Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC) đã ban lệnh cấm Tiktok, trong đó có 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn, đó là: Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này. |