Kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2023).
Trong nhiều thập niên qua, khi viết về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, về Trường Sa, Hoàng Sa có nhiều văn nghệ sĩ của Việt Nam đã gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc của mình qua nhiều tác phẩm xúc động.
Với tôi, một giáo viên Sử thì bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long là một trong những ca khúc hay nhất, xúc động nhất viết về Trường Sa. Rất nhiều năm qua, cứ mỗi dịp đến sự kiện Gạc Ma 14/3, tôi vẫn thường nghe đi, nghe lại bài hát này với những cảm xúc đan xen những sự day dứt khó tả. Một bài hát hay mà Hình Phước Long - người nhạc sĩ quê hương Khánh Hòa đã gửi gắm vào tác phẩm của mình nhiều thông điệp qua lời ca, nốt nhạc.
Nhạc sĩ Hình Phước Long đã sáng tác hơn 400 tác phẩm, trong đó có 17 tác phẩm viết về Trường Sa như: “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”, “Vầng trăng nơi đảo xa”, “Tâm tình người lính Trường Sa”, “Tiếng hát đảo Sơn Ca” và “Gần lắm Trường Sa”. Điều đặc biệt của ca khúc này là viết về Trường Sa đầy cảm xúc da diết nhưng người nhạc sỹ lúc ấy vẫn chưa một lần được ra Trường Sa. Những hình ảnh như “cây phong ba”, “san hô”, “chim hải âu”, “sóng dồn, bão giật” ở đảo Trường Sa, người nhạc sĩ chưa ra Trường Sa để từng “mắt nhìn, tai nghe, tay nắm”, nhưng bằng sự linh cảm, sự rung động trái tim của người nhạc sĩ, ông đã để lại một tác phẩm để đời. Người ta có thể không nhớ ông đã sáng tác bao nhiêu ca khúc, nhưng chính “Gần lắm Trường Sa” đã làm nên tên tuổi của ông và “đóng đinh” trong trái tim những người lính hải quân 41 năm qua ngay từ khi nó ra đời.
Người ca sĩ đầu tiên có vinh dự được hát bài này là ca sĩ Anh Đào của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa). Từ đó đến nay, có nhiều ca sỹ hát rất thành công bài này như Long Nhật, Thanh Thúy, Khánh Hòa, Anh Thơ.... Dù mỗi ca sỹ đều có những thế mạnh, một chất giọng, một phong cách riêng khi thể hiện ca khúc này, nhưng họ đều hát như rút ruột, đong đầy cảm xúc nhẹ nhàng, tình cảm, sâu lắng, thiết tha mỗi khi được hát “Gần lắm Trường Sa”.
Sau này, rất nhiều chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa của của các nghệ sỹ, “Gần lắm Trường Sa” luôn là một ca khúc được nhiều lính đảo đề nghị hát và các ca sĩ cất cao bản tình ca này giữa đại dương sóng gió cùng lính đảo. Trong các buổi giao lưu nghệ thuật, “Gần lắm Trường Sa” lại được hát lên với cảm xúc trào dâng, xao xuyến đến lạ lùng. Đó là tiếng hát từ những trái tim biết yêu thương bằng tất cả tình cảm, tấm lòng sẻ chia và trân trọng.
Nếu như hiểu được bối cảnh ra đời ca khúc này sẽ phần nào lý giải được tại sao sau hơn 40 năm bài hát này ra đời, đến nay vẫn là một ca khúc có vị trí xứng đáng trong làm âm nhạc Việt Nam, có sự lay động đến trái tim của hàng triệu khán thính giả mỗi khi nghe bài hát này. Dù quần đảo Trường Sa ở xa đất liền nhưng mỗi khi nghe bài hát nay, chúng ta vẫn luôn cảm thấy “ Không xa đâu Trường Sa ơi” bởi sự kết nối tình cảm giữa đất liền với hải đảo, giữa người dân thành phố với những người lính đảo xa luôn ôm súng canh đảo với những đàn hảo âu chao nghiêng trên sóng vỗ.
Cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, tình hình đất nước ta khó khăn, thử thách bộn bề. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam vừa kết thúc thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược lại bắt đầu. Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền biển đảo. Bảo vệ Tổ quốc trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và thiêng liêng của mỗi người lính. Rất nhiều người lính đảo phải xa gia đình, quê hương, vợ con và luôn thỏa nỗi nhớ mong những cánh thư của những người thân yêu từ đất liền, giữa nơi hậu phương ra nơi tiền tuyến, từ nơi đảo xa về với quê nhà.
“Mỗi cánh thư về từ đảo xa
Anh thường nói rằng, Trường Sa xa lắm xa xôi”.
Bài hát này được Hình Phước Long sáng tác năm 1982, thời thế hệ học trò phổ thông chúng tôi được nghe qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam từ những chiếc loa công cộng. Nghe nhiều thấy hay và dễ thuộc ca từ, nhưng để hiểu sâu sắc bối cảnh và nội dung thì chỉ khi chúng tôi vào học đại học. Sau khi sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực gây ra vụ thảm sát Gạc Ma 14/3/1988 và chiếm đóng trái phép hòn đảo này thuộc quần đảo Trường Sa, bài hát này càng trở nên nổi tiếng hơn, được hát nhiều hơn.
Cứ mỗi lần Biển Đông dậy sóng bởi những âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo thì giai điệu quen thuộc của bài hát này lại được ngân lên, vang xa như nhắc nhở chúng ta luôn hướng về nơi ấy, nơi hải đảo xa xôi đang có những người lính đảo ngày đêm không quản ngại “sóng dồn, bão giật” để giữ vững niềm tin, cầm chắc tay súng ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với giai điệu du dương, da diết bởi ca từ giản dị, gần gũi, giàu hình ảnh, “Gần lắm Trường Sa” không chỉ trở thành một biểu tượng của người lính đảo mà còn là một “nhịp cầu” kết nối và chuyển tải tình yêu quê hương đất nước, của đất mẹ yêu thương luôn hướng về đảo xa...”. Bài hát không chỉ thay lời một người con gái gửi lòng thương nhớ với người yêu là một người lính đảo, mà rộng lớn hơn, cao cả hơn là cả một hậu phương lớn ở phương xa đang ngày đêm hướng về nơi biển xa. Với những người lính đảo xa nhà đều như thấy có hình dáng của mình, bạn bè mình khi nghe bài hát này và họ luôn yêu, luôn hát say mê bài hát này. Bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, bao nhiêu hiểm nguy luôn rình rập của những người lính đảo dường như được sẻ chia, bù đắp bằng những ca từ, giai điệu mềm mại, mượt mà, sâu lắng và rất đỗi chân tình từ một người con gái: “Anh ơi có nghe lời người từ phố biển. Khi ngọn triều dâng cao, khi cánh hải âu về, khi nắng sang mùa nơi ghềnh trúc san hô. Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng”.
41 năm qua, “Gần lắm Trường Sa” đã đồng hành với dân tộc, với những người lính đảo và nó đã trở nên quen thuộc, vẹn nguyên cảm xúc, đầy ắp ân tình. Bài hát thân thương đến nỗi nhiều bạn trẻ đã cài đặt làm nhạc chuông điện thoại như một khẩu hiệu hành động của khối óc, là mệnh lệnh hành động của con tim luôn hướng về Trường Sa, bởi đó là Tổ quốc. Dù rất nhiều người, trong đó có tôi chưa một lần được ra Trường Sa mỗi khi nghe bài hát này đều có thể cảm nhận rõ ràng hình hài, vóc dáng của Tổ quốc qua hình ảnh của những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Và cứ mỗi lần bài hát này được naagn lên, trái tim của người nghe cảm thấy như “Tổ quốc đang gọi tên mình” bởi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc ấy tuy xa nhưng lại không xa, rất gần, gần lắm Trường Sa ơi “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên em”. Với người lính hải quân Việt Nam thì những tình khúc về biển đảo quê hương bao giờ cũng có sức cuốn hút đến kỳ lạ và “Gần lắm Trường Sa” đã trở thành bài ca truyền thống, bản tình ca của người lính đảo.Dù nghìn trùng xa cách, nhưng mỗi khi bài hát được ngân lên trong bất cứ không gian, thời điểm nào, ta vẫn thấy rằng gần lắm Trường Sa.
Phần thưởng xứng đáng cho tác phẩm “Gần lắm Trường Sa” và một số ca khúc viết về Trường Sa của nhạc sỹ là năm 2012, ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có những thành tích xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng những cống hiến về âm nhạc.
Là một giáo viên Sử, tôi luôn có một ước ao, khát khao được 1 lần ra Trường Sa khi có cơ hội. Tôi đã từng dạy cho các thế hệ học trò của mình về vai trò chủ quyền biên giới, hải đảo, về những trang sử bi thương của “Hải chiến Hoàng Sa” (1974), “Thảm sát Gạc Ma” (1988), về sự phẫn nộ của người dân khi Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 (2014) vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, về tầm quan trọng của vùng đất, vùng trời, vùng biển trong suốt chiều dài lịch sử của Tổ quốc thân yêu.
Tháng 7 năm 2017, tôi đã từng đến thăm viếng Đài tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Tôi đã lặng im với đôi mắt đẫm lệ, đỏ ngầu khi đứng bên Đài tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988, nhìn ra phía rất xa là quần đảo Trường Sa và nghe qua loa phóng thanh bài hát “Gần lắm Trường Sa”.
Dẫu Trường Sa rất xa nhưng tôi vẫn thấy rất gần khi nghe đi nghe lại “Gần lắm Trường Sa” và mong một lần được ra Trường Sa để thấy “Tổ quốc nhìn từ biển” luôn nghĩa tình và thiêng liêng, để dạy cho các thế hệ học trò của mình thuyết phục hơn về Trường Sa từ cảm hứng của một người được đến Trường Sa.