Gặp tôi, A Biu bảo rằng: mình làm du lịch không phải chủ yếu để kiếm tiền. Mình làm vì đam mê; để chia sẻ sự đam mê và giới thiệu cho mọi người biết về văn hóa của người Ba Na ở Kon Tum; để truyền lại cho con cháu những nét đẹp về văn hóa của ông cha, tổ tiên … Và hình như ông nói điều này không chỉ với tôi; nói với khá nhiều người, nhiều lần. Khi nói với tôi cái tâm sự nói rồi, nói mãi ấy cặp mắt của ông dường như đang lên ánh lên những tinh lực của sự khát khao được dâng hiến và hình như cũng có cả điều gì đó như thể đang muốn giãi bày. Tôi nghĩ trong bụng, hình như ông già A Biu đang sợ khách hiểu lầm mình là diễn trò để kiếm tiền theo kiểu thương mại hóa du lịch đang trở thành trào lưu ở rất nhiều nơi chăng. Hóa ra, cái sự nói đi nói lại và sẽ còn nói mãi kia cũng là cách rào trước đón sau để mọi người không hiểu nhầm những việc làm của mình. Vậy đấy, A Biu cẩn thận và đau đáu đến tận cùng như thế. Chợt nghĩ, trong cái thời buổi thiên hạ loạn nháo cả lên để kiếm tiền; kiếm tiền bằng mọi cách thì những tâm sự một cách thận trọng, giữ mình như của A Biu với tôi và mọi người quả cũng không quá khó hiểu.
Thoáng gặp nhưng tôi đã nhân ra, ở A Biu, sự đam mê, cống hiến về văn hóa cũng là để giữ gìn, trao truyền, quảng bá những nét đẹp truyền thống của ông cha. Một cách làm hoàn toàn vô tư, trong sáng nhưng chủ nhân vẫn không tránh khỏi cái tâm trạng lo ngại, sợ bị hoài nghi về những điều thiếu tế nhị của người bên ngoài. Có hiểu được tâm trạng, nỗi niềm ấy ta càng trọng nể và yêu quý A Biu hơn. Thời thế nó vậy, thời buổi bây giờ để làm được việc tử tế, người tử tế như A Biu cũng không có dễ. Thoáng trong những nghĩ suy chan chứa yêu thương và cảm phục ấy, tôi bỗng nhận ra trong ánh mắt tinh anh và rực lửa của già A Biu những tia sáng trong ngần, ấm áp mà dũng mãnh, kiên nghị. Già đúng là một của hiếm của Kon Tum, một báu vật của đại ngàn Trường Sơn.
Đây là lần đầu tiên, cùng đoàn cán bộ quản lý của ngành giáo dục Hoài Đức đến Kon Tum, tôi đã được gặp già A Biu (một nghệ nhân cồng chiêng ưu tú của đồng bào Ba Na) trong đêm giao lưu văn nghệ “nắng cao nguyên”. Thoáng gặp, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã nhận ra ở ông cái sức sống âm thầm, bền bỉ, dẻo dai và sự đam mê bay bổng, mãnh liệt, cháy lửa của một con người đầy chất nghệ sỹ trên đại ngàn cao nguyên đất đỏ. Ở tuổi gần ngưỡng thất thập cổ lai hy (sáu mươi bảy tuổi) nhưng nhìn già như một tiên ông đã quá độ bát tuần mang bao nét gân guốc, rắn rỏi, lam lũ, khắc khổ của đại ngàn Trường Sơn. Mái tóc A Biu “muối nhiều hơn tiêu” chảy dài xuống đôi bờ vai gầy guộc, săn chắc trong bộ trang phục thổ cẩm đóng khố truyền thống của người Ba Na làm ông hiện lên tựa như dòng thác Pa Sỹ không ngừng không nghỉ tuôn nước suốt đêm ngày. Đôi mắt tinh anh với nhãn lực xa vời vợi của ông tựa như cặp mắt của con chim đại bàng đang chao lượn trên bầu trời mênh mông của dải Trường Sơn hùng vĩ. Đôi chân, đôi tay trần của ông không cuồn cuộn cơ bắp mà gầy sạm, săn chắc nhưng lúc nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn như con sóc chạy đi chạy lại, nhảy lên dậm xuống, uyển chuyển dịu dàng ngả ngả nghiêng nghiêng trong mỗi nhịp trống, tiếng chiêng … khiến người xem không thể đứng ngoài cuộc. Cứ thế, A Biu lôi cuốn chúng tôi vào đêm hội cồng chiêng “nắng cao nguyên” một cách tự nhiên và rộn ràng, náo nức. Thanh âm của tiếng cồng, tiếng chiêng, của câu hát cùng điệu xoang, giọt đàn ngân vang, réo rắt, thánh thót, da diết mời gọi trong tiếng reo vui đã làm thành một đêm tiệc cao nguyên hoành tráng đón chào chúng tôi trong nghĩa tình nồng hậu, gần gũi, yêu thương của những người anh em lâu ngày mới gặp.
Đêm Kon Tum, đêm Ba Na trong niềm vui bất tận đã để lại trong tôi cái ấn tượng về một tấm chân tình nhớ mãi. A Biu, hình ảnh một già làng quắc thước, tinh anh, da nâu đỏ, gân guốc nhưng rất mức đôn hậu, tài hoa, nghệ sỹ cứ neo đậu trong tâm trí tôi trở thành một nỗi ám ảnh, khắc khoải về một cái đẹp của núi rừng cao nguyên đất đỏ ba zan Kon Tum. Trộm nghĩ, có lẽ, cái đêm tiệc cao nguyên tưng bừng, rộn rã ấy sẽ chẳng bao giờ có được nếu vắng A Biu. Tôi nghĩ vậy, A Biu – linh hồn của ban nhạc, người nhạc trưởng đa tài của phố núi Kon Tum, người cầm đầu cuộc chơi của đêm hội. Nhưng rồi cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, đêm nhạc cao nguyên đã khép lại và đã để lại chẳng phải cho riêng tôi mà rất nhiều người hình ảnh một ông già A Biu gần gũi và nghệ sĩ. Hẳn là ai nấy vẫn sẽ nhớ mãi một A Biu tóc dài như suối lãng tử ôm cây đàn ghi ta hát vang những giai điệu du dương, thiết tha của đại ngàn Trường Sơn trong mỗi bản tình ca hay mạnh mẽ, cháy bỏng và tràn trề nhựa sống trong những khúc hát yêu thương của đôi lứa gửi gắm trong những niềm thương nỗi nhớ. Và cũng sẽ nhớ mãi hai con mắt lim dim; đôi bàn tay nhẹ nhàng của lão nghệ sĩ rừng xanh lướt nhanh trên những mặt chiêng to, chiêng nhỏ như những làn gió thoảng mát lạnh để tấu lên những âm thanh diệu kỳ, kể cho người nghe không biết mệt mỏi về những câu chuyện của núi rừng cao nguyên, của cuộc sống con người Ba Na.
A Biu, với tôi mới gặp lần đầu nhưng tựa như đã quen từ rất lâu bởi một lối ứng xử rất chân tình, gần gũi của một người đồng bào đam mê và nhân hậu trên cao nguyên lộng gió. Nghe A Biu kể: mình đam mê cồng chiêng, yêu thích các loại nhạc cụ và đam mê ca hát, diễn xướng sử thi … Khi mới đến với thế giới của cồng chiêng, ban đầu A Biu mượn bộ chiêng của làng để tập đánh. Sau đó A Biu sưu tầm chiêng, ché, nồi đồng cổ - bắt đầu từ năm 2003. Đôi chân A Biu từng đi khắp các vùng của Tây Nguyên bao la để tìm mua chiêng, mua ché … với mục đích lưu giữ nhưng tinh hoa văn hóa của Tây Nguyên hôm qua cho Tây Nguyên ngày mai. A Biu đã từng kể với mọi người: mình thấy bà con khó khăn mang những bộ chiêng quý của tổ tiên để đổi lấy mấy con gà, con lợn … mình tiếc lắm. Những người đổi chiêng đều từ nơi khác đến. Họ thấy cổ là đổi, đâu có biết giá trị của bộ chiêng, đâu biết đánh chiêng. Họ mua để vì mục đích kinh tế nên mình thấy ai muốn đổi đều ngăn lại. Mình ngăn không được thì mua. Mua để giữ lại cho cộng đồng, cho con cháu. Bởi thế A Biu đã từng sở hữu đến 20 bộ chiêng cổ và là người có số lượng chiêng cổ lớn nhất Tây Nguyên. Với tấm lòng yêu quý và trân trọng nhưng tinh hoa của cha ông nên A Biu rất yêu chiêng, đam mê với tiếng chiêng. Có lần vì muốn giữ bộ chiêng Klang Brong (bộ chiêng đại bàng), một bộ chiêng quý của người Ba Na mà A Biu phải dấu vợ dắt con bò duy nhất của nhà đi bán để giữ lấy bộ chiêng. Nhưng A Biu không giữ chiêng cho riêng mình mà giữ cho con cháu người Tây Nguyên. Vì thế, khi các làng, các huyện khác ở Kon Tum cần chiêng, muốn giữ chiêng cho dân làng A Biu đã không ngại ngần mà sẵn sàng chia sẻ lại cho họ. A Biu từng chia sẻ 15 bộ chiêng quý cho các làng.
A Biu đến với cồng chiêng không chỉ với tư cách là nhà sưu tầm mà còn với tư cách của một người thợ, người nghệ sỹ. A Biu rất có tài thẩm âm và chỉnh sửa chiêng hư. A Biu kể khi mới chơi chiêng, không có tiền nên phải mua chiêng bể, chiêng hư về hàn lại và tìm các nghệ nhân chỉnh lại âm thanh chuẩn cho chiêng. Làm nhiều lần kết hợp với sự đam mê và năng khiếu trời phú nên chẳng bao lâu A Biu đã trở thành nghệ nhân sửa chữa và điều chỉnh tiếng chiêng nổi tiếng. Người ta bảo xem A Biu chỉnh chiêng, ta mới thấy đôi tai và đôi tay của lão già làng này tuyệt vời làm sao. Bao nhiêu chiêng thủng, chênh phô sau khi được hàn, được chỉnh tiếng lại ngân lên thánh thót. Với đôi tay tài hoa, điệu nghệ A Biu như đem cả thế giới âm thanh của núi rừng Tây Nguyên vào trong bộ chiêng. Chẳng thế, đêm cồng chiêng “nắng cao nguyên”, dưới đôi tay nhanh, nhẹ, điêu luyện, thoảng lướt trên những núm chiêng, A Biu đã làm bật lên những thanh âm ngân vang gợi lên sự hiện về của núi ngàn khiến cảm xúc của người nghe không khỏi sững sờ, mê mẩn. Tiếng chiêng khi thì nghe róc rách như tiếng suối reo, lúc thì tí tách như chim chuyền cành, chốc lại ầm ầm như tiếng tiếng thác đổ, lát lại lao xao như gió thổi lá khô rừng chiều … Như thế bảo sao người ta không mê chiêng? Bảo sao người ta không mê những lễ hội cồng chiêng.
Với A Biu, với người Ba Na cồng chiêng không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn là tiếng nói tâm tình của con người gửi vào thanh âm; là nơi truyền tải những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày của con người; là sợi dây kết nối những thành viên trong cộng động. Không những thế nó còn là một vật thiêng dùng để làm phương tiện giao cảm giữa con người với các đấng thần linh. Bởi vậy cồng chiêng Ba Na gắn với cuộc sống lao động của con người với các nghi lễ nông lịch; gắn với cuộc đời con người trong các nghi lễ vòng đời, từ khi mở mắt cho đến lúc xuôi tay. Yêu quý và gắn bó với cồng chiêng của cha ông như vậy nên A Biu không chỉ tìm giữ mà còn thực hiện một sứ mệnh cao cả là trao truyền cảm hứng đam mê, sáng tạo về cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Bởi thế, sau những năm tháng dạy học trong các nhà trường, tuy đã nghỉ hưu nhưng già A Biu vẫn không quản ngày đêm, đường xá gần xa, lúc nào cũng sẵn sàng trình diễn trong các đêm hội; đến các nhà trường trên khắp vùng cao nguyên để trao truyền, giảng dạy tấu chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Có lẽ suốt đời, lúc nào A Biu đăm đắm, khắc khoải, lo lắng về sự mai một của cồng chiêng Ba Na. Ấy cũng là nỗi niềm trăn trở với cội nguồn văn hóa của dân tộc, của tổ tiên để lại, nhất là trong lúc xã hội trong buổi giao thời, văn hóa hội nhập.
Với tôi, một thoáng gặp gỡ ngắn ngủi với A Biu sau lúc ánh đèn sân diễn vụt tắt, những chia sẻ về đam mê và khát vọng “giữ lửa”, “truyền lửa” cồng chiêng cho thế hệ mai sau để giữ hồn dân tộc của A Biu chỉ diễn ra một cách vội vàng, chóng vánh nhưng cũng đủ làm chúng tôi phải ngưỡng mộ và cảm phục trong một niềm thương yêu và kính trọng vô bờ. Chợt nghĩ, ta chẳng cần phải đi đâu xa để tìm một thiên lương. Đây chính là thiên lương của Ba Na, của Kon Tum, của núi ngàn Trường Sơn. Chưa hết, tôi còn nghe kể nhà của A Biu cũng là một bảo tàng sống của người Ba Na; là một sân khấu trình diễn nghệ thuật của Kon Tum. Ở nơi ấy, A Biu trưng bày những nhà sàn, nhà rông, cây nêu, máng nước, cồng, chiêng, chóe, cung tên, giáo mác, nồi đồng, đàn tơ rưng … để người đến biết và hiểu về Ba Na, về Kon Tum. Cái bảo tàng ấy, cái sân khấu ấy lúc nào cũng rộng mở để chào đón khách đến thăm.
Cứ thế, trong nguồn cảm hứng bất tận về dân tộc Ba Na của mình, A Biu hào hứng kể và mời chúng tôi đến thăm nhà. Nhưng đêm đã khua, sáng hôm sau phải đi sớm. Chúng tôi đành lỗi hẹn và khất nợ A Biu một lời mời về thăm nhà. Già A Biu, mình hẹn gặp lại!