Nhìn thấy cảnh những nông dân trồng chuối gặp khó khăn khi "đến mùa lại mất giá", cô Trần Thị Tầm (57 tuổi, trú thôn Gia Yên, xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã quyết định tạo ra một giải pháp bằng cách thành lập hợp tác xã từng bước tiêu thụ nông sản cho bà con. Từ nguồn nông sản này, cô không ngừng nghiên cứu để sáng tạo ra một thức uống tốt cho sức khỏe với thương hiệu “Nước chuối lên men tự nhiên Kô Tầm”.
Cô Trần Thị Tầm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên, chia sẻ về việc tìm ra giá trị mới cho trái chuối. Trong quá trình thu mua nông sản, cô nhiều lần chứng kiến nông dân trồng chuối không thể bán sản phẩm của mình, buộc họ phải dùng cho gia súc hoặc đổ bỏ. Không chỉ dừng lại ở sự thông cảm, cô quyết định tạo giá trị thêm cho trái chuối bằng cách nghiên cứu về nước chuối ủ lên men.
Để tìm ra công thức độc đáo, cô đã tham khảo kiến thức từ sách báo và Internet. Ban đầu, nguyên liệu chính là những trái chuối chín vàng, không bị dập nát. Sau đó, cô chọn một hũ sạch và rải đường ở đáy hũ. Tiếp theo, từng lớp chuối được rải lớp đường. Cuối cùng, nước cốt chanh được đổ lên bề mặt, đậy nắp kín và để nơi thoáng mát.
Sau một tháng, nước chuối đã ủ lên men và tỏa hương thơm. "Ở những mẻ ủ đầu, tôi lấy nước mờ mờ mời mọi người nếm thử và ai cũng khen ngon. Tuy nhiên, do thời gian ủ lâu và nước cốt chanh nhiều, nước có vị chua hơi gắt", cô Tầm chia sẻ.
Học từ kinh nghiệm, ở những lần sau, cô thêm chút đường, giảm nước cốt chanh và rút ngắn thời gian ủ xuống còn khoảng 20 ngày. Hỗn hợp chuối tươi ủ lên men còn được đưa vào máy ép và lọc qua nhiều lớp màng để loại bỏ bã. Cuối cùng, nước chuối lên men có vị chua, ngọt vừa phải và mùi thơm dịu. Để đảm bảo vệ sinh và chất lượng, HTX đã đầu tư máy ép, đóng chai, và dán nhãn cho sản phẩm.
Theo cô Tầm, mỗi kilogram chuối tươi tạo ra khoảng 1 lít nước chuối lên men tự nhiên, với giá bán khoảng 50.000 đồng/lít. Nước chuối có thể bảo quản được khoảng 1 năm, trở nên đậm vị và ngon hơn theo thời gian.
Mặc dù thuộc thế hệ U60, cô Tầm không ngần ngại khó khăn để đưa sản phẩm đến nhiều hội chợ ở các tỉnh, thành và mới nhất là ngày hội kết nối giao thương miền Trung – Tây Nguyên tại Đà Nẵng và một số Hội chợ khác đồng thời bán Online trên các trang mạng xã hội. Dự kiến, Tết Giáp Thìn - 2024, cô đưa ra thị trường khoảng 2.000 lít nước ép chuối lên men.
Theo một số khách hàng tại Đà Nẵng, nước chuối lên men có vị chua chua, ngọt ngọt hài hòa và dễ uống, giúp tiêu hóa thức ăn tốt. Một số người còn sử dụng sản phẩm này để đãi khách trong các bữa tiệc. Nước ép chuối lên men sau khi thâm nhập thị trường Đà Nẵng và miền Trung-Tây Nguyên cũng được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài ra, HTX An Trung sẽ hoàn thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã và hồ sơ để sản phẩm này có thể được công nhận là sản phẩm OCOP.
Với việc tham gia vào các ban chấp hành của Hội Nông dân huyện, Mặt trận huyện, Mặt trận xã, và Hội LHPN huyện, cô đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển cộng đồng nông thôn.
Năm vừa qua, cô đã chủ động tham gia Dự án mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do HTX An Nhiên nhận, với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam. Dự án này không chỉ giúp giảm nghèo bền vững mà còn tạo ra công ăn việc làm cho bà con nông dân trong HTX An Nhiên, qua việc trồng cây sen đa lộc và cây chanh dây tím. Điều này không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho hộ nghèo mà còn đóng góp vào việc phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn.
Bên cạnh đó, HTX còn có mục tiêu huy động vốn kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập mới mà còn giúp bảo tồn và phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương./.