Gia tộc người gác đền bóng đá Việt Nam

Trên Thái Nguyên – “Thủ đô Gió ngàn” của kháng chiến chống Pháp - có hiệu ảnh Việt Bắc. Ở mảnh đất được là thủ phủ của vùng trung du, có được cơ ngơi bề thế như hiệu ảnh Việt Bắc và có nghề chụp ảnh là mơ ước của biết bao người, vậy mà những người con trai lộc ngộc của ông bà chủ hiệu chụp ảnh lại không người nào nối nghiệp gia đình.
gia-toc1-1650760873.png

Gia tộc họ Trần

 

Bắt đầu từ anh cả Trần Văn Vĩnh.

Từ ngày đầu thành lập Trường huấn luyện (Tên đầy đủ là Trường huấn luyện kỹ thuật thể dục thể thao trung ương), ông Vĩnh đã tham gia với vị trí thủ môn trong đội bóng của Trường huấn luyện.

Sở hữu một chiều cao “khủng”, sải tay dài, ông Vĩnh như người khổng lồ đứng trong khung gỗ. Chuyên gia Anatoly Mikhailovich Akimov, thủ môn hay nhất Liên Xô thời trước Thế chiến thứ 2, kiện tướng Công huân và cũng là HLV Công huân của Liên Xô được cử sang giúp đỡ bóng đá Việt Nam rất ưng ý với cậu học trò này.

Sở hữu thể hình lý tưởng, các khớp mềm dẻo để thực hiện tốt các tư thế khó, ra vào hợp lý và phán đoán tình huống nhanh nhạy, HLV  - Chuyên gia Akimov đã đào tạo Trần Văn Vĩnh trở thành một thủ môn xuất sắc đội Trường huấn luyện – Đội tuyển thường trực của bóng đá miền Bắc Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Khi Trường huấn luyện giải thể, thủ môn Trần Văn Vĩnh về đầu quân cho đội bóng Tổng cục Bưu điện. Ngay lập tức, lứa cầu thủ đa phần về từ Trường huấn luyện như các ông Trần Văn Vĩnh, Mạc Đức Trọng, Nguyễn Tiến Cường, Lê Mai Tú, Lê Đình Chính, Trần Văn Tuấn, Lê Văn Phúc, Vũ Trường Giang, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thành Học, Trịnh Quốc Trung… đã cùng các đàn anh Tạ Khôi, Đặng Văn Thịnh "cóc", Đỗ Văn Lực, Nguyễn Văn Hoàn, Huỳnh Ngọc Ẩn, Tô Đình Phàn, An Hợi "toe", Nguyễn Văn Huy “Huy lô”, Lưu Mộng Hùng, Trần Minh Đức, Xay “lé”… đưa Tổng cục Bưu điện trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam và bóng đá Hà Nội.

Những trận derby Thủ đô, người xem sững sờ khi nhìn thủ môn Trần Văn Vĩnh đứng lừng lững trong khung gỗ, vô hiệu hóa các cú sút hiểm hóc của tiền đạo đối phương.

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngưỡng mộ thủ môn Trần Văn Vĩnh, nhưng không nhiều người biết rằng người anh cả dòng họ Trần ở đất Thái Nguyên đã sớm thay cha, hướng nghiệp và dìu dắt các em phát triển sự nghiệp thành công.

gia-toc2-1650760873.png

Thủ môn Trần Văn Vĩnh, hàng đầu bên trái trong chuyến tập huấn tại Hungari năm 1968

Kế cận thủ môn Trần Văn Vĩnh là Trần Văn Khánh. Khi đang tập luyện tại Trường huấn luyện, anh cả Trần Văn Vĩnh đã giới thiệu với các tuyển trạch viên nhà trường về cậu em Trần Văn Khánh, đang trên đất Thái Nguyên. Lặn lội lên Thái Nguyên “xem giò cẳng”, đến khi gặp trực tiếp Trần Văn Khánh, nhìn thể hình lý tưởng, các tuyển trạch viên thốt lên : “Thủ môn tương lai đây rồi, không cần phải kiểm tra thử thách nữa”. Vậy là kế hoạch dẫn Trần Văn Khánh ra sân Thái Nguyên sát hạch đã bị đổ bể một cách ngọt ngào. Khi Trường huấn luyện giải thể, Trần Văn Khánh về đội Thể công. Tại đội bóng của những người lính, Trần Văn Khánh đã trở thành Thủ môn huyền thoại của Thể công. Đây cũng là thủ môn xuất sắc nhất trong Gia tộc họ Trần, sở hữu hàng loạt giải thưởng, danh hiệu cao quý của bóng đá Việt Nam. Năm 1971, Việt Nam thành lập Đội tuyển Quốc gia đi thi đấu tại Cu Ba. Dù mới 22 tuổi, Trần Văn Khánh đã là 1 trong 4 người có số phiếu bầu chọn tuyệt đối.

Thể hình lý tưởng, ra vào hợp lý, kỹ thuật hoàn hảo. Các động tác bắt bóng, nhất là trong những pha “không chiến” khiến dân hâm mộ bóng đá lấy ông làm “thước đo” cho mọi thủ môn khi truyền tụng câu ca “Bay như Khánh…”. Trần Văn Khánh cũng là thủ môn “có tuổi thọ” lâu nhất cho đội tuyển Quốc gia và đội bóng Thể công. Hiện nay, ông vẫn cùng HLV Park Hang-seo, chăm lo cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Ngoài cô con gái đầu tên Tâm, ông bà chủ hiệu ảnh còn có 4 người con trai và cả 4 người con trai đấy đều là những thủ môn xuất sắc của tuyển quốc gia và các đội bóng đá. Ông Trần Văn Vĩnh thủ môn đội Trường huấn luyện và Tổng cục Bưu điện; Ông Trần Văn Khánh thủ môn Trường huấn luyện và Thể công; Ông Trần Văn Thành tức Thành “Sport”, thủ môn đội Công an Hải Phòng và Công an Hà Nội; Ông Trần Văn Trung, tức Trung “mán”, thủ môn đội Công an Hà Nội.

gia-toc3-1650760873.png
Thủ môn Trần Văn Khánh

Ông Thành “Sport” và ông Trung “mán” cũng đã từng bắt gôn cho đội tuyển Quốc gia và các đội tuyển Thanh niên, đội tuyển ngành.

“Hổ phụ sinh hổ tử”. Thế hệ 2 của “Gia tộc những người gác đền họ Trần” còn có Trần Tiến Anh, con trai thủ môn Trần Văn Vĩnh – Tuyển thủ Quốc gia và đội Thể công. Hai con trai của cậu út Trần Văn Trung là Trần Trung Kiên, thủ môn Đội tuyển Quốc gia môn Futsal và Trần Anh Đức, thủ môn Viettel và Anh Đức cũng là thủ môn các đội U Quốc gia lứa trẻ khi vừa tròn 16 tuổi.

Cũng như các bậc phụ huynh, thế hệ thứ 2 của “Gia tộc những người gác đền bóng đá Việt Nam” đều bộc lộ kỹ năng thủ môn từ khi còn rất trẻ.

Có lẽ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, hiếm có Gia tộc nào như Gia tộc họ Trần, “sở hữu” đến 7 thủ môn lẫy lừng như vậy.

gia-toc4-1650760873.png
Trần Văn Khánh (bên phải) và Trần Văn Thành (bên trái)