Giá trị của niềm tin

Khoảng tháng Sáu năm 2018, tôi nghe đồng đội Vũ An Ninh gọi điện báo "ông Q. gọi điện báo tin cho tôi là ông ấy bị ung thư tiền liệt tuyến". Tôi lặng người, sao đồng đội mình lại đen thế!. Trai Hà Nội, đẹp trai, tài năng lại là cựu chiến binh mà xui xẻo luôn đeo bám.
gia-tri-niem-tin-1660104915.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi hỏi Ninh là Q. đã làm sinh thiết chưa thì được biết là Q. đã có kết quả sinh thiết, có tế bào ác tính. Tôi là dân vật lý hạt nhân và thường đi giảng bài về an toàn bức xạ nên biết ung thư tiền liệt tuyến nếu phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi là rất cao. Tuy nhiên với những người mới phát hiện mình mắc bệnh thì thường hoang mang, mất niềm tin vì nghĩ mình bị "bạo bệnh".
 Niềm tin đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo có lẽ là yếu tố rất lớn để người bệnh vượt qua bệnh tật. Nghe Ninh thông báo tiếp là Q nhờ mấy đồng đội ở Hà Nội lên nhà một ông lang người Mường ở Hòa Bình mua giúp thuốc Nam và gửi vào tp. Hồ Chí Minh cho anh ấy. Q. được tư vấn bởi một đồng đội khác ở tp. Hồ Chí Minh, đã từng chữa khỏi bệnh ung thư tiền liệt tuyến nhờ những thang thuốc Nam của ông lang Mường này. Tất nhiên phải kèm theo phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị của tây y. Tôi thì không tin vào mấy thang thuốc của các ông lang mà còn sợ đồng đội tôi uống nước sắc từ các loại cây cỏ ấy còn hại cho gan. Tuy nhiên, tôi với Vũ An Ninh vẫn quyết định lên nhà ông lang người Mường ở Hòa Bình để bốc thuốc Nam cho Q. vì tôi muốn Q. có niềm tin để chữa bệnh.

Phải mất hơn hai giờ lái xe ô tô, vừa đi vừa tra đường trên google map, vừa hỏi đường chúng tôi mới tới được cơ ngơi của ông lang người Mường. Tôi gọi khu nhà ở và bốc thuốc cho người bệnh của ông lang là cơ ngơi vì đó là một khu vực được xây kín khoảng vài héc ta. Tôi choáng ngợp vì ở giữa rừng núi Hòa Bình lại có một dinh thự hoành tráng ngoài sức tưởng tượng của tôi đến vậy.

Khuôn viên khu dinh thự của ông lang Mường - Lương y Bùi Văn Phượng (Hòa Bình) rộng năm héc ta, được bao bởi hơn một ki lô mét tường gạch. Ngoài căn biệt thự bốn tầng nằm chính giữa, còn có một nhà rường năm gian mang từ Huế ra dựng lại, làm nơi tiếp bệnh nhân. Một gian nhà lục giác được dựng giữa hồ nước để tiếp khách, nghe nói gian nhà gỗ này được mang từ tp Hồ Chí Minh ra và dựng lại. Ông lang còn khoe hai con xe, một là Porsches và một Mercedes mặc dù chúng được sử dụng rất ít. Những cây, cỏ mà được xem là các vị thuốc được phơi kín mấy sân gạch trước hai tòa nhà. Khách từ Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đỗ xe dọc đường vào nhà ông lang để chờ đến lượt bốc thuốc. Ông chỉ bắt mạch và bốc thuốc vào buổi sáng, buổi chiều nghỉ. Vũ An Ninh và tôi đến vào lúc gần trưa, nói khó mãi ông lang Phượng mới đồng ý tiếp. 
Chúng tôi đưa bệnh án của Q. cho ông lang xem, ông xem nhanh và viết "đơn thuốc" để chúng tôi xuống nhà ngang nhận các thang thuốc Nam. Một phụ nữ dưới nhà ngang bốc các "vị thuốc  Nam" từ những bao tải để đầy căn nhà để tạo thành các thang thuốc. Sáu trăm nghìn đến tám trăm nghìn đồng là được một bao dứa thuốc, đủ sắc uống trong một tháng cho một người bệnh. Ông lang còn đưa thêm một quả đu đủ và dặn "nướng lên và đắp hai bên đùi trong cho bệnh nhân, tháng sau nhớ đến lấy thuốc tiếp, đừng để gián đoạn". Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi ghé ăn trưa muộn ở một quán ven đường. Món bít tết trâu khác lạ và cá mương sông Đà rán giòn của quán ăn này mới ngon làm sao. Sau khi về đến Hà Nội, Vũ An Ninh có thêm nhiệm vụ là mang bao thuốc Nam ra bưu điện để gửi gấp đi tp. Hồ Chí Minh.

Tháng sau đó, tôi và Vũ An Ninh lại lên nhà ông lang Phượng lấy thuốc lần thứ hai cho Q. Lần này chúng tôi bị lạc đường mất thêm một tiếng vì ông google map chỉ sai; tuy nhiên vì đến muộn nên có cơ hội được tiếp chuyện ông lang Phượng ở nhà bát giác của ông. Ông kể người nhà nguyên chủ tịch nước TĐQ và chủ tịch tp. HN cũng đã từng lên nhà ông để lấy thuốc. Ông là Lương y nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, ông đã tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I từ năm 1972. Ông khoe nhiều ảnh chụp với các lãnh đạo cấp cao. Ông đưa chúng tôi đi xem tấm phản gỗ hơn hai mét, dài khoảng sáu mét và dày cỡ hai mươi phân bằng gỗ quý mà phải mất bao công sức mới mang được từ Tây Nguyên về Hòa Bình. Chúng tôi ra thăm khu vườn rộng với lác đác những cây thuốc theo dự án để xin đất của ông. Ông thật giỏi xây dựng cơ nghiệp nhưng những thứ cây cỏ mà ông gọi là các vị thuốc Nam của ông thì tôi hơi nghi ngờ. 

Tôi và Vũ An Ninh còn quay lại nhà Lương y Bùi Văn Phượng thêm ba lần nữa để bốc thuốc cho đồng đội của tôi. Ba lần đến bốc thuốc cuối, ông lang Phượng không còn trực tiếp kê đơn thuốc cho  người bệnh nữa. Con trai ông đã thay ông trực tiếp bắt mạch kê đơn cho bệnh nhân, đã có sự chuyển giao thế hệ thầy lang. Bệnh nhân hình như ngày càng đông hơn nhưng Lương y Bùi Văn Phượng đã có nhiều thời gian hơn dành cho hai cựu chiến binh. Chúng tôi thường ngồi bên chiếc bàn tròn trong nhà bát giác, thưởng thức trà ngon, nói chuyện ngày xưa cho nhau nghe. 

Năm bao dứa thuốc đã được đồng đội của tôi sắc uống trong sáu tháng. Riêng đu đủ để đắp hai bên đùi trong thì Q. chỉ dùng đến lần thứ hai thì bỏ không dùng nữa vì thấy có hiện tượng bị chín da, thật may. Q. đã đồng thời được xạ trị bằng máy gia tốc hiện đại và các liệu pháp chữa bệnh tây y hợp lý nên các tế ào ung thư đã được tiêu diệt khá triệt để.
Đã sang năm thứ năm kể từ khi đồng đội chúng tôi chiến đấu với ung thư tiền liệt tuyến. Q. đang khỏe lên từng ngày từng tháng, vẫn đi đánh bóng bàn vào các buổi chiều. Tôi vui lắm vì tin rằng đồng đội mình đã khỏi bệnh và rất nhớ năm bao tải thuốc "niềm tin" của ông lang người Mường. Một may mắn nữa cho Q. là vì căn bệnh của anh cộng với những tháng năm chiến đấu ở những khu vực có chất độc da cam. Anh đã nhận được trợ cấp mỗi tháng hai triệu đồng và vợ con anh được hưởng bảo hiểm y tế. Cám ơn cuộc đời.

Trái tim người lính