Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba - Sóng đầm dần dần lặng

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương ba

HUYỀN THOẠI MỚI

 

Sóng đầm dần dần lặng

 

Những vụ việc ở Tập đoàn Tri thức dần dần được làm sáng tỏ. Vụ kiện của Lê Đản đối với Liên doanh về việc bị sa thải bất hợp pháp, đã bị toà án Khu Bình Đà bác đơn. Trong quá trình vụ kiện, biết không thể cố đấm ăn xôi, Lê Đản xuống nước đề nghị Liên doanh trợ cấp cho dăm bảy chục triệu đồng gọi là hỗ trợ khó khăn, nhưng Liên doanh từ chối phắt. Lặng, sau khi nhận tiền trợ cấp, đã im hơi lặng tiếng, chẳng còn liên hệ gì với Lê Đản nữa. Đại Sư phụ Hoàng Phu đã bị loại khỏi vòng chiến vì lý do sức khoẻ, cũng vì sự phong toả gắt gao của gia đình. Thanh tra Bộ đã hoàn thành công việc, chuẩn bị ra kết luận. Lúc này, mọi việc gần như minh bạch, Trực mới tiếp xúc với trưởng đoàn Thu Trang. Anh đề nghị Thu Trang sớm cho kết luận, để Tập đoàn sớm xử lý các vấn đề nội bộ. Thu Trang cười hiền từ:

- Em biết các anh rất sốt ruột, cần mau chóng ổn định nội bộ để làm ăn. Nhưng em muốn chờ kết luận của cơ quan Chức năng khu Thành Đô. Em đã thảo công văn cho lãnh đạo Bộ ký gửi cơ quan này, đề nghị có văn bản kết luận các việc mà họ đã điều tra.

Dừng lại, với vẻ trầm tư và thông cảm, Thu Trang ân cần:

- Bộ muốn cơ quan Chức năng Khu Thành Đô phải có văn bản chính thức kết luận về ‘’vụ án’’ mà họ điều tra. Cũng cần làm sòng phẳng với họ để cho họ thấy rằng không phải lúc nào muốn nhảy vào điều tra ở đâu là cứ thế nhảy vào, rồi chẳng kết luận gì. Cho nên, anh kiên trì một chút nhé!

Lòng kiên trì của Trực không phải thử thách lâu, vì chỉ hai ngày sau, anh nhận được tin báo rằng cơ quan Chức năng khu Thành Đô đã có kết luận, cần sang thông báo trực tiếp với Tập đoàn. Quan sát, Trực thấy vẻ bồn chồn hiện rõ trên khuôn mặt Lý Ngồ Ngộ. Thông tin mà Ngộ nắm được là Minh sẽ bị trừng trị, sẽ thành hiện thực chăng? Trực cho triệu tập toàn Ban Giám đốc, lãnh đạo Công đoàn, Đảng uỷ, Kiểm tra đảng uỷ, Thanh tra Nhân dân đến dự buổi công bố kết luận điều tra của cơ quan Chức năng. Ngộ hết xoay xoay ly nước lại đưa tay vuốt mặt để giấu vẻ bồn chồn của mình. Phó Tổng Bình vẫn một vẻ phớt đời của người ngoài cuộc. Mấy cán bộ khác vẻ mặt căng thẳng. Phía cơ quan Chức năng, là Trần Sơn và Tồn - một đồng chí chưa bị lộ. Sau khi nói vài câu mang tính thủ tục, Trần Sơn đọc nguyên văn kết luận của Cơ quan Chức năng Khu Thành Đô. Nghe xong, mỗi người có một thái độ khác nhau. Lý Ngồ Ngộ tỏ vẻ thất vọng ra mặt. Phó Tổng Bình vẫn vẻ mặt phớt Ăng lê:

- Tưởng có gì nghiêm trọng thì cơ quan mới phải mất công đến thế. Biết như thế này, tôi chẳng quan tâm.

Những anh chị em khác thì vẻ mặt dãn ra, dần dần tươi tỉnh. Họ thở phào như vừa trút được một gánh nặng. Chuẩn bị kết thúc, Lý Ngồ Ngộ cố chọc Minh một câu:

  • Tiền riêng của hai người mà đem nộp vào quỹ cơ quan, phiền hà quá.

Trần Sơn thẳng thắn:

  • Anh nói sai rồi. Cần phải biểu dương chị Minh mới đúng khi chị đem tiền nộp vào cơ quan. Như trong nhà, khi con cái mâu thuẫn nhau, phải nhờ bố mẹ phân xử, trong cơ quan, cán bộ không thoả thuận được với nhau thì cần nhờ cơ quan. Chị Minh nộp tiền, thể hiện sự minh bạch, cần được biểu dương.

Trực nhìn sang Lý Ngồ Ngộ, thấy anh ta sầm mặt lại, da dẻ trở nên bầm tím. Lúc này, Ngộ nghĩ lướt qua các hành động của mình mà thấy chờn chợn. Anh ta cay đắng nhớ lại chuyện xảy ra đã cách đây mấy tháng. Khi ấy, chuẩn bị Đại hội công nhân viên chức, Ngộ triệu tập riêng mấy Trưởng phòng giao nhiệm vụ cho từng người phải lên diễn đàn phát biểu gay gắt về vấn đề lình xình ở Khách sạn Bạch Liên nhằm hạ uy tín Minh. Mọi người vâng dạ lễ phép, thế nhưng khi Đại hội diễn ra, chẳng có ai lên phát biểu theo ý kiến chỉ đạo của Ngộ cả. Thậm chí có người còn ca ngợi Phó Tổng Minh giỏi nghiệp vụ, đã giúp khâu xuất nhập khẩu đi vào quỹ đạo, tăng doanh số lên gấp đôi; không những vậy, Minh còn trực tiếp tổ chức giúp mười đơn vị thành viên tiến hành thành công việc cổ phần hoá. Lý Ngồ Ngộ cũng chợt nhớ tới lời cảnh báo của một cán bộ trong cơ quan rằng nếu anh ta không tỉnh táo, cứ lao vào các việc trái khoáy theo kiểu té nước theo mưa, lợi dụng vụ Đản, Phu hãm hại Minh mà làm điều thất đức, thì có ngày anh ta phải trả giá. Cũng có người nói thẳng với Ngộ rằng Đản là loại người lá mặt lá trái, bây giờ anh liên minh mới đó hạ chị Minh, nhưng rồi sẽ có ngày nó sẽ trở giáo đâm chính anh đấy. Ngộ cười khảy: Đâm thế nào được tao, tao cứ lợi dụng mày để có thêm lực lượng, đến khi cần, tao sẽ đâm mày trước. Nghĩ vậy nhưng đầu Ngộ vẫn đặc những bã đậu và tối như hũ nút, chẳng vạch được cho anh ta một con đường nào khả dĩ sáng sủa một chút.

Sau các kết luận của cơ quan Chức năng các cấp, đến lượt Thanh tra Bộ xuống công bố kết luận về đợt thanh tra tại Khách sạn Bạch Liên.

Trước đông đảo cán bộ cốt cán của Tập đoàn Tri thức, Trưởng đoàn thanh tra Thu Trang phát biểu:

- Sau khi nghiên cứu các tài liệu, khảo sát thực tế, gặp gỡ những người có liên quan, Thanh tra Bộ đã có văn bản kết luận về việc thanh tra theo đơn tố cáo tại Liên doanh Bạch Liên, có liên quan trực tiếp đến hai cán bộ của Tập đoàn Tri thức là chị Nguyễn Thu Minh và anh Lê Đản. Văn bản này đã được Lãnh đạo Bộ duyệt. Nhìn khái quát, sự việc ở Liên doanh không có gì lớn, nhưng do nội bộ cố tình khuấy đảo, mà trở nên phức tạp, lôi kéo nhiều ngành, nhiều cấp vào kiểm tra. Chính người đứng đơn tố cáo là anh Lê Đản, lại là người có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mọi người ồ lên, rồi rì rầm bàn tán. Thế mà ông Ngộ nói bà Minh bị bắt đến nơi rồi. Thế mà cậu Lê Đản khoe sắp đấu tranh thắng lợi.

Ngừng lại một chút cho cử toạ trở lại im lặng, Thu Trang đọc nguyên văn bản kết luận thanh tra. Trong văn bản, Thanh tra Bộ đánh giá khái quát tình hình Liên doanh từ khi bắt đầu hoạt động, đến nay, chỉ ra những mặt được, chưa được trong suốt quá trình liên doanh và chỉ rõ những cố gắng của Tập đoàn khi thay thế đơn vị cũ làm đối tác. Đi vào những nội dung có liên quan đến Minh và Đản, có những kết luận quan trọng: Phụ cấp trách nhiệm mà Liên doanh trả cho bà Minh là theo quyết định của Chủ tịch Tập đoàn, bằng số tiền mà người tiền nhiệm là ông Định được lĩnh, Liên doanh không ưu ái riêng cho bà Minh về khoản này như đơn ông Đản đã nêu. Ông Đản tố cáo bà Minh được Chủ tịch Liên doanh cử làm Quyền Chủ tịch và hưởng tiền "thù lao" là chưa đúng thực tế. Không có cơ sở để kết luận bà Minh chỉ đạo bà Thuỳ mang số tiền mười bẩy nghìn đô la đi theo đoàn của Bộ. Việc lập quỹ chung của hai người là tự nguyện, có sổ sách ghi chép ký nhận của hai bên nên không có cơ sở nói là bị ép buộc như ông Đản tố cáo. Đối với ông Đản: Ông đã không báo cáo với lãnh đạo về những khoản thu nhập phát sinh theo đề nghị của ông. Với hai phiếu chi năm nghìn USD cho ông Đản đi giao tế công an và một số cơ quan Chức năng, ông Đản đã không cung cấp được hoá đơn chứng từ thanh toán chi dùng số tiền này; nếu có dấu hiệu tham ô hoặc hối lộ đề nghị Tập đoàn chuyển cơ quan công an giải quyết, đồng thời có ý kiến với Tồng Giám đốc Liên doanh khi duyệt chi, cần quản lý tốt hơn nữa chi phí đầu vào để giảm lỗ. Về việc đi nước ngoài của bà Minh: Hai lần đi Đài Loan đều có quyết định của Bộ, nội dung mục đích chuyến đi rõ ràng, khi về có báo cáo kết quả là đúng quy định của Nhà nước. Hai lần đi Trung Quốc đều không thực hiện báo cáo với Bộ là vi phạm quy định.Việc chấm dứt hợp đồng lao động cho toàn thể người lao động đã tạo điều kiện cho người lao động được hưởng thêm các quyền lợi và được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Liên doanh (mười năm nay chưa có), nhưng khi thực hiện có thủ tục chưa đúng quy định. Đối với ông Lê Đản, có trách nhiệm về những vấn đề nội vụ xảy ra ở Khách sạn Bạch Liên trên cương vị là Phó Tổng Giám đốc thứ nhất, đặc biệt là vụ mại dâm bị bắt quả tang, vụ phá hoại Khách sạn.Tập đoàn cần xem xét, kiểm điểm ông Đản về việc tố cáo bà Minh không đúng sự thật, gây mất ổn định nội bộ. Đoàn Thanh tra cũng đề nghị Tập đoàn trả lại ông Đản, bà Minh số tiền hai người đóng góp mà bà Minh đã nộp vào quỹ Tập đoàn. Đề nghị Tập đoàn bàn bạc với đối tác tiến hành xem xét, sửa chữa hợp đồng, điều lệ của Liên doanh cho phù hợp với tình hình hiện nay, củng cố tổ chức, xác định rõ phương hướng, kế hoạch, phương pháp hoạt động để Liên doanh hoạt động có hiệu quả.

Đến phần các cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn phát biểu ý kiến, Đản giành nói trước. Dạo này chắc bị các cơ quan Chức năng quần thảo, Đản tóp người lại, mặt mỏng quẹt đi nhưng đôi mắt lại hum húp trở thành mắt lươn. Vẫn một cái giọng xảo trá, Đản làm ra bộ từ tốn với tinh thần đầy xây dựng:

- Thật đáng tiếc là vì việc của chúng tôi mà Bộ mất quá nhiều thời giờ. Tôi không thể chấp nhận sự dối trá, quỷ quyệt của cấp trên cho nên tôi phải viết đơn tố cáo. Nhưng các kết luận của cơ quan Chức năng và bây giờ là của Thanh tra Bộ, tôi không tâm phục khẩu phục. Tại sao khi cơ quan Chức năng làm việc với tôi, qua các cuộc họp có ghi biên bản, tình hình khác, mà khi kết luận lại khác. Đừng lấy đồng tiền ra mà đổi trắng thay đen. Tôi sẽ kiện tiếp lên các cơ quan cao hơn!

Không ai phát biểu về ý kiến của Đản. Mọi người đã quá rõ tâm địa của con người hư hỏng này cho nên không cần tham góp cho đỡ mất thời giờ. Minh cũng phát biểu, nhưng chỉ vắn tắt vài lời cảm ơn sự làm việc công tâm của đoàn Thanh tra.

Trước khi có cuộc họp này, Trực đự định sẽ viết sẵn một bài phát biểu sau khi Thanh tra công bố kết luận. Có nhiều điều đáng rút kinh nghiệm lắm. Công tác cán bộ, lúc nào cũng phải quan tâm đặc biệt. Vậy mà thời gian qua, chúng ta đã buông lỏng quản lý số cán bộ tham gia Liên doanh. Sinh hoạt đảng, đoàn thể, chính quyền của những người biệt phái tham gia Liên doanh, hầu như chỉ còn là hình thức. Cậu Đản sinh hoạt ở chi bộ Văn phòng (trước kia là ở chi bộ Công ty Hân Hoan) nhưng chỉ là sinh hoạt lấy lệ. Chi bộ không biết được cậu ta làm việc ra sao, tư tưởng, đạo đức, tác phong thế nào. Cậu ta như tướng ngoài biên ải, một mình một phương vẫy vùng, dần dần biến chất tới mức tệ hại như thế này. Tập đoàn lại chưa quan tâm đến việc xây dựng quy chế cho những người làm việc tại Liên doanh. Lẽ ra, phải cụ thể hoá trách nhiệm của người đại diện phía Việt Nam là thế nào, họ phải theo dõi tình hình, báo cáo những gì, theo chu kỳ nào, phát biểu những gì trong các phiên họp của Liên doanh... Lại cần phải quy định chế độ hưởng thụ đối với họ nữa - họ có quyền hưởng trọn vẹn những gì hợp pháp mà Liên doanh cấp cho, hay là phải nộp lại một phần khoản thu đó? Vừa qua, sau khi xảy ra sự cố, trước những khoản thu nhập quá lớn của những người tham gia Liên doanh, có cán bộ ngốt lên, phán một câu: Họ hưởng nhiều quá và tham thế, chẳng nộp lại gì cho cơ quan. Thực ra, nói như vậy là không đúng, vì cơ quan có quy định chế độ nộp lại đối với họ đâu. Nghĩ tới cách phản ứng của anh chị em trong Tập đoàn trước những lời tố cáo (nay thì rõ đó là vu cáo) chị Minh, Trực thấm thía hơn nữa thế nào là tình đồng chí, đồng nghiệp. Gì thì gì, cái tình ấy, thời bao cấp ăn đứt thời thị trường này. Thời bao cấp, người ta bao bọc nhau hơn, ít ai trong cùng đội ngũ mà lại hại nhau. Còn thời thị trường này, cái tình ấy chưa hết, nhưng không còn rộng mở như trước nữa. Nhiều người chỉ nhằm khi đồng nghiệp bị hoạn nạn là đẩy thêm cho rơi xuống vực. Thậm chí, có người còn cố lái sự việc theo hướng phức tạp hoá, tạo nên nhiều mũi tấn công vào Minh, cố tình đẩy chị vào vòng lao lý. Có người thì sợ trách nhiệm, hoặc lảng tránh, hoặc chối đây đẩy, đùn mọi lỗi lầm vào đồng nghiệp của mình. Những người như Lãi Nguyên, như Trung sao mà hiếm. Nghĩ đến Trung, Trực thấy lòng ấm lại. Bạn trưởng thành trong thời thị trường, nhưng bạn không bị nhiễm những thói xấu của thời thị trường, bạn mang đậm trong mình những phẩm chất tốt đẹp của thời bao cấp và bạn đổi mới nó, bạn bồi đắp thêm những phẩm chất cần thiết của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bạn là một trong những người tạo được bước chuyển êm thấm từ thời bao cấp sang thời thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời bao cấp qua rồi. Cái gì đã qua, đừng níu kéo. Nhưng không phải cái gì đã qua là đã mất. Thời bao cấp đã chuyển mình sang thời mới và trong thời mới vẫn có một phần tốt đẹp của thời bao cấp. Và cũng phải nói về khía cạnh tự do dân chủ nữa. Bây giờ, nhiều người đã lợi dụng tự do, dân chủ để phát ngôn bừa bãi, kiện cáo vô nguyên tắc, tố cáo mang tính vu cáo. Cơ quan Chức năng và bản thân cơ quan có người bị tố cáo nhiều khi bị dẫn hướng bởi những lời vu cáo cho nên luẩn quẩn mãi mới tiếp cận được sự thật. Khi sự thật được làm rõ, ít nơi dám vạch mặt kẻ vu cáo, đưa hắn ra công đường để xử tội, mà xuê xoa, bỏ qua. Người bị vu cáo, tuy ấm ức, nhưng không đủ thế để đẩy cuộc đấu tranh tới bờ tới bến, đành chặc lưỡi thoát nạn là may rồi. Dự kiến như vậy, nhưng khi phát biểu, Trực chỉ nói ngắn gọn:

- Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, tôi xin cảm ơn Đoàn Thanh tra của Bộ đã làm việc tận tâm, công tâm và có kết luận sáng rõ. Chúng tôi sẽ căn cứ kết luận này và các kết luận của các cơ quan Chức năng để giải quyết dứt điểm những vấn đề có liên quan đến vụ án Bạch Liên. Qua sự việc này, tôi thấy chữ TÂM cần phải được coi trọng, đó là có Tâm, tận Tâm và đồng Tâm.

Khi vụ kiện cáo tại Bạch Liên dịu dần, thì vụ án mà Trung đang theo dõi cũng rõ dần ra. Vào một buổi sáng đẹp trời, trong quán cà phê Phố Quê, Trung lại gặp cô gái duyên dáng bữa trước:

- Chào Bồ Câu Thu Huyền!

Trung tươi cười đứng dậy đón cô gái và đùa:

- Thế nào, Lê Đản còn yêu cầu lên phòng mát xa cho gã nữa không?

Nhẹ nhàng ngồi vào ghế, Thu Huyền cười duyên dáng:

- Bị rút khỏi Liên doanh rồi, làm gì còn ra lệnh được nữa hở anh. Vả lại Câu lạc bộ bị đóng cửa, em được anh Ngọc đưa lên làm ở phòng Hành chính rồi.

Trung nhìn cô gái trinh sát bằng cái nhìn thân thiết của tình đồng chí, và hỏi:

- Tình hình kiện cáo đơn từ coi như xong. Việc xử lý Lê Đản thế nào, bây giờ thuộc thẩm quyền của Tập đoàn Tri thức. Nếu bên ấy kiên quyết đưa cậu ta sang cơ quan Điều tra vì có biểu hiện vi phạm pháp luật, thì cũng là quyền của bên ấy. Chúng ta cũng cần kết thúc vụ án của chúng ta.

 Huyền dở túi xách, đưa cho Trung một tập tài liệu:

- Em đã chụp được các phiếu đưa tiếp viên lên phòng do Lê Đản và Nguyễn Tấn Lặng ký vào những năm hai nghìn, hai nghìn lẻ hai. Cũng những phiếu như thế này do Hoàng Bo ký vào năm hai nghìn lẻ tư, mà Đản cung cấp cho Cơ quan Chức năng Khu Bình Đà, đã được dùng làm bằng chứng cho vụ mại dâm bị bắt quả tang tại Bạch Liên vừa qua.

Đón xấp tài liệu do Huyền đưa, Trung bảo:

- Như thế, hoạt động mại dâm ở Bạch Liên phải diễn ra sớm hơn và có thể Đản, Lặng cũng tham gia tổ chức.

- Vâng, quần chúng ở Bạch Liên cũng nói như vậy. Nhưng chúng ta cần bằng chứng rõ hơn.

- Còn điều đáng quan tâm nữa anh ạ. - Huyền đưa tiếp cho Trung một tập tài liệu. - Em đã sao chụp được biên bản họp lãnh đạo Liên doanh sáng mười lăm tháng mười một năm hai nghìn lẻ tư, cái hôm mà trong đơn tố cáo cơ quan Chức năng khu Bình Đà, Lặng nói là Chủ tịch Chu Dung công bố công khai chủ trương đưa gái lên phòng để phục vụ mại dâm.

- Có ghi điều gì đặc biệt không?

- Có nhiều điều đặc biệt anh ạ. Trước hết, hôm đó không có Chu Dung dự họp.

- Chính xác không?

- Hoàn toàn chính xác. Em đã nhờ kiểm tra sổ theo dõi xuất nhập cảnh, thì thấy Chu Dung cả quý đó không hề sang Việt Nam. Ông ta toàn chỉ đạo qua mạng. Chính ngày mà Lặng báo có họp ấy, Chu Dung chủ trì họp báo bên Đài Loan.

Thấy sự việc hơi ly kỳ, Trung nôn nóng:

- Sao lại họp báo?

Đưa cho Trung tờ báo chữ Hoa, Huyền giải thích:

- Báo này đăng rõ ngày mười lăm tháng mười một năm hai nghìn lẻ tư, ông Chu Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty dược Lục Bảo, họp báo giới thiệu loại thuốc chống cúm gà mới do Công ty sản xuất.

- Thế thì Đản đã dựng ra chuyện để đổ toàn bộ trách nhiệm vụ mại dâm cho một người không có mặt tại Việt Nam.

- Đúng vậy anh ạ. Em còn lấy được bản ghi âm cuộc bàn luận giữa Cheng An với Đản và Lặng về việc tăng số phòng cho tiếp viên lên tiếp khách vì nhu cầu mua dâm của khách ngoại quốc đang tăng.

Đưa cho Trung chiếc CD-AUDIO, Huyền nói tiếp:

- Tổng hợp tình hình, có thể thấy chủ mưu tổ chức mại dâm tại Khách sạn Bạch Liên là Tổng Giám đốc người Đài Loan Cheng An, và Lê Đản, Nguyễn Tuấn Lặng. Như thế, việc xử lý Lê Đản không còn nằm trong phạm vi quyền hạn của Tập đoàn Tri thức nữa. Em còn nhận được đơn tố cáo của quần chúng, tuy không dám ký tên, nhưng nêu khá rõ sự việc. Qua đó thấy tình hình Khách sạn Bạch Liên như sau: Trong những năm trước, ông Lê Đản, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất, ông Nguyễn Tuấn Lặng, Giám đốc Nhân sự, được Tổng Giám đốc Cheng An cho tự tung tự tác kiếm lời tại câu lạc bộ của Khách sạn và Cheng An cũng được ông Đản tiếp tay rút tiền của Khách sạn. Mãi đến khi số tiền bị Cheng "vay" lên đến năm chục ngàn USD, ông Chu Dung - Chủ tịch - mới phát hiện được và đuổi việc Cheng An. Lúc đó phía đối tác đưa bà Chin Thục Phương từ Đài Loan sang làm Tổng Giám đốc Liên doanh. Vợ chồng ông bà Chu - Chin có nhiều vốn góp nên quản lý rất chặt, chặn mọi mánh khoé làm ăn của Đản, Lặng. Khi bà Minh về kiêm chức Phó Chủ tịch Tập đoàn, việc quản lý còn chặt hơn nữa. Từ đó, ông Đản, ông Lặng bày mưu tính kế gài bẫy bắt vụ mại dâm. Trước thời điểm này, ông Đản, Lặng ký không biết bao nhiêu phiếu đưa gái lên phòng ngủ để thu tiền. Chính hai ông này đã bị các cô đào và má mì của câu lạc bộ tố cáo với bà Chin là ăn chặn tiền của nhân viên, nên đã phải nộp lại sáu mươi triệu đồng. Má mì tên là Yến khi chưa được ông Đản trả tiền đã đến Khách sạn hàng ngày để chửi ông Đản, việc này cả Khách sạn biết. Mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm. Nhất là sau khi ông Chủ tịch thông báo cho Tổng Giám đốc không ký tiếp hợp đồng lao động với ông Lặng.

Ghé sát hơn vào Trung, Huyền nói nhỏ:

- Đã có dấu vết của Đại Sư phụ Tóc đen nhánh. Nhiều bằng chứng cho thấy đây chính là...

Thấy Huyền ngập ngừng, Trung động viên:

  • Cứ nói thẳng ra, ngại gì.
  • Đó là Phó Thủ trưởng cơ quan Chức năng khu Bình Đà Trần Tạ Thiên.
  • Tốt lắm. Củng cố chứng cứ, bám sát hơn nữa vào đối tượng này.

Thu Huyền vâng một tiếng nhẹ như gió thoảng, rồi báo cáo tiếp:

- Có thêm một đầu mối về vụ phá hoại tại Khách sạn Bạch Liên anh ạ.

- Thật sao? Trinh sát Bồ Câu giỏi thật. Như thế nào nào?

Huyền lại lấy trong túi xách ra một Bản tường trình gồm hai trang giấy khổ A4, viết tay bằng thứ mực xanh đen. Chữ viết nguyệch ngoạc: " Vào 13 giờ 30 ngày 15 tháng 9 năm 2005 khi lên phòng Công trình có một số anh em tụ tập. Anh Lặng có nói với tôi là phải làm thế nào cho máy điều hoà không chạy được nữa (người khác không bật được), nhưng tôi đã không làm theo anh Lặng mà chỉ chỉnh lại đồng hồ nhiệt độ đúng theo chế độ chuyên gia đã đặt 18 - 10 độ C. Khi tôi ra khỏi Khách sạn, điện và hệ thống điều hoà vẫn chạy bình thường (anh Tính tổ trưởng có hỏi tại sao điện vẫn còn và hệ thống điều hoà vẫn chạy mà không cắt hết đi). Tôi có trả lời là tao không làm, mày muốn phá thì vào mà làm (có anh Thăng số thẻ 05 và một số anh em khác biết)."

Trung đọc lướt qua rồi cất vào cặp, bảo Huyền:

  • Tốt lắm, đã hé mở một đầu mối. Em tiếp tục theo dõi nhé.
  • Vâng ạ. Tuy Lặng, Đản không còn làm việc tại Khách sạn Bạch Liên, nhưng nhiều nhân viên còn sợ hai gã lắm. Động viên mãi, em mới có được bản tường trình của anh công nhân Nguyễn Tiến Bộ này đấy.

Lê Đản quả là kẻ gian manh hơn ma quỷ. Tuy đã gặp hết thất bại này sang thất bại khác trong chiến dịch vu cáo Minh, nhưng gã vẫn tìm cách chọc gậy bánh xe. Gã đi tìm một số cán bộ, nhân viên của Công ty Hân Hoan đã bị giải thể xui bẩy họ kiện cáo. Trực nhận được lá đơn có mười lăm người ký tố cáo Tập đoàn, trong đó trách nhiệm chính là bà Minh, đã giải thể vô nguyên tắc Công ty Hân Hoan, đã đẩy hàng chục con người vào tình trạng mất việc làm, sống dở chết dở. Đọc lướt đoạn viết mang tính dẫn dắt, Trực ghi nhớ những đoạn có nội dung quan trọng: "Đứng trước tình hình tài chính hết sức bi đát, toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Hân Hoan đã cùng Ban lãnh đạo ngày đêm tập chung phát triển thêm các dịch vụ để thu hồi vốn cho Nhà nước, làm nghĩa vụ ngân sách, bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác cho người lao động, đã sửa chữa và tu bổ rất nhiều cho Công ty khang trang đẹp đẽ hơn, tăng thu nhập cho người lao động. Thực hiện cổ phần hoá, chúng tôi những tưởng rằng đời sống cán bộ công nhân viên sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nào ngờ, đùng một cái, tháng 12 năm 2004, bà Minh thay mặt lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu triệu tập toàn thể cán bộ công nhân viên đến họp và đọc quyết định giải thể Công ty. Chúng tôi thật sự bàng hoàng và bức xúc vì không biết rồi đây cuộc sống của chúng tôi và gia đình chúng tôi sẽ ra sao? Trước khi có quyết định giải thể trên, bà Minh cũng như lãnh đạo Tập đoàn không hề có một lần hỏi cán bộ công nhân viên Công ty về nguyện vọng của chúng tôi đối với việc giải thể. Sau khi bị chúng tôi chất vấn, bà Minh đã hứa: Tập đoàn sẽ nhận lại những người còn trong độ tuổi lao động sau khi Tập đoàn sắp xếp lại tổ chức. Bà Minh đã tự ý đi làm chế độ 41 cho toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty mà không hề thông qua ý kiến và nguyện vọng chính đáng của người lao động chúng tôi. Chính vì thế, bây giờ chúng tôi trở thành những người thất nghiệp, không nơi bấu víu, cuộc sống vất vưởng. Chúng tôi đều nhận định rằng: đây là sự lừa đảo trắng trợn đối với cán bộ công nhân viên". Theo thông tin do quần chúng cung cấp, chính Đản và Định đã viết sẵn đơn rồi cầm đi vận động mọi người ký vào, nhưng nhiều người không tán thành, chỉ có mười lăm người vì những lý do chủ quan hoặc khách quan mà thực hiện yêu cầu của Đản, Định. Trực càng thấy rõ tính chất nham hiểm của Đản. Cách viết đơn hết sức bài bản, làm lẫn lộn trắng đen, nếu người ngoài cuộc đọc vào, sẽ thương cảm những người đứng đơn đến chảy nước mắt mất. Còn Trực, là người trong cuộc, anh quá hiểu thực trạng Công ty Hân Hoan và lý do dẫn nó đến giải thể. Từng bước đi trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp này, Bộ và Tập đoàn đều theo sát, làm gì có chuyện dối lừa người lao động như đơn viết. Chính anh, Minh và anh chị em trong Ban Giải thể đã nhiều lần gặp gỡ cán bộ công nhân viên Công ty để tìm hiều tình hình, nói rõ thực trạng, khẳng định không còn cách nào cứu Công ty này, chỉ còn cách giải thể là biện pháp khả thi. Hiểu rõ nguyện vọng về việc làm là nguyện vọng chính đáng của người lao động nhưng khó xử lý đối với một Công ty phải giải thể, Tập đoàn đã triệu tập toàn thể người lao động của Công ty Hân Hoan đến phổ biến chế độ chính sách của Nhà nước đối với một Công ty phải giải thể, có đại diện của Bộ lao động dự. Hôm ấy, chính anh Tái, một trong mười lăm người ký đơn, có hỏi: "Chúng tôi có quyền được xin vào làm việc không?", thì anh Tuân, đại diện Bộ Lao động, đã trả lời: "Lao động là quyền của mọi công dân, nhưng nhận vào làm việc hay không là quyền của người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động không có nhu cầu tuyển lại, thì người lao động ở Công ty Hân Hoan không thể bắt buộc họ nhận mình vào làm việc". Hồi ấy, có ai hứa hẹn sẽ nhận toàn bộ người lao động trong độ tuổi của Công ty Hân Hoan trở lại làm việc sau khi giải thể đâu. Trên thực tế, Tập đoàn cũng đã cố gắng hết sức, thu xếp được việc làm cho tám nhân viên. Trực hiểu rằng cuộc đấu tranh để đổi mới doanh nghiệp còn tiếp tục gay go, phức tạp và không kém phần nguy hiểm, cần tiếp tục kiên định với phương hướng đã định và phải chặt chẽ hơn trong các bước tiến hành, đặc biệt, phải đảm bảo thực hiện đúng đắn các quy trình, thủ tục hành chính, tránh sơ hở để kẻ xấu lợi dụng làm vũ khí chống lại công cuộc đổi mới.

Cũng lúc này, Ngọc báo tin cơ quan Thuế vừa thông báo Liên doanh có khoản nợ đọng thuế trên tám tỷ đổng cần thanh toán. Khoản nợ này tích tụ suốt thời kỳ Định, Đản tham gia Liên doanh, vậy mà khi bàn giao, Đản đã giấu nhẹm. Cảm xúc dường như đã chai lỳ, Trực bình thản trước những thông tin nóng hừng hực ấy.