Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai – Lý Ngồ Ngộ thua đậm

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

Lý Ngồ Ngộ thua đậm

 

Ở phần đầu, chúng ta đã biết Lý Ngồ Ngộ sẽ có ngày gặp lại quân của mình và thua trong cuộc cạnh tranh ở thị trường. Ở phần trên dây, chúng ta lại biết rằng Lý Ngồ Ngộ đã dẫn dắt Công ty Miền Nam đi đến chỗ sụp đổ, toàn bộ cán bộ công nhân viên nơi này đều phải xin về chế độ 41. Mọi việc đều có nguyên nhân của nó.

Thời bao cấp, nhiều Công ty kinh doanh của Nhà nước thường chỉ làm mỗi cái việc nhận hàng của nơi sản xuất rồi bán cho người tiêu dùng. Trong thời buổi cái gì cũng phân phối, bán rẻ như cho, thì làm kinh doanh Nhà nước nhàn lắm. Chẳng phải lo nghĩ gì, cứ việc nhận hàng rồi bán hàng, thu tiền, hưởng chiết khấu hai lăm phần trăm. Chuyển sang thời thị trường, Công ty Miền Nam của Lý Ngồ Ngộ vẫn cứ thủng thẳng theo phương thức nhận hàng, bán hàng, hưởng chiết khấu. Khi hàng hoá phong phú dần, quan hệ cung cầu gần như ngang bằng, thì tốc độ bán hàng cũng giảm dần. Lợi nhuận càng thấp đi. Trong khi đó, Giám đốc và cô Kế toán trưởng bảo trâu là bò theo giọng Lý Ngồ Ngộ lại tìm mọi kẽ hở trong quản lý để vun đắp riêng. Riêng Giám đốc ăn nhậu thành thần vẫn diễn mãi cái trò chiêu đãi mỗi ngày vài ba bữa tiệc, làm cho tiền càng có chỗ chảy ra thường xuyên như nước chảy ra theo các lỗ thủng của bể chứa. Thế là xảy ra tình trạng thu không đủ chi. Nhưng, Công ty Miền Nam lại được kinh doanh một loại hàng hoá mang tính chiến lược, chuyên phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Hầu như nhà nào cũng cần món hàng ấy. Mà việc sản xuất ra nó, lại được khuôn vào một ít doanh nghiệp. Nghiễm nhiên, mặt hàng này được Công ty Miền Nam kinh doanh độc quyền. Cả Công ty hau háu chờ dịp Tết Nguyên đán để kiếm ăn. Vào những tháng đầu năm, cứ thủng thẳng, lững lờ, làm chơi chơi, lỗ dài dài, đợi đến cuối năm lấy lỗ từ món hàng đặc biệt bù vào là xong. Riêng Minh Thành, chàng trai mang đậm chất công dân, không chịu sống và làm việc theo phong thái dở bao cấp dở lưu manh ca Giám đốc Lý Ngồ Ngộ. Hành động vu cáo của Lý Ngồ Ngộ đối với Thành chỉ là giọt nước làm tràn ly, bởi Thành đã nhiều lần nói rằng: "Tôi không thể cứ làm mãi để cho một người cứ phá mãi. Cứ cái đà này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, Công ty này sẽ sụp đổ!". 

Cái hồi Minh Thành bỏ đi kéo theo cả phòng Kinh doanh, Lý Ngồ Ngộ đã đe là bước ra rồi cấm bước trở vô. Chẳng phải vì lời dậm doạ ấy của vị Giám đốc tai to mặt lớn mà người ta không dám quay về. Người ta vẫn trở lại cái phố Công Lý này. Nhưng người ta không vào Công ty của Lý Ngồ Ngộ. Người ta vào làm việc tại siêu thị bề thế của Minh Thành mới mở ngay cạnh cửa hàng của Lý Ngồ Ngộ.

Hôm ấy, thấy ngôi nhà bên cạnh bỗng dưng đóng cửa, Lý Ngồ Ngộ hỏi thăm thì được biết chủ nhà vừa cho Công ty của Minh Thành thuê, đang chuẩn bị sửa chữa thành siêu thị. Ngộ điên tiết chạy lên Thành phố tìm hiểu để ngăn cản việc thuê mướn này. Nhưng, thời nay đã khác thời xưa rồi, sự tự chủ của doanh nghiệp được đề cao, cho nên Ngộ không thể sử dụng con ngoáo ộp nào trên Thành phố để doạ dẫm chủ nhà và khách thuê như cũ; người ta chẳng phải bỏ dở công việc vì một cú điện thoại hay một mảnh giấy viết tay của sếp nào nữa. Chỉ một tuần sau, căn nhà khiêm nhường đã trở thành siêu thị sáng sủa, khang trang, đầy ắp hàng, chủ yếu là hàng về văn hoá, văn phòng. Ngày khai trương, Minh Thành mời cả Lý Ngồ Ngộ tới dự. Uất bầm gan, nhưng muốn tỏ vẻ quân tử, Ngộ vẫn đến, không quên bảo đệ tử đem theo một lẵng hoa lớn đặt vào giữa sân khấu, vắt ngang lẵng hoa là tấm ruy băng mầu đỏ in đậm hàng chữ vàng "Giám đốc Lý Ngồ Ngộ Công ty Miền Nam chúc mừng", kèm theo cả ảnh chân dung của Lý Ngồ Ngộ nữa. Quan khách đến đông nườm nượp. Ngộ giật mình khi thấy trong số quan khách đó, có cả ba Lãnh đạo Thành phố và có cả hai vị Tướng quân đội. Tuy coi thường Minh Thành, Lý Ngồ Ngộ cũng tự dặn mình phải cảnh giác, thằng cha này có nhiều mối quan hệ mạnh hơn đồng đô la với sức công phá lớn hơn bom nguyên tử.

Mở siêu thị ngay cạnh Công ty của Lý Ngồ Ngộ, thực ra không phải chiêu chọc tức của Minh Thành, mà là chiêu cạnh tranh. Bởi vì dù sao, qua mấy chục năm hoạt động, Công ty Miền Nam đã trở thành địa chỉ quá quen thuộc đối với khách hàng toàn Miền. Nay làm ăn tuy sa sút, cái địa chỉ ấy vẫn thu hút khá nhiều khách hàng dạng còn mang nặng phong cách bao cấp. Minh Thành mở siêu thị ngay bên cạnh cửa hàng của Lý Ngồ Ngộ, đã tận dụng được lợi thế quen khách hàng của Công ty Miền Nam và thêm lợi thế bán tự chọn của mình, dần dần thu hút hết khách hàng của Công ty Miền Nam sang bên mình. Cửa hàng của Minh Thành trang trí sang trọng, hấp dẫn, nhìn đã thích mắt. Hàng hoá lại phong phú, giá dễ chịu. Phong cách phục vụ của nhân viên Minh Thành quá ư vì thượng đế, cho nên càng có sức hút. Không những vậy, Minh Thành có sự mềm mại, linh hoạt trong khi bán hàng - giá cả, chiết khấu, khuyến mại... đều hấp dẫn. Dần dà, khách hàng bị hút sang cửa hàng Minh Thành hầu hết, khiến cho cửa hàng của Công ty Miền Nam vắng như chùa Bà Đanh. Lỗ càng lỗ. Đành trông chờ vào dịp Tết, với món hàng chiến lược mà người dân nào cũng cần.

Nhưng, Minh Thành còn tiến xa hơn. Khi Lý Ngồ Ngộ ra Hà Nội làm Tổng Giám đốc, thì Minh Thành cũng mở rộng địa bàn khai thác hàng hoá ra miền Bắc. Hôm ấy, thực hiện chủ trương của Ban Lãnh đạo là phải liên kết sản xuất một số mặt hàng để tăng hiệu quả hoạt động, Lý Ngồ Ngộ sang làm việc với Công ty Tiên Phong của Quân đội. Đọc danh mục hàng hoá, Ngộ thấy phong phú và hấp dẫn thật. Anh ta chấm lấy mười mặt hàng xem ra có khả năng tiêu thụ nhanh để yêu cầu được cùng đầu tư thì nhận được câu trả lời:

- Tiếc quá đồng chí ạ, mười loại hàng này đã có người đặt mất rồi!

- Ai vậy đồng chí?

- Công ty của Minh Thành. Chắc anh biết cậu bạn này chứ?

Tức phát điên, nhưng Lý Ngộ Ngộ vẫn cố dãn mặt làm vui. Anh cán bộ Quân đội ướm:

- Giả thử anh đặt hàng, thì mỗi loại sản phẩm, anh đặt bao nhiêu đơn vị?

Lấy hết sức oai phong, Lý Ngồ Ngộ trả lời đanh gọn:

- Ba ngàn đơn vị mỗi loại.

Trả lời xong, Ngộ chờ một câu ngợi khen, thán phục. Thông thường, tại Tập đoàn, đã có thói quen mặt hàng gì cũng sản xuất hoặc nhập một ngàn đơn vị, nhiều nhất là một ngàn năm trăm, nay Tổng Ngộ tố lên ba ngàn đơn vị, chắc doanh nghiệp này phải phục sát đất.

Thế nhưng, Ngộ lại nhận được lời chê chân thành của anh Quân nhân làm nghề kinh doanh cho Quân đội:

- Nói thật với đồng chí, số lượng như vậy là quá thấp. Giá như anh Minh Thành chưa đặt, thì chúng tôi cũng không hợp tác được với các đồng chí. Anh Minh Thành đã có lệ đặt ít nhất mười ngàn đơn vị cho mỗi sản phẩm.

Ngộ ta cụp mặt xuống, lúng búng chào rồi ra về. Đi qua mấy cơ sở sản xuất khác, lại vẫn thấy nhắc đến Minh Thành và lượng hàng lớn mà anh ta đầu tư sản xuất, Ngộ tức muốn ói cơm. Thế nhưng, đó chưa phải là ngón đòn nặng nhất trên thương trường mà Lý Ngồ Ngộ phải nhận ở Minh Thành. Ngón đòn nặng nhất đó, Ngộ lãnh đủ khi Nhà nước thay đổi cơ chế quản lý, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, rộng rãi trong đời sống xã hội, đã tháo khoán việc sản xuất, tiêu thụ loại hàng hoá đặc biệt phục vụ Tết Nguyên đán. Công ty của Minh Thành trở thành một đại gia về mặt hàng này, chiếm hầu hết thị phần của Tập đoàn Tri thức.

Vậy Minh Thành là con người như thế nào? Cũng là con người bình thường như bao con người thuộc lớp trẻ ngày nay mà thôi. Dong dỏng cao, da trắng, mắt sáng, Minh Thành có dáng vẻ thư sinh. Học hành, có lẽ không nhiều nhãn mác bằng Lý Ngồ Ngộ (Cho tới hôm nay, Lý Ngồ Ngộ đã dán đủ nhãn mác lên bộ cánh của mình, từ bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tới bằng ngoại ngữ, bằng tin học, bằng chính trị cao cấp, bằng quản lý hành chính, mặc dù cậu ta học ở lớp nào cũng lớt phớt... Nực cười nhất là anh chàng không biết nửa câu tiếng Anh này lại có tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Mỹ! Khi xem bảng báo kết quả "thi đầu vào cao học" của Lý Ngồ Ngộ, mọi người bịt miệng cười vì thấy hiển hiện hai con số mâu thuãn nhau: Tố chất doanh nhân và IQ đạt 2,7 trên 10, Toán GMAT: 9,6% trên 10. Anh chàng này có chỉ số thông minh và năng lực kinh doanh vào hạng bét nhưng lại có điểm cao gần tuyệt đối ở môn cần vận dụng trí thông minh và khả năng tính toán, nếu không do phép thần thông thì chỉ có thể là kết quả của khả năng ăn cóp bài người khác mà thôi). Minh Thành chỉ có một bằng Đại học, đó là bằng về Quản trị kinh doanh "nội" (đào tạo trong nước). Cái bằng ấy, Minh Thành không dùng để chìa ra loè người khác, mà để dùng vào công việc hàng ngày. Đằng sau tấm bằng ấy, là cả một hệ tri thức vững chắc giúp Minh Thành vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Minh Thành quen ràng buộc mình vào các hợp đồng. Cái gì đã ghi trong hợp đồng, thì Minh Thành thực hiện bằng được. Ngay cả bản thân, rời Công ty Miền Nam với danh nghĩa cán bộ trong biên chế, Minh Thành cũng ký hợp đồng lao động với đơn vị Quân đội, và được thuê làm Giám đốc Công ty. Bây giờ, những chức danh Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty Nhà nước được gọi là người làm thuê, nghe cũng chưa quen tai lắm. Huống chi cách đây dăm bảy năm cái việc đi làm thuê thông qua hợp đồng, thì nghe khó chịu thế nào. Nhưng Minh Thành chấp nhận cuộc chơi mới một cách sòng phẳng. Trong hợp đồng, ghi rõ Minh Thành được thuê làm Giám đốc, được giao vốn, giao quyền, và phải thực hiện chỉ tiêu về doanh số, doanh thu, lãi gộp, lãi ròng, nộp ngân sách... rất cụ thể. Nếu làm giỏi hơn, Minh Thành sẽ được hưởng một phần lợi nhuận vượt chỉ tiêu. Con người mang chất công dân này thực hiện tròn bổn phận công dân, nhưng năng động, sáng tạo, không những chăm lo được đời sống đội ngũ cán bộ công nhân viên trong Công ty, mà còn làm vượt các nghĩa vụ với Nhà nước và đơn vị Quân đội. Chuẩn bị bước vào phục vụ nhân dân đón Tết, mặt hàng chiến lược trước đây gần như do Tập đoàn Tri thức (trong đó có Công ty Miền Nam của Lý Ngồ Ngộ) kinh doanh độc quyền, nay được Nhà nước cho bung ra, đã tạo thời cơ mới cho Minh Thành. Biết rằng muốn vượt biển cả phải có hạm thuyền vững, Minh Thành đã chủ động tập hợp gần ba chục tư nhân vốn là đại gia trên thương trường vào một liên minh mới chuyên sản xuất, phân phối loại hàng đặc biệt phục vụ Tết Nguyên đán. Mới vào giữa năm, "liên minh" sản xuất hàng đặc biệt này đã xây dựng xong phương án sản xuất, kinh doanh, có đủ mẫu mã hàng và chuẩn bị đưa vào sản xuất hàng loạt. Với hệ thống tiêu thụ trải rộng toàn đất nước và với lối làm ăn nhanh nhạy, linh hoạt, "liên minh" đã đăng ký sản xuất lượng hàng hoá xấp xỉ lượng hàng hoá do Tập đoàn Tri thức độc quyền phân phối các năm trước. Đây là mối đe doạ lớn đối với hoạt động kinh doanh của Lý Ngồ Ngộ...