Qua một năm sáng tác, khán giả gặp lại 61 YK+ (gồm 10 thành viên) với diện mạo khác. Nếu triển lãm được diễn ra thường niên trong nhiều năm nữa thì những người yêu nghệ thuật có thể quan sát hành trình phát triển và đổi thay của từng hoạ sĩ hay tập hợp nhỏ của một thế hệ sáng tác hội hoạ được đào tạo bài bản trong một môi trường nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Một năm nhiều cảm xúc, nhìn lại triển lãm “Xin Chào” vào năm 2022 của nhóm là màn khởi đầu vui vẻ và lãng mạn thì sau một năm, câu chuyện hội hoạ của họ dù hướng ra ngoài hay vào trong đều mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Âu Đình Kiên với đầy suy tư thể hiện qua bức tranh “Đi tìm hạnh phúc” có phần trào phúng đi ra khỏi hiện thực, đối lập với sự trầm tĩnh của Vũ Hoàng. Cũng nói về các vấn đề xã hội, Nhữ Đình Cương lại kiệm lời, kiệm màu với lụa. Nguyễn Đức Anh giản dị và sâu lắng. Còn Nguyễn Văn Thuấn dường như đang mải mê khám phá không gian và chiều sâu của phụ nữ …
Có thể thấy rõ những lý tưởng hội hoạ trong lời tự bạch của các hoạ sĩ, hay chính những tác phẩm vẫn còn mang phong cách, nội dung và ý nghĩa thống nhất. Đỗ Quốc Bảo vẫn lặng lẽ theo sơn dầu cổ điển, ngắm những bức tranh anh vẽ, chắc hẳn nhiều người sẽ không muốn rời mắt. Nguyễn Yến với những bức tranh lạ đi ra từ một tâm hồn đẹp và chậm rãi. Nguyễn Thuỳ Trang mạnh mẽ đầy ý tưởng đem đến cho nghệ thuật của cô sự vững vàng không dễ bị trộn lẫn. Cuối cùng tác phẩm của Nguyễn Thu Uyên hàm chứa đầy nổi loạn.
Mang tới triển lãm “Giao Lộ 10” lần này, hoạ sĩ gốc Thái Bình, Nguyễn Văn Thuấn tâm sự: “ Tại triển lãm, tôi có 2 tác phẩm mang tên ‘Khao khát’ và ‘Đa diện’. Trong “Khao khát” là hình ảnh một thiếu nữ cô đơn, bên cạnh cô là một chú chó, ánh mắt cô hướng về chú chó để khao khát sự trung thành, chung thuỷ. Còn chú chó nhìn lên phía trên có đôi chim đang quấn quýt bên nhau, để khao khát một tình yêu, một cuộc sống lứa đôi bền chặt”.
Chia sẻ sâu hơn về tác phẩm “Đi tìm hạnh phúc”, hoạ sĩ Âu Đình Kiên nói “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thoả mãn, hài lòng, và sự đủ đầy. Hạnh phúc cũng tồn tại ở cả bi kịch, vì biết đâu đau khổ của người này là hạnh phúc của người kia. Vậy việc gây ra đau khổ cho người này chẳng phải là hạnh phúc của người kia hay sao? Do vậy hạnh phúc không thể đến với tất cả mọi người cùng một lúc, và chúng ta luôn đi tìm hạnh phúc. Nhưng chỉ khi biết đủ thì ta mới biết Hạnh phúc là gì”.
Nguyễn Đức Anh với tác phẩm “Hãy” vẽ một cụ già ngồi ngoài vỉa hè trong một buổi chiều hơi se lạnh. Tuổi già ập tới, khiến thời gian của cụ không còn nhiều, và cụ dường như chỉ còn ngồi và nhìn ngắm mọi người làm việc một cách đầy nuối tiếc. Qua tựa đề và qua bức tranh, Đức Anh cũng muốn gửi tới mọi người một thông điệp, khi còn trẻ hãy làm những gì mình mong muốn và làm việc liên tục, chăm chỉ để khi về già mình có thể bình yên, thảnh thơi ngồi ngắm người khác làm việc.
Nữ hoạ sĩ trẻ Nguyễn Yến, mang hình ảnh quê hương Nghệ An thân yêu vào 2 tác phẩm “Ngày ở bãi” và “Sóng xô”. Chia sẻ về ý tưởng của tác phẩm, Yến tâm sự, khi làm việc xa nhà, cô rất nhớ quê, và hình ảnh biển và núi là hình ảnh thân thuộc gắn bó với tuổi thơ ấu của cô, ngày còn bé cô thường chơi ở núi và biển nên khi trưởng thành, khung cảnh đó đã lưu lại trong tâm trí cô lúc nào không hay.