Giò thủ và cách làm giò thủ

Phạm Đình Kỳ

04/02/2024 14:48

Theo dõi trên

Giò thủ, giò tai còn được biết đến với tên gọi khá phổ biến khác là giò xào, là một trong những món giò truyền thống của người Việt với thành phần chính là thịt thủ xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt.

Bắt nguồn từ miền Bắc và hiện nay đã phổ biến khắp nước, nhưng những dạng thức ăn chế biến ít nhiều tương đồng như món ăn này cũng tồn tại tại rất nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới.

Quy trình chế biến tương đối dễ, nguyên liệu dễ kiếm, thành phẩm lại thơm ngon và hơi giòn dai lạ miệng khiến giò thủ là món ăn quen thuộc của người dân khắp các vùng miền. Giò thường được các gia đình làm trong dịp lễ Tết cổ truyền, và được bán tại các cửa hàng giò chả nem chạo ở hầu hết các chợ trong toàn quốc.

dt4dh-1707032860.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Giò thủ truyền thống thường gói bằng lá chuối hay lá dông từng "cây chả" hay còn gọi là "đòn chả", dựng đứng trong chiếc chậu để hứng mỡ, nước chảy ra, dùng các thanh tre ép xung quanh và buộc thật chặt. Tuy nhiên hiện nay nhiều nơi bán sẵn các khuôn làm giò bằng inox hoặc nhôm bên trên có vật nén, bên dưới có đục lỗ thoát nước. Cũng có thể tận dụng chai lọ phù hợp để ép giò. Dù làm theo cách nào thì công đoạn ép cho giò kết cấu chặt chẽ, khô ráo, cũng là một thao tác quan trọng quyết định chất lượng miếng giò thành phẩm sau khi ra khuôn.

Nói đến giò thủ thì chắc chắn không thể thiếu thịt thủ ( phần thịt ở đầu con heo) nhưng tùy theo khẩu vị mà pha chế thêm phần lưỡi, bắp giò...cho chất lượng ngon hơn.

Thịt tai, mũi, lưỡi heo sau khi mua về, mang chà với 1 muỗng canh muối hột và rửa thật sạch, cạo hết lông.

Cho thịt vào nồi ngập nước, thêm chút gừng, vài củ hành tím vào luộc sơ, hành tím và gừng có thể giúp khử mùi hôi của thịt. Thịt chín thì vớt ra tô nước đá, thả vào vài lát chanh cho thịt trắng, giòn, cắt miếng nhỏ. Nên cắt miếng dài nhưng đừng dày quá cũng không vụn quá sẻ ảnh hưởng đến chất lượng giò sau khi làm.

Mộc nhĩ (nấm mèo) cắt gốc và ngâm nước lạnh cùng nấm đông cô khoảng 15 phút cho nở mềm ra, rửa sạch, để ráo, cắt sợi.

Ướp phần thịt đã thái miếng với hạt tiêu, đường, hạt nêm, mỗi thứ 1 muỗng cà phê và 2 muỗng canh nước mắm ngon. Ướp trong vòng 30 phút.

Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào đun nóng, cho phần thịt vào xào chín (lưu ý là khi xào giò thủ nên xào trên lửa lớn), cho mộc nhĩ vào đảo đều tay, vừa chín tới thì rắc hạt tiêu giã nhỏ rồi nhắc xuống.

Khéo leo lót lá chuối vào khuôn, sau đó cho thịt đã xào vào từng chút một, dùng ốc vít trên khuôn ép chặt.

Sau khi ép, bạn để giò bên ngoài cho nguội, khoảng 1 ngày sau thì tháo khuôn, để nguyên là chuối bên ngoài, bỏ ngăn mát tủ lạnh ăn dần.

Có thể để giò trong ngăn mát khoảng 1 tuần tùy theo giò của bạn có gói chắc hay không. Khi ăn cắt giò thằng từng khoanh sau đó cắt miếng vừa ăn.

Trên đây là một đơn giản để làm ra giò thủ và Tết nay ai muốn làm cho gia đình thì cứ áp dụng nhé!

PĐK

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Giò thủ và cách làm giò thủ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn