Việc “mùng tuổi” thường được thực hiện bằng cách đưa một phong bì chứa tiền mừng tuổi đến cho những người trẻ tuổi hoặc người lớn tuổi hơn, đặc biệt là trong gia đình. Số tiền trong phong bì thường được chọn cẩn thận, với những con số mang ý nghĩa tốt lành, thường là số lẻ hoặc số kết thúc bằng số 8, vì theo quan niệm phong thủy, số 8 mang lại may mắn và thành công.
Ngoài việc mang lại niềm vui cho người nhận, lì xì còn là cách để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người thân và bạn bè. Đặc biệt, việc tặng lì xì còn được coi là một cách để chúc phúc và mong muốn cho một năm mới an lành, may mắn và thịnh vượng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc mừng tuổi cũng cần phải phù hợp với khả năng tài chính của mỗi người và không nên gây áp lực hoặc căng thẳng cho bất kỳ ai. Điều quan trọng nhất là tinh thần của sự chia sẻ và hy vọng vào một năm mới tốt đẹp.
Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, tục mừng tuổi không còn giữ nguyên “khuôn khổ” quy tắc và đã có sự sáng tạo thêm dưới nhiều hình thức. Đó là, việc mừng tuổi không còn bó hẹp trong 3 ngày tết mà có thể diễn ra trước và sau tết một số ngày. Bao lì xì cũng vậy, với đa dạng kiểu dáng, màu sắc: đỏ, vàng, xanh...Và nhất là việc mừng tuổi thế nào cho phù hợp, mừng bao nhiêu là đủ. Người cho rằng giờ cuộc sống khấm khá hơn, mừng tuổi cũng phải “tươi” lên một chút. Người khác lại nghĩ chỉ nên mừng một chút gọi là lấy may, đừng nên nặng nề về số tiền. Thực tế có không ít những tình huống làm khó xử cho cả bên tặng và bên nhận vì chuyện mừng ít, mừng nhiều; ít thì thấy ngại vì người ta mừng cho con mình nhiều, còn nhiều thì thấy bản thân phải cố quá; rồi quan niệm người mừng sau phải nhiều hơn người mừng trước...
Tuy nhiên, việc mừng tuổi đầu năm không phải “chuyện nhỏ”, nó đã bị biến tướng, trở thành thứ lấy lòng nhau khiến không ít người gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”. Nhiều đứa trẻ bóc bao lì xì ngay trước mặt khách, rồi so sánh người này, người kia cho ít cho nhiều. Không hiếm người bị trẻ con làm cho bẽ mặt trong ngày Tết. Về lâu dài, điều này tạo ra một lối sống thực dụng cho trẻ từ nhỏ.
PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tục mừng tuổi đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xa xưa và đến nay mọi người vẫn giữ được. Tuy nhiên, theo thời gian, tục mừng tuổi đang bị mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc theo kiểu tiền phải nhiều thì tình cảm mới thắm thiết. Thậm chí, có người căn cứ vào số tiền lì xì để “đo” mối quan hệ khiến tục mừng tuổi biến đổi theo hướng tiêu cực.
Để giữ được phong tục truyền thống, các gia đình nên giáo dục cho trẻ biết tiền mừng tuổi đó là lộc, dù ít hay nhiều cũng phải biết nói lời cảm ơn và thể hiện sự vui mừng, vì người ta đã mang cái lộc may mắn đến cho mình.
Các bậc cha mẹ cũng cần giải thích rõ cho con hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đầu năm, dạy con cách nhận mừng tuổi có văn hóa: Không xé bao lì xì trước mặt khách, biết thưa gửi, cảm ơn khi nhận tiền lì xì, không bình luận về mệnh giá của tờ tiền, biết tích tiểu thành đại, dùng số tiền này một cách có ý nghĩa như để mua sách vở, đồ dùng học tập hay để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...
Tục mừng tuổi không chỉ có ở Việt Nam mà một số nước châu Á cũng có phong tục này.
Ở Trung Quốc, phong bao mừng tuổi được gọi là “Hongbao”. Đúng như tên gọi, người dân sẽ dùng những chiếc phong bì màu đỏ để đựng tiền. Người dân Trung Quốc không bao giờ đặt số tiền có mệnh giá liên quan tới số 4, vì con số này được coi là không may mắn. Họ còn có thói quen mang theo bao lì xì trong suốt 16 ngày đầu năm mới. Người Trung Quốc không bao giờ nhận lì xì bằng một tay, cũng không mở nó ra ngay trước mặt người tặng, mà thường để dưới gối khoảng 1 tuần mới mở ra.
Ở Nhật Bản, tục mừng tuổi gọi là “Otoshidama”. Không giống người Trung Quốc, người Nhật Bản thường dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh.
Còn người Hàn Quốc gọi tục mừng tuổi là Sabae với ý nghĩa cầu may mắn, bình an, tài lộc cho người được nhận mừng tuổi. Tuy nhiên, thay vì dùng phong bao màu đỏ, người dân lại ưa chuộng màu trắng. Trên những phong bao này có ghi cả tên của người được nhận.
Người Malaysia thì lại dùng bao mừng tuổi màu xanh lá cây vì nó gắn liền với tín ngưỡng đạo Hồi.
Hãy trân trọng những phong bao mừng tuổi vì đó là tấm lòng, là những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới.
V.X.B