Làng Đa Sỹ được biết đến không chỉ là một làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam với nghề rèn truyền thống mà còn được biết tới là vùng đất có truyền thống hiếu học. Trong lịch sử, nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước. Đa Sỹ là vùng đất của nhiều danh y, danh tướng, tiến sĩ, trạng nguyên nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa, cũng bởi vậy làng đã được gắn với cái tên “Đa Sỹ”.
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Trải qua nhiều năm tháng, làng đã có các tên gọi khác nhau: làng Sẽ, Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ và cuối cùng là Đa Sỹ (từ giữa thế kỷ 18). Đa Sỹ hiện nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Dưới thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Việt Nam có 20 làng khoa bảng tiêu biểu. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng tiêu biểu.
Tính từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, làng Đa Sỹ có tới 11 Tiến sĩ, 1 lưỡng quốc Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (Trạng nguyên của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc). Họ Hoàng là dòng họ khoa bảng lừng danh ở làng Đa Sỹ, có 9 người đỗ Tiến sĩ, 1 lưỡng quốc Trạng nguyên.
Truyền thống học tập, thi cử của làng Đa Sỹ hiếm có nơi nào sánh được. Thời kỳ khai hoang lập ấp, con của cụ Hoàng Phúc Xuyên (ông tổ làng) là ông Hoàng Trình Thanh đã cho mở vườn học để dạy thêm cho con cháu trong làng. Chính phương pháp học này tạo nên sức hút mạnh mẽ, khuyến khích con em trong làng đi thi khoa cử. Đây là “Vườn học” duy nhất ở Việt Nam dưới thời nhà Lê (thế kỷ thứ 15).
Nghề rèn thuở ấy…
Tương truyền nghề rèn Đa Sỹ có từ đời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất lao động. Nhưng phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ 13 mới chính thức trở thành làng rèn khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy những bí quyết để nghề rèn phát triển.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làng nghề rèn Đa Sỹ không ngừng phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Những sản phẩm như: Búa, tràng, bào, đục, lưỡi cưa, mai, cuốc, thuổng, dao kéo các loại của làng nghề tỏa đi khắp mọi miền, đến các nông trường, trạm trại, công ty, xí nghiệp tham gia vào quá trình tái thiết đất nước, phục vụ sản xuất đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Bà Lê Thị Gái (90 tuổi), người dân làng Đa Sỹ cho biết, gia đình bà đã có truyền thống làm nghề rèn từ bao đời nay. Từ khi còn nhỏ bà đã được tiếp xúc với nghề, năm 13 tuổi bà bắt đầu biết làm dao, làm kéo phụ giúp cha mẹ. Lớn lên bà lấy chồng làng, bà và chồng cũng tiếp tục làm nghề rèn dao kéo mà ông cha đã truyền lại. Bà kể, thời xưa bà đi bán dao kéo đủ các chợ, đi tàu hỏa vào tận trong Sài Gòn để bán, đây chính là nguồn thu nhập chính của gia đình bà. Hiện nay bà đã cao tuổi, mắt không còn tinh, chân tay không còn nhanh nhẹn nên bà không thể tiếp tục làm nghề nữa mà đã truyền lại cho các con của mình.
Trong những năm 1990 đến năm 2010 nghề rèn Đa Sỹ có những bước phát triển mạnh mẽ. Số hộ sản xuất tăng nhanh, mẫu mã sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định, thu nhập của từng hộ sản xuất không ngừng tăng cao. Nhưng từ năm 2011 đến nay tốc độ phát triển chững lại và giảm dần; làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Có rất nhiều nguyên nhân tác động làm cho hoạt động của làng nghề gặp khó khăn. Đặc biệt do sự ra đời của các loại máy móc hiện đại thay thế sức người khiến cho các mặt hàng: tràng, bào, đục của làng hiện nay không còn chỗ đứng trên thị trường.
(Còn nữa)