Góc khuất của núi

  Ký của Hồ Ngọc Quang

23/10/2021 10:05

Theo dõi trên
ho-ngoc-quang-1634958164.jpg
 

Cuối khóa học lớp chuyên viên chính của tỉnh Nghệ An năm ấy, quy định về môn học ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được thay thế chứng chỉ tiếng Anh đối với các viên chức, công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số. Thế là, anh em cao tuổi chúng tôi đã xin sang lớp học tiếng dân tộc Thái để cho tiện trong học tập cũng như ứng dụng vào vị trí, công việc của mình được thuận lợi. Buổi đầu vào lớp, cô giáo giới thiệu giáo trình do tác giả Sầm Văn Bình, Hội viên Hội VHNT tỉnh Nghệ An biên soạn. Bất ngờ và nể phục quá,là bạn của anh, cùng sinh hoạt chung trong ban văn xuôi, Hội VNNT tỉnh với anh, nay được học tập giáo trình mà chính tay anh viết, tôi càng quý trọng và tự hào về người bạn văn chương của mình. Hẹn anh mãiThế  cho đến bây giờ tôi mới có dịp gặp anh trong một chuyến công tác cùng lãnh đạo Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh lên Quỳ Hợp công bố quyết định thành lập Chi hội văn nghệ của huyện. Anh đưa chúng tôi về mường Chiêng Yến của anh.  Mường Chiêng Yến bình yên với dãy núi Pu Chẻ, với huyền thoại về Tạo Khủn Tinh, về  Pủ Chiêng Yến. Ở nơi ấy, anh chào đời trong nỗi nhọc nhằn, vất vả của gia đình cũng như bao bà con đồng bào Thái quê anh. Một người con dân tộc Thái tận miền núi cao, lành như đất, làm nương, đốt rẫy  lại trở  thành một nhà khoa học nổi tiếng.

Hiền lành, chất phác và khiêm tốn là phẩm chất đáng quý của anh. Ngay cả khi  được ca ngợi trên báo chí như sóng cồn, như có cánh bay tận mây xanh, anh vẫn khiêm tốn, thầm lặng, coi việc đó là tự nhiên như cày nương chăm rẫy hàng ngày. Người ta ví anh là “Cây lim, cây sến  trên dãy Pù Khặng”, người ta ca ngợi anh là “Nhà Thái học”, “Người gọi hồn chữ Thái”, là “Người “đào đãi” và người “hồi sinh” văn hóa Thái”,….  Anh có công  nghiên cứu, phục hồi lại chữ Thái cổ đã bị lãng quên; sưu tầm và giới thiệu văn hóa Thái để đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Người ta còn gọi anh là “ông đồ chữ Thái”,  bởi anh là ông giáo duy nhất chưa qua trường lớp sư phạm nào mà đã đứng lớp và đào tạo nên hàng chục giáo viên, dạy cho ngót nửa triệu người đọc và viết được chữ Thái hệ Lai Tay thành thạo. Còn tôi, tôi muốn gọi anh là  “ Một quả núi” bởi dù núi to, núi  nhỏ gì, nó cũng có ngọn cao hơn mặt bằng và mặt biển  và  núi thì  cây lá xanh tươi… Về sau người ta  biết anh sinh tuổi Dần qua lý lịch nên có nhà báo gọi Sầm Văn Bình một cách đầy ngưỡng mộ:  “Con hổ rừng xanh”- vừa đánh giá anh khía cạnh công lao sự nghiệp lớn lao đồng thời ca ngợi bản mệnh đẹp ông trời ban cho anh.

 Tất cả những lời ví von mến tặng như thế của mọi người dành cho, anh Bình vui vẻ đón nhận cả, nhưng với danh hiệu “Con hổ rừng xanh” thì anh có cải chính lại, anh nói: “ Em không phải  sinh năm 1962 cầm tinh con Hổ, mà là  sinh trước đó một năm,  cầm tinh con Trâu kia. Hồi đó ở miền núi người ta không quan tâm lắm về tuổi tác. Miễn là chịu khó cắp sách đến trường.  Em  khai muộn hơn một năm nữa chứ đúng năm Dần thì đời em  đã oai nghi, sung sướng rồi.”.

***

Thì ra, thời niên thiếu, anh Sầm Văn Bình mặc dù có những thiệt thòi so với trang lứa nhưng đã bộc lộ những năng khiếu bẩm sinh.

Ông nội anh thuộc tầng lớp quyền thế, là “Tạo mường” nhưng trong cải cách ruộng đất, cán bộ “trượt đà” làm quá, thành ra cả đại gia đình bị tịch thu tài sản  và anh em li tán. Trái với người chú buồn rười rượi, cha anh, ông Sầm Văn Hòa lại nhận thức lạc quan. Ông giải thích cho người thân hiểu đại khái rằng, cách mạng là làm cho xã hội những điều to tát, tất phải lấy của nhà giàu chia cho người nghèo thôi. Cách mạng không lấy của người giàu như ta thì lấy ở đối tượng nào? Cho nên, bằng lòng vậy.  Nhận thức thế nên sau đó ông vẫn ngày hai buổi đi dạy bình dân học vụ cho cán bộ Việt Minh chưa biết chữ. Ông vẫn động viên cả nhà trồng khoai trồng bí mà ăn, cấm có kêu ca phàn nàn. Ông còn động viên người chú em đưa cơm gạo đi bộ sang tận lị sở Quỳ Châu,  hồi đó cách xa trên sáu mươi cây số học thêm. Ông nói với em trai và sau này nói với con trai Sầm Văn Bình rằng: “  Làm ra nhiều lúa ngô, nuôi nhiều trâu bò, chưa chắc đã giữ được là của mình vĩnh viễn. Chỉ có cái chữ trong đầu là của mình chắc chắn thôi”. Vâng theo lời ông, sau này người chú cũng thoát ly, công tác Cách mạng tận Sài Gòn, làm cán bộ ở Phòng tài chính huyện; còn Bình thì cho dù máy bay thả bom vào bản, dù ăn khoai ăn sắn trừ bữa vẫn ngày ngày cắp sách tới trường học cái chữ người Kinh.

Tất nhiên, cái đói rét trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, giành lúa gạo cho chiến trường ở một vùng miền núi thì ai trong tuổi thiếu niên như Sầm Văn Bình thời ấy cũng khổ như nhau cả. Nhưng với Bình, anh còn khổ hơn bởi sinh ra cậu bé đã bị tật nói không rõ.  Dân bản rất thương, còn bọn trẻ cùng trang lứa thì chế diễu, trêu chọc  và thật sự bản thân anh khó khăn trong việc phát âm tiếng ngoại ngữ. Anh không tránh khỏi mất mát tự ti trong giao tiếp. Vì vậy, anh ít nói và trở thành chàng trai nhút nhát một phần cũng chính từ cái nguyên do ấy.

Đúng là trời không cho ai tất cả và cũng không lấy hết của ai bao giờ, hạn chế trong phát âm, bù lại, trời cho Sầm văn Bình cái hoa tay viết chữ rất đẹp và câu văn viết rất chuẩn ngữ pháp tiếng Việt. Nhớ lại hồi còn đi học phổ thông, những buổi lao động ở trường, anh thường được các thầy cô giáo ưu tiên giao cho việc nhẹ  nhàng cần sự khéo léo như viết bằng khen, viết bảng tin, kẻ khẩu hiệu,….. Điều đó cũng tạo cho anh có điều kiện đọc sách báo thêm. Bình đọc báo như bò ngốn cỏ. Nhờ thế năm học lớp bảy, anh chàng ngọng nghịu phát âm không chuẩn ấy đoạt giải nhất môn Văn toàn tỉnh . Thế rồi cái may này kéo theo cái may khác đến với anh, anh được cử chọn  vào đoàn học sinh tham gia Trại hè Quốc tế hai tháng, của mười hai nước trong phe xã hội chủ nghĩa  tổ chức tại  Cộng hòa dân chủ Đức. Trong số hai mươi em học sinh Việt Nam thời ấy, ở huyện miền núi Quỳ Châu còn có bạn gái Lương Thị Hoa. Chính Hoa khi thăm cảng biển ở nước bạn, đã  động viên gợi ý với anh nên chuyển sang khối A, để thi vào Trường đại học giao thông đường thủy sau này. Sầm Văn Bình bấy giờ cũng rất muốn lái tàu để  có cơ hội vượt biển đi nhiều nước Á- Âu mà thỏa chí tang bồng. Đó là lý do mà khi tốt nghiệp phổ thông, cậu bé giỏi Văn lại  thi đậu vào Đại học hàng Hải ở Hải Phòng và  mở đầu cho một sự gian truân làm chệch hướng cuộc đời anh.

 Thật ra Sầm Văn Bình khi ấy được tuyển vào học nghề kỹ sư giao thông đường thủy cũng là  một nghề mà sau giải phóng miền Nam, khi ta còn thiếu cán bộ kỹ thuật, đáng lẽ “đắt như tôm tươi”, vậy mà tốt nghiệp xong, cầm tấm bằng đại học kỹ thuật ấy, anh không xin nổi một việc làm. Đêm đêm, anh nghe người bản hát ru con rằng:

Chim khôn xuống đất nhặt trùn

Anh hùng lỡ nhịp lên nguồn đốt than.

Anh nghe vừa xót xa vừa tự an ủi mình. Anh nghĩ ông trời  chẳng tuyệt con đường sống của ai bao giờ. Tiếc công cha mẹ cho ăn học, anh đành cầm con dao rựa vào rừng, bổ nhát cuốc đầu tiên trên rẫy cằn và vui vẻ trở lại với luống cày, con trâu và anh luôn luôn nghĩ phải tìm cách gắn bó lao động cơ bắp chân tay phải gắn với  lao động trí óc.

Câu chuyện bắt đầu bằng người bạn kết nghĩa anh em thời đi trại hè ở Đức, biết anh đang ở ẩn chốn rừng xanh, đã gửi cho anh một cuốn sách học tiếng Đức qua tiếng Nga. Với năng khiếu ngôn ngữ của mình, anh Bình đã dùng vốn tiếng Nga học thời đại học để học thêm một ngoại ngữ nữa qua dịch dần văn bản Đức. Để bù vào nỗi trống trải đêm đêm anh dịch cuốn “ Phù Thủy”  ra tiếng Việt. Đó là cuốn sách đầu tiên trong đời mình, sau này dẫu xuất bản được nhiều đầu sách, nhiều lĩnh vực, nhưng anh vẫn nhớ và vẫn trân trọng cuốn sách kể về những con thú trong rừng đáng yêu. Điều đáng nhấn mạnh là công việc đó giúp anh tăng thêm niềm tin ở năng lực làm việc trí óc và năng khiếu ngôn ngữ trời cho của mình để anh bước tiếp con đường dốc ngược, đầy chông gai sau này.

***

Về công trình trình khôi phục chữ Thái cổ này có nhiều lý do thúc đẩy  anh  hành động. Thứ nhất, là điều tâm huyết của người cha.  Ông Hòa có lần tâm sự: “Con là con cả trong nhà, lại là trưởng họ nữa, cần phải biết tất cả những gì liên quan đến phong tục tập quán người Thái ta, đến việc bản, việc họ nữa. Đừng mù chữ để khi có việc lại phải đi thuê người khác đến và mình là kẻ “đứng ngoài cuộc” vì chẳng hiểu biết gì con nhé !”.

Lời dặn ấy cứ thôi thúc anh như một món nợ chưa trả. Một lần Bình lục dưới hòm gỗ, nơi cất giữ tấm bằng  đại học của mình, anh thấy một tập giấy gió viết những dòng chữ như  con dun con rắn, anh đoán đấy là chữ viết vì nó được sắp xếp ngay ngắn, có xuống dòng, ngắt ý và có lề giấy hẳn hoi. Anh đem hỏi các cụ cao niên ở bên xã Châu Lý, họ đều nhất trí cho rằng đấy là chữ của dân tộc Thái thời cổ thất truyền. Bây giờ không ai  đọc được nữa. Sau này, khi anh biết chữ Thái hệ Lai Tay, anh mới biết đấy là tập “ Xử thôn” một truyện thơ dân gian Thái trước đây  mà cha của đã anh sưu tầm cất giữ. Cả đời ông bố khao khát đọc xem sao mà ông đành mang ước mơ đó xuống mồ. Vậy thì hậu thế phải trả món  nợ ấy.

 Động lực thứ hai, anh tâm sự với nhiều người: “Đi ra nhiều nơi nhưng cuối cùng quay lại quê hương, qua nhiều năm tháng lại cảm thấy mình càng không hiểu về mình, về dân tộc mình, về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của cha ông mình”. Anh nói thêm với già làng, trưởng bản: “Có nhiều yếu tố văn hóa, nhiều phong tục tập quán mà người Thái vẫn thực hành hàng ngày đều có liên quan đến văn học dân gian, đó là các điển tích từ trong các sử thi, các truyện thơ, hay là những cách thức lý giải của tổ tiên ta đã được lưu truyền lại qua chữ  viết trong tập giấy gió ấy. Từ các bài hát ru như “hăng quả quýt”, “con cua biển thừng”… đến các bài cúng gia tiên, các làn điệu dân ca… đều có nhiều thành ngữ, tục ngữ, các trích đoạn từ các truyện thơ, sử thi dân tộc Thái. Vậy nên, tìm hiểu chữ viết  cổ là để hiểu hơn về văn hóa dân tộc ta. Khi thổ lộ  những điều tâm sự ấy ra nhiều cán bộ quản lý và cán bộ văn hóa xã thôn nhiều người can vì cho rằng bây giờ mọi chuyện đã xong xuôi. Văn hóa dân gian đã sưu tầm hết. Các tập quán đã chọn lọc đưa vào nếp sống mới. Cuộc sống mới này đã  hoàn thiện chỉn chu. Anh bình tĩnh nói lí cho họ hiểu. 

Biết thế, khao khát thế nhưng  bản thân anh với những nhọc nhằn mưu sinh  để nuôi ba con ăn học anh đành tạm  gác lại.

***

Nhưng ở đời bĩ cực lại thái lai, cùng thì phải biến , biến thì khắc hóa mưa núi gió ngàn đã làm cho cái hạt mầm khô héo tỉnh lại. Ấy là tình cờ anh được vào Thư viện huyện  Quỳ Hợp phát hiện ra một cuốn sách mà trong điều kiện huyện miền núi thì giá trị nó quý như vàng.   Đó là cuốn sách có hình chữ Thái phổ thông  nhan đề “Luật tục Thái ở Việt Nam”của hai tác giả Ngô Đức Thỉnh và Cầm Trọng. Cuốn sách viết một bên là chữ Thái một bên là chữ Việt. Trong óc anh lóe lên những ý nghĩ táo bạo. Nó gợi ý cho anh có thể dựa theo nghĩa để so sánh chữ trong sách  với lời nói ở địa phương. Từ đó lựa ra những chữ thiếu chữ thừa rồi đối chiếu với chữ  viết tay trên tập giấy gió ở trong hòm ở nhà cũng như văn bản khác rồi rút ra quy luật ghép vần, nguyên âm phụ âm. Công việc đó nói thì dễ nhưng phức tạp  giống như một thúng gạo trộn lẫn một thúng thóc phải nhặt cho ra những hạt thóc lẫn đó.

Công phu tỷ mẩn hơn một năm, từ khi mượn sách về và làm cái trò con trẻ con như chơi ô ăn quan ấy đã tốn bao dầu đèn và cả rượu khách nữa. Vợ anh, chị Vi Thị Mai, phải bỏ công tiếp gần hết hai mươi nóc nhà bản Yên thấy lạ đến xem và trò chuyện.

Mệt mỏi tốn kém quá, chị nản lòng bảo thật anh Bình: “Thôi mình đừng có làm cái công mò kim đáy biển ngày  nữa. Có tìm được cái thứ “giun rắn” đó  nữa thì cũng chẳng ích gì. Anh kiên trì giải thích cho vợ hiểu ý nghĩa của việc khôi phục và lưu truyền chữ Thái cho con cháu mai sau.

Nói cứng vậy nhưng nhiều lúc anh cũng thấy đuối sức . Giống như người bơi ra giữa dòng sông lớn nước chảy xiết, bơi tiếp thì ngợp mà quay trở lại thì mất công toi và cũng mang tiếng, xấu hổ với mọi người, nhất là các cụ. Đôi lúc anh tự hỏi: học Tiếng nước Anh mình học qua đài vẫn nhanh. Sao tiếng dân tộc mình  lại trông như bãi củi lụt chẳng biết đằng nào mà lần thế nhỉ .

Đang bao suy nghĩ như mớ bòng bong chưa tìm ra lối thì nhân duyên đến với anh, chuyến đi công việc Hà Nội, anh đã lấy được thứ tài liệu quý để tự học tiếng Anh qua radio. Kể cũng hay, nhờ năng khiếu ngôn ngữ đặc biệt  mà sau một thời gian tự học anh Bình đã nói thông, viết thạo tiếng Anh. Năm 1997- 1998, anh Bình  mở lớp dạy tiếng Anh ở bản Yên Luống và Đồng Nại quê mình. Hai lớp học cũng trên dưới vài chục em, học phí là mớ khoai, lon gạo . Được mấy tháng, chẳng rõ vì sao, người ta thu hồi lớp học đã mượn, cấm anh dạy thứ chữ Tây đó. Anh ngậm ngùi tạm biệt các em. Thế là anh lại úp mặt xuống suối đào đãi quặng thiếc, không nghĩ đến ngày nào mới lao động trí óc. Lúc nghĩ ngơi, anh lại lảnh ra ngồi dưới gốc cây cặm cụi “nhặt thóc” vốn chữ thái cổ như cô Tấm thảo hiền xưa kia.

Ngoài lao động chân tay vất vả, đêm đêm anh chong đèn đối chiếu, tìm ra quy luật con chữ ông cha để lại. Thành công học tiếng Nga giỏi, học tiếng Anh biết đọc, biết viết qua đài cũng là động lực để anh đi tiếp con đường học chữ Thái hệ Lai Tay của mình. Mấy năm sau, bằng những kết quả mới của, bằng những tiếng lành đồn xa trên báo chí, anh kết bạn được với những bậc thầy về tiếng Thái phổ thông ở ngoài Bắc. Anh được các ông  Vi Ngọc Chân, thầy giáo dạy tiếng Thái ở trường chính trị Quỳ Châu khuyến khích và kết nối với những người văn hóa Thái ở khắp nơi.  Từ đó, anh Bình nghiên cứu được đến đâu,  ông Chân giới thiệu và kết nối với cách nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Hà Nội đến đấy.

Rồi anh được Trung tâm bảo tồn chữ Thái Việt Nam mời anh ra Thủ Đô  tham gia Hội thảo về nền văn hóa Thái.  Tại đây, anh được gặp gỡ những nhà Thái học chính thống như : Lò Văn Biến ( Yên Bái)  Lò Văn Lả ( Sơn La)  Lò Ngận Duyên ( Điện Biên)... Họ quý anh  Bình bởi lẽ, anh là người “ăn cơm nhà vác ngà voi”; bởi anh thông minh, nhạy cảm và hơn hết, anh Bình có tâm trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa Thái trong cuộc sống mới hôm nay.

Tôi mừng cho anh nhưng vẫn thắc mắc hai điều : Anh thấy công việc của anh thế nào? và Tại sao lại có hệ “Lai Tay”? Phải chăng anh tìm ra một hệ riêng?

Anh cười cười, vẻ tỏ ra khó diễn đạt vì “nó dài và phức tạp lắm, không thể  nói gói gọn trong một vài câu được”. Tôi động viên “anh cứ nói sao cho những người trình độ như tôi dễ hình dung là được”. Đắn đo mãi, cuối cùng anh vắn tắt thế này:

“Ở Việt Nam ta có nhiều hệ chữ Thái khác nhau. Tôi đã viết những giáo trình  Chữ Thái (hệ) lai Tay”, “chữ Thái (hệ) lai Xứ”… cũng như cách nói “người Thái (nhóm) Tày Mường”, “người Thái (nhóm) Tày Thanh” vậy.

Về diện rộng, lại có  một hệ chữ Thái chung gọi là Chữ Thái Việt Nam, có tính phổ biến như đã in trong cuốn “Luật tục Thái ở Việt Nam”  mà tôi đã nói trên. Nó sử dụng cho nghiên cứu trên bình diện khu vực hoặc quốc tế, để phân biệt với “chữ Thái (ở) Thái Lan”, “chữ Thái (ở) Lào”v.v.. Ngoài ra, còn những khác biệt thuộc từng địa phương. Ví như tôi cùng anh Vi Tân Hợi ở Tương Dương đang viết chung “Tài liệu chữ lai Pao” để giảng dạy cho người Thái vùng Nậm Nơn –vì Sông này còn có tên Nậm Pao trong lịch sử.

 Thấy tôi có vẻ tâm đắc, anh Bình nói thêm “ Còn câu hỏi thứ hai của anh thì tôi đã từng nói với nhà văn thế này, “khi nhận được kết quả dù lớn, dù bé, quan trọng hay bình thường, tôi cũng thực sự vui mừng. Tôi cũng không xem đó là một công việc cày xong thửa ruộng. Làm ruộng thì hi vọng mơ ước bội thu mùa màng. Tương tự, chữ Thái lai Tay mà mình phát hiện và đeo đuổi đã được nhiều dân tộc biết đến và theo đó, con cháu chúng tôi sẽ giữ gìn, dùng của báu đó làm chìa khóa để khai thác vốn ông cha để dành. Trước kia tôi vẫn nghĩ làm một điều to lớn thế thì rất khó. Nhưng, giờ thì đã khác, nếu được Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư và người hảo tâm giúp đỡ nữa thì sẽ việc duy trì, bảo tồn và phát triển thì ngôi nhà đã có móng tốt sẽ xây cao  thôi”.

***

Tôi nghĩ anh nói đúng. Nhìn lại quãng đường gập ghềnh và gặt hái những mùa vàng bội thu ta thấy bên cạnh gặp phải  những thiệt thòi, gian lao bão tố cũng có những may mắn, cơ duyên giúp cho hung thành cát,  khổ thành vui.

Ngay trong nỗi buồn mà nhiều người bùi ngùi là tốt nghiệp Đại học ngành hàng Hải mà trì trật mãi không xin được việc làm, cuối cùng phải đánh nước mã hồi về úp mặt với đồng ruộng, nương rẫy, suy đến cùng  cũng vẫn là cơ duyên.  Giả sử anh được chấp nhận làm một kỹ sư gì đó ở xưởng đóng tàu Hạ Long chẳng hạn, thì với sức khỏe “thư sinh” của anh, với học lực loại trung bình khá và phong cách chậm rãi, tính tình thật thà như đếm của anh, may lắm cũng đến chức Trưởng phòng rồi về hưu như bao người khác. Còn anh, vô danh chừng ấy năm để được vinh danh là nhà khoa học, là thầy giáo đầu ngành và để lại một cơ ngơi đồ sộ về công trình và tác phẩm – Mười lăm công trình khoa học phần lớn đã xuất bản  và  các lớp trong dự án của anh đã đào tạo hơn  mười thầy cô giáo dạy chữ thái cổ, họ là những chiếc máy cái cho sự phát triển chữ Thái cổ dài lâu. Ngoài ra,  hàng trăm tác phẩm anh sưu tầm, giới thiệu, in trên báo và Tạp chí Trung ương, địa phương, anh đã mở kho báu để các dân tộc anh em biết giá trị vô giá của văn hóa Thái. Anh được Tỉnh công nhận là một Nghệ nhân ưu tú và là Nhà nghiên cứu văn hóa xứng tầm. Nhất là khi cuốn “Từ điển Thái – Việt” ra mắt bạn đọc Nghệ  An mà anh là một người biên soạn tầm cỡ thì hiển nhiên anh là “Ngọn núi  văn hóa Thái”.  Quả núi đó nổi bật lên, từ xa đã thấy trong vùng núi  nhấp nhô của  xứ sở miền Tây Nghệ An. Anh kể một ấn tượng khó quên để tri ân những giúp đỡ, tạo điều kiện  của Nhà nước và bao người để mình tới thành công . Một hôm, khoảng năm 2006, giữa lúc công trình tâm huyết của anh chưa được công bố, những lớp  học chữ Thái đầu tiên cũng chỉ do đam mê tự phát lập ra ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp gặp khó khăn . Đúng lúc đó, ông Sầm Phúc Thành, và Lô Văn Cầm là cán bộ xã đến lớp  báo tin vui:  Huyện Quỳ Hợp đã  nghe đến tai, nhìn tận mắt các lớp học tương lai này rồi. Sắp tới huyện  sẽ hỗ trợ kinh phí, mặt khác làm hồ sơ trình tỉnh để  đỡ đầu. Tiếp đó, anh Vi Thành Vinh hướng dẫn cho anh Bình  lập đề án “Biên soạn tài liệu và tổ chức dạy tiếng Thái Lai tay ở huyện Quỳ Hợp”. Sau Ba năm dự án đã hết kinh phí nhưng lại xuất hiện một quý nhân phù trợ mới, ấy là ông Phạm Xuân Cần, hồi đó là Phó giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An, Ông phân tích  sự cần thiết và yêu cầu tỉnh tiếp tục đầu tư  để “Con chim đủ lông đủ cánh” bay xa.  Dự án có cái tên rất cụ thể: “Mở rộng  mô hình dạy chữ Thái  ở huyện Quỳ Hợp” với kinh phí đến một tỷ đồng. Vậy là gần ba mươi năm “Ăn cơm nhà vác ngà voi” bây giờ anh mới  mát mặt. Chẳng những có chút thù lao trong công việc  sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy mà  vợ con anh mới mở mày mở mặt, bởi lao động của anh được xã hội thừa nhận, công việc mò mẫm trong bóng tối, bỗng dưng lại vinh quang. Anh Bình rưng rưng nước mắt khi nói về chuyện này “Nếu không có những bàn tay nâng đỡ tạo cơ duyên thì có giỏi mấy tôi  cũng như con đom đóm lập lòe ở bờ suối mà thôi”!

Đến đây, tôi cười động viên anh: “ Thế là anh đã tạc được cái tên mình vào núi đá sừng sững rồi nhé, mai sau con cháu sẽ không quên đóng góp của anh, ngày càng biết ơn anh đấy.” Nghĩ thế nào anh lại cười cười, nhỏ nhẻ nói vẻ suy tư: “Nhưng  với phông chữ Thái hệ lai Tay, tôi không có bản “khai sinh” ra đứa con ấy, mặc dù trong nhiễm sắc thể của nó mang gen của tôi”. Tôi hiểu ý anh muốn nói, anh không được công nhận bản quyền vì anh mắc cái pa-ri-e chắn ngang khó vượt- không có bằng đại học công nghệ thông tin!

 Không sao cả, anh Bình ạ, chữ cổ Thái hệ lai Tay mà anh phát hiện ra cũng  giống như “con giun đất” mà nhà bác học người Anh đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu, chả bao giờ người ta quên được. Thì đó, con “giun chữ” dẫu đã  chui sâu dưới lòng đất thời gian, hàng trăm năm nay, vẫn có anh tâm huyết  tìm ra và được xác minh là thứ quý. Chắc chắn nó được sinh tồn và các thế hệ mai sau biết ơn người đã hồi sinh ra nó.

Bên bờ biển xinh đẹp, lộng gió hôm nay, tôi nghĩ rằng, rồi đây “Cây lim, cây sến trên dãy Pù Khặng” này  sẽ mãi bừng lên sức xanh giữa đại ngàn hùng vỹ, vị trí của anh Sầm Văn Bình sẽ mãi trong niềm tự hào của cộng đồng người Thái nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung.

     

      Tháng 6 năm 2021 - H.N.Q

Bài đã đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật ( Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết "Góc khuất của núi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn