Nỗ lực bảo tồn
Tỉnh Hà Giang hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào DTTS, trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 31,5% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là dân tộc Tày (26%), Dao (15,4%), Kinh (12%)…Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc, KT-XH vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh. Những năm qua, Hà Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.
Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Chỉ tính riêng dòng dân ca, dân vũ và nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số như sắc bùa của dân tộc Dao, dân ca dân vũ của dân tộc Mông, yếu cọi của dân tộc Tày, Nùng.... chưa kể đến xứ sở của những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình của các dân tộc khác trên địa bàn toàn tỉnh... Bên cạnh đó nhiều truyền thuyết, phương ngôn, ca dao, vè... lịch sử của từng tộc người đã nói lên truyền thống tốt đẹp và nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 20 lễ hội truyền thống, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nếu như người Mông có lễ hội Gầu Tào, người Nùng, người Pu Péo có Lễ cúng Thần rừng, người Dao có lễ Cấp sắc, thì người Pà Thẻn có lễ hội Nhảy lửa, người Lô Lô có lễ cúng Tổ tiên, người La Chí có lễ Mừng cơm mới; người Tày có lễ hội Lồng Tồng… Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, đem đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây tỉnh Hà Giang đã chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn VHDTTS với phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của VHDTTS đã có nhiều thành tựu đáng kể: Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi và phát triển; VHDTTS ngày càng được nhiều người biết đến và trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch phát triển, nhất là du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đồng thời tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị VHTT phục vụ cho phát triển du lịch. Tiêu biểu là vùng ông viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; ngoài ra Hà Giang còn được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều các khu, điểm tài nguyên du lịch có giá trị. Cùng rất nhiều những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của 19 dân tộc sống cộng cư, đặc biệt là chợ phong lưu Khâu Vai và các lễ hội văn hoá truyền thống khác của đồng bào các dân tộc thiêu số.
Bà Triệu Thị Tỉnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các địa phương. Trong đó, khuyến khích việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ giữ gìn văn hóa truyền thống ở cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các huyện, thành phố mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường; cho cán bộ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân giỏi về truyền dạy các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc...
Vừa qua, trong các ngày 13/9-17/9/2021, tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện, tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết về nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô. Tham dự tập huấn có 70 học viên là các Hội viên Hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên và các nghệ nhân trực tiếp là những người truyền dạy; kết thúc khoá học các học viên đã được học các mẫu cơ bản; nắm được các kiến thức về thêu dệt hoa văn trên trang phục của đồng bào mình…
Gắn với phát triển du lịch
Thực tế cho thấy công tác bảo tồn, phát huy bản sắc VHDTTS tại Hà Giang cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa còn hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực là người dân tộc, các nghệ nhân lâu đời ngày càng giảm dần, số còn lại rất ít... Cùng với sự giao lưu, giao thoa, hội nhập văn hóa, nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống không được tổ chức truyền dạy bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng; việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa còn giản đơn, chưa khoa học… Trước những khó khăn đó, nhiều năm qua, những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc được chú trọng tổ chức. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được tỉnh quan tâm.
Bà Triệu Thị Tỉnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang khẳng định: Tỉnh Hà Giang chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy VHDTTS thông qua các biện pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch, Hà Giang đã triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng, tính đến nay toàn tỉnh có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc đưa các hoạt động văn nghệ dân gian vào chương trình phục vụ du khách khi đến thăm quan du lịch để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát duy di sản văn hóa, cũng như tạo thêm thu nhập cho nhân dân. Tập huấn truyền dạy các nghề thuyền thống như dệt lanh, thuê dệt thổ Cẩm, trang trí hoa văn trang phục dân tộc, chế tác và thổi kèn Mông, Đan lát, thủ công Mỹ nghệ, chạm bạc…
Thành lập các Hội nghệ nhân dân gian, với các thành viên là các già làng, trưởng bản, thầy cúng, người có uy tín, những người am hiểu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Có thể nói, họ chính là những người tiếp lửa cho các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tổ chức sưu tầm các truyện cổ dân gian, khuyến khích các văn nghệ sỹ sáng tác về đề tài văn hóa truyền thống các dân tộc, đưa mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa vào các Trường học nội trú từ cấp cơ sở đến trung học, tuyển chọn con em đồng bào các dân tộc vào các Đoàn nghệ thuật cấp tỉnh và cấp huyện hoạt động, tổ chức truyền dạy ngôn ngữ và chữ viết dân tộc cho cán bộ, đồng bào... Vì thế VHDTTS Hà Giang được bảo tồn và phát huy trong đời sống xã hội, Thành tựu đầu tiên của tỉnh Hà Giang là đã sưu tầm được một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú của các tộc người, phục dựng được nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn, tỉnh cần tập trung quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Kết hợp hài hòa giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Hằng năm, có chương trình, kế hoạch bảo tồn, khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững.