Ngày 15/12, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các Quyết định 3437/QÐ-BVHTTDL; 3438/QÐ-BVHTTDL và 3439/QÐ-BVHTTDL công nhận thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang vào trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận của Hà Giang lên con số 30 di sản.
Các di sản được công nhận gồm: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình; Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày, huyện Quang Bình.
Cũng như nhiều tộc người khác có quá trình lịch sử lâu đời, người Cờ Lao ở Hà Giang có nhiều nét văn hóa phi vật thể rất phong phú, có vốn văn hoá dân gian truyền thống bao gồm truyện kể dân gian, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống khá phong phú. Trong đó có Lễ cúng thần Rừng dân tộc Cờ Lao sinh sống tại thôn Má Chề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn. Lễ hội cũng là dịp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống của đồng bào.
Lễ cúng thần rừng đóng vai trò quan trọng như tiếp thêm sức mạnh cho người dân, giúp họ luôn tin tưởng vào sự hiện diện của các đấng thần linh luôn song hành trong cuộc sống, ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, gặp khó khăn.... Đồng thời thông qua việc tổ chức lễ cúng sơn thần thổ địa còn góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về lịch sử, bảo vệ môi trường sống, bên cạnh đó đây cũng chính là xuất phát từ nhu cầu chính đáng về mặt tinh thần, tín ngưỡng mà toàn xã hội phải làm sao giữ gìn và bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang) từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm và làm nón lá hai mê của dân tộc Tày. Để làm ra được một chiếc nón đòi hỏi sự khéo léo và ti mỉ từ việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón, đây là công đoạn này đòi hỏi nhiều công phu và cẩn thận nhất, chỉ một chút sơ xẩy là có thể bị rách và lệch so với hai mê nón. Đối với hai mê nón, chúng được cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng.
Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha, mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng, con. Hình ảnh những người phụ nữ Tày ngồi đan nón tạo nên một nét mềm mại, với màu sắc hòa quyện với thiên nhiên, tạo thành một không gian văn hóa độc đáo.
Hát Quan làng còn gọi là “thơ lẩu” của dân tộc Tày ở Hà Giang. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng) là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về.
Những làn điệu hát Quan làng của người Tày ở Quang Bình chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng, nghi lễ cưới hỏi, tình yêu đôi lứa, đề cao giá trị đạo đức lối sống, thể hịên tính nhân văn cao cả, là sức mạnh tinh thần giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có di tích người tiền sử ở các huyện Bắc Mê, Mèo Vạc.
Với 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động đã giúp Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Hiện Hà Giang có 30 Di sản Văn hóa Phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như, Bố Y, Lô Lô, Pu Péo và Cờ Lao.
Những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.