Cao Bồ là xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, cách trung tâm huyện khoảng 18 km,có phong cảnh đẹp nên thơ với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ, thảm thực vật phong phú dưới cánh rừng nguyên sinh của dải Tây Côn Lĩnh và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn giữa khung cảnh núi non hùng vỹ.
Nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng những gốc chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ rất lâu đời. Năm 2015, hơn 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản. Qua đó, xã Cao Bồ luôn quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ cây Chè Shan Tuyết, giúp nâng cao đời sống cho nhân dân.
Xã Cao Bồ có 11 thôn bản, với 790 hộ, 4.098 nhân khẩu. Xã có 02 dân tộc Dao, Tày sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số với 95 % dân số. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 11.118,47 ha, trong đó diện tích chè toàn xã có hơn 1.000 ha, tập trung nhiều ở các thôn Lùng Tao, Tham Vè, Tát Khao, Thác Hùng, Thác Tăng, Khuổi Luông.
Cao Bồ là vùng chè nổi tiếng của Hà Giang với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. Nơi đây có những cây chè cổ thụ được người dân cho biết có tuổi khoảng trên 100 năm. Mỗi năm, hơn 200 tấn chè được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ với giá 6 USD/kg chè đen, 8 USD/kg chè xanh đã đem lại cho doanh nghiệp và người làm chè Cao Bồ nguồn lợi nhuận không nhỏ.
Cây chè góp phần gìn giữ và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, xây dựng thương hiệu vùng chè Shan tuyết hữu cơ Cao Bồ ngày càng vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và Quốc tế. Ngoài ra, xã Cao Bồ còn có lợi thế về du lịch sinh thái tại thôn Lùng Tao, các nét đẹp và văn hóa truyền thống như lễ hội Nhảy Lửa mang đậm bản sắc của con người nơi đây.
Năm 2011, chè Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Shan Tuyết, loại trà của núi rừng Đông Bắc, vốn từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước, cây trà mọc trên núi cao, búp Trà to và mọng, mang đến hương vị của đậm đà núi rừng. Hương vị Trà trở nên thanh tao hơn qua đôi bàn tay sao Trà khéo léo, cần mẫn của các cô gái người Dao, xã Cao Bồ. Nhiều loại Trà mới, độc lạ đã được người dân sáng tạo ra, mang đến sự phong phú về hương vị cho người thưởng Trà và mang về kinh tế cao cho người sản xuất.
Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm chè được bảo quản trong ống cây nứa, vầu tươi; vừa giúp chè không bị hỏng, còn làm cho vị trà được nâng tầm khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến. Chè ống lam có từ thời những người già đầu tiên biết làm chè. Ban đầu chè đã sao rồi cho vào trong ống nứa là một cách bảo quản chè đơn giản nhất tận dụng các nguyên liệu từ tự nhiên như ống cây nứa, vầu, trúc để giữ được chè lâu hơn.
Quan trọng nhất quyết định hương vị chè ống lam chính là khâu chế biến, từ công đoạn chọn ống nứa, nguyên liệu chè và nhất là quá trình sấy chè qua lửa vừa cầu kỳ vừa đậm chất riêng có của người vùng cao; giúp tạo ra sản phẩm chè thượng hạng mà ít lối chế biến nào có được.
Chè Shan tuyết được hái về sao chế ngay, sau khi được nhồi vào ống nứa sẽ hơ qua lửa cho đến khi ống nứa bắt lửa đều mà không bị cháy vỏ ngoài, những búp chè lèn chặt bên trong hút lấy nhựa cây bắt đầu lên men và tiếp tục lên men sau khi được hơ trên gác bếp cao hơn. Quá trình ủ men của chè ống lam cổ truyền dân tộc Dao được nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là nguồn gốc của trà Phổ Nhĩ nổi danh ngày nay.
Chè Shan tuyết Hà Giang vốn đã có hương cốm và vị ngọt hậu trời ban, khi được nhồi vào ống lam tươi làm nóng qua hơi lửa cùng quá trình lên men tự nhiên đã giúp giữ được vị và trở thành sản phẩm riêng biệt trong các phương thức chế biến. Chè ống lam khi pha được nước hơn trà thường, hương khói bếp quyện với hương cốm nứa gói gọn tinh túy của những búp Shan tuyết thượng hạng trong ống lam. Việc vận chuyển và bảo quản chè ống lam đơn giản hơn các loại chè thông thường. Với phong trào sản xuất sạch, bảo vệ thiên nhiên và hạn chế sử dụng túi nhựa, thì việc bảo quản mà vẫn giữ được hương vị như chè ống lam là một lựa chọn hợp lý.
Ngày nay, sản xuất chè ống lam vẫn được bà con các vùng chè Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) duy trì và phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Lưu truyền trong dân gian và tưởng như bị thất truyền vì sự xuất hiện của các phương thức chế biến, bảo quản chè mới hiện đại hơn; nhưng chè ống lam vẫn đang được nhiều người làm chè phát triển và quảng bá ra trị trường, góp phần tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giúp chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa.
Trong những năm gần đây, trà Shan tuyết cổ thụ Cao Bồ mang lại giá trị kinh tế rất cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển cây chè Shan tuyết đang là hướng đi đúng ở xã Cao Bồ. Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn nguồn gen quý hiếm của giống chè vùng cao, mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.
Cao Bồ còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, là dân tộc chiếm trên 95% dân số của xã. Người Dao ở Cao Bồ hiện vẫn còn lưu giữ được bản sắc truyền thống thông qua trang phục, lễ hội, ẩm thực, dân ca, dân vũ. Với các nghi thức như: Lễ Cầu mùa, Lễ Cấp sắc… cùng các món ẩm thực mang đậm bản sắc của địa phương như thịt trâu gác bếp, thịt lợn treo, cá bỗng nấu măng chua và các món bánh truyền thống, trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút du khách.
Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, sinh thái nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng bào Dao đã dần biết làm du lịch, mạnh dạn chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, mua sắm vật dụng cần thiết để đầu tư dịch vụ homestay, phục vụ du khách ăn, nghỉ ngay tại những ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình.
Tháng 4-5 âm lịch, du khách có thể ngắm mùa nước đổ ruộng bậc thang. Chè Shan Tuyết vào vụ hai. Khách cũng có thể tắm thác nước, camping đồi chè. Với những người yêu mùa vàng lúa chín, tháng 8-9 là mùa đẹp nhất. Trong khi đó, tháng 10-11-12 âm lịch chính là mùa thu hoạch thảo quả.
Ảnh: Vũ Đạo