Kỳ công tạo tác của con người
Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía tây của tỉnh Hà Giang. Từ thành phố Hà Giang, mất chừng 3 giờ để đến thị trấn Vinh Quang - thủ phủ của huyện Hoàng Su Phì. Đặt chân vào đất Hoàng Su Phì, du khách sẽ bị cuốn hút ngay bởi những ruộng bậc thang mùa gặt, nắng trải vàng như giót mật, phong cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Rồi những lễ hội văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, rất lạ, hoang dã và có sức cuốn hút kỳ lạ.
Mảnh đất Hoàng Su Phì nằm trên bình địa có độ cao trung bình 800m so với mực nước biển. Nơi đây địa hình chia cắt mạnh, núi cao, thung sâu, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh…rất phù hợp phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá. Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Clao, La Chí. Ngoài ra, nhắc đến Hoàng Su Phì là người ta nghĩ ngay tới những thửa ruộng bậc thang trải dài như những nấc thang lên tận trời. Kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do chính đôi tay con người sáng tạo ra để thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và thủy lợi mà thiên ban tặng.
Ruộng bậc thang được hình thành trong quá trình cải tạo tự nhiên, mở rộng diện tích canh tác lúa nước của đồng bào các dân tộc sinh sống khắp dải đất Hoàng Su Phì. Qua khảo sát, hầu hết các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đều nắm giữ được kỹ thuật làm ruộng bậc thang như dân tộc La Chí, Tày, Nùng, Dao… Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có những kinh nghiệm và kỹ thuật khác nhau.
Hoàng Su Phì có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, vì vậy, đồng bào không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy mà thay vào đó, họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để hình thành ruộng bậc thang. Việc khai phá ruộng bậc thang đòi hỏi kỹ thuật và địa hình thích hợp. Tùy vào thế đất, địa hình của từng vùng mà tạo nên những khoảnh ruộng rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau.
Trước đây, qua mỗi mùa vụ sản xuất, hộ dân nào thấy thiếu đất canh tác sẽ lựa chọn trong khu vực đất rừng, nương rẫy của gia đình vị trí thích hợp nhất, gần nguồn nước nhất để khai phá thành ruộng. Hiện nay, do đất đai ngày một ít dần đi, những mảnh đất màu mỡ nhất cũng đã khai phá thành ruộng bậc thang, việc lựa chọn vùng đất không đòi hỏi nhiều yêu cầu như trước nữa. Chính sách giao đất giao rừng của nhà nước cũng phần nào giới hạn việc lựa chọn nơi khai phá làm ruộng của đồng bào.
Thông thường, nếu khu đồi của năm trước khai phá còn đất họ sẽ làm nối tiếp diện tích đó, khi nào hết đất mới đi tìm khu đồi khác để khai phá. Khi các gia đình có nhu cầu khai phá thêm ruộng mới, họ sẽ tập hợp nhau làm theo hình thức đổi công. Mùa khai phá ruộng của người Dao ở các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu ngay sau khi ăn Tết xong thì người La Chí ở xã Bản Phùng lại khai ruộng vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch.
Trước khi tiến hành cải tạo thành ruộng họ cũng cần phải tính toán kĩ lưỡng, sự dài rộng của mảnh ruộng, độ cao thấp giữa các thửa ruộng, vị trí đặt các kênh dẫn nước, cách dẫn nước… để việc khai phá đỡ tốn sức, tốn thời gian. Thông thường họ sẽ nhờ những người cao tuổi có kinh nghiệm trong việc khai phá ruộng đứng ra lo việc thiết kế ruộng. Việc chọn nơi làm ruộng được đồng bào tiến hành một cách cẩn thận. Khu vực đáp ứng đủ yêu cầu phải là nơi đất đai tơi xốp, màu mỡ, không có đá to, trước kia từng là rừng nguyên sinh. Độ dốc của đất không lớn, có khả năng tạo được mặt bằng ruộng có độ rộng, dài. Điều quan trọng nhất khi lựa chọn vùng đất để khai phá là trong khu vực hoặc gần đó phải có nguồn nước, phải là nơi có thể đưa nước về ruộng được dễ dàng và không mất nhiều công sức.
Sau khi tính toán xong mới bắt tay vào công việc. Đầu tiên là việc tạo mặt bằng ruộng, công cụ để khai phá ruộng hết sức đơn giản chỉ có cuốc, cuốc chim, bừa gỗ và con dao. Quy trình khai phá ruộng được bắt đầu từ nơi cao nhất xuống thấp. Tùy vào địa hình và độ dốc của quả đồi mà độ cao và độ rộng của ruộng bậc thang được tạo ra cũng khác nhau. Khi đã có mặt bằng họ tiến hành đắp bờ rồi đưa nước vào ngâm chân ruộng. Thông thường phải sang mùa vụ của năm sau họ mới tiến hành cày cấy. Đối với người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, cứ mỗi khoảng ruộng họ lại trừ ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh ruộng để giữ đất khỏi sạt lở; còn người La Chí ở xã Bản Phùng lại giữ lại lớp đất trên bề mặt, sau khi khai ruộng xong thì trải lớp đất đó lên và canh tác ngay.
Để những thửa ruộng nên hình, nên dạng, có thể canh tác được và đảm bảo năng suất, những người nông dân ở Hoàng Su Phì đã trải qua bao ngày tháng dãi dầm mưa nắng. Công việc khai khẩn ruộng được đồng bào dân tộc nơi đây nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi. Sức lao động cần cù, sáng tạo của người dân Hoàng Su Phì đã giúp cuộc sống ấm no và tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Những thảm lúa vàng hình mâm xôi, hình dòng suối, dòng sông uốn lượn cứ nối tiếp nhau kéo dài đến tận chân trời. Từ trong lao động, người nông dân đã vẽ nên bức thanh thiên nhiên tươi đẹp từ bài ca vỡ đất.
Phát triển du lịch gắn với di sản ruộng bậc thang
Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì ngoài việc đảm bảo lương thực cho người dân mà còn tạo nên một sản phẩm du lịch hút khách, bởi giá trị thẩm mỹ cao và giàu tính nghệ thuật. Những năm gần đây, không chỉ khuyến khích, vận động, hỗ trợ nông dân làm giàu trên những thửa ruộng bậc thang bằng các biện pháp, như: Đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất, trồng màu vụ Đông; cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì còn đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có là Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang.
“Để phát huy hết giá trị, tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ tạo nhiều điều kiện để thu hút, thúc đẩy đầu tư du lịch cộng đồng ở khu vực ruộng bậc thang hoặc các sản phẩm cụ thể gắn với canh tác nông nghiệp của người dân, như: Mùa nước đổ; khuyến khích trồng các cây chuyên đề hoặc cùng một loại lúa để có cùng thời điểm chín, thời điểm thu hoạch... Đồng thời, huyện cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án liên quan tới ruộng bậc thang, các dự án trọng điểm với điểm nhấn là ruộng bậc thang như: Bãi dù lượn, điểm check-in, dừng chân, điểm ngắm cảnh ruộng bậc thang…”, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Thèn Ngọc Minh khẳng định.
Đến nay, Hoàng Su Phì có trên 3.720 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24/24 xã, thị trấn. Năm 2012, ruộng bậc thang tại 6 xã (Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên) của Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia. Đến năm 2017, có thêm 5 xã (Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa) được bổ sung vào danh sách ruộng bậc thang nằm trong vùng di sản. Toàn huyện có trên 2.196 ha ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ.
Từ giá trị và quảng bá, hình ảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì giờ không chỉ hạn hẹp trong nước mà đã mang tầm quốc tế. Từ nhiều năm nay, du khách nước ngoài đã biết đến Hoàng Su Phì qua con đường du lịch khám phá, nhất là khám phá, trải nghiệm di sản ruộng bậc thang. Tuy nhiên, để du lịch ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì phát triển bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho bà con thì địa phương mong muốn tỉnh tiếp tục có những định hướng chỉ đạo phát triển du lịch; quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất để địa phương tập trung phát triển du lịch theo hướng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp với gìn giữ những nét bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút khách du lịch.