Hai bà mẹ của tôi

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, ba mẹ có đến 9 đứa con, hơn nhau chỉ hai tuổi, với một gia đình con cái lích nhích như thế nên cái nghèo đói cứ bám riết lấy qua bao nhiêu năm tháng của cuộc đời, cái dấu ấn của sự vất vả mưu sinh đó của mẹ cha nó mang theo tâm trí tôi suốt bao nhiêu năm tháng kể cả khi đã trưởng thành trong cuộc đời.

Ngày bé nhà tôi cơm ăn chẳng đủ, khoai sắn thôi thì cũng phải chờ thu hoạch theo mùa vụ mới có nên cái khó cho bố mẹ tôi càng nặng nề khi phải lo đủ ăn cho lũ con trẻ đang kỳ háu ăn là một gánh nặng tưởng chừng như khó vượt qua. Chúng tôi như những con chào mào con non nớt mới nở trong tổ, đói ăn thường xuyên nghênh  cái cổ đỏ hỏn đầy lông tơ dướng cái cổ lên cao, há mỏ chờ thức ăn từ chào mào bố, chào mào mẹ đi kiếm về, mồm kêu như ri, inh óc inh tai trên các cây trong vườn nhà mình mà tôi nhìn thấy từ bé. Nhưng rồi như người xưa nói “đói đến chết nhưng lê lết rồi cũng qua”. Bằng sự tần tảo sớm hôm của mẹ, sự hy sinh của cha, các anh chị, em tôi rồi cũng trưởng thành và khôn lớn, đều được học hành tử tế đến nơi đến chốn và cũng có người thành đạt, tuy không giàu có gì nhưng cũng chứng tỏ được một điều, là chúng tôi là những con người, biết vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh hay trở ngại nào của số phận, có lẽ khó khăn nghèo khổ mới có động lực cho chúng tôi vươn lên để vượt qua trong cuộc đời này.

phan-mo-1641688472.png
Hình ảnh phần mộ cha, mẹ cả và mẹ hai của tôi tại nghĩa trang gia đình ở quê do tác giả cung cấp

 

Mẹ ruột tôi mất khi tôi còn quá bé nên tôi không biết gì về mẹ, theo người già trong Xóm và họ hàng kể lại mẹ ruột tôi là người chịu thương chịu khó, tần tảo, suốt ngày đi làm thuê làm mướn để nuôi con khi chồng đi vắng, tuy nghèo nhưng thật thà, hay giúp đỡ người khác cùng cảnh ngộ. Người làng kể lại rằng ba tôi có lần đánh bạc bị thua đã thế chấp ruộng mía 5 sào, khi chủ nợ đến lấy mẹ tôi kiên quyết bảo rằng của mẹ tôi một nữa, bà không đánh bạc nên chỉ cho họ lấy 2,5 sao và sự kiên quyết đó mẹ tôi đã giữ lại 2,5 sào mía để nuôi chúng tôi những ngày đó. Cuộc đời tôi có một thiệt thòi hơn bất cứ thiệt thòi nào trên đời này đó là không biết mặt mũi mẹ đẻ của mình như thế nào, hình dáng ra làm sao? lúc còn bé hỏi ba tôi, ông nói mẹ mày na ná giống gì Đóa mày, dì là em kề dưới mẹ ruột tôi và tôi nhìn dì để từ từ hình dung ra hình dáng của mẹ và tôi tin là vậy.

Mẹ tôi mất khi tôi mới được 3 tháng tuổi, hôm đó đi làm về trời nắng nóng mẹ tôi xuống sông Dịn cạnh nhà tắm và bị cảm hàn, nếu như bây giờ có trạm xá, bệnh viện cứu kịp thời chắc là không mất. Lúc mẹ mất tôi vẫn nằm trên bụng mẹ, ngậm vú và khóc đến khản tiếng, hàng xóm bảo sao con nằm với mẹ mà thằng bé khóc lâu và thảm thiết thế, người ta sang xem sao thì thấy mẹ tôi đã mất. Mẹ mất sớm là thiệt thòi đáng kể, mức độ bi ai hơn là tôi chỉ mới có 3 tháng tuổi...ba đi thoát ly lên chiến khu cùng bộ đội đánh Pháp, ở nhà ông anh cả phải làm nhiệm vụ nuôi dạy chăm em thay mẹ. Mà ngày ấy làm gì có sữa bò  mà uống thay sữa mẹ, có chén nước cơm đặc, nước cháo loảng có tý đường là đã tốt lắm rồi, anh Chương, anh cả tôi nói ngày xưa mày đĩa và gàn lắm, tao buồn đi đại tiện  nhưng mày vẫn không buông tha, bắt tao phải vừa ngồi ngoài vườn nhưng trên lưng vẫn cõng mày. Có lẽ là do sợ cô đơn chăng, vì có ai bồng bế, chăm ẳm tôi ngoài anh ấy, sự có mặt của anh cả sẽ làm tôi yên tâm nên phải bám trên lưng anh đến cùng, dù anh cả có đi đâu về đâu. 

Cha tôi đi bước nữa, mẹ hai tôi lấy cha tôi khi bà còn trẻ lắm, chỉ ngoài 20-21 tuổi gì đấy, lúc ấy ba tôi đã là cha của 4 đứa con nheo nhóc. Bà lúc còn trẻ chắc khá xinh gái, bởi nay về già nhưng vẫn có nét phúc hậu đọng lại trên gương mặt già nua. Người làng kể lại lúc bà chưa về với ba tôi có người chưa vợ đến nhà bà ngoại hỏi cưới đàng hoàng nhưng bà không chịu, chỉ muốn làm bạn với ba tôi và họ nói mẹ đẻ tôi và mẹ hai chơi với nhau như hai chị em. Chắc là cái duyên nào đó của kiếp trước đã gắn bó họ với nhau.  Mẹ hai bảo lúc tôi khoảng 4-5 tuổi hay đòi mẹ bú tý, mẹ hai xấu hỗ bảo là mày ra cổng xem có chú bộ đội nào không đã? Tôi chạy ù ra cửa và chạy vào bảo không có ai, thế là bà vạch áo cho bú, của đáng tội bây giờ mới biết bà làm gì có sữa mà cho con bú, chắc là thương tôi còi cọt nên mới thế, thấy những đứa bé khác được bú sữa mẹ mà mình không được nên đòi thế thôi. Dạo đó có một đơn vị bộ đội là tiểu đoàn 12 trung đoàn 98 sư 325 đóng quân gần xóm Độc Lập, giáp đồi Cồn Trụm, có một chú bộ đội người Thanh Hóa thấy mẹ tôi tưởng là thanh niên chưa chồng nên cưa cẩm cho vui, vì vậy bà xấu hỗ không cho tôi bú sữa mỗi khi có các chú bộ đội đi qua.

Bà về làm mẹ chúng tôi khi gia cảnh chẳng khá khẩm gì, làm nông, xã viên HTX hồi đó thì chỉ có thế, thời đó mất mùa, chiến tranh nên đói kém thường xuyên, các anh chị em tôi còn nhỏ dại...đến bữa dọn cơm bà ngồi nhìn các con ăn và bao giờ cũng ăn sau cùng. Sau này bà sinh thêm 5 người 3 gái 2 trai, thành ra gần một tiểu đội trong một gia đình nghèo thì sướng thế nào được. Nói chung là cuộc sống mưu sinh khá vất vã, lo trước hụt sau, lo đủ cho cái ăn hàng ngày đã toát mồ hôi, chẳng khác gia đình nhà thơ Tú Xương vậy. Cho đến nay tôi vẫn coi mẹ hai như mẹ ruột, có ai về chơi đều hỏi sao thằng Hải không về, năm bà 95 tuổi trí nhớ có kém đi, lúc nhớ lúc quên, mỗi khi có ai tới thăm cứ hỏi cái ông Hà Nội bụng to có về không?

Các anh chị trước tôi đã đi học và thoát ly đi làm hết, nhà còn lại 6 đứa con và tôi là con út của mẹ cả lớn nhất trở thành anh cả của 5 em con mẹ hai và vai trò anh cả của mình với đàn em cho đến năm 18 tuổi sau khi tôi xa nhà đi học đại học để lại vai trò này cho cô em kế tôi (là con gái đầu của mẹ hai) đảm nhận. Cho đến bây giờ tôi đã 73 tuổi nhưng các em tôi vẫn luôn coi tôi là người anh cả mả các em tin cậy và quý trọng và tôi tự nhủ chẳng có niềm vui nào hơn hạnh phúc nào hơn khi được các em các cháu ghi nhận cái tình cảm máu mũ thiêng liêng đó cho đến tận lúc này khi đã là đã " Nhân sinh thất thập cổ lai hy" như ông Đỗ Phủ nhà thơ nhà văn hóa nỗi tiếng của đất nước Trung Hoa cổ đại đã nói.

Cả một đời mẹ hai tôi sống vì chồng con và tôi chưa thấy bà kêu ca cái gì dù là những lức khó khăn những lần giáp hạt nhà không còn gạo. Chưa bao giờ tôi thấy bà chửi hay cải nhau với ai, mất trộm con gà bà chỉ nói họ ăn thì mình nhịn vậy thôi. Thủa còn HTX chia khoai chia sắn người tra tranh nhau hót củ to bà thì cho thế nào lấy thế ấy.

Bà ra đi về với tổ tiên và đoàn tụ với ba tôi và mẹ đẻ của tôi vào lúc bà 97 tuổi tháng 12/2021.

Theo Chuyện làng quê