Những năm gần đây, thị trường hài Việt Nam đã và đang có những biến đổi, tiến gần hơn tới công chúng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ trong hài Việt đang phải đối mặt với thực tế vô cùng đáng buồn: quá nhảm nhí và suồng sã, thậm chí là thô tục.
Những bước tiến mới
Có thể nói phim hài là một món ăn không thể thiếu đối với người dân Việt Nam từ rất nhiều năm qua. Không chỉ mang tính chất giải trí, đem lại tiếng cười mà nó còn mang nhiều ý nghĩa, những chiêm nghiệm về cuộc sống. Hiện tại, làng hài Việt Nam đã có nhiều thay đổi về cả hình thức và nội dung, thu hút lượng xem lớn cả trên truyền hình và trên các nền tảng khác. Hài Việt đang tự tạo ra cho mình một lối đi riêng, với những tệp khán giả riêng cho từng chủ đề hài. Không chỉ dừng lại ở mô tuýp hài kịch truyền thống mà còn xuất hiện các thể loại mới, các chương trình gameshow hài, những cuộc thi hài để tìm ra nhân tố mới. Tất cả đã tạo nên một món ăn tinh thần đa dạng, cho công chúng có nhiều sự lựa chọn.
Hài Việt ngày nay nhảm nhí và phản cảm?
Nếu như hài kịch Việt xưa gây cười nhưng vẫn mang tính sâu sắc, phản ánh hiện thực cuộc sống thì ngày nay, bên cạnh những tác phẩm hài chất lượng vẫn tồn tại không ít tác phẩm có xu hướng đi xuống về nội dung, chất lượng. Những vở diễn, bộ phim hài kém chất lượng, với những miếng hài bỗ bã, thô tục ngày càng xuất hiện nhiều. Để pha trò, gây cười, một số bộ phim, vở hài kịch còn không ngại chèn thêm các yếu tố nhạy cảm, lời thoại lố lăng, khoe thân một cách phản cảm, … Nhiều nghệ sĩ thì thản nhiên trình diễn các kịch bản kém chất lượng, chỉ quan tâm tới “lượng” mà không màng tới “chất” khiến cho khán giả ngán ngẩm. Ngay cả một số nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội trong nghề cũng đã không ít lần dính vào những lùm xùm xung quanh việc diễn hài nhảm, thô tục.
Một số bộ phim hài, đặc biệt là hài Tết với những yếu tố 18+, thô tục xuất hiện tràn lan trên các nền tảng chia sẻ video. Mặc dù mang những nội dung xấu góp phần trực tiếp vào sự xuống cấp đạo đức xã hội nhưng những bộ phim này lại có lượt xem khủng, nhận được sự chú ý của công chúng. Và thật đáng buồn là xuất hiện trong những bộ phim này có cả một số diễn viên tên tuổi nhưng lại chấp nhận đóng những loại phim kém chất lượng. Khi bị dư luận lên án thì lại biện hộ rằng đó không phải là điều phản cảm, chỉ là góc nhìn của khán giả quá khắt khe.
Đạo diễn Linh Đồng cho biết: “Tôi cho rằng hiện nay có nhiều bộ phim hài Việt Nam có nhiều yếu tố nhảm nhí, thô tục và suồng sã. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng hài là một thể loại giải trí, nó cũng có tính giải trí, hài hước và thường có nhiều yếu tố đùa cợt, châm biếm. Vấn đề quan trọng là việc xác định giới hạn cho phép trong các sản phẩm hài, giữa việc tạo ra nội dung giải trí đồng thời đảm bảo được sự tôn trọng và bảo vệ giá trị văn hóa của đất nước.”
Việc sử dụng các ngôn ngữ dung tục, phản cảm trong nghệ thuật, đặc biệt là trong các bộ phim hài, là không chấp nhận được. Việc này không chỉ làm mất đi giá trị nghệ thuật mà còn góp phần xâm phạm đến giá trị văn hóa và thuần phong mỹ tục của đất nước.
Bên cạnh đó, sự nổi lên của các gameshow hài cũng đã khiến làng hài Việt có nhiều biến đổi. Về mặt tích cực, các gameshow hài mang lại tính giải trí vô cùng cao, tìm tòi ra được nhiều nhân tố mới, đưa tên tuổi nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng,… . Thế nhưng, đa số các gameshow hài hiện nay đều đề cao rating, mời thật nhiều nghệ sĩ hài có tên tuổi nhưng lại không chú trọng vào nội dung. Điều này đã dẫn đến việc hài Việt Nam bị bão hòa, thị trường hóa, mất đi chất riêng từng có.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội) chia sẻ: “Phim hài Việt Nam hiện nay có rất nhiều những vấn đề đáng lo ngại. Những lời thoại, cảnh phim nhảm nhí, thô tục xuất hiện rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp tới người xem. Đặc biệt là một người có con nhỏ như tôi, tôi rất sợ sẽ xem được những thứ phản cảm như thế và ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống của các con.”
Cần lắm những tiếng cười sâu sắc
Ngày nay, Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, công chúng có nhiều sự lựa chọn giải trí hơn. Chính vì vậy, hài nhảm nhí, suồng sã, cười sinh lý chắc chắn không sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Người xem cần tiếng cười văn minh, sâu sắc chứ không phải là thứ hài kịch nhảm nhí, thô tháp và phản cảm.
Ngôn ngữ đã đi vào trong tác phẩm nghệ thuật thì phải là ngôn ngữ nghệ thuật, những người sử dụng những ngôn từ phản cảm, gây sốc để nổi tiếng thì không thể coi là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ hài chân chính là một nghệ sĩ làm hài từ cái tâm, cái duyên chứ không phải mua tiếng cười bằng những ngôn từ nhảm nhí. Công chúng cũng có trách nhiệm không ủng hộ các sản phẩm có yếu tố phản cảm, đồng thời truyền đi thông điệp về sự tôn trọng và bảo vệ giá trị văn hóa của đất nước. Chỉ khi cả những nghệ sĩ và công chúng đều hiểu được giá trị văn hóa, giới hạn cho phép và trách nhiệm của mình, thì các sản phẩm nghệ thuật mới có thể phát triển một cách bền vững và có giá trị đối với xã hội.