Sáng 30/10/2022, tại Đồng Mai ( quận Hà Đông, Hà Nội) đã diễn ra lễ ra mắt tủ sách Minh Đạo. Đây là một thư viện có rất nhiều sách ở nhiều thể loại. Điều đặc biệt là các độc giả đến đây được đọc tại chỗ và có thể mượn về nhà đọc, tất cả đều miễn phí.
Anh Nguyễn Đắc Tới, một trong những người sáng lập tủ sách Minh Đạo rất vui vẻ hồi hộp mong chờ ngày tủ sách Minh Đạo được thành lập. Đây là ý tưởng đã được thai nghén từ lâu, được sự giúp đỡ nhiệt tình của người bạn là nhà thơ Khúc Hồng Thiện và một số thầy cô và bạn bè. Nay tủ sách đã được hiện thực hóa, mong rằng đây sẽ là địa chỉ yêu thích cho các độc giả, nhất là các bạn nhỏ.
Nhà thơ Khúc Hồng Thiện chia sẻ, ý tưởng thành lập tủ sách Minh Đạo từ việc lập thư viện Hồng Châu (địa chỉ ở Mỹ Hào, Hưng Yên) đã lan tỏa ra nhiều tỉnh thành, trường học. Ý tưởng đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của các thầy cô giáo, các nhà văn nhà thơ. Thư viện không phải là kho sách để đó, mà sách cần phải được hoạt động sống động, đi vào với bạn đọc. sau nhiều thời gian hoạt động, chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi công tác ở Hà Nội là chính, sau khi chia sẻ có anh Nguyễn Đắc Tới là người rất tâm huyết chia sẻ việc đọc sách với chúng tôi. Quan trọng là tìm được thủ thư, người mà sẵn sàng dành địa điểm, dành thời gian cho bạn đọc mượn. Thời gian tới, mô hình này hoàn thiện sẽ còn triển khai ở các đơn vị khác. Mong mô hình tủ sách Minh Đạo, thư viện Hồng Châu luôn được mọi người ủng hộ. “Minh Đạo”- như tên chúng tôi đặt, nghĩa là con đường sáng, con đường của trí tuệ, dẫn dắt chúng ta, rộng hơn là dẫn dắt đất nước phát triển, nhất là phát triển về văn hóa.
PGS.TS Phạm Hùng Việt chia sẻ sự phấn khởi vui mừng nhân việc thành lập tủ sách Minh Đạo. Theo ông, đây là việc rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi mà cuộc sống ngày càng phát triển, khi mà nhu cầu tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Bên cạnh phương tiện công nghệ thông tin phát triển, văn hóa đọc không thể nào không có. Văn hóa đọc bao giờ cũng có vị trí được khẳng định, ở quốc tế họ cũng khẳng định rồi. Dù công nghệ thông tin phát triển đến đâu, đọc trên máy, trên các phương tiện hiện đại thì văn hóa đọc vẫn chiếm vị trí rất quan trọng. Văn hóa đọc làm lượng thông tin ở trong ta lâu hơn, giúp chúng ta hiểu sâu sắc vấn đề hơn.
TS Trịnh Xuân Đức bày tỏ, có lẽ trong mỗi người chúng ta đều chỉ biết kỳ vọng ở con cái, cho con cái nhiều điều kiện về vật chất. Bình quân ở Việt Nam đọc rất ít sách, trong khi người Do Thái đọc gấp nhiều lần. Ông mong muốn các bậc phụ huynh nên gây dựng cho con cái văn hóa đọc và biết đọc. Hãy tạo cho các con thư viện hay tủ sách nho nhỏ. Cố gắng hướng dẫn cho con đọc những cuốn sách giá trị của văn học thế giới. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ thành công nhờ việc đọc. Chúng ta phải tạo thành một nền văn hóa trong chính sách của Đảng và Nhà nước để hướng việc đọc sách không chỉ là một thú vui, không chỉ là một sự giải trí mà còn là một văn hóa trong truyền thống của người Việt. Thay vì lễ tế là gói quà hay lì xì thì có thể là một cuốn sách. Ông cũng cảnh báo nguy cơ khi hiện nay công nghệ phát triển, các máy đọc, máy viết đã giúp cho con người, thì khả năng đọc và viết của con người sẽ đi xuống. Đi xuống như là “sự tha hóa” của văn hóa đọc.
Cuối buổi ra mắt tủ sách Minh Đạo, PGS.TS Phạm Hùng Việt công bố việc thành lập Phòng Nghiên cứu Di sản thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển. Trưởng phòng là anh Nguyễn Đắc Tới, Phó phòng là anh Trần Quang Thanh cùng các cộng sự.