Hạnh phúc muộn màng

Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn

18/01/2022 21:28

Theo dõi trên

Trong ngày vui  của bố mẹ, Chiến hãnh diễn đứng lên tuyên bố với mọi người: “Vì chiến tranh, bố của con phải đi chiến đấu nên bây giờ bố mẹ con mới tổ chức được đám cưới… Con hết sức vui mừng được dự đám cưới của bố mẹ, đám cưới tuy muộn nhưng là niềm tự hào của chúng con..”

               

hinh-anh-hoa-hong-leo-dep-021528729-1633077048.jpg
 

 

           Đêm ấy, đơn vị của Trương Quang Sưởng được cấp trên giao nhiệm vụ vượt phá Tam Giang sang cửa Tư Hiền đón lỏng địch chạy từ Huế về Thuận An, ra cửa Tư Hiền để vào Đà Nằng bằng đường biển. Đến gần sáng, đơn vị của Sưởng đã đến được chỗ tập kết và bắt được rất nhiều tù binh chạy trốn… Đấy cũng là trận cuối cùng đơn vị anh giáp mặt với địch quy mô lớn tại mặt trận Trị Thiên.

Chiến tranh đã thực sự kết thúc trên dải đất này, toàn bộ chiến trường Trị Thiên được giải phóng sau bao năm gian khổ và ác liệt. Không hề ngơi nghỉ, Sưởng cùng đồng đội lại lao vào cuộc chiến đấu mới để ổn định cho người dân vùng mới giải phóng. Chính quyền quân quản được thành lập để ổn định tình hình chính trị an toàn trật tự xã hội. Tiểu đoàn của Sưởng là đơn vị quân quản đóng quân trong một xã của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Trưởng ban tác chiến Trương Quang Sưởng được phân công ở nhờ nhà của hai mẹ con dì Nhung và cô con gái tên là Lụa. Cô gái miền Trung 18 tuổi, cái tuổi mới lớn trông thật phổng phao và xinh đẹp…Cánh lính trẻ sau nhiều năm ở rừng về gặp Lụa, cậu nào cũng tấm tắc khen xinh và thầm ước mong sao chỉ một lần nắm tay người đẹp… nhưng suốt ngày lo việc quân quản, hơn nữa lại được cấp trên quán triệt kỉ luật dân vận, nhất là quan hệ nam, nữ nên không cậu nào dám bén mảng đến…

Trung úy Sưởng gần như trúng “số độc đắc” khi anh được đơn vị phân công đến ở nhà Lụa. Sưởng thực sự bối rối khi lần đầu tiên nhìn thấy ánh mắt bồ câu của Lụa lén nhìn mình... Những ngày đầu mới giải phóng, các anh bộ đội được các em ngưỡng mộ lắm, nhất là Sưởng lại là  một sỹ quan có dáng người cao to, đẹp trai nói giọng Bắc ngọt như mía lùi. Tình cảm Lụa và Sưởng  khi ở trong một nhà đã sớm nảy nở ...Một buổi sáng mùa thu tiết trời mát mẻ, dì Nhung có việc phải đi dự đám cưới của đứa cháu họ ở xã bên. Trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại Lụa và Sưởng. Sưởng cắm cúi ngồi bên chiếc bàn cũ hí hoáy xây dựng kế hoạch tác chiến của đơn vị trong thời gian tới, bổng Lụa đi từ phía sau ôm quàng lấy cổ anh, hơi ấm từ ngực người con gái đụng chạm vào lưng Sưởng làm anh bối rối…Sưởng tuy đã gần ba mươi nhưng anh cũng chưa bao giờ có được cảm giác như vậy của một cô gái mang tới, bởi vừa lớn lên anh đã nhập ngũ rồi vào chiến trường đến tận bây giờ. Biết làm sao đây, “đón nhận tình cảm của cô gái mà trong những ngày ở đây anh cũng đã thầm yêu trộm nhớ, hay phải giữ khoảng cách của người lính và người dân” trong đầu anh như một luồng sét đánh…anh định vùng ra khỏi vòng tay của Lụa, nhưng không nỡ, cô càng siết chặt tay hơn bằng một giọng rất hồn nhiên: - Anh Sưởng , em yêu anh thật mà…anh có tin điều đó không?

Trong người Sưởng như có một luồng điện, toàn thân anh nóng ran khi đôi má ửng hồng với làn môi ấm áp của Lụa kề lên má. Sưởng như không làm chủ được mình nữa rồi anh ôm chầm lấy Lụa và hôn trong say đắm…Hai người cứ thế tận hưởng giờ phút hạnh phúc nhất của cuộc đời…Sưởng giật mình bừng tỉnh, anh bật dậy như một chiếc lò xo, những giọt mồ hôi lăn tròn trên hai gò má, anh chợt tự trách mình:

- “Thôi, mình hư hỏng quá rồi… Sưởng ơi mày không chết trong “ hòn tên, mũi đạn” mà chết bởi “viên đạn bọc đường. Bao năm phấn đấu rèn luyện coi như xong cả rồi…” Khuôn mặt Sưởng thể hiện sự đau khổ tột cùng…Như nhìn thấy sự dằn vặt của Sưởng, Lụa khẻ động viên:

- Không sao đâu anh ạ, tại em cả mà…Sưởng vừa cảm thấy xấu hổ vừa ân hận vì một phút bồng bột không làm chủ được bản thân …rồi anh lại chợt nghĩ: “hay mình báo cáo với đơn vị để xin làm đám cưới? nhưng lúc này chưa đúng thời điểm, còn chế độ quân quản mà. Trời ! Sao mình nông cạn như vậy…con đường phấn đấu của mình đang rộng thênh thang, chỉ ít hôm nữa mình sẽ được ra Bắc học sĩ quan, giờ coi như mất tất cả nếu đơn vị mà biết chuyện này…” Trong đầu Sưởng như một mớ bong bong.

Hai hôm sau, Trương Quang Sưởng được lệnh cấp trên ra Bắc để đào tạo sĩ quan chính quy. Trước lúc lên đường, Sưởng và Lụa hẹn nhau đi lên đồi sim…Trăng mùa thu huyền ảo và thơ mộng, thỉnh thoảng những làn gió biển thổi vào mát rượi như cùng hòa vào tình cảm với đôi trẻ…Hai người lặng lẽ ngồi lên bãi cỏ để  tâm sự, Lụa ôm chầm lấy Sưởng khẽ hỏi: - Anh còn sợ nữa không? Hôm trước nhìn anh em vừa thương lại vừa buồn cười quá…

Sưởng đáp lại:

- Sợ chứ em, đơn vị mà biết thì giờ này anh cũng không còn được ngồi đây với em đâu, kỷ luật quân đội là kỹ luật thép…

- Biết sao được, em tự nguyện mà , em không nói thì ai mà biết…

- Nhưng anh vẫn cảm thấy mình làm vậy là không được, một sĩ quan quân đội lại làm vậy với người dân, mất tư cách quá…

- Thôi anh đừng tự dằn vặt mình nữa, chúng mình yêu nhau chứ có phải gian dối gì đâu.

- Nhưng bây giờ chưa phải lúc em ạ.

Lụa cứ sà vào lòng Sưởng rồi hôn lên má và thì thầm:

-  Ngày mai anh cứ yên tâm lên đường đi học, dù bao năm em vẫn đợi, em sẽ không tiết lộ chuyện này với ai đâu kể cả mạ em.

- Cảm ơn em, anh cũng sẽ cố gắng học tập tốt, sau khi ra trường anh sẽ về cưới em…

Hương bồ kết từ tóc của Lụa cùng với hương thơm trên da thịt của người con gái làm Sưởng ngây ngất… và họ lại có một đêm tuyệt vời trên bãi cỏ… 

Trong đơn vị Sưởng, anh em không mảy may biết câu chuyện xẩy ra giữa Sưởng và Lụa. Sưởng ra Bắc học được một thời gian nhưng vẫn chưa có tin tức gì, lúc này Lụa bổng thấy trong người nôn nao, buồn nôn, thèm của chua và sợ mùi mỡ… Nhìn thấy cái cổ gầy cao của Lụa, dì Nhung cũng sinh nghi, nhưng Lụa gạt đi:

- Có gì đâu mạ, con bị cảm đấy thôi...Nhưng làm sao Lụa có thể dấu được mãi khi cái bụng của cô ngày một phình to. Cuối cùng Lụa đành nói dối mẹ là bị một tay buôn chuyến lừa. Cô kiên quyết không khai “tác giả” chính của đứa bé sợ ảnh hưởng đến Sưởng.

Mấy tháng sau, Lụa nhận được thư Sưởng: “ Em thương yêu của anh! Đáng ra anh phải viết thư cho em ngay, nhưng vì chưa ổn định đơn vị, nên đến giờ này anh mới gửi thư cho em. Từ hồi anh đi tới giờ em vẫn khỏe luôn chứ? Còn anh của em vẫn khỏe chỉ tội rất nhớ em. Ban ngày bận huấn luyện vất vả anh cũng khuây khỏa, nhưng đêm đến  nỗi nhớ em da diết trào dâng. Ước gì có đôi cánh để được về bên em được tận hưởng mùi bồ kết từ mái tóc em…” Cuối thư Sưởng viết: “ Anh mong ba năm học tập sớm kết thúc, anh sẽ báo cáo với đơn vị để được về cưới em, đón em về với mẹ anh, nơi Thái Bình quê lúa. Chúc em ạnh khỏe bình an. Hôn em nhiều.”

        Đọc đến đây những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi gò má của Lụa, cô chợt nghĩ: “ Nếu anh biết chúng mình sắp được đón đứa con đầu lòng anh có vui không nhỉ? Chắc chắn là anh vui rồi, nhưng em sẽ không nói với anh đâu sợ anh lo lắng cho mẹ con em…Đến ngày anh học xong, báo cáo đoàn thể rồi lúc đấy anh sẽ được biế...". Lụa ấp bức thư của Sưởng vào bụng giọng thì thầm:

      - Con ạ, bố còn phải đi huấn luyện, bố chưa thể về với mẹ con mình được đâu, sau này bố chắc chắn sẽ về với mẹ con mình, bố sẽ mua nhiều quà cho con. Lớn lên con sẽ nối nghiệp bố đi bộ đội để bảo vệ Tổ quốc con nhé…

       Tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan, lúc này tình hình biên giới Tây Nam có nhiều căng thẳng, Trương Quang Sưởng được cấp trên điều động tăng cường vào chiến trường. Sưởng chỉ kịp viết thư cho Lụa báo tin. Nhận được tin lúc đầu Lụa buồn lắm vì lời hứa hẹn đã không thành, nhưng cô cũng hiểu được rằng đất nước lại có chiến tranh những người lính như Sưởng không thể có phút giây ngơi nghỉ. Đêm đến nằm bên đứa con trai, giọt máu của Sưởng, cô ôm ấp vỗ về:

     - Con ơi bố con không thể về đón mẹ con mình được như lời hẹn ước, bởi đồng bào các tỉnh biên giới phía Tây Nam đang bị địch gây rối và giết hại, mẹ tin có một ngày chiến thắng bố con sẽ trở về…

Trương Quang Sưởng được đề bạt làm đại đội trưởng một đại đội bộ binh, sau đó đơn vị anh được lệnh sang Campuchia, nên từ ấy không có thông tin của anh. Bao đêm trong lòng Lụa như có lửa đốt, cô lo lắng và thương Sưởng lắm. Thế rồi có một ngày, Lụa nhận được tin buồn Sưởng đã hy sinh…Trời đất như sụp đổ cô ôm con vào lòng khóc nức nở:

- Con ơi bố không thể với con nữa rồi, bố không mua quà được cho con, đau xót lắm con ơi. Đứa trẻ năm tuổi không hiểu lắm những gì mẹ nói, nhưng vẫn rơi những giọt nước mắt…Lụa lập bàn thờ của Sưởng để hai mẹ con hàng ngày hương khói và Lụa cũng ở vậy không muốn lấy chồng, bởi trong lòng cô đã có anh…

Lụa đưa mẹ và con trai đi xây dựng kinh tế mới ở một tỉnh Tây Nguyên. Hơn năm năm sau, Trương Quang Sưởng từ chiến trường Campuchia trở về. Anh không bị hy sinh như tin đồn mà Lụa đã nghe, anh trở về vẹn nguyên trong niềm vui chiến thắng. Được nghỉ phép Sưởng tức tốc về thăm Lụa. Nhưng giờ đây người xưa cảnh cũ đâu còn…anh lần mò, dò hỏi tin của Lụa, nhưng anh chỉ được nghe mọi người nói, mẹ con Lụa đã đi lên Tây Nguyên từ lâu. Anh buồn và trở ra Bắc trong nỗi thất vọng…

Đằng đẵng suốt mấy năm trời, Sưởng vẫn kiên trì đi tìm Lụa, tình cờ qua một người bạn chiến đấu, Sưởng đã biết được địa chỉ của Lụa anh quyết định tức tốc lên Tây Nguyên để tìm. Đó là một buổi chiều thu, dưới ánh nắng vàng và làn gió nhẹ, Sưởng rảo bước trên những con đường đất đỏ, hai bên đường hoa quỳ nở vàng, tỏa một mùi hương thơm ngào ngạt. Gặp lại Lụa, Sưởng như không còn tin vào mắt mình…cô Lụa phổng phao xinh đẹp ngày nào nay đã thành một thiếu phụ với nhiều nét nhăn trên mi mắt. Hai người gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, họ kể cho nhau nghe những tháng ngày xa cách…Sưởng kể rằng:

- Sau khi biết Lụa đã đi Tây Nguyên anh xin ra quân trở về quê với mẹ, bố anh đã mất khi anh còn chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên. Về quê cũng có nhiều cô gái trẻ xinh đẹp để mắt đến anh, nhưng anh vẫn ở vậy vì anh không thể nào quên được hình ảnh của Lụa…Hai người đang say sưa tâm sự bổng một thiếu úy quân đội dáng cao to, khỏe mạnh trạc tuổi ngoài hai mười bước vào nhà. Sưởng sửng sốt khi thấy chàng thanh niên này giống mình hồi trẻ quá…Lụa cười dòn vỗ vào lưng anh âu yếm:

- Con trai anh đấy, giờ con đã là trung đội trưởng của một đơn vị chủ lực của tỉnh. Sưởng sung sướng bật dậy ôm chầm lấy con trai. Hai bố con đều rớm rớm nước mặt…Lụa quay sang phía con trai và bảo:

- Bố con về rồi đấy…

Sưởng ôm hai mẹ con Lụa vào lòng để tận hưởng những phút giây hạnh phúc muộn màng và quay lại hỏi Lụa :

- Mạ đâu em? Mạ còn đi lễ chùa phải mấy hôm mới về anh ạ…Đêm đó, Chiến con trai của họ trở về đơn vị, Lụa thì thầm vào tai anh:

- Bây giờ trở về thấy em vừa già, vừa xấu anh có buồn không?- Bậy nào, tìm lại em dù em có trở thành bà lão anh vẫn yêu em như ngày nào. Cảm ơn em đã sinh cho anh một đứa con tuyệt vời…anh hạnh phúc quá em à, cả đời anh chưa bao giờ dám nghĩ đến hạnh phúc lớn lao này. Nói rồi, Sưởng ôm chặt Lụa vào lòng hôn lên làn môi ấm…Hai người lại có những phút giây nồng nàn bên nhau.

Mấy hôm sau, Sưởng cùng Lụa lên ủy ban xã để đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Trong ngày vui bố mẹ, Chiến hãnh diễn đứng lên tuyên bố với mọi người:

- Vì chiến tranh bố phải đi chiến đấu nên bây giờ bố mẹ con mới tổ chức đám cưới…Con hết sức vui mừng được dự đám cưới của bố mẹ … con kính chúc bố mẹ sống hạnh phúc đến ngày đầu bạc răng long và vui vầy bên con cháu…

Sau đám cưới Sưởng đón mẹ từ Thái Bình vào Tây Nguyên sinh sống, cả nhà đoàn tụ sau những năm chiến tranh xa cách. Mẹ của Sưởng rất vui mừng và hài lòng vì có được cô con dâu vừa đẹp người, đẹp nết, có đứa cháu đích tôn mạnh khỏe, giỏi giang đang tiếp bước cha anh trên con đường quân ngũ, bảo vệ vững chắc bờ cõi, Tổ quốc thân yêu. Hạnh phúc của Sưởng và Lụa tuy đến muộn màng nhưng đã được thử thách qua nhiều năm tháng./.

 

Bạn đang đọc bài viết "  Hạnh phúc muộn màng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn