Hãy vững tin lên con!

Thưa thầy, con cảm ơn thầy, con đã làm thầy và lớp phải khổ vì con. Con không đủ can đảm để đi học tiếp.
1-hay-vung-tin-1632110430.jpg
 

Hạnh là một học sinh hơn các bạn cùng lớp 3 tuổi mà tôi chủ nhiệm. Có lẽ vì thế mà em tỏ ra rất lì lợm, ngang ngược chẳng biết sợ ai với sự hay gây gỗ với các bạn trong và ngoài lớp.

Chữ viết của em rất xấu, hành văn chẳng thành câu, tự ý nghỉ học rất tùy tiện khiến thành tích của lớp luôn đi xuống. Các giáo viên bộ môn luôn than thở với giáo viên chủ nhiệm về những thói hư, tật xấu của em khiến tôi bực mình phạt em trực nhật lớp.

Hạnh không đến lớp. Một ngày. Hai ngày.  Chỗ em ngồi trống vắng.

Tại sao em lại nghỉ học nhỉ? Phải chăng em bị bệnh không đi học được? Phải chăng em tự ái vì mình là học sinh cá biệt, lớn tồng ngồng nhất lớp nên nghỉ học?

Hạnh nghỉ học, tôi lo lắng.

Tan trường, tôi cùng học trò đến nhà Hạnh để tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp vận động, giúp đỡ.

Bố mẹ Hạnh niềm nở tiếp và xin lỗi vì đã để thầy và trò vất vả đường xa đến thăm gia đình. Riêng Hạnh thấy thầy cùng các bạn tới liền trốn biệt ở sau nhà.

Khi mẹ Hạnh dẫn em ra gặp thầy, em rất hoảng sợ, có lẽ em nghĩ tôi sẽ vạch tội trạng của em ở trên lớp cho bố mẹ em biết. Thế nào chiếc roi dắt sẵn trên vách nhà của cha, mẹ sẽ thẳng tay tạo lên những lằn đỏ trên thân thể em, đau đớn.

Tôi đến bên Hạnh, xoa đầu, vỗ vai em, dịu dàng an ủi.

Hạnh ơi, trong cuộc sống đôi khi cũng xảy ra một số hiểu lầm, xích mích và đó chỉ là một nỗi buồn thoáng qua mà ta phải vượt qua. Có lẽ, chính vì thế mà con đã nghỉ học mấy ngày qua. Con  hãy cố gắng lên, đừng vì một chuyện nhỏ mà làm hỏng hết con đường học tập, tương lai của con. Hãy nghe thầy trở lại lớp. Thầy và các bạn rất nhớ, yêu quý con, đang mong chờ con từng ngày, từng giờ trở lại lớp học.

Hạnh ngước khuôn mặt đầm đìa nước mắt, vòng hai tay, giọng mếu máo: “Thưa thầy, con cảm ơn thầy, con đã làm thầy và lớp phải khổ vì con. Con không đủ can đảm để đi học tiếp”.

Tôi lấy trong túi ra một tập vở hồng, một chiếc bút xinh xinh trao cho Hạnh: “Đây là phần thưởng của thầy dành cho sự dũng cảm của con. Hãy vững tin lên con! Thầy và các bạn luôn ở bên con”.

Thế rồi Hạnh trở lại lớp trong tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt của lớp. Từ đó, tôi  dành sự quan tâm đặc biệt tới em. Tôi ra sức rèn chữ, sửa từng lời đọc, cách giải từng bài toán, luôn gần gũi, trò chuyện với em để giải tỏa tâm lí tự ti trong em. Tôi vận động những em học giỏi lập thành một ban hỗ trợ và thường xuyên giúp đỡ Hạnh trong học tập. Có khi, tôi còn rủ em ở lại nội trú để kèm cặp thêm.

Trải qua một thời gian kèm cặp, uốn nắn, nhận thấy ý thức tự giác của em tăng lên rõ rệt, học tập ngày một tiến bộ vươn lên học sinh trung bình, học sinh khá, tôi rất mừng và hạnh phúc. Đặc biệt, Hạnh đã vượt qua được mặc cảm, vươn lên hòa nhập cùng các bạn trong các phong trào của nhà trường và trong học tập. Bố mẹ em rất vui khi thấy con mình học tập ngày càng tiến bộ, có trách nhiệm với lớp, với trường và với gia đình.

Trong không khí hân hoan của buổi tiệc cuối năm, tôi thấy Hạnh cứ bịn rịn mãi bên tôi không muốn rời. Khi chia tay, em lễ phép tặng tôi một cuốn sổ tay thơm phức mùi giấy mới, bên trong có ghi dòng chữ: Tặng thầy giáo vĩ đại nhất của em!

Học hết phổ thông, Hạnh đi bộ đội sau đó chuyển ngành sang làm cán bộ kiểm lâm tại Phong Nha – Kẻ Bàng và lập gia đình ở đó.

Thầy trò chúng tôi vẫn thường gọi điện, chat, email hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của nhau, cùng thường nhắc hoài về những kỉ niệm của ngày xưa.

Hạnh lúc nào cũng xuýt xoa về chuyện cũ. Cu cậu bảo, nhờ có thầy mà em mới có ngày hôm nay, công ơn đó không gì bù đắp được, thầy là người thầy giáo vĩ đại nhất của em! Còn tôi, tôi mừng cho em đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong học tập kiến tạo cuộc sống bản thân ổn định như ngày hôm nay.