Hiếu động - Cái ống nhựa (tiếp theo và hết)

Đoàn Tố Tài

23/01/2022 22:36

Theo dõi trên

    Ai ui… Mình cảm thấy muốn khóc nữa, muốn trách giận bác bảo vệ. Nếu bác ấy đừng có phạt bọn mình thì ai mà biết đấy là đâu ?... Ai mà biết được rằng, để được sung sướng tự do thỏa thích chơi vui như hôm nay, chúng mình đã phải trả giá bằng một hình phạt nặng như thế này. Rồi bố mẹ sẽ biết chuyện! Hu…hu… Nghĩ đến bố mẹ, mình lại bật khóc nẫu nề. Còn thằng H thì cũng đang thút tha thút thít không sao nín được!…

1-co-giao-vung-cao-1631386322.jpg
 

      Thưa các cô giáo và toàn thể các cháu trường ta! Chắc tất cả chúng ta đều biết nội quy của nhà trường là, học sinh đi học phải đúng giờ. Tức là, không được đi sớm quá, mà cũng không được đi muộn quá! Đúng thế không các cháu ?!

     - Đúng ạ! Tiếng học sinh toàn trường đồng thanh vang lên đáp lời bác bảo vệ.  

     Nhưng hôm nay! Đúng không? Hôm nay! Bác ngoảnh mặt lại trợn trừng mắt nhìn hai chúng mình hạ giọng hỏi:

      - Hai đứa mày tên là gì? Học lớp mấy, cô giáo nào?!

    Bác chìa mi - cờ - rô bắt chúng mình khai:

      - Thằng này nói! Thằng này nói! Không được khóc! 

      - Cháu tên là…! Còn cháu tên là  Lớp 2c... Cô giáo cháu là... Hu! hu…! Chúng cháu xin lỗi bác! hu! hu!

      Ai ui… chết thật rồi, chết thật rồi. Vừa nhắc đến cô giáo thì mình thấy ngay cô giáo đứng gần đó đang nhìn chúng mình với ánh mắt trách móc với nét mặt cô đăm đăm buồn, lo. Các bạn lớp mình và hàng trăm cặp mắt tròn xoe của các bạn toàn trường thì nhìn dồn về phía hai đứa như chế giễu. Trời ơi là trời! Mình vừa sợ vừa xấu hổ quá đi mất! Run lên rồi nè… May mà lúc nãy mình và thằng H đã rủ nhau đi “tè” rồi, không thì …

     Còn bác bảo vệ thì, quyết không tha cho hai đứa mình. Có mỗi thế thôi mà bác ấy cứ oang oang hàng lô hàng lốc tội, nào là: Thường xuyên đến trường sớm, chạy đuổi nhau như giặc khắp sân trường, khắp hành lang từ tầng 1 đến tầng 3 và la hét ầm ĩ. Trèo lên cả mái bằng nhà vệ sinh, không biết sợ bẩn, sợ ngã là gì ?...”.

       Rồi bác ấy bắt chúng mình từng đứa xin lỗi và hứa hẹn trên mi-cơ-rô trước toàn trường: “Từ nay phải đi học đúng giờ, không được tái phạm khuyết điểm như hôm nay.”. Mình run quá, muốn có cái chăn ở đây mà chui vào để cho không ai thấy mặt!

     Đã thế bác ấy còn quát chúng mình :

    -  Im! Không được khóc!

    - Hu…! Hu…! Chúng mình càng khóc to hơn như tiếng còi rồi im bặt làm cho cả trường được một trận cười ầm ĩ.

     Mình thầm nghĩ: “Thà rằng từ lúc nãy bác ấy quất cho chúng mình một trận no đòn rồi tha hai đứa mình vào lớp còn hơn.”. Lại còn ánh mắt vẻ mặt của cô giáo nữa làm mình sợ hơn cả bố mẹ ở nhà…

     Ai ui… Mình cảm thấy muốn khóc nữa, muốn trách giận bác bảo vệ. Nếu bác ấy đừng có phạt bọn mình thì ai mà biết đấy là đâu ?... Ai mà biết được rằng, để được sung sướng tự do thỏa thích chơi vui như hôm nay, chúng mình đã phải trả giá bằng một hình phạt nặng như thế này. Rồi bố mẹ sẽ biết chuyện! Hu…hu… Nghĩ đến bố mẹ, mình lại bật khóc nẫu nề. Còn thằng H thì cũng đang thút tha thút thít không sao nín được!…                                                         

     … Lúc vào lớp, trước giờ học, cô giáo gọi mình và thằng H đến bên bàn. Cô đưa tay ra hiệu cho cả lớp trật tự rồi từ từ hỏi nhỏ hai đứa mình. Gọi là hỏi nhỏ, nhưng cả lớp đều cùng nghe rõ mồn một về những điều đáng lo của cô:

     - Thế lúc hai đứa con cúi đầu hét a… a… vào cái ống trên sân trời nhà vệ sinh ấy, các con có nhìn thấy gì trong đó không ? Hai con ngửi thấy mùi gì trong đó? Thế nhỡ chẳng may lộn cổ ngã vào đấy, trong cái ống không thấy đáy đâu ấy thì ai có thể cứu được các con? Cái ống ấy có thể rơi lọt được đứa trẻ con như các con đấy! Các con thấy có sợ không?

     Rồi cô cất cao giọng hơn để nói cho cả lớp:

     - Các con có biết cái ống nhựa mà hai bạn DH và H đứng gần chơi người ta dùng vào việc gì trên ấy không ? Đó là cái ống thông hơi, xả mùi hôi thối của hầm chứa phân nhà vệ sinh. Bởi vậy nó rất bẩn, rất độc hại, có thể gây chết người nếu như mũi người ta hít phải hơi bẩn đó... Các con có hiểu không? Vì thế chỗ đó không phải là chỗ chơi cho bất kì ai. Vì thế học trò nào vi phạm sẽ bị phạt như hai bạn DH và H. Các con rõ chưa? Nên tốt nhất, qua sự việc hôm nay các con phải nhớ: cần đi học đúng giờ, tránh chơi chỗ nguy hiểm vắng người qua lại! 

     Cả lớp nghe lời cô đồng thanh: “Vâng ạ ” trong nỗi sợ sệt kinh hoàng. Còn cô như vẫn chưa yên lòng. Cô vẫn như còn muốn răn dạy nhiều điều cho lũ nhỏ trong đó có hai đứa mình.                  

     Rồi suốt buổi học hôm ấy mình thấy cô giáo không hề cười. Cả lớp cũng chẳng ai dám cười một tiếng. Thỉnh thoảng cô liếc nhìn hai đứa mình như còn trách giận, dè chừng, chưa thể yên lòng … “Con thưa cô, con thấy rất thương cô! Cô có biết không? Lúc này đây, con không sao nói lên được những điều con muốn nói là: con đã biết lỗi rồi! Con thầm hứa với cô sẽ chẳng bao giờ dám bén mảng lên chơi trên đó nữa. Con chẳng dám đến trường quá sớm trước giờ học làm cho cô lo lắng. Cô hãy tin ở chúng con! ”.

     Mấy hôm sau, mình tưởng cái chuyện mà mình và thằng H bị phạt rồi sẽ qua đi, dần dần cô sẽ vui vẻ trở lại. Nhưng  không, cô có vẻ còn lo lắng hơn, vội vã hơn và càng cẩn thận hơn trong việc trông dạy lớp mình.

     Rồi đầu giờ một buổi bọc, cô nhanh chân bước vào lớp với vẻ mặt phấn khởi khác thường, thông báo cho cả lớp biết một tin mừng: “Các con, nhà trường đã cho người quấn dây thép gai xung quanh cái ống thông hơi trên sân trời nhà vệ sinh, làm cửa khóa lối đi lên cầu thang và ghi biển: “CẤM NGƯỜI KHÔNG CÓ PHẬN SỰ LÊN SÂN! ”.

     Dứt lời thông báo, cô cầm viên phấn màu đỏ viết lên bảng thật nắn nót dòng chữ nội dung biển cấm rồi bắt nhịp cho cả lớp đồng thanh đọc vang dòng chữ ấy một lần, và tất cả cùng rộ lên một tràng pháo tay hòa với tiếng “hoan hô ” như bài đồng ca mừng tin vui thắng lợi. “Hoan hô nhà trường! … Hoan hô nhà trường!…”. Có tiếng cô trong trẻo nhiệt tình cất cao hơn như để lĩnh xướng phối hợp với bài đồng ca tuyệt mĩ:

     - Hoan hô bác bảo vệ! Chúng ta hãy hoan hô bác bảo vệ nữa các con ạ! Vì nhờ có bác nghiêm khắc, kịp thời nhắc nhở chúng ta và bảo vệ an ninh nhà trường cho chúng ta yên tâm học tập! Các con thấy có đúng không ?! ...

     - Đúng ạ! Hoan hô bác Bảo vệ, hoan hô!...

     Tiếng trẻ thơ lại một lần nữa vang lên như phá tan đi nỗi lo buồn tự nhiên ám ảnh không khí lớp học mấy hôm nay.

     Bác bảo vệ chắc sẽ rất vui nếu bác ấy nghe thấy tiếng hoan hô của học sinh lớp mình? Còn mình, mình thấy không trách không giận bác nữa mà càng thấy quý trọng, biết ơn bác hơn. Ra vào cổng trường, gặp bác là chúng mình thi nhau lễ phép khoanh tay chào: “Cháu chào bác ạ! ”. Mình thầm hứa sẽ không bao giờ dám vi phạm nội quy nhà trường để bác đỡ vất vả. Còn nữa, mình và các bạn đã hiểu ra vì sao có sự lo lắng, vội vã và cẩn thận hơn của cô giáo?- Đó là vì cô rất yêu thương hoc sinh đấy. Đó là vì cô muốn làm gì có thể làm được cho học sinh của mình và VÌ HỌC SINH THÂN YÊU!     

*

Một hôm, vào đầu giờ học ca chiều vừa từ cổng trường bước vào sân, cô giáo tôi chứng kiến ở giữa sân một chị mẹ học sinh tay cầm cái ô màu đỏ quay ngược đánh tới tấp vào chân thằng con nghe lật phật lật phật như tiếng phủi bụi. Đúng là một chuyện lạ có thật đấy. Thằng con chạy vòng quanh mẹ. Nó khóc to, nhưng chị ta vẫn không tha cho nó, cứ tay đánh miệng quát tháo ầm ĩ như quát ai: “Trốn học này!trốn học này!Từ nay mày còn trốn học nữa hay không? ”. Nhẽ ra thằng con phải trả lời: “Vâng, con không dám trốn học nữa!” thì nó cứ gào to tướng lên: “Con ứ học cô TH!Con ứ học cô TH..! ”. Cô tôi thấy cô TH Đứng bên lan can lớp học nhìn ra, biết điều đó nhưng im lặng không can thiệp. Cô thấy khó sử vì nhận ra thằng học trò đó là thằng DH học sinh lớp mình. Nó bị mẹ đánh vì tội trốn học ư? Sao cô vẫn thấy nó đi hoc hằng  ngày cơ mà? Cô cảm thấy có vấn đề về thằng học trò này. Nhưng sao không có ai, kể cả bảo vệ cũng không nói gì khi một phụ huynh học sinh gây náo loạn như thế giữa sân trường? Mà, chị ta cứ như mượn chuyện đánh con để thể hiện quyền lực làm mẹ và như để đánh tiếng mắng cô giáo hay sao ấy? Thấy bất ổn, cô tôi  liền đánh liều bước tới can mẹ DH: “Xin chị đừng đánh cháu nữa, chị để tôi dỗ thằng bé xem sao? ”. Thấy cô giáo tỏ ý bênh vực, thằng DH nín lặng, nó ấm ức giận mẹ và theo cô dắt tay về lớp. Còn mẹ nó vẫn giơ cái ô lên chỉ theo nó dọa: “Về nhà, mày sẽ chết với tao!”.

     Vào lớp, chờ cho DH bình tĩnh, cô lại gần hỏi nó: “DH,  con bị mẹ đánh vì tội trốn học cô TH? ”. Thằng DH buồn rầu trả lời:  “Con không thích học cô TH, tại cô ấy đánh con rất đau, suýt chảy máu chân đây này, con sợ lắm!”. Nó đưa chân cho cô xem vết bầm tím rớm máu còn lằn do cô TH vụt bằng thước kẻ gỗ dài to bản thật. Cô dỗ nó: “Thôi, không sao rồi con. Cô giáo giống như mẹ con bực mình đánh một cái nhẹ cho đỡ tức.”. “Nhưng, cô ấy đánh con đau thật chứ không nhẹ đâu mà càng tránh càng khóc cô ấy càng vụt cho đau hơn!”. “Và bố mẹ con đã biết chuyện này?”. “Con không muốn bố mẹ con biết nhưng lúc tắm cho con mẹ con nhìn thấy vết thước rõ ràng nên con đành phải khai thật! ”.  “Tội cho con quá!Nhưng may cô ấy chỉ đánh con vào chân, mà vì sao con bị cô TH đánh? ”. DH: “Tại con nói chuyện trong giờ học, không nghe giảng.”. “Và tại con lại hiếu động chứ gì?”. Cô hỏi DH câu đó và hiểu ra “trận đòn ô” mà nó phải hứng chịu là dành cho ai rồi?. Thế đấy, người ta,  có phải ai cũng có thể thông cảm với cô giáo để rồi đối diện với nhau tìm cách dạy bảo con cái một cách đúng nhất. Và, lúc mà tức lên thì … còn gì đâu để mà quên với nhớ … 

     Rồi cô nói cho DH: “Con đã sai, thảo nào? Bây giờ chỉ còn một cách tốt nhất đối với con là: từ nay về sau con phải tiếp tục học tốt tất cả các môn học mà cô TH dạy. Nếu không, con sẽ không có điểm, thì cô không có quyền cho con lên lớp 4 đâu. Con có hiểu không? Vì lớp mình năm nay là do cô và cô TH dạy chung  mà? ”. DH: “Vâng, nhưng sao nhà trường lại cho cô và cô TH chung lớp làm con không thích? ”. Điều này quá dễ hiểu đối với cô nhưng học sinh và cha mẹ học sinh thì cần gì phải hiểu. Vì vậy cô không trả lời DH mà lại hỏi nó: “Còn chuyện trốn học là thế nào? Mẹ con đánh con tội trốn học, nhưng cô vẫn thấy con đến lớp mà? ”. DH trả lời tỉnh khô: “Con chỉ đến lớp buổi sáng để học cô thôi. Còn thì con ra ngoài đường chơi đến chiều tan học chờ bố con đến đón về.”. Cô hiểu ra,buột miệng kêu: “Á à, thì ra là thế! ”. Rồi cô nghiêm khắc ra lệnh: “Từ nay con không được trốn học nghe chưa. Nếu con trốn học cô sẽ đưa chuyện này trước toàn trường cho mọi người biết. việc thứ hai, con có biết, đứng chơi một mình ngoài đường rất nguy hiểm vì nhỡ con bị mẹ mìn bắt cóc cho làm con nuôi nhà khác, con không về nhà với bố mẹ được thì sao?. Nghe cô nói thế DH thấy sợ, nó run run, mắt lơ láo nhìn cô hỏi: “Mẹ mìn là gì hả cô? ”. “Là kẻ ác  chuyên bắt cóc trẻ con đem bán cho kẻ khác ở rất xa ấy. Nếu ai mà bị nó bắt đi thì khó mà về được. Con có hiểu không? Hôm nay con về nhà xin lỗi bố mẹ, mai đến lớp xin lỗi cô TH và xin cô TH cho con vào lớp nhé !”

     Đối với những học trò như DH cô tin rằng chỉ cần dỗ dành  nhẹ nhàng, có tình có lí, tỏ ra hiểu, thông cảm cho nó, đừng nên dồn nó đến cùng, là dạy được, vì nó ngoan, dễ gần, không lảng tránh cô giáo.

    … Cô tưởng cái chuyện trốn học của thằng DH đã kết thúc, mà cũng đã kết thúc thật. Nó vui vẻ chịu học giờ cô TH dạy. Chắc cô TH cũng phải xin lỗi nó và rút kinh nghiệm. Nhưng mấy hôm sau, vào giờ ra chơi, cô ngồi bên bàn chấm bài. Thằng DH lại đến khe khẽ đứng trước mặt cô. Cô lại dừng bút nhìn nó chờ đợi xem nó có điều gì muốn nói. Nó lại nhảy nhảy cái chân,  mắt nhìn cô tít mít, miệng nhoẻn cười bắt đầu câu chuyện: “Con thưa cô, con thưa cô …thật ra hôm nọ mẹ con còn đánh con về một chuyện.”. – “Chuyện gì con? ”. DH: “Là hôm rằm, mẹ con thắp hương một con gà nặng gần 2 cân. Anh con cứ đố con ăn hết con gà ấy. Con đồng ý. Thế là lúc mẹ con đi đâu đấy con và anh con ngả con gà trên ban thờ xuống xé thịt chấm muối lá chanh. Hai anh em con thi nhau ăn hết thịt gà, chỉ còn bộ xương. Thịt gà luộc ngon lắm cô ạ. Mẹ con về thấy chỉ còn bộ Xương, hỏi anh con lại đổ cho con, thế là mẹ con đến trường đánh con. ”. Cô nghe thằng DH nói đến đây bật cười ha há không sao nín được. Thằng DH cũng cười. Rồi nó chạy tung tăng ra ngoài tiếp tục giờ chơi thật hồn nhiên, thật tự do … Nhưng cô đã hiểu ra vì sao thằng DH lại nói với cô chuyện này? Chẳng qua nó muốn nhẹ cái tội trốn học của nó, và vì rằng nó có thể hiểu mẹ nó đã đến tận trường mượn cớ đánh con mình để cạnh khóe mắng cô giáo chứ gì? Nó khôn gớm, biết né tránh, biết bênh khéo mẹ, biết lấy lòng cô giáo đấy chứ? Còn mẹ nó, xử sự như thế liệu chị ta nghĩ gì?... 

     Rồi, vào cuối buổi tổng kết năm học ấy, mẹ DH đã gặp cô giáo tôi và nói: “Em thưa cô, sang năm cô có được theo lên dạy lớp 4 không ? và cô có phải dạy chung lớp với cô giáo nào không ạ?”. “Tôi không theo dạy lớp 4, còn chung lớp thì tôi chưa biết, mà chị hỏi thế để làm gì?”. “Em thưa cô, nếu thế thì em sẽ xin chuyển trường cho con em.”. “Vâng tùy chị, nhưng cho con học trường này tiện gần nhà đỡ vất vả cho anh chị hơn, mà các cô giáo lớp 4 lớp 5 rất tốt chứ chị chuyển trường thì tôi e trường nào cũng thế thôi. Vậy chị sẽ xin chuyển cho con vào trường nào? ”. “Em thưa cô em chuyển cho con sang  trường khác chắc là tốt vì em có người quen cô ạ. Với lại em cũng muốn thay đổi không khí cho con xem nó có tốt hơn không. Em có thằng lớn học lớp 4 lớp 5 ở trường này rồi, cũng chán lắm cô ạ. Em sợ thằng này cũng lại chán như thế.”. “Vâng, thôi không sao, thì cũng đành vì ý chị đã quyết ….”Cô tôi trả lời xuôi chiều cho mẹ DH hài lòng.

     Rồi vào một buổi bàn giao danh sách học sinh lên lớp 4, trước khai giảng năm học mới 2 tuần lễ, khi kiểm tra lại tập học bạ học sinh, cô thấy thiếu 1 quyển và trong trang danh sách học sinh được lên lớp, tên của 1 học sinh bị gạch chéo là DH, lí do: chuyển trường !...   Lặng đi giây lát …  Cô nhớ DH hơn nhiều so với những học sinh trong tập hồ sơ sẽ bàn giao cho cô giáo mới hôm nay!

 

 

Theo Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Hiếu động - Cái ống nhựa (tiếp theo và hết)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn